Thứ bảy, 23/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Lá – Năm C (Lc 22,14-23,56)

Cập nhật lúc 10:15 08/04/2022

 
VÔ CẢM
 
WMTGHH - Khởi đầu Tuần Thánh với Chúa nhật Lễ Lá hôm nay, người Kitô hữu được mời gọi tiến bước với Đức Giêsu trên đường thương khó. Cùng đi với Chúa vào hành trình đó, chúng ta bắt gặp bao dáng hình, bao kiểu người của xã hội xưa và nay, và đâu đó chúng ta cũng thấy thấp thoáng hình bóng của chính mình: Hùa theo chủ nghĩa đám đông như dân chúng? Phản trắc như Giuđa? Nhát gan như Phêrô? Tò mò như Hêrôđê? Quỷ quyệt như các thượng tế, hay lãnh đạm, vô cảm như Philatô?
Cùng bước với Đức Giêsu trên con đường thương khó, khởi đi từ bữa Tiệc ly và suốt chặng đường cho đến khi kết thúc nơi đỉnh đồi Golgotha, Thiên Chúa đã bày tỏ cho con người thấy một tình yêu khôn tả, một tình yêu đến tận cùng. Nhưng bên cạnh đó, Người cũng cho chúng ta thấy những bộ mặt vô cùng biến sắc của nhân loại. Trong khung cảnh đó, chúng ta nhìn thấy một Giuđa phản trắc, đó là người môn đệ Chúa đã yêu mến hết tình, đã cùng ăn, cùng chia sẻ với Người lúc thành công cũng như khi thất bại. Vậy mà đến lúc này lại tra tay nộp thầy chỉ với 30 đồng bạc. Không biết Giuđa nộp Thầy vì lí do gì, nhưng hành động của ông vẫn thật đáng trách, đến nỗi Đức Giêsu đã phải thốt lên “thà nó đừng sinh ra thì hơn”. Chúng ta cũng gặp thấy một Phêrô nhát đảm, đã chối Thầy đến cả ba lần trước một người tớ gái, dù trước đó ông đã hùng hổ tuyên bố “Lạy Chúa! Dù có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng” ( Lc 22,33 ). Rồi cuối cùng là một nhận định chung về tất cả các môn đệ “Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết(Mt 26,56). Cùng đi với Đức Giêsu đến thượng hội đồng của Người Do Thái, một Hội Đồng được tổ chức ngay trong đêm Người bị bắt. Ở đây, chúng ta bắt gặp thấy những gương mặt xảo trá, gian ngoan của các bậc lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ. Suốt hành trình rao giảng, Đức Giêsu không ngừng lên án bộ mặt giả hình của những người này, và ở đây bộ mặt công chính, thánh thiện giả dối của họ được lột bỏ bởi chính họ. Tại sao lại có một hội đồng xét sử diễn ra ban đêm? Có cả một hội đồng xét xử nhưng tội nhân lại chỉ có một mình? Rồi họ ngang nhiên cắt ngang cắt dọc những lời rao giảng của Người để tạo thành chứng cớ tố cáo Người. Họ là những người thừa biết luật lệ như thế nào, nhưng vì sự ganh tị quá lớn khiến họ trở nên mù quáng, bất chấp. Sau khi ra khỏi thượng hội đồng, họ dẫn Người đến dinh tổng trấn. Và ở đây chúng ta bắt gặp một vị cầm quyền nhu nhược, lãnh đạm, vô cảm, tham quyền cố vị. Cùng đứng với Đức Giêsu ở đây, chúng ta cảm thấy có một nỗi nghẹn ngào xen lẫn cả uất ức trước thái độ của quan tổng trấn Philatô. Dân chúng đã tố cáo Người là kẻ “xúi dân nổi loạn”, “ngăn cản việc nộp thuế cho hoàng đế Ceza” và “tự xưng mình là vua”. Chắc chắn ông ta thừa biết đó là những lời cáo gian, vì ông là một quan tổng trấn, những việc gì xảy ra trên địa bàn của ông lẽ nào ông lại không biết. Và chính ông, sau khi đã trò chuyện với Đức Giêsu, chắc chắn ông nhận thấy Người là người hiền lành, cả ba bốn lần ông khẳng định Người “chẳng có tội gì đáng chết”, và cả vua Hêrôđê cũng thấy như vậy. Thế mà, ông vẫn quyết định trao Người cho đám đông mang đi xử theo ý họ muốn. Sự thật đã bị dập tắt bởi dư luận đám đông và thói tham quyền cố vị của nhà cầm quyền. Và Đức Giêsu đã bị họ đem đi xử tử theo ý của đám đông, chứ không phải theo luật pháp và công lí. Tuy nhiên, công lí không cần phải được biện minh bằng những lí luận dài dòng hay những lời biện bác uyên thâm, chân lí dù có bị vùi dập trong đêm đen của bất công, thì cũng vẫn là chân lý. Dân chúng sống theo chủ nghĩa đám đông, các bậc chức sắc tôn giáo thì nham hiểm, nhà cầm quyền thì tham quyền cố vị, bạn bè thân hữu thì phản trắc, bỏ rơi. Tất cả những điều đó cấu kết với nhau tạo thành một thế lực đen tối mạnh mẽ tưởng chừng có thể vùi dập được sự thật. Nhưng không phải thế, sự thật dù thinh lặng, chân lý dù im tiếng vẫn rực sáng, điều đó được thể hiện trong lời tôn vinh Thiên Chúa của viên đại đội trưởng: “Quả thật người này là người công chính” (Lc 23,47). Và nơi người trộm lành, anh đã nhận thấy gương mặt của Thiên Chúa qua sự thinh lặng đầy yêu thương, qua những câu nói đầy lòng nhân hậu dù những gì Người nhận được nơi con người chỉ toàn là “của đắng”. Cũng thế, tất cả đám đông và những người đã góp phần làm nên cái chết của Đức Giêsu chắc chắn cũng nhận ra điều đó khi Người trút hơi thở cuối cùng trên thập giá.
Đứng trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu qua bài thương khó hôm nay, mời gọi tôi và bạn cùng nhìn vào thế giới thực tại. Xung quanh tôi giờ đây cũng lặp lại không biết bao nhiêu những cuộc thương khó như Đức Giêsu nơi anh em đồng loại. Trong mỗi bối cảnh lại tái họa lại những khuôn mặt đã từng hiện diện trong vụ án của Đức Giêsu. Thật vậy, bối cảnh xã hội hiện tại cho chúng ta nhìn thấy ngày càng nhiều những bộ mặt phản trắc của anh em bạn bè, của những người thân hữu, kể cả là những người thân cùng huyết tộc. Con cái bán đứng cha mẹ, anh em lừa lọc, chém giết lẫn nhau vì mét đất, vợ chồng chém giết nhau vì nghi ngờ, ghen tuông mù quáng. Chúng ta cũng có thể gặp thấy những con người nhát đảm, sẵn sàng chối bỏ tình thân khi người thân gặp nạn vì sợ bị liên lụy. Chúng ta cũng có thể bắt gặp những vị mục tử chưa có lòng thương xót. Cách đặc biệt, chúng ta thấy một cách rõ ràng sự dửng dưng lãnh đạm trước những bất công của cuộc đời. Thật vậy, sống giữa bối cảnh xã hội hôm nay, người ta nhận thấy chân lí dường như là một điều gì đó xa xôi vời vợi, chân lí thuộc về những ai có tiền, có quyền, còn những người nghèo khó, những người thấp cổ bé miệng thì sẽ bị xử lí theo “ý họ muốn”. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chẳng hề thấy thiếu vắng những người sống theo chủ nghĩa đám đông, ai sao tôi vậy, chẳng cần biết đâu là sự thật, cũng chẳng cần ý thức sự a dua của mình có thể bóp chết một kiếp người. Ấn một nút share, thả một comment có hề hấn gì đâu vì chẳng có ai biết tôi là ai, để rồi vô tình một cách vô trách nhiệm, chúng ta đẩy một con người đi vào đường cùng. Cùng với đó, chúng ta cũng bắt gặp bóng dáng của mình thấp thoáng nơi ai đó. Có thể tôi cũng là một trong những số đông đang dơ tay đòi kết án anh em đồng loại, trong khi tôi chẳng biết rõ sự tình thế nào, nhưng tôi thấy đám đông đang reo hò nên tôi cũng chen vào ủng hộ. Có thể tôi cũng giống như Phêrô, vì sự an toàn của bản thân mà từ chối, quay lưng với đồng loại để đi tìm cho mình một nơi ấm áp bên cạnh bếp lửa trong đêm đông. Tôi cũng bắt gặp hình bóng của tôi trong bóng dáng của Philatô, lãnh đạm vô cảm trước sự thật, dù biết người khác vô tội nhưng sợ ảnh hưởng đến lợi ích của bản thân nên đành im lặng phó mặc cho sự đưa đẩy của tiền và quyền. Tôi cũng thấy tôi trong những lính tráng buông lời chế giễu, chê bai những tội nhân khốn khổ, hay những người hèn mọn mà đáng ra tôi cần nâng đỡ họ bằng những lời yêu thương hay ít ra là một lời nguyện cầu ngắn ngủi. Tuy nhiên, giữa những khuôn mặt đầy bụi bặm đó, chúng ta vẫn nhìn thấy khuôn mặt đầy yêu thương của Chúa. Trước sự phản bội của Giu-đa, Chúa biết và Người liên tục mời gọi ông trở về. Trước sự phủ nhận của Phêrô, Chúa đã nhìn đến ông với lòng thương cảm. Trước sự sự gian trá của những nhà lãnh đạo tôn giáo, Người chẳng hề to tiếng, cũng chẳng chống lại. Trước sự hung dữ, bạc bội của đám đông, Người đã cầu xin ơn tha thứ. Đó mới là gương mặt mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta chiêm ngắm trong suốt hành trình thương khó. Nhìn vào gương mặt ấy, để chúng ta dám đối diện với những khó khăn, bất trắc của cuộc đời. Nhìn vào gương mặt ấy để chúng ta thấy rằng, sự thật dù có bị vùi dập thì vẫn là sự thật, có qua đau khổ mới tới vinh quang.
Lạy Chúa Giêsu, suốt cả hành trình khổ nạn, bên cạnh Chúa chỉ thấy những gai góc cuộc đời, không có bạn bè thân hữu, chẳng có người giúp đỡ chở che. Thế nhưng giữa những bội phản của con người, Chúa vẫn bày tỏ cho chúng con thấy gương mặt đầy yêu thương và giàu lòng thương xót. Sống giữa bối cảnh xã hội hôm nay, bên cạnh chúng con còn nhiều anh em phải chịu những bất công, oan khuất, họ không thể biện minh cho mình vì thấp cổ bé miệng, vì không có tiền, không quen ai có quyền. Sự lãnh đạm, vô cảm, bội phản có mặt ở khắp mọi nơi trong mọi lãnh vực, người nào biết người ấy, nhà nào biết nhà nấy, tình bằng hữu, xóm giềng cũng nhạt dần, chẳng còn “tắt lửa tối đèn có nhau”. Xin Chúa dạy chúng con khi nhìn lên Chúa, chúng con nhận ra thân phận của mình, biết nhìn sang anh em đồng loại để có thể nói một lời cảm thông, để dám ghé vai gánh đỡ cho nhau gánh nặng cuộc đời, để có thể san sẻ với nhau những đắng cay khó nhọc. Xin Chúa đừng để chúng con hùa theo chủ nghĩa đám đông, sống vô tâm, vô cảm. Trước những gian nan sóng gió cuộc đời, xin dạy con biết sống phó thác, biết tha thứ khi phản bội, biết đón nhận khi gặp bất công, biết thinh lặng trước những vu khống vì đã có Chúa biết rõ lòng con. Và trong tất cả, xin dạy con sống tinh thần phó thác nơi Chúa. Amen.

 
Cộng đoàn MTG Yên Bái
 
— ∞  +  ∞ —
 
CÁI NHÌN CỦA CHÚA
 
Trong cuộc sống này, chúng ta bắt gặp bao nhiêu cái nhìn khác nhau. Cũng là "cái nhìn" thôi nhưng tại sao lại khác nhau? Có lẽ vì mỗi cái nhìn đem đến một ý nghĩa và mục đích khác nhau, mỗi cái nhìn gửi gắm một thông điệp khác nhau. Tuy cùng xuất phát từ một đôi mắt nhưng lại có nhiều cái nhìn khác nhau; có cái nhìn đến từ trái tim; có cái nhìn đến từ cõi lòng và có cái nhìn đến từ ý nghĩ. Chắc chắn một điều, mỗi cái nhìn đến từ một nơi khác nhau thì sẽ truyền tải những thông điệp khác nhau.
Có một cậu học trò kia, đang nghịch ngợm trong lớp, bỗng gặp ánh mắt của thầy giáo, ngay tức khắc, cậu thay đổi thái độ, không nghịch ngợm nữa. Nhưng cũng cậu học trò ấy, trong giờ của một cô giáo khác, cậu cũng nghịch ngợm như vậy và cũng gặp ánh mắt của cô giáo, nhưng lần này, cậu không thay đổi thái độ mà vẫn tiếp tục nghịch ngợm. Cô bạn ngồi bên cạnh quan sát thấy hai thái độ khác nhau của cậu nên đến giờ ra chơi bèn hỏi: "sao lúc cậu nghịch, cô giáo nhìn cậu mà cậu lại không ngừng nghịch ngợm giống như trong giờ học của thầy?" Cậu ta trả lời: "vì cái nhìn của Thầy khác với cái nhìn của cô". Quả là cái nhìn khác nhau sẽ đem đến thái độ khác nhau.
Hôm nay, chúng ta cũng bắt gặp một "cái nhìn" vô cùng đặc biệt trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Luca. Ở đó, Phêrô đã bắt gặp cái nhìn của Đức Giêsu và ông nhận ra cái nhìn của Thầy hôm nay khác hẳn cái nhìn của mọi ngày. Ông đã đọc được cái khác đó của Thầy. Chính cái nhìn đặc biệt ấy của Thầy đã chạm đến cõi lòng của ông và khiến ông khóc lóc thảm thiết. Ba năm theo Thầy, bắt gặp biết bao cái nhìn của Thầy nhưng Phêrô vẫn không hiểu và không tin Thầy, để rồi dẫn đến cái hậu quả chớ trêu là "chối Thầy". Nhưng hôm nay, ông đã gặp một cái nhìn khác thường, một cái nhìn lịch sử. Cái nhìn đó đã khiến cuộc đời của ông thay đổi 1800. Đây quả là một cái nhìn lịch sử gợi lên bao câu hỏi thắc mắc trong lòng người tín hữu mỗi khi đọc đoạn Tin Mừng này. Tại sao chỉ với một cái nhìn thôi, cũng có thể khiến cho người đàn ông đã từng chối từ Thầy mình một cách trắng trợn nay lại khóc lóc ăn năn thảm thiết? Người ta nói: "đôi mắt là cửa sổ tâm hồn" phải chăng là ở khía cạnh này đây. Vì nó là cửa nên nó mở cho người ta lối vào bên trong căn nhà của tâm hồn. Thầy Giêsu không cần nói nhưng đã mở cửa cho Phêrô. Ông đã nhìn thấy cánh cửa đó và đi vào căn nhà tâm hồn Thầy, đi vào căn nhà cõi lòng Thầy và khi vào rồi, Phêrô nhận thấy rằng: dù ông chối Thầy nhưng trong lòng Thầy vẫn luôn có một chỗ dành cho ông, điều quan trọng là ông có muốn ở lại chỗ đó hay không? Chọn lựa ở lại hay không là tự do của ông. Có lẽ, khi vào căn nhà của cõi lòng Thầy, Phêrô thấy nó quá mênh mông, thấy nó quá bao la, quá rộng rãi và nhất là luôn có một chỗ dành riêng cho ông mặc dù ông không xứng đáng, nên ông đã không thể chịu nổi và đã phải khóc lóc thảm thiết.
Cuộc đời này thật cần lắm những cái nhìn lịch sử như thế. Hôm nay, Thầy Giêsu vẫn đang nhìn toàn thể nhân loại với cái nhìn ấy, nhưng mỗi người có nhận ra cái nhìn ấy để đi vào trong căn nhà tâm hồn của Thầy hay không, đó là hành trình tự do của mỗi người. Trên hành trình cuộc đời, tôi cũng luôn được Thầy Giêsu nhìn nhưng tôi có nhận ra cái nhìn đó hay không? Đó lại là một chuyện khác. Thầy nhìn tôi qua đôi mắt của tha nhân, qua đôi mắt của những người đang bị nhiễm covid thở thoi thóp trên giường, cô đơn vắng vẻ. Thầy nhìn tôi qua đôi mắt của những người đang có chuyện bất bình với tôi, muốn nói một lời hòa giải mà không sao cất lên được. Thầy nhìn tôi qua đôi mắt của những em bé chỉ còn cha hoặc còn mẹ và Thầy cũng nhìn tôi qua đôi mắt của những người mà tôi ghét bỏ, tôi đang hận thù. Nếu tôi không ngẩng lên để nhìn thì làm sao tôi có thể bắt gặp được ánh mắt ấy của Thầy? Nếu lòng tôi đang thù hận, đang tức giận, đang ghen ghét, đang vô tâm,… thì làm sao tôi có thể nhìn thấy ánh mắt ấy của Thầy vẫn đang tha thiết nhìn tôi?
Trên hành trình cuộc sống, chúng ta cần biết bao cái nhìn ấy của Thầy, vì cái nhìn ấy có tầm quan trọng thật lớn lao đối với chúng ta. Chỉ khi bắt gặp được cái nhìn ấy của Thầy, cuộc đời của chúng ta mới được thay đổi, được sang một trang mới. Chỉ khi bắt gặp được cái nhìn ấy của Thầy, chúng ta mới có thể trao ban và nhìn đời với cái nhìn của Thầy.
Cuộc sống vội vã của ngày hôm nay có quá nhiều thứ lôi kéo, thu hút cái nhìn của tôi để  dẫn tôi đến trạng thái thờ ơ, lãnh đạm với những gì đang xảy ra ngay trước mắt tôi. Những trang mạng, những thông tin, những cuộc chat, những màn game… nó thực sự rất hấp dẫn, khiến người ta có cảm nhận: một giờ lướt web trôi nhanh như thể vài phút, nhưng mười phút cầu nguyện, đọc kinh lâu như thể một năm dài. Nếu tôi cứ mãi bị cuốn vào cái guồng máy của thời đại công nghệ thông tin mà không tự mình trưởng thành để thoát ra và làm chủ nó thì muôn đời tôi sẽ chỉ tiếp nhận được những thứ vô bổ, chứ không thể nào bắt gặp được cái nhìn "biến đổi" của Chúa.
Ước chi khi bước vào Tuần Thánh, chúng ta biết dùng cái nhìn của Thầy Giêsu để nhìn những người mà chúng ta đang giận ghét, hay những người khó thương, khó tha, để nhờ cái nhìn đó, chính chúng ta được biến đổi, được phục sinh với Chúa và làm cho người khác cũng được hưởng ánh sáng của sự phục sinh đó.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con gặp được cái nhìn của Chúa để cuộc đời con cũng được sang một trang mới với cái nhìn mới, cái nhìn đầy tình yêu bao dung của Ngài. Amen.
 
 Cộng đoàn MTG Sơn Tây
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log