Thứ bảy, 23/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Phục Sinh – Năm C (Ga 20,1-9)

Cập nhật lúc 15:00 16/04/2022

 
DẤU CHỈ ĐẤNG PHỤC SINH
 
WMTGHH - Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, với những người nông dân, việc quan sát cảnh sắc đất trời cùng những kinh nghiệm sống giúp họ nhận định, dự báo khá chính xác sự thay đổi thời tiết hay những phương thế giúp tăng năng xuất trong lao động sản xuất như: “Cơn đằng đông vừa trông vừa chạy, cơn đàng nam vừa làm vừa chơi. Tháng bảy kiến bò chỉ lo lại lụt; Mau sao thì nắng vắng sao thì mưa; Tua rua thì mặc tua rua, mạ già ruộng ngẫu không thua bạn điền; Tỏ trăng mười bốn được tằm, tỏ răng hôm rằm thì được lúa chiêm; Lập thu mới cấy lúa mùa, khác nào hương khói lên chùa cầu con.”… Cũng vậy, cách đây hơn hai ngàn năm, vào buổi sáng đầu tiên ngày thứ nhất trong tuần, có thể coi là buổi sáng khởi đầu một “kỷ nguyên mới”, các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu ra viếng mộ, họ cũng nhận được những “dấu chỉ” của Đấng Phục Sinh, nhưng các ông đã đọc dấu chỉ Thầy Giêsu để lại với những tâm trạng hoàn toàn khác nhau bởi kinh nghiệm về Thầy của mỗi người không giống nhau. Vậy mỗi chúng ta đã “đọc dấu chỉ Phục Sinh” trong đời như thế nào?
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, bà maria Mađalêna là người đầu tiên ra thăm mộ. Trước cảnh tượng tảng đá lăn ra khỏi mộ, bà hốt hoảng, vội vã chạy về báo tin cho các môn đệ: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ” (Ga 20,2). Bởi theo suy luận của bà, Chúa không còn trong mồ đơn giản là vì đã có ai đó lấy mang đi. Phêrô thì lặng thinh. Phải chăng sự thinh lặng ấy đến từ việc ông chưa thấu hiểu mầu nhiệm Phục sinh: “Trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20,9). Hay cũng có thể ông đang tự thắc mắc liệu có nhóm người nào đó đã lấy trộm xác Chúa với một ý đồ nào đó chăng? Liệu ông và các môn đệ khác có bị liên lụy khi chính quyền Do Thái vào cuộc? Bởi trong cuộc Khổ Nạn, chính ông đã từng vì sợ liên lụy mà chối Chúa tới ba lần. Môn đệ Gioan thì tới mộ trước nhưng không vào. Có một số ý kiến cho rằng, có thể ông tôn trọng “quyền huynh thế phụ” nên có ý chờ người anh trưởng Phêrô. Có người lại cho rằng, có thể do ông nhát đảm, yếu bóng vía nên không dám vào trong. Nhưng chắc chắn một điều là Gioan đã cùng với Phêrô vào mộ, nhưng khi nhìn thấy những băng vải và khăn che đầu xếp gọn gàng, để cách xa nhau… Ký ức về Thầy hiện về trong ông, ông nhớ lại những thói quen ngăn nắp thường nhật của Thầy mà ông từng chứng kiến và đã rất quen thuộc. Có lẽ khi càng yêu ai người ta càng gắn bó, càng có sự tinh tế và càng hiểu rõ về người ấy. Và Gioan cũng không ngoại lệ, nhờ đó ông đã đạt tới đức tin vào mầu nhiệm Phục Sinh trước Phêrô, ông nhận ra những dấu chỉ kín đáo đó và mạnh dạn tin tưởng Chúa đã Phục Sinh. Chính nhờ lòng mến này mà sau đó, Gioan đã luôn nhận ra Thầy trước các anh em như ông đã nhận ra Thầy là người mới vừa đứng trên bờ hồ hướng dẫn các ông thả lưới bắt mẻ cá lạ lùng (x. Ga 21,7).
Cùng một sự kiện nhưng có những nhận định khác nhau. Trước hình ảnh phiến đá được lăn ra khỏi cửa mộ, ngôi mộ trống trơn, Maria buồn sầu, lo lắng. Thầy đã chết, và giờ đến xác Thầy cũng không giữ được, đau khổ, tuyệt vọng. Phêrô thì lặng thinh. Còn Gioan thì quan sát kỹ những gì còn lại xung quanh ông “đã thấy và đã tin”. Cuộc sống có muôn vàn những thông điệp lớn nhỏ cần ta giải mã. Ta cần tìm ra những ẩn số phía sau những sự kiện trong đời sống thường nhật. Và với biến cố Phục Sinh cũng không ngoại lệ, bà Maria và các môn đệ cũng phải tìm dấu chỉ sự Phục Sinh của thầy Giêsu phía sau tảng đá lăn khỏi cửa mộ, những thứ ngỡ như không có ý nghĩa gì với những người không có niềm tin. Chúng ta cũng được mời gọi để nhạy bén nhìn thấy những gì xảy đến phía sau những yếu tố vật chất, phía sau “phiến đá che cửa mồ”. Bởi không ít lần chúng ta cũng bị những phiến đá của thành kiến, ghen tỵ, ích kỷ, phiến đá của tìm kiếm danh vọng, phiến đá của nỗi lo cơm áo gạo tiền, phiến đá của chủ nghĩa duy vật… chặn che lối nghĩ, lối nhìn để rồi niềm vui phục sinh bị lãng quên. Bởi đó, chúng ta cần tập để đọc ra những dấu chỉ thánh thiêng phía sau những sự vật, sự việc vật chất. Bằng không, ta sẽ khó lòng nhận thấy thông điệp Chúa gửi đến mỗi ngày. Chúng ta sẽ như những “nhân vật” mà Chúa Giêsu nói đến trong Tin Mừng: “Họ nhìn mà không thấy, nghe mà không nghe không hiểu” (Mt 13,13)
Mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu vẫn là một mầu nhiệm vượt quá trí hiểu của con người. Vì thế, ta không thể dùng lý trí những mong đạt thấu. Ta cần dùng trái tim để hiểu và cảm như Gioan. Trong hành trình đức tin của chúng ta cũng vậy, có muôn vàn biến cố lớn nhỏ trong cuộc đời nhiều khi khiến chúng ta khó lòng tránh khỏi những tuyệt vọng, chới với. Chúng ta không thể cắt nghĩa theo những dấu chỉ bề ngoài hay với những câu hỏi “tại sao”. Chúng ta cần nhìn dưới con mắt đức tin, dưới cái nhìn của tình yêu, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh mới mong hiểu đúng…
Lạy Chúa Giêsu, niềm vui Phục sinh của Chúa mang lại cho mỗi chúng con niềm tin vào một điều kỳ diệu, tốt đẹp phía sau những dấu chỉ thường nhật, những dấu chỉ ngỡ như vô nghĩa tựa hình ảnh “phiến đá lăn khỏi cửa mộ” và “ngôi mộ trống” năm xưa mà các môn đệ chứng kiến. Xin giúp mỗi chúng con biết nhạy bén nhìn ra những điều kỳ diệu ẩn sau những gì đơn giản tầm thường trong cuộc sống thường nhật. Amen.

 
Teresa Orchid
Lớp Thần học K5
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log