CẠNH SƯỜN – VẾT TÍCH CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
WMTGHH - Mỗi chúng ta đều mang trong mình những vết thương, có thể về thể xác hay tinh thần. Những vết thương trên thể xác thì thường lưu lại trên cơ thể những vết sẹo mà cả đời ta phải mang theo, nhưng nó sẽ không làm cho con người ta phải đau đớn và dằn vặt trong tâm hồn, nhưng những vết thương lòng thì ta rất khó để quên đi và nó làm cho cuộc sống của chúng ta luôn khắc khoải trong nỗi đớn đau, xót xa, tiếc nuối mà ta không thể quên đi được. Khi đón nhận cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu cũng mang trên mình rất nhiều vết sẹo của roi đòn trong quá trình tra tấn dã man của quân lính, những vết sẹo khiến cho Ngài đau đớn nơi thân xác và tâm hồn. Thế nhưng vết thương đã mang lại giá trị cứu độ cho toàn thể nhân loại chính là vết thương nơi cạnh sườn của Ngài, khi tên lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Chúa, máu cùng nước chảy ra tuôn trào bí tích dưỡng nuôi Giáo Hội. Nhờ vết sẹo đau thương nơi cạnh sườn của Chúa nhân loại được hưởng trọn tình yêu, lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Cũng nơi vết sẹo đó, Ngài cũng xóa đi mọi vết sẹo trong tâm hồn con người do tội lỗi gây nên.
Thiên Chúa là tình yêu và thương xót, Ngài không bao giờ phản bội với danh Ngài. Qua mầu nhiệm Khổ Nạn, Sự Chết và Phục Sinh của Đức Kitô, cuộc sáng tạo mới được hoàn thành. Xưa kia khi tạo dựng nên con người, chính trong lúc Ađam ngủ, Thiên Chúa đã tạo dựng Evà từ cạnh sườn của ông, nay lúc Chúa Kitô ngủ trên Thánh Giá, Thiên Chúa đã khai sinh Giáo hội từ cạnh sườn Chúa.
Cái chết của Đức Giêsu đã làm cho tương lai của các môn đệ như đi vào ngõ cụt, mất chỗ dựa, mất hết niềm tin, mất tương lai tương sáng mà các ông vẫn luôn mong chờ và hy vọng. Các ông rơi vào tình trạng hoang mang, sợ hãi, thu mình lại trước tất cả mọi chuyển biến của con người và cuộc sống chung quanh, để trốn chạy thực tại, các ông đã chọn con đường lẩn chốn, né tránh. Đặc biệt đối với Tôma, có lẽ vì quá sợ người Do Thái, hay còn đang thất vọng, chán nản về cái chết của Thầy mà ông đã nhốt mình trong nỗi cô đơn, xa lánh anh em nên ông đã tách khỏi cộng đoàn, không được gặp Thầy và để lỡ một cuộc hẹn với Đấng Phục Sinh. Nhưng chính trong những lúc tuyệt vọng nhất ấy, các ông lại được chính Đức Giêsu Phục sinh hiện đến an ủi và chúc bình an cho. Ngài chẳng ngại cho các môn đệ chiêm ngắm những vết thương, là dấu tích của cuộc khổ nạn, Ngài cho Tôma được kiểm chứng khi mời gọi ông thọc ngón tay vào các vết thương của Người. Khi cho Tôma chạm đến vết thương nơi bàn tay và cạnh sườn, là Chúa cho ông chạm đến tình yêu, sự tha thứ và lòng thương xót vô biên của Chúa. Lòng thương xót tuôn đổ cùng với máu và nước từ Trái Tim Chúa, để biến đổi con tim của Tôma, đồng thời thanh tẩy tội lỗi nhân loại, chữa lành thương tích tâm hồn và đưa nhân loại vào sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa Hằng Sống.
Con đường tự hủy của Đức Giêsu đã đưa Ngài từ ngôi vị Con Thiên Chúa trở nên con người bình thường như bao người khác, hơn nữa Ngài phải đón nhận một cái chết nhục nhằn, oan khiên và cô đơn trên thập giá. Nhưng chính qua những thương tích và cuộc thương khó mà Thiên Chúa cúi xuống và bày tỏ cụ thể lòng thương xót của Ngài cho nhân loại. Nhờ cuộc Nhập Thể và nhất là khi Trái Tim Đức Kitô bị đâm thâu trên Thập giá, dòng chảy lớn lao của lòng thương xót đổ trên nhân loại, giải thoát nhân loại khỏi tội và đưa con người vào cuộc sống mới bất diệt trong tình yêu của Thánh Thần. Như vậy, khi chiêm ngắm Chúa Giêsu là hiện thân và dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta như đang cảm nhận một cách sâu xa tình yêu của Ba Ngôi Chí Thánh, Đấng đầy lòng thương xót từ bi. Như Đức giáo hoàng Benenicto XVI đã nói: “Lòng thương xót thực tế là cốt lõi của thông điệp Tin Mừng, lòng thương xót chính là danh thánh của Thiên Chúa, là dung mạo Ngài đã bày tỏ trong Cựu Ước và biểu lộ trọn vẹn trong Chúa Giêsu Kitô, thể hiện trong tình yêu Tạo dựng và Cứu chuộc….”. Như vậy, khi chiêm ngắm mầu nhiệm của lòng thương xót, là ta như đang được chìm ngập trong suối nguồn của niềm vui, sự thanh thản và bình an. Ơn cứu rỗi của con người phụ thuộc vào đó. Lòng Thương Xót là hành động cuối cùng và tối thượng qua đó Thiên Chúa đến gặp gỡ con người.
Khi xuống thế làm người, Chúa Giêsu đã mang lấy phận người để lòng thương xót của Thiên Chúa mang chiều kích mới, được biểu lộ bởi một trái tim con người và bằng những kinh nghiệm đớn đau trong đời sống khi Chúa làm người, chấp nhận vất vả, khổ đau và cái chết vì con người. Nhờ đó, Chúa không chỉ mở đường để Ngài thông dự vào tình yêu của con người, mà Ngài còn dẫn đường cho con người được tháp nhập tình yêu của Chúa. Nơi Chúa, lòng thương xót của Thiên Chúa đã ùa vào thế gian cách mới mẻ và mạnh mẽ để cứu độ thế gian. Nơi đó, lòng thương xót của Thiên Chúa chạm đến con tim từng người trên thế giới, trở nên gương mẫu sống động để con người chiêm ngắm và bước theo. Lòng thương xót ấy giờ đây không còn xa lạ, nơi cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa. Nơi trái tim Chúa con người có thể chạm đến, có thể cảm nếm để được cuốn hút say sưa như Phêrô trong nỗi xúc động dạt dào: “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy!”. Phải chăng khoa học và những thành tựu của nó có thể đem lại giá trị cứu độ cho con người? Trong thực tế của cuộc sống thì không phải như vậy, khoa học chỉ đem lại cho con người những niềm vui và thành công chóng qua, chỉ có tình yêu và lòng thương xót mới có sức biến đổi và cứu độ.
Trong cuộc sống của chúng ta hôm nay cũng vậy, không phải của cải hay danh vọng, mà tình yêu cha mẹ, vợ chồng, con cái dành cho nhau mới mang lại sự thanh thản và hạnh phúc nơi gia đình. Nhưng ngay cả tình yêu cao cả này, con người cũng thấy giới hạn, chưa thể mang đến an bình và hạnh phúc toàn vẹn. Chính Chúa và chỉ một mình Chúa mới đem đến cho con người thứ tình yêu trọn hảo có sức giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi và nô lệ, mở ra cho chúng ta một con đường mới, con đường của niềm hy vọng kiên vững. Chỉ có lòng thương xót mà Chúa tuôn đổ trên nhân loại từ mầu nhiệm tử nạn và phục sinh mới ban cho con người sự sống đích thực. Cuộc đời của Phêrô, của Tôma, của các tông đồ và của biết bao người qua dòng lịch sử của Hội Thánh chứng thực cho nhân loại chân lý này. Tình yêu và niềm hy vọng của Chúa phải lớn lao chừng nào đến độ họ không chỉ say sưa hiến dâng cả cuộc đời cho Chúa, mà còn dám hy sinh cả tính mạng để làm chứng cho Nước Trời?
Lạy Chúa, nếu không bám chặt vào tình yêu và lòng thương xót Chúa, làm sao con người có thể sống bình an và chịu đựng nổi cuộc sống với biết bao sự dữ, bất công, giả dối, và có khi là sự loại trừ lẫn nhau. Giữa một xã hội mà không ít người chỉ nghĩ đến bản thân, muốn vơ vét thật nhiều của cải để hưởng thụ mà dửng dưng với số phận của tha nhân, biết bao người vì chút của cải, danh vọng mà không ngại hạ thấp danh dự và nhân phẩm của người khác, có khi không ngại bán đứng bản thân mình để đạt được mục tiêu. Đặc biệt giữa một xã hội đề cao tự do, khoái lạc, hưởng thụ, ngoại tình, nạn sống thử trước hôn nhân triền miên, làm sao các gia đình có thể tồn tại và hạnh phúc nếu thiếu đi lòng bao dung, tha thứ, thiếu đi những giá trị đạo đức, nhất là thiếu vắng Chúa, suối nguồn tình thương và ân sủng? Làm sao chúng con có thể sống vắng bóng lòng thương xót của Đức Kitô Phục Sinh trong một xã hội đầy dẫy những dịch bệnh, khổ đau, tai ương hoạn nạn, chiến tranh khủng bố, v.v…
Đức Kitô Phục Sinh vẫn đang sống và đang hoạt động trong thế giới này, và Ngài vẫn không ngừng lặp lại sứ điệp: “Bình an cho anh em”. Bình an mà Ngài muốn ban tặng đó là bình an của Nước Trời, bình an ơn cứu độ. Chúa Kitô Phục Sinh vẫn tiếp tục cất cao lời dễ thương: phúc cho ông, phúc cho bà, phúc cho anh, phúc cho chị, phúc cho em… đã không thấy mà tin. Xin thương xót chúng con, xin cho chúng con bám chặt vào Chúa, vào lề luật của Chúa, biết xây dựng đời sống của mình, của gia đình và cộng đoàn chúng con trên nền tảng tình thương và quyền năng Chúa, để gia đình chúng con, cộng đoàn chúng con có được bình an và trở nên dấu chứng lòng thương xót của Chúa cho mọi người. Xin Chúa đổ đầy lòng thương xót của Chúa trên những ai đang khổ đau, những người bệnh tật và những nơi đang bị chiến tránh tàn phá, họ đang rất cần đến tình thương và lòng thương xót của Chúa để sống bình an. Amen!
Lời Thì Thầm
Lớp Học viện K5