Thứ bảy, 23/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Phục Sinh -  Năm C (Ga 10,27-30): Lễ Chúa Chiên Lành

Cập nhật lúc 21:23 06/05/2022
 
WMTGHH - Chủ Nhật IV Phục Sinh được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, ngày toàn Giáo hội cầu cho ơn gọi linh mục và tu sĩ. Giáo hội dành ngày này để kêu gọi chúng ta suy ngẫm về ý nghĩa lời mời gọi của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta, cách riêng cầu nguyện cho các ơn gọi linh mục, phó tế, và tất cả những ai sống đời thánh hiến. Bài Tin Mừng hôm nay thánh Gioan đã dùng hình ảnh tuyệt đẹp của người Mục Tử và đàn chiên của mình để diễn tả mối tương quan khăng khít của Chúa Kitô với Giáo Hội. Người Chủ Chiên luôn tìm những cách tốt nhất để bảo vệ và chăm sóc đàn chiên của mình.
Hình ảnh người Mục Tử nhân lành được luôn được nhắc tới trong Cựu Ước và Tân Ước để diễn tả về Thiên Chúa và Dân của Người như trong Thánh Vịnh 23 có chép:  “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới nguồn nước trong lành và bổ sức cho tôi” (Tv 23,1-3). Khi dân Itrael gặp đau khổ, họ cũng dâng lời khẩn cầu với Đức Chúa rằng: “Lạy mục tử nhà Itrael, Ngài là Đấng chăn giữ nhà Giuse như chăn giữ chiên cừu, xin hãy lắng tai nghe” (Tv 80,2). Những lời cầu nguyện của dân Israel cho thấy rằng họ đã ý thức chính Chúa là Mục Tử, Đấng đã yêu thương và dẫn dắt họ trên mọi nẻo đường của cuộc sống: “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,11). Hình ảnh người chủ chiên sát cánh với đàn chiên của mình thế nào thì Thiên Chúa cũng yêu thương và chăm sóc Israel như vậy, bởi họ là một dân được tuyển chọn và thuộc quyền sở hữu của Chúa. Israel cũng thốt lên rằng: “Hãy nhìn nhận Chúa là Thượng Đế, chính Người dựng nên ta, ta thuộc về Người, ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt (Tv 100,3). Tóm lại, Thiên Chúa là Mục Tử tối ưu, Người chăn dắt, bảo vệ, và hướng dẫn dân Người đi “trên đường ngay nẻo chính” (Tv 23,3).
Trong Tân Ước, hình ảnh người Mục Tử theo Tin Mừng Gioan cho thấy Đức Giêsu chính là Mục Tử được Chúa Cha ban tặng cho nhân loại, “để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Ý thức trách nhiệm việc Chúa Cha giao phó cho mình, Chúa Giêsu luôn yêu thương đàn chiên của mình và Ngài “sẵn sàng để chín mươi chín con chiên (ngoan) trên núi để đi tìm con chiên lạc” (Mt 18,12). Khi chiên lo âu, sợ hãi thì Ngài trấn an: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em” (Lc 12,32). Như vậy, Mục Tử Giêsu và nhân loại có mối tương quan khăng khít với nhau như chủ chiên và đàn chiên. Cả hai thuộc về nhau, vì không có chủ chiên sẽ chết đói, chết khá, hoặc bơ vơ lạc lối. Ngược lại, nếu không có chiên, chủ chiên không thể hành nghề chăn chiên.
“Chiên của tôi nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27).
Chữ “biết” ở đây nói lên một sự gắn kết thân mật, một ý thức trách nhiệm của chủ chiên đối với đàn chiên của mình. Chủ biết rõ khi nào chiên đói, khát, mệt, hoặc bỏ ăn để anh ta có thể chăm sóc chu đáo từng con. Chủ hiểu rõ tính cách và sở thích của từng con chiên. Chủ biết chiên thích được rong ruổi trên đồng cỏ và thích uống nước ở mạch suối nào. Lý do chính khiến chủ chiên hiểu thấu cặn kẽ về đàn chiên của mình là do anh ta theo sát đàn chiên trên mọi nẻo đường và mỗi bước chúng đi. Giữa chủ chiên và chiên có một liên kết như “thần giao cách cảm” (nghe, hiểu, và có thể cảm nhận về nhau), một bản năng nhận biết đúng như “Chiên của tôi nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27).
Tình yêu và sự chăm sóc Chúa dành cho nhân loại được ví như tình thương của vị Mục Tử tốt lành đối với đàn chiên của mình. Thật vậy, với nghề nuôi chiên và chăn chiên, chiên là tài sản quý giá đối với chủ chiên thế nào thì chúng ta cũng là tài sản cao quý trước mặt Chúa như vậy. Chính Chúa cũng khẳng định: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh” (Ed 34,15-16). Chính Chúa tự tay chăm sóc từng người trong chúng để đảm bảo rằng không ai trong chúng ta cảm thấy lạc lõng bơ vơ, trừ khi chúng ta tự ý đi lạc hoặc trốn khỏi tầm nhìn của Chúa.
 “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời, không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10,28). Với những lời tuyên bố này, Chúa Giêsu đã xác quyết Ngài sẽ làm mọi cách tốt nhất để bảo vệ đàn chiên của Ngài, cho dẫu Ngài có phải hy sinh cả tính mạng. Thật vậy, Chúa Giêsu đã thí mạng sống qua cái chết đau khổ của Ngài để đổi lấy sự sống cho chúng ta, và để “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52). Để làm được điều cao cả vĩ đại này, chỉ có Chúa Giêsu, người Mục Tử hiền lành và nhân hậu mới làm được như Ngài đã quả quyết: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11).
Hình ảnh Người Mục Tử Nhân Lành trong bài Tin Mừng hôm nay như một lời mời gọi và nhắc nhở chúng ta về vai trò của mình trong mỗi công việc được Chúa trao phó. Thật vậy, như lời khuyên nhủ của thánh Phêrô: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn… Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr 5,2-3). Như thế, Giám mục, linh mục, phó tế, và tất cả những ai được Chúa giao cho nhiệm vụ coi sóc chiên của Chúa cần phải có tấm lòng nhân hậu bao dung như Chúa Giêsu.
Mỗi Kitô hữu là một con chiên của Chúa, chúng ta được Chúa yêu thương và chăm sóc cách đặc biệt. Chúng ta cần lắng nghe tiếng Chúa qua đời sống cầu nguyện và qua những công việc tốt chúng ta làm cho tha nhân. Mỗi chúng ta cũng cần trở nên người chăn chiên. Chúng ta cần có tình yêu thương và trách nhiệm với những con chiên yếu kém, những con chiên khuyết tật, đó là những Kitô hữu đang sống trong tình trạng tội lỗi hoặc xa lạc đức tin. Chúng ta có bổn phận khuyên nhủ và dẫn dắt họ trở về với Chúa.
Chúa Nhật IV Phục Sinh hàng năm, Giáo hội đặc biệt mời gọi các tín hữu cầu nguyện và cổ võ ơn gọi thánh hiến trên toàn thế giới. Là chi thể của Chúa Kitô và cũng thuộc đàn chiên do Ngài chăn dắt, chúng ta cần chia sẻ trách nhiệm trong việc vun trồng và nuôi dưỡng ơn gọi bằng nhiều cách thế khác nhau. Cụ thể bằng lời cầu nguyện, khích lệ, nâng đỡ hoặc quảng đại dâng mình cho Chúa, theo tiếng Chúa kêu gọi bằng cách đóng góp vật chất (nếu có điều kiện) cho việc nuôi dưỡng và đào tạo ơn gọi của giáo xứ, giáo phận, và Giáo Hội. Sau cùng, bằng chính đời sống “tốt đạo đẹp đời” của một con chiên ngoan, đó là món quà quý giá và đẹp lòng Chúa.
 
Cộng đoàn MTG Nỗ Lực
 
 
 
— ∞  +  ∞ —

“BIẾT” CỦA TÌNH YÊU
 
“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27)
Trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người chúng ta, có lẽ “biết” là điều cần thiết để giúp con người sống an vui, hạnh phúc và hài hòa trong các tương quan với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Tuy nhiên, cái biết lại có nhiều mức độ khác nhau, trong đó cái biết của tình yêu là cái biết giúp cho con người hiểu, cảm thông và yêu thương nhau hơn. Đó cũng chính là cái biết mà Thánh sử Gioan muốn nói tới trong đoạn Tin Mừng Gioan 10,27-30 của Chúa nhật IV Phục Sinh hôm nay.
Cái biết ở đây không chỉ diễn tả việc nhận biết bằng lý trí, mà còn bằng cả con tim, nghĩa là hiểu biết đi liền với yêu mến và gắn bó bằng việc ở lại trong nhau hoặc qua sự hiện diện (Ga 10,14-15;14,20; 17,21-22; 14,17; 17,3; 2Ga 1-2).  Cái “Biết” ở đây là một tương quan hỗ tương, cái biết của lý trí thì khác với cái biết của tình yêu và trong tình yêu. Trong đoạn Tin Mừng này, “biết” ở vế thứ nhất nói về phẩm tính của người Mục Tử Tốt Lành trong tương quan hỗ tương hiện thời với đoàn chiên: Hy sinh mạng sống vì chiên, biết rồi đi đến tình yêu, đi từ lý trí đến con tim, không phải là tình yêu mù quáng, mà cái biết ở đây được xây dựng trên tình yêu của mục tử dành cho đàn chiên, từ tình yêu đó dẫn tới sự hiến tế bằng chính cuộc Tử nạn của Người. Còn “biết” ở vế thứ hai nói về nguồn gốc của phẩm tính đó: Biết xuất phát từ Chúa Cha. Như thế, sự “hiểu biết” hỗ tương qua kết hợp và yêu mến giữa Đức Giêsu và các môn đệ (đoàn chiên) đạt tới mức viên mãn, vì bắt nguồn từ sự “hiểu biết” hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con. Như vậy, tình yêu là căn bản của sự nhận biết, và như Thánh Bonaventura đã nói: “Tình yêu luôn ước muốn được chia sẻ đến tận cùng”.
Thánh sử Ga thuật lại lời của Chúa Giêsu: “Ta biết chúng”“chúng biết ta”, "Ta biết chiên của Ta." Người biết rõ chiên của Người bởi vì Người là chủ chiên tốt. Chúng ta thấy trong cuộc sống có nhiều mức độ của sự biết. Có những người chúng ta chỉ biết mặt và tên của họ, cũng có những người chúng ta quen biết sơ sài. Hay cũng có những người ta biết họ như những người bạn, và có những người đi qua và liên hệ với cuộc đời ta mà ta lại không biết họ. Nhưng trong thực tế cuộc sống điều này lại rất hay xảy ra, đặc biệt là trong xã hội hôm nay, khi căn bệnh thờ ơ và dửng dưng thấm nhập vào mọi góc cạnh trong các tương quan giữa người với người. Có khi nào mà bạn và tôi, chúng ta biết quá ít về những người thân yêu trong gia đình mình, về những người sống bên cạnh mình? Hay có khi nào chúng ta biết rất ít về một người mà chúng ta yêu mến nhất trên trần gian này. Có lẽ đây là tình trạng chung của xã hội hôm nay. Trong gia đình con cái không biết về cha mẹ, cha mẹ không biết con cái. Để thật sự biết trong tình yêu, đòi hỏi phải có thời gian và sự cố gắng, sự kiên trì lắng nghe và cảm thông chia sẻ. Điều này tuy khó nhưng nếu làm tốt nó sẽ sinh nhiều hoa trái. Đời sống quá ngắn ngủi vậy nên chúng ta hãy học biết yêu thương và chia sẻ với mọi người, tìm hiểu để biết về họ và yêu mến họ, vì chúng ta không thể yêu một người mà chúng ta chưa biết họ.
Cũng vậy, hiểu biết là điều cần thiết và quan trọng để yêu và chăm sóc người khác. Vì khi chăm sóc cho ai thì mình phải biết rõ về họ. Nếu chăm sóc họ mà ta chỉ biết tên của họ thì đó chỉ là sự khởi đầu của việc biết. Nhưng để thực sự biết về họ thì phải biết tiểu sử cuộc đời của họ, biết cả sở thích và thói quen của họ. Sự hiểu biết mà chúng ta đang nói đến đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn và hy sinh. Sự hiểu biết này cũng chính là sự hiểu biết của mỗi người Kitô hữu về Thiên Chúa và của Thiên Chúa về mỗi người chúng ta, là sự hiểu biết trong tương quan hai chiều. Chúa Giêsu, Đấng Chăn Chiên Lành biết rõ chiên của Người và chiên cũng biết Người: "Ta biết chiên của ta và Chiên Ta biết Ta". Chúa Giêsu không ngần ngại khi mặc khải cho mọi người về chính mình. Còn chúng ta đôi khi chúng ta lại lo sợ nên chúng ta từ chối để người khác can dự vào cuộc sống của ta. Vì thế, ta ngại cho người khác biết những cảm nghĩ, nhu cầu, vết thương và niềm hy vọng thực sự của chúng ta là gì. Chúng ta sợ rằng khi người khác biết sự thật về ta là một con người không hoàn hảo thì họ sẽ không đón nhận chúng ta. Điều đó làm cho chúng ta chỉ biết hình ảnh mà chúng ta tưởng tượng ra hơn là chính con người thật của mình và hậu quả đưa đến là sự thiếu tin tưởng và đề phòng nhau trong cuộc sống hàng ngày.
Trong bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy đàn chiên không cần đặt vấn đề Chúa Giêsu là ai, vì chúng đã cảm được tình yêu thương và sự quan tâm mà người mục tử là chính Chúa dành cho chúng. Chúa Giêsu diễn tả cái biết của Ngài dành cho đàn chiên với vẻ âu yếm: Ngài biết chúng, ban cho chúng sự sống, bảo vệ chúng khỏi những kẻ ám hại. Đàn chiên không thể hiểu hết được là vì sao Ngài làm như vậy, nhưng chúng biết và yêu Ngài nên “chúng nghe và đi theo Ngài”. Chúng sẵn sàng lắng nghe, đón nhận mọi sự từ nơi người mục tử, đi đến nơi mà Chúa dẫn tới và chấp nhận mọi nghịch cảnh có thể xảy tới vì chúng biết người mục tử sẽ không bao giờ bỏ chúng.
Chúa Giêsu chính là mục tử nhân lành, Ngài biết rõ từng con chiên, biết những yếu đuối, giới hạn và cả những nhu cầu của chiên. Ngài cũng biết những nguy hiểm mà từng con chiên có thể sẽ gặp phải, Ngài yêu mạng sống của con chiên hơn mạng sống của mình, Ngài dùng mọi cách thế để có thể bao bọc, bảo vệ cho con chiên được an toàn. “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27). Cũng như lời tác giả Thánh vịnh 139 đã viết: “Lạy Chúa! Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi, con nghĩ tưởng gì Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi Ngài quen thuộc cả… Lạy Chúa! xin dò xét để biết rõ lòng con, xin thử con cho biết những điều con cảm nghĩ.” (Tv 139). Cái “biết” ở đây là cái biết của sự thông chia cuộc sống, là ở với, ở trong và sống với nhau. Đức Giêsu chính là Mục Tử nhân lành mà đàn chiên yêu mến và luôn “theo sau”, Ngài chính là Mục Tử mà chiên luôn bám riết lấy Ngài chứ không chịu theo người lạ. Ngài “biết” rõ chiên của Ngài từng con một. Chiên nào ốm yếu, bệnh hoạn, tật nguyền hay đã từng lầm lỡ quay lưng thì Ngài sẽ tìm kiếm và được “vác” trên vai trở về… Ngài yêu thương, quan tâm, lo lắng và chiều chuộng hết mực dù thái độ và cách thức chăm sóc có khác nhau theo hoàn cảnh cụ thể của từng con chiên. Lũ chiên ngoan thì nghe tiếng Ngài, nhận biết được tiếng của Ngài, hiểu ý Ngài, chỉ cần Ngài khẽ gọi hay ra dấu hiệu nhỏ là chúng biết ngay và chạy theo. Nhìn lại bản thân, mỗi chúng ta chính là một con chiên trong đoàn chiên của Chúa, chúng ta có biết Chúa không và nếu biết thì cái biết này ở mức độ nào? “Biết” ở đây, không có nghĩa là “biết” nhờ đức tin, nhưng là “biết” nhờ đức mến. “Biết” được diễn tả qua việc làm như thánh Gioan viết: “Ai nói mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối” (1Ga 2,4). Biết Chúa và để cho Chúa soi sáng, hướng dẫn chúng ta trong đời sống hàng ngày qua Lời của Ngài, qua các trung gian mà Ngài gửi tới và qua các biến chuyển trên thế giới. Nếu chúng ta thật sự biết Chúa, nghe tiếng Chúa và chân thành đi theo Chúa thì chúng ta sẽ được nuôi dưỡng nơi đồng cỏ xanh tươi muôn đời. Đó chính là hạnh phúc Nước Trời mà Chúa đã hứa sẽ ban tặng khiến tâm hồn người lãnh nhận sẽ ngập tràn niềm vui, nơi đó Thiên Chúa luôn hiện diện, đồng hành, hướng dẫn và nâng đỡ. Đó cũng chính là cái biết của tình yêu và trong tình yêu.
“Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta”. Đó là cái “Biết của tình yêu thương” mà người mục tử dành cho từng con chiên trong đàn chiên yêu dấu của mình, Ngài gọi tên chúng, nghe tiếng chúng gọi, quan tâm đến chúng, chăm sóc chúng mỗi khi đau yếu và bệnh tật. Quả thực đó là một hình ảnh đẹp của người mục tử luôn sống hết tình vì đoàn chiên của mình.
Đức Giêsu tự xưng mình là chủ chăn, vì người luôn tha thiết với đàn chiên của mình chứ không như kẻ làm thuê. Sứ vụ chăm sóc đàn chiên của các mục tử ngày nay cũng được Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi và nhắn nhủ đó là: Không chỉ lo lắng thuần túy về cơ cấu và tổ chức giáo xứ, giáo họ của mình, nhưng còn phải “ngửi thấy mùi chiên”; và “phải mang mùi chiên đó vào mình”. Sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của từng con chiên, sẵn sàng dấn thân ra đi để tìm đến với những vùng ngoại biên để sống với từng con chiên của mình. Thật vậy, nếu không “ngửi” và “mang mùi” của chiên nơi mình thì người mục tử sẽ không thể chia sẻ, yêu thương, lắng nghe và giúp đỡ những con chiên của mình như Chúa, như vậy ranh giới giữa mục tử và kẻ chăn thuê hay cướp bóc chẳng cách nhau là bao. Thế nhưng trong thực tế, đâu đó chúng ta vẫn gặp thấy những vị mục tử luôn nóng nảy, dọa nạt vô cớ, cư xử phân loại với con chiên trong đoàn chiên của mình, hoặc quá lo lắng chăm chút cho các nhu cầu của chính bản thân, lo củng cố địa vị và uy tín ngang qua những công trình xây dựng hay những buổi lễ hội mà chưa thực sự quan tâm đến nhu cầu và mong muốn của từng con chiên. Khi lựa chọn như thế là những mục tử đang có xu hướng “chạy theo những nhu cầu vật chất” mà quên đi sứ vụ cao trọng và đã phần nào xúc phạm đến những người đau khổ, khó khăn, nghèo đói và đến sứ vụ cao cả của mình.
Lạy Chúa, trong ngày Chúa nhật đặc biệt này, chúng con xin dâng lên Chúa những lời cầu nguyện thiết tha cùng với những hy sinh, hãm mình để khẩn nài Chúa ban sức mạnh cho các linh mục, các tu sĩ nam nữ, để họ luôn cố gắng trở nên các mục tử tốt lành theo lòng mong ước và mẫu gương của Đức Giêsu: Luôn “Biết và trao ban tình yêu của Chúa” đến cho mọi người. Hôm nay, Chúa cũng mời gọi chúng con cầu nguyện tha thiết hơn nữa để trong Giáo Hội có thêm nhiều bạn trẻ quảng đại, sẵn sàng đáp lời mời gọi của Chúa, sống cuộc đời tận hiến để trở thành những mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước. Amen!
                                                                                              Hạt cát nhỏ
                                                                                          Lớp Học Viện K5
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log