BÌNH AN CỦA CHÚA
WMTGHH - Người ta thường nói “đời là bể khổ”. Quả thật, vừa ra khỏi lòng mẹ, con người đã phải đối diện với biết bao nỗi sợ hãi. Sợ hãi trước những thách đố của cuộc sống: thiên tai, nghèo đói, dịch bệnh, các tệ nạn… Ngày nay, con người được đứng trước một thế giới hiện đại, đầy đủ tiện nghi, công nghệ 4.0 không ngừng biến động nhằm phục vụ những nhu cầu của chúng ta, nhưng con người vẫn không cảm thấy được thỏa mãn, vẫn thấy lo lắng và trống trải vì không tìm được điểm tựa cho mình. Vậy đâu là điều mà con người đang khao khát tìm kiếm khi cuộc đời con người không chỉ là cuộc sống tiện nghi, sắc đẹp, tài năng, tri thức…? Nhìn vào bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy trước khi về với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã ban tặng cho nhân loại điều quý giá nhất mà con người hằng khao khát tìm kiếm đó là sự bình an đích thực, bình an vĩnh cửu “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy, Thầy ban cho anh em bình an không theo kiểu thế gian” (Ga 14,26).
Nhìn lại hành trình cuộc sống của tôi, vào một ngày tôi đi học về, băng qua những con phố ồn ào đông đúc nơi Sài thành dưới cái nắng nóng thiêu đốt cháy da, tôi bắt gặp hình ảnh một chú xe ôm trong khi chờ đợi khách, chú ngồi trú nắng dưới một gốc cây trước cổng nhà thờ, tay cầm chuỗi Mân côi hướng về nhà thờ với vẻ mặt bình an. Hình ảnh ấy đã gợi cho tôi nhiều suy tư, một người chạy xe ôm, hàng ngày phải long đong vất vả bươn chải để kiếm tiền nuôi gia đình, nhưng họ vẫn có những giây phút bình an. Bởi đâu mà họ có được sự bình an như vậy? Thiết nghĩ, bởi vì trong tâm hồn họ có Chúa, họ biết phó thác cuộc sống cho Chúa, cho dù có nhiều khó khăn thử thách ở phía trước nhưng họ vẫn luôn bình an, có Chúa là có bình an.
Bình an của Chúa là sự bình an nội tâm, là sự bình an mà ngay giữa những cơn sóng gió thử thách như hình ảnh chú chim nhỏ vẫn an nhiên ngủ ngon giữa dòng thác nước đang ầm ầm sôi sục đổ xuống. Bình an như người chạy xe ôm đạo đức kia dù phải bươn chải với cuộc sống đầy khó khăn, nhưng vẫn an nhiên lần chuỗi Mân côi. Đó là sự bình an mà các môn đệ đã kinh nghiệm khi Chúa hiện đến đứng giữa các ông và bảo: “bình an cho anh em” (Lc 24,36), sự bình an phá tan không khí ngột ngạt sợ hãi sau khi Chúa chết, các môn đệ phải nép mình trong căn phòng đóng kín vì sợ sự lùng bắt của người Do Thái.
Sự bình an của Chúa không tách rời khỏi hiện tại của đau khổ. Cũng như không thể đạt được vinh quang Phục sinh nếu không băng qua thập giá. Khi hiện ra với các tông đồ trong nhà Tiệc ly, Chúa Giêsu ban bình an cho các ông khi thân thể và tay chân Chúa Giêsu vẫn còn in dấu đinh và nơi cạnh sườn vẫn hằn vết thương. Cái chết là nỗi đau khổ sợ hãi lớn nhất mà con người phải đối diện, nhưng có Đấng Phục Sinh đã đập tan nỗi sợ hãi đó để đem lại sự bình an cho nhân loại “Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Đây là sự bình an vĩnh cửu và tuyệt đối đã được thánh Phaolô quả quyết rằng: “Bình an là hoa trái của Thánh Thần” (Gl 5,22)
Để có được sự bình an đích thực, không có gì khác hơn là sự kết hợp mật thiết với Chúa, con người không thể hưởng nếm bình an nếu vắng bóng Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã luôn mời gọi chúng ta “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9). Ở lại trong tình thương của Chúa là ở lại trong sự bình an. Nói cách khác, muốn tìm được bình an đích thực, hãy yêu thương, yêu Chúa và yêu tha nhân “Tình yêu là liều thuốc thần kỳ đem lại hạnh phúc và bình an cho cả người cho và người nhận”.
Là người sống đời thánh hiến, tôi cũng tự hỏi tôi đang tìm gì nơi đây? Phải chăng tôi đang trốn tránh thế gian để thoát khỏi nhân tình thế thái? Phải chăng tôi đang tìm kiếm chút gì đó an nhàn cho bản thân? Nhưng trong tâm hồn, tôi có thực sự bình an khi tôi chỉ tìm sự an nhiên tự tại bề ngoài mà quên mất chỉ có một Đấng mới thực sự cho tôi bình an? Sự bình an mà Chúa ban cho tôi, cho dù sống giữa nghịch cảnh, sống giữa “bầy sói thế gian” tôi vẫn cảm nhận được có bàn tay Chúa che chở. Chỉ khi nào tôi đặt Chúa ở một vị trí trung tâm trong cuộc sống của tôi, tôi mới thực sự bình an. Nhưng không ít lần, tôi đã gạt Chúa ra khỏi cuộc đời tôi mà thay vào đó là những sự chăm chút cho bản thân, mải mê tìm kiếm những đam mê trần thế, những ước vọng cá nhân. Những cuộc tìm kiếm đó đã không làm cho tôi thỏa mãn, trái lại còn khiến cho tâm hồn tôi lo lắng và bất an. Tôi đã hiểu được lời Thánh vịnh mà nhiều người vẫn mong ước và khát khao “Một ngày tại khuôn viên thánh điện, quý hơn cả ngàn ngày” (Tv 84,11). Tôi hãnh diện vì được sống nơi nhà Chúa, nhưng tôi có biết trân quý và cảm nhận được thực sự Chúa hiện diện nơi đây hay không? Hoặc tôi sống trong nhà Chúa nhưng tôi có thực sự để Chúa sống trong tôi? Sự bình an của Chúa là sự bình an hệ tại trong tâm hồn, khi nào trong tâm hồn tôi có Chúa thì khi đó tôi có sự bình an đích thực.
Lạy Chúa, xưa Thánh Phaolô đã từng nói: “Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất anh em đã được kêu gọi đến để hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân” (Cl 3,15). Vì thế, xin cho con luôn giữ được Chúa nơi tâm hồn để con được sống trọn vẹn trong sự bình an của Chúa, vì chỉ nơi Chúa con mới tìm được sự bình an đích thực. Amen!
Maria Đỗ Thương
Cộng đoàn Camêlô
— ∞ + ∞ —
BÌNH AN ĐÍCH THỰC
Cuộc đời là một chuỗi dài của những lựa chọn, khao khát và ước mơ. Những điều này dường như đã ăn sâu, bám dễ vào tiềm thức của con người mọi thời, để rồi khi đến một thời điểm nào đó, con người chợt nhận ra mục đích cuối cùng của những hoài bão, ước mơ đó là gì nếu không phải là một cuộc đời bình an, hạnh phúc. Quả thật, sự bình an mà con người vẫn đang tìm kiếm bấy lâu nay được ẩn giấu dưới muôn hình vạn trạng của cuộc sống, có nhiều con đường, nhiều cách thức để đi tìm một cuộc đời bình an tùy theo phương thế của từng người. Hôm nay, Thầy Giêsu mang đến cho con người một thứ bình an kỳ diệu, thứ bình an không phải như thế gian ban tặng nhưng là bình an nội tâm sâu xa - thứ bình an đích thực chỉ có nơi Thầy Giêsu.
Bài Tin Mừng Chúa nhật VI Phục Sinh hôm nay, Thánh sử Gioan đã tường thuật lại phần cuối của cuộc diễn từ ly biệt giữa Chúa Giêsu và các môn đệ trong lúc Thầy trò chuẩn bị chia tay nhau để Ngài lên đường chịu chết. Vẫn là bóng dáng thân quen, vẫn là những lời nói ân cần chất chứa đầy tình yêu thương mà sao nghe phảng phất nỗi buồn. Chắc hẳn điều này cũng dễ hiểu vì đây là bữa ăn sau cùng tước khi từ giã những người học trò thân tín để Chúa Giêsu đi chịu chết. Người ta thường nói, đứng trước cái chết không ai là không run sợ. Đúng vậy, nơi Chúa Giêsu cũng mang bản tính loài người, nên làm sao Chúa Giêsu lại không run sợ trước cái chết đau đớn nhục nhã như thế. Chúa biết trước cái chết, biết trước cuộc khổ hình đẫm máu mình sắp phải trải qua, nên càng run sợ, lo âu và sợ hãi trước cái chết. Vì thế, Chúa Giêsu càng tha thiết muốn các học trò của mình không bị rơi vào nỗi lo âu tuyệt vọng khi vắng bóng Thầy. Do đó, Chúa đã trấn an các ông bằng những lời ân cần phát xuất từ một trái tim chất chứa tình yêu thương: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi”.
Như lẽ thường tình của con người, trước khi cha mẹ nhắm mắt lìa đời, cha mẹ thường để lại những lời trăng trối như là những lời di chúc sau cùng, đó có thể là những lời dặn dò, hay tài sản muốn để lại cho con cái. Tất cả đều là những thứ rất thiêng liêng và quan trọng. Còn đối với Chúa Giêsu, gia sản sau hết Chúa muốn để lại cho các học trò thân yêu chính là lời chúc bình an, một gia sản quý giá hơn tất cả mọi gia sản ở trần gian này. Trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu không nói: “Anh em hãy ở lại bình an”, mà nói: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy”. Như thế, bình an mà Đức Giêsu trao tặng cho các môn đệ không chỉ dừng lại ở việc an toàn về mặt thể xác, mà còn đi xa hơn để đạt được thứ bình an trong sâu thẳm tâm hồn. Bình an này hướng người ta về mầu nhiệm Cánh chung, nhiệm cục cứu độ, về cứu cánh sau hết của con người.
Với những lời tâm huyết dành cho học trò trước cuộc ly biệt, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ để đạt được thứ bình an đích thực của Thầy, chắc chắn các ông phải tuân giữ và thực thi lệnh truyền của Thầy: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy”. Như thế, bình an mà Chúa Giêsu ban tặng đòi hỏi các học trò phải quyết liệt đi vào cuộc chiến đầy gian nan, đó chính là cuộc chiến đấu thiêng liêng, chiến đấu với chính mình, với chính bản tính hèn yếu của con người mình. Vì bình an là hoa trái của một tâm hồn biết sống tâm tình yêu mến và cho đi, biết gắn bó với Chúa, biết để cho Chúa hướng dẫn và hoạt động trong từng lời nói và hành động của mình. Đây là một cuộc chiến đòi hỏi phải có sự quyết tâm rất lớn, đặc biệt là đối với những người môn đệ được Chúa tuyển chọn.
Hiểu được giá trị của sự từ bỏ chính mình và dành trọn con tim cho Chúa, người môn đệ mới trân quý giá trị đích thực và cảm nghiệm được sự bình an không hệ tại ở bên ngoài, nhưng quan trọng và cần thiết hơn đó chính là sự bình an sâu thẳm trong tâm hồn. Hơn thế nữa, người môn đệ phải đi vào trong mầu nhiệm tự hủy của Chúa Giêsu bằng con đường khổ giá thì mới cảm nhận được trọn vẹn lời nhắn nhủ của Thầy: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi”. Do đó, người ta chỉ có thể đạt được bình an nội tâm thực sự khi biết dìm mình vào trong sự lặng lẽ riêng tư với Chúa, như người ta vẫn thường nói: “Hòa bình không phải là không có chiến tranh”. Cũng thế, hiểu theo một cách khác, bình an không phải là một cuộc đời phẳng lặng, nhưng bình an đích thực là ngay giữa những sóng gió trong đời, người ta vẫn cảm thấy bình an. Đó mới là thứ bình an đích thực đáng trân trọng và nên tìm kiếm.
Như vậy, sự bình an mà Thiên Chúa ban khác hẳn với sự bình an mà con người ngày hôm nay vẫn tìm kiếm. Sự bình an đến từ Thiên Chúa loại trừ khỏi tâm hồn con người mọi thái độ hung hăng, hiếu chiến, hận thù, ghen ghét, và thay vào đó sự bình an đích thực mang đến cho con người một nền hòa bình đúng nghĩa để làm nảy sinh ra tình yêu thương, tình bằng hữu chân thành, vô vị lợi, lòng nhân từ tha thứ và sự công bằng bác ái.
Thế giới hôm nay đang thiếu vắng trầm trọng sự bình an đích thực của Chúa, nói như vậy không phải là Chúa không ban bình an cho con người nữa, vì trong Thánh lễ, chúng ta vẫn được nghe lời chúc bình an của Chúa được lặp lại hàng ngày trên bàn thờ: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban cho các con bình an của Thầy”. Như thế, Chúa vẫn khát khao cho con người được hưởng cuộc sống bình an, sự bình an đích thực của Thiên Chúa Cha, nhưng dường như con người đã từ chối và làm ngơ trước sự quảng đại vô bờ bến của Thiên Chúa. Thế giới ngày hôm nay, nhân loại phải đối mặt với biết bao sự bất an xảy ra liên tiếp từ cuộc chiến kinh hoàng với dịch bệnh, với thiên tai và với vô số những bạo động đang lan tràn, một thế giới của chiến tranh hận thù, ghen ghét. Cụ thể đó là cả thế giới đang chứng kiến cuộc chiến thảm khốc giữa Nga và Ukraina, làm cả thế giới phải khiếp sợ vì sự tàn ác của con người muốn hủy diệt và loại trừ lẫn nhau. Hơn thế nữa, không phải là những cuộc chiến thảm khốc trên chiến trường, nhưng có biết bao nhiêu cuộc chiến tranh lạnh đang xảy ra trong đời sống gia đình, cộng đoàn… Phải chăng nguyên nhân của sự đổ vỡ mối quan hệ vốn được vun đắp bằng tình yêu thương ấy là do sự thiếu tôn trọng và thiếu sự bao dung tha thứ cho nhau. Lời dạy của Chúa Giêsu khi xưa vẫn còn luôn mới mẻ với con người mọi thời: “Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy”. Vì không giữ lời Thầy nên sự bình an sẽ không ở lại với người ấy. Vì thế, Chúa đã nói: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy không theo kiểu thế gian”. Vì hòa bình theo cách thế gian chỉ dựa vào sức mạnh của vũ khí và tiềm lực quân sự, còn bình an mà Chúa Giêsu đem đến bắt nguồn từ chính Thánh Thần. Chính Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Rôma cũng phải thốt lên: “Hướng đi của Thần khí là sự sống và bình an” (Rm 8,6).
Lạy Chúa Giêsu, hơn bao giờ hết chúng con hiểu được giá trị và ý nghĩa sâu xa lời nhắn nhủ của Chúa trước khi Chúa bước vào cuộc khổ nạn: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng”. Chúa càng yêu nhân loại bao nhiêu thì Chúa càng tha thiết muốn ban sự bình an đích thực của Chúa cho chúng con. Thế nhưng con người chúng con không nhận ra tình yêu cao vời của Chúa, bằng cách này hay cách khác, chúng con đã phá vỡ sự bình an mà Chúa đã ban cho nhân loại ngay từ khi Chúa tạo dựng vũ trụ, ngày hôm nay, chúng con vẫn không ngừng đi tìm kiếm sự bình an cho mình, nhưng chúng con không biết rằng sự bình an mà con người hôm nay đang tìm kiếm lại là những liều thuốc độc giết chết sự bình an nội tại đến từ Thiên Chúa. Chúng con đã tìm kiếm thứ bình an giả tạo chóng qua bằng nhiều phương tiện và cách thức theo ý riêng của mỗi người, chứ không phải theo ý muốn của Chúa, những phương tiện ấy đưa dẫn con người đến sự chết và xa rời sự bình an đích thực của Chúa. Xin Chúa giúp nhân loại hôm nay nhận ra được rằng chỉ trong Chúa và nơi Chúa, con người mới hưởng được sự bình an đích thực, ngoài ra đều là những thứ bình an giả tạo chóng qua và mau hư mất. Xin Chúa ban ơn giúp sức cho mỗi người chúng con, để chúng con luôn tín thác cuộc đời trong bàn tay của Chúa và lắng nghe được sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, nhờ đó nhân loại được bước đi trong sự bình an nhờ có Chúa ở cùng. Amen!
Têrêsa Nhỏ
Cộng đoàn Camêlô