LỜI CẦU NGUYỆN CHO SỰ HIỆP NHẤT CỦA CHÚA GIÊSU
WMTGHH - Từ sơ khai trong lịch sử Giáo hội, hiệp nhất luôn là điều mà mọi tín hữu khao khát và không ngừng tìm kiếm. Vì thế, bối cảnh của bài Tin Mừng Ga 17,20-26 hôm nay, một lần nữa đã đưa chúng ta trở về với bữa tiệc ly. Chúa Giêsu biết giờ của mình sắp tới là thời điểm Ngài hoàn tất sứ vụ tại thế để trở về cùng Thiên Chúa Cha. Đồng thời, Ngài đã thấy trước những hoang mang, lo sợ, yếu đuối, vấp ngã, chia rẽ của các tông đồ. Bởi đó, Ngài cầu nguyện tha thiết với Chúa Cha cho các tông đồ đã theo Ngài lâu nay cách riêng và cho các Kitô hữu trong mọi thời đại nói chung được ơn hiệp nhất. Ngài đã tha thiết cầu xin cho tất cả được hiệp nhất trong cùng một đức tin và tình yêu.
Mô hình tuyệt hảo của sự hiệp nhất đầu tiên phải nói tới là Thiên Chúa Ba Ngôi: “Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21a). Thật vậy, sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa là tình yêu hướng về nhau, ở trong nhau. Tình yêu hướng về nhau khi Chúa Cha yêu Chúa Con và ngược lại Chúa Con yêu Chúa Cha bằng Thánh Thần. Khởi nguyên, khi tạo dựng vũ trụ Cha đóng vai trò là Đấng sáng tạo, tới Con cứu chuộc và Thánh Thần giữ vai trò thánh hóa. Tình yêu hướng về nhau tới mức là Ba Ngôi vị nhưng “nên một” Thiên Chúa duy nhất. Sự hiệp nhất của Ba Ngôi là tình yêu ở trong nhau “con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một” (Ga 17,23a). Cũng vậy, người Kitô hữu luôn được mời gọi ở trong Chúa Giêsu và ở trong nhau thông qua việc sống cùng một đức tin, trong cùng một phép rửa, trong một Thánh Thần, một tấm bánh, và nhất là trong cùng một chi thể của Nhiệm thể Chúa Kitô. Mỗi người chúng ta được xem là chi thể trong thân thể mầu nhiệm đó. Việc thực hành sống bác ái, yêu thương, bao dung, tha thứ, kiến tạo hòa bình… là những “của để dành” mà mỗi người ở đời này đã cố gắng tích lũy cho mình vốn liếng thiêng liêng hầu được hưởng sự sống đời đời sau khi kết thúc hành trình lữ thứ trần gian.
Chúa Giêsu vốn là phản ảnh chân thực nhất về mẫu gương của sự hiệp nhất với Thiên Chúa Cha trong tình yêu và sự vâng phục tuyệt đối. Vì yêu thương nên Ngài đã ban cho chúng ta sự sống và ơn gọi làm con trong tương quan thân mật, gần gũi. Ngài vâng lời Chúa Cha mặc lấy xác phàm trong cung lòng trinh nữ Maria để đến với con người và sống với con người. Sự hiệp nhất này là sức mạnh mang tính thuyết phục, chúng ta cần phải có lòng tin để qua Chúa Giêsu, mỗi người nhận ra tình yêu của Thiên Chúa Cha dành cho nhân loại. Chúng ta biết rằng nói tới Thiên Chúa hay những khái niệm như Nước trời, thiên đàng, đời sống mai hậu… vốn dĩ là những thực tại vô hình không phải bằng con mắt phàm mà ta có thể nhìn thấy hay dùng tay chạm tới. Bởi vậy, chúng ta chỉ có thể hiện thực hóa nó bằng những gì gần gũi cụ thể, mà một trong số đó không thể bỏ qua là tình yêu thương hiệp nhất trong đời sống người tín hữu qua các mối tương quan với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Nhờ đó, người ta nhận ra tình yêu Thiên Chúa, hạnh phúc thiên đàng và đặc biệt là nhận biết nơi những người sống yêu thương hiệp nhất với anh em đồng loại, và đó cũng chính là cách thế hữu hiệu nhất để mọi người nhận biết chúng ta là môn đệ Chúa Kitô.
Phần chúng ta, chúng ta phải làm sao để hiệp nhất như lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong cả đời sống? Có lẽ tự sức con người chúng ta sẽ cảm thấy thật không thể, nhưng chỉ có Thiên Chúa thực hiện trong chúng ta mà thôi. Muốn được ơn Chúa thì mỗi người cần mở lòng ra với Ngài trong sự khiêm nhu, đơn sơ và tín thác. Chúng ta lãnh nhận phép rửa là trở nên con cái của Chúa. Nhưng phép rửa đó sẽ chỉ là phép rửa chết nếu người mang phép rửa đó không sống đức tin, không thực hành những giáo lý của Chúa giảng dạy qua những trung gian khác nhau trong cuộc đời họ. Nói như vậy để chúng ta thấy rằng hoa trái của Thánh Thần nơi mỗi người tùy thuộc vào đời sống của người đó. Khi sống hiệp nhất vào sự sống của Thiên Chúa chính là nền tảng để con người hiệp nhất với nhau. Đồng thời đó cũng là sức mạnh để chúng ta có thể khước từ được những mưu chước của kẻ thù hay những cám dỗ trong đời sống.
Quả thật, mỗi người chúng ta ai ai cũng có phần trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Ngài tha thiết nài xin với Cha cho con cái mình được ơn sống hiệp nhất yêu thương nhau, cho họ can đảm làm chứng nhân giữa thế gian đầy rẫy bóng tối của tội lỗi và sự chết. Chúng ta cảm nhận được tâm tư sâu lắng và nỗi khao khát cho con người được hạnh phúc của Chúa Giêsu. Lời cầu nguyện tha thiết đầy cảm động cho ta thấy được trái tim của một vị Thiên Chúa vì con người và cho con người. Đó còn là trái tim của một vị Thiên Chúa mặc lấy phận người và yêu thương con người hết mực tới độ không còn gì để mất. Trọng tâm của lời cầu nguyện hiệp nhất có thể nói là: “Để tất cả nên một” (Ga 17,21a). Đó cũng chính là một yếu tố nền tảng để các môn đệ vững tâm chu toàn sứ mạng Chúa trao nơi trần gian sau khi không còn Thầy Giêsu bên cạnh. Đây cũng là dấu hiệu của nước Chúa để mọi người tin vào sứ điệp Tin Mừng mà những con cái Chúa mang tới. Nói về sự hiệp nhất, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nhấn mạnh: Trong mọi việc loan báo Tin Mừng và trong mọi hình thức của sứ vụ Kitô giáo, chúng ta không thể bỏ qua sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu đã kêu gọi chúng ta. Dựa trên nền tảng sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể bỏ qua sự hiệp nhất này. Quả thực, vẻ đẹp của Tin Mừng đòi hỏi phải được sống sự hiệp nhất và làm chứng khi chúng ta sống hòa hợp với nhau giữa những con người vốn rất khác biệt. Có thể nói, sự hiệp nhất này là điều thiết yếu đối với Kitô hữu, nó không phải là một thái độ, một cách nói nhưng nó bao hàm tất cả lời nói và việc làm. Nó là điều thiết yếu bởi vì sự hiệp nhất sinh ra từ tình yêu, từ lòng thương xót của Thiên Chúa. Đặc biệt là từ sáng kiến của Chúa Cha, sự công chính hóa của Chúa Giêsu, cùng với sự hiện diện cách năng động của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mỗi chúng ta. Do vậy, hãy sống hiệp nhất với tất cả tâm hồn trong sự kết hiệp với ơn Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã sẵn lòng vâng thánh ý Cha tới ở với và ở cùng chúng con trong sự hiệp nhất trọn vẹn. Ngài đã thi hành ý Cha trong tình yêu thương hiệp nhất của Ngôi Con để vác thập giá đến cùng lên đồi Sọ và chịu chết cho tội lỗi chúng con. Trước khi bước vào giờ đã định, Ngài tha thiết cầu xin Cha cho chúng con sống hiệp nhất và yêu thương. Nhưng quả thật, chúng con không thể làm được gì bằng sức riêng mình nếu không sống tình hiệp nhất theo lời Chúa dạy. Xin Chúa cho mỗi chúng con dám can đảm bước tiếp hành trình dương thế của chính mình trong sự hiệp nhất, tin yêu phó thác. Vì chúng con chỉ có thể tìm được nguồn sống và hạnh phúc đích thực nơi Chúa bằng sự hiệp nhất đời sống, hiệp nhất tư tưởng và hiệp nhất trong mọi tương quan. Mang phận người yếu đuối và liên tục vấp ngã, vì thế mỗi lần chúng con vấp ngã xin Chúa giúp chúng con nhận ra ánh mắt và lòng thương xót của Người. Nhờ đó, chúng con thêm tin tưởng vào tình yêu Chúa để có thể biến đổi đời sống hầu tìm kiếm phúc lộc đời sau bằng đời sống hiệp nhất yêu thương ngay từ giây phút này. Amen.
Học viên lớp Thần Học K5
— ∞ + ∞ —
HIỆP NHẤT
“Tôi hỏi nước: Nước sống với nhau thế nào?
- Chúng tôi làm đầy nhau
Tôi hỏi đất: Đất sống với nhau thế nào?
- Chúng tôi tôn cao nhau.
Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với nhau thế nào?
- Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời mới.
(Tôi hỏi người: Người sống với nhau thế nào?)
(Hỏi - Hữu Tình)
Nước, đất, cỏ đã sống gắn bó với nhau tạo nên sức mạnh để tồn tại. Với ba câu hỏi đặt ở cuối bài thơ, Hữu Thỉnh cũng mong muốn con người biết làm đầy nhau, tôn cao nhau và đan vào nhau làm nên những chân trời mới. Đó là sự hiệp nhất. Quả thực hiệp nhất có sức mạnh lớn lao giúp con người vượt trên những gì tồn thường, thấp hèn của chia rẽ, hận thù. Hai ngàn năm trước, Chúa Giêsu cũng dạy các môn đệ bài học hiệp nhất nhưng với ý nghĩa sâu sắc hơn: “Nên một như Con ở trong Cha và Cha ở trong Con” (Ga 17,21a). Chúa Giêsu tha thiết cầu nguyện cho Giáo Hội được hiệp nhất và nên một với nhau trong Thiên Chúa.
Lời Chúa hôm nay là những tâm tình cuối cùng trong lời cầu nguyện hướng về Chúa Cha trước khi Chúa Giêsu bước vào cuộc khổ nạn. Chúa Giêsu đã sống trên trần gian hơn 30 năm, Người hiểu những khó khăn, thử thách nhân loại sẽ phải đối diện. Chúa biết cám dỗ của sự dữ tồn tại khắp nơi, nó trá hình dưới muôn vàn hình thức là những quyến rũ luôn êm ái và ngọt ngào khiến con người tách ra khỏi Giáo hội, rời xa Thiên Chúa, phản bội lại giao ước tình yêu. Vì yêu nhân loại Chúa Giêsu không muốn con người rơi vào cạm bẫy của Satan. Ngài tha thiết xin với Chúa Cha cho nhân loại trung thành với Lời Chúa và hiệp nhất trong tình yêu. Thiên Chúa Cha ở trong Chúa Giêsu, Chúa Giêsu lại ở trong Hội Thánh, đó là nguyên lý phát sinh sự sống Thần Linh và tất cả được trở “nên một”. Ở giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và Giáo hội có sự hiệp nhất thiêng liêng rất khăng khít “điều mà chúng tôi đã từng thấy, đã từng nghe thì chúng tôi loan báo cho anh em để anh em được hiệp thông với chúng tôi nhờ tin; nhưng sự hiệp thông của chúng ta là thông hiệp với Chúa Cha và Chúa Con” (1Ga 13). Sự hiệp nhất này là dấu chỉ cho người ta nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và nhận ra tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Đó chính là nguồn mạch sự sống và hạnh phúc của mỗi người chúng ta. Chính vì vậy, để được thông phần vào sự sống vĩnh cửu, ta phải hiệp nhất, yêu thương nhau. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha cũng là một lời mời gọi tất cả mọi người sống gắn bó hiệp nhất với nhau và tất cả được “nên một” trong Thiên Chúa.
Lời dạy sống hiệp nhất của Chúa Giêsu được đưa vào thế giới cách sống động. Ngay trong thời kỳ đầu của Giáo hội sơ khai, người ngoài Kitô giáo có thể nhận biết Thiên Chúa qua dấu chỉ của sự hiệp nhất. Khi nhìn thấy các tín hữu đầu tiên sống đoàn kết, yêu thương “họ luôn luôn hiệp thông với nhau” (Cv 2,42); “đồng tâm nhất trí” (Cv 2,46); “một lòng một ý” (Cv 5,32), người ngoại đạo đã bảo nhau: “kìa xem họ yêu thương nhau biết là chừng nào”. Cách sống của các môn đệ Chúa Giêsu 2000 năm trước là mẫu gương cho đời sống Giáo Hội sau này. Từ khi Giáo Hội được thiết lập cho đến nay, người ta luôn nhận ra dấu chỉ của sự hiệp nhất, tình huynh đệ của người Công giáo, đặc biệt nơi người dấn thân sống đời Thánh hiến. Họ đã tự nguyện từ bỏ tất cả để thuộc về Chúa Kitô, thuộc về Hội Thánh; họ từ bỏ ý riêng, sẵn lòng vâng phục bề trên để tất cả được nên một trong Thiên Chúa. Đó là điều tuyệt vời ta cần học tập.
Tuy nhiên, thế giới vẫn còn rất nhiều sự phân ly chia rẽ, thiếu hiệp nhất. Một nỗi đau khó quên trong Hội Thánh Công Giáo là cuộc phân ly phát sinh những nhóm tôn giáo khác: như Tin Lành, Chính Thống, Anh Giáo… Chúng ta đau buồn vì chiếc áo là thân thể Chúa Kitô bị chia ra thành nhiều mảnh. Thân thể ấy vẫn tiếp tục rướm máu từ những vết thương bên trong và bên ngoài. Vẫn còn đó nỗi đau của chia rẽ, hận thù giữa các quốc gia, dân tộc, ngay trong cộng đoàn, gia đình hay trong bản thân mỗi người. Sự thiếu hiệp nhất đang làm cho thế giới rơi vào các cuộc chiến tranh, bạo lực; làm cho cộng đoàn chia rẽ, các gia đình phải chia ly… Chúng ta đau đớn vì sự thiếu hiệp nhất trong Giáo Hội và xã hội nhưng chúng ta cần hiểu rằng “Hội Thánh được sinh ra trên Thánh Giá, Hội Thánh lớn lên bằng tiếp tục sự thương khó của Chúa Giêsu cho đến tận thế” (Đường Hy Vọng). Chúa Giêsu quặn đau vì vết thương diễn ra từng ngày, nhưng đó là bằng chứng mạnh mẽ nhất của tình yêu Chúa. Ngài không bỏ rơi Giáo Hội nhưng Ngài xin Chúa Cha ban cho Hội Thánh hiệp nhất và mời gọi tất cả mọi người sống gắn bó với nhau trong Chúa.
Bản thân chúng ta thật hạnh phúc vì được Chúa mời gọi sống gắn bó với chị em và “nên một” trong Chúa. Đó là ơn gọi cao cả mà Chúa chỉ dành cho những người “Chúa muốn”. Dù chúng ta còn nhiều bất xứng, có nhiều lỗi lầm, thiếu sót nhưng Chúa không chê căn nhà nghèo nàn nơi tâm hồn chúng con. Không ít lần trong tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng ta chưa thực sự “nên một” trong Chúa, chưa hiệp nhất, chưa một lòng một ý với chị em, nhưng Chúa vẫn ân cần hướng dẫn và kiên nhẫn, đợi chờ mỗi người chúng ta. Mỗi khi chúng ta gặp đau khổ, khó khăn, thử thách, chúng ta bị nghi ngờ, hiểu lầm, chúng ta chưa kết hợp với Chúa cách trọn vẹn để đón nhận tất cả những dấu đinh là vết thương minh chứng Tình Yêu. Dù chúng ta đã chưa “nên một” với Chúa thì Chúa vẫn đã đi bước trước để ở trong tâm hồn chúng ta và giúp chúng ta sống tình hiệp nhất với chị em, với những người chung quanh. Nhờ đó chúng ta xác tín hơn vào tình yêu Chúa, chúng ta mạnh mẽ, can đảm, dứt khoát hơn để sống ơn gọi Chúa dành tặng cho chúng ta.
Lạy chúa, tạ ơn Chúa đã yêu chúng con, nâng đỡ chúng con trong từng giây phút. Xin Chúa giúp chúng con mỗi ngày để chúng con được “nên một” với Chúa và sống gắn bó với chị em. Xin Chúa cũng gìn giữ Hội Thánh để Hội Thánh vượt qua những cạm bẫy của chia rẽ, hận thù và sống hiệp nhất với nhau trong tình yêu Chúa. Amen.
Cộng đoàn Sơn Tây