KHIÊM NHƯỜNG
Trong tu đức học thường nói: “khiêm nhường là mẹ của các nhân đức”. Quả thật, nếu con người tập được mọi nhân đức mà không có đức khiêm nhường thì kể như là không tập được gì. Như vậy, khiêm nhường có vai trò vô cùng quan trọng trên con đường tiến đức và là chìa khoá mở cửa các ân sủng của Thiên Chúa. Người sống khiêm nhường là người khôn ngoan, biết chọn cho mình con đường đi tới hoàn thiện một cách nhanh nhất.
Khiêm nhường là biết mình, biết người, dám sống cho sự thật, loại bỏ những thói kiêu ngạo, ham danh vọng. Người sống khiêm nhường luôn được mọi người yêu quý. Ngược lại, những người kiêu căng, tự phụ chẳng ai muốn sống cùng. Cũng vậy, Chúa Giêsu đặc biệt lên án những kẻ sống ngạo mạn hay kiểu “khiêm nhường giả tạo”. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kể về câu chuyện trong một bữa tiệc, Ngài thấy người Do Thái cứ chọn cỗ nhất mà ngồi. Cỗ nhất ấy không phải là chỗ có mâm cao cỗ đầy hay những món ăn sơn hào hải vị, nhưng là chỗ ngồi danh dự dành cho khách VIP. Chính tư cách của những vị khách ấy làm cho chỗ ngồi trong mâm cỗ được trọng vọng. Những người dự tiệc ở đây có thể họ là và cũng có thể họ không phải là những vị khách đặc biệt quan trọng. Có thể họ chỉ tô vẽ cho danh dự của mình để thoả mãn tính ham danh vọng, muốn được người khác công nhận và nể phục mình. Nhưng họ không nghĩ rằng có thể sẽ có người khác quan trọng và xứng đáng ngồi ở vị trí chỗ nhất hơn họ. Nếu như vậy thì “anh ta sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối” (Lc 14,9). Một sự thật chớ trêu. Nhân cơ hội này Chúa Giêsu đã lên tiếng khiển trách những người có thói vênh vang và dạy cho mọi người bài học về sự khiêm nhường: “ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11). Điều này không chỉ đúng nghĩa với những bữa tiệc sinh hoạt thường ngày trong cuộc sống nhưng nó còn được áp dụng với bữa tiệc Nước Trời. Vì ai biết sống khiêm nhường, biết mình để nhìn nhận đúng vị trí của mình họ sẽ được đẹp lòng Thiên Chúa. Họ sẽ được chủ tiệc là Thiên Chúa nâng lên ngồi ở cỗ nhất trong bữa tiệc của Vương quốc Ngài.
Chính Chúa Giêsu đã dạy và nêu gương trước cho loài người về sự khiêm nhường. Trong thư của thánh Phaolô gửi cho tín hữu Pl 2,6-11 đã nói rất rõ về mầu nhiệm khiêm nhường của Chúa Giêsu. Vị trí của Ngài tối thượng, chỗ ngồi của Ngài quyền năng, oai phong, độc nhất vô song. Nhưng bởi quá yêu con người nên Ngài đã hạ mình xuống chỗ rốt hết, ở vị trí sâu nhất, hèn mọn nhất để vực dậy và nâng con người lên với Ngài, đặt con người nhỏ bé, tội lỗi, tầm thường, khổ đâu lên chỗ ngồi dành cho con cái Thiên Chúa. Và cuối cùng, Ngài được Thiên Chúa Cha tôn vinh vì sự khiêm nhường trong tình yêu ấy.
Noi gương Chúa Giêsu và gia đình Naderet, con người cũng học sống khiêm nhường: Chúa Giêsu đã khiêm nhường đến tự huỷ mình ra không. Đức Maria cũng đã khiêm nhường từ bỏ mình để hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Nhờ vậy, Mẹ đã được diễm phúc là Mẹ Thiên Chúa. Thánh Giuse đã sống một đời khiêm nhường đến quên mình, âm thầm thực thi lệnh Chúa truyền và Thánh nhân cũng đã được phúc làm cha nuôi Đấng Cứu Thế.
Sang đến thời đại ngày nay, chúng ta cũng thấy được Mẹ Têrêsa Calcutta đã một đời noi gương Chúa, khiêm nhường cúi xuống “rửa chân”, cưu mang, nâng đỡ những con người hèn mọn sống bên lề xã hội. Nhắc “đến người mẹ của thời đại” ấy chắc hẳn ai ai cũng cũng không ngớt cảm phục tấm lòng bác ái, khiêm nhu của mẹ. Bên cạnh đó, vẫn còn biết bao con người luôn sống khiêm nhường, âm thầm phục vụ mà thế giới chưa kịp nhắc đến. Tất cả những con người ấy thay vì vun vén cho lợi ích cá nhân, đánh bóng danh dự của mình thì họ đã sống một đời khiêm nhường vì lòng yêu mến Chúa và tha nhân. Chính lối sống hạ mình ấy của họ đã được Thiên Chúa tôn lên “vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao. Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường” (Hc 3,20).
Từ thuở tạo thiên lập địa và cho đến tận thế, Thiên Chúa luôn mời gọi con người hướng tới sự trọn lành bằng đời sống khiêm nhường. Là một Kitô hữu, hơn nữa là một môn đệ bước theo sát dấu chân Chúa bằng đời sống thánh hiến, con cũng được mời gọi sống tinh thần khiêm nhường một cách triệt để hơn. Để được như vậy, đức khiêm nhường đòi hỏi con phải từ bỏ trong mọi lãnh vực của cuộc sống, biết “coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12,10), luôn đề cao cảnh giác sự len lỏi tinh vi của tính kiêu ngạo, ham lợi danh… Quả thật, đây là những việc không hề dễ dàng với bản thân con. Bởi lẽ, trong con còn mang trong mình cái tôi ích kỷ, vụ lợi, óc đề cao danh dự cá nhân. Con không chiếm ghế ngồi trong cỗ nhất nhưng con lại muốn thổi phồng tầm ảnh hưởng cá nhân lên người khác. Con tìm mọi cách để cho mọi người ngưỡng mộ, nể phục. Con vênh vang, tự đắc vì những điều nhỏ mọn mình gắng sức làm nhưng lại quên ơn Chúa và sự trợ giúp của những người xung quanh. Cái tôi bành trướng của con đã che phủ tất cả để rồi những gì con vơ vét được chỉ là phù vân, là vật cản trên con đường tiến đức của con.
Lạy Chúa, khiêm nhường là hình ảnh của Chúa, là nẻo đường ngay ngắn dẫn con đến dự tiệc với Chúa trên quê trời. Con xin Chúa giúp con biết biến đổi, uốn nắn lòng trí, con tim của con để con biết sống khiêm nhường như Chúa. Nhờ thế, con được sống đẹp lòng Chúa hơn và được chung phần với Chúa trong bữa tiệc Nước Trời. Amen.
Cộng đoàn MTG Nỗ Lực