ĐƯỜNG VỀ
WMTGHH - Con đường chiếm một vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội và con người. Đường đại lộ, đường hàng không, đường biển, đường làng, lối xóm, hay những con hẻm đều có những đặc điểm, vai trò và cấu trúc riêng phù hợp với từng loại phương tiện và nhu cầu sử dụng. Những con đường đó được xây nên từ sỏi đá, sắt thép, bê tông của khoa học kỹ thuật hiện đại, đem lại giá trị về kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, có những con đường lại được mở ra từ những vật liệu của tình yêu, lòng nhân ái, sự bao dung, nhẫn nại của những tâm hồn cao thượng dành cho những bước chân lầm lạc trở về.
Qua bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy hành trình tìm con chiên lạc của người mục tử, tìm đồng quan bị mất của người phụ nữ hay chờ đợi người con thứ đi hoang và người con cả lầm đường trở về của người cha nhận hậu chính là những con đường được xây nên từ những vật liệu của tình yêu, lòng bao dung vô bờ bến. Có thể mỗi con đường được xây nên khác nhau về hoàn cảnh, mức độ và tính chất, nhưng chúng đều mở ra những lối riêng cho sự trở về. Con đường trở về của chú chiên lạc được thiết kế bởi lòng quảng đại đến liều lĩnh và thi công bằng sự tận tâm của người mục tử; khi ông đánh đổi để chín mươi chín con ngoài đồng hoang và đi tìm lấy một con chiên lạc. Đó có thể là con chiên đau yếu, dị tật, hoặc cũng có thể là chú chiên ngỗ nghịch, mải chơi, lang thang thích tìm hoa thơm cỏ lạ ven đường và lạc đàn, đang gặp nguy hiểm hay mắc kẹt ở đâu đó. Ông chấp nhận hiểm nguy để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất, tìm được rồi ông vui mừng đặt nó trên vai và đưa về trên chính đôi chân của mình. Con đường trở về của đồng quan được mở ra từ sự tận tình, đơn sơ chân thành của người phụ nữ; khi đồng quan vô tình hay hữu ý rơi vào trong bóng tối, nơi ngõ ngách, chỗ bụi bặm. Người phụ nữ không ngần ngại thắp đèn đẩy lui bóng tối, quét sạch mọi bụi bẩn, và cúi mình sát đất moi móc cả những nơi ngóc ngách để tìm cho được đồng quan bị mất. Tìm được rồi bà vui mừng mời bạn bè hàng xóm tới chung vui, niềm vui khi tìm lại được một đồng quan dường như lớn hơn cả chín đồng không bị mất. Còn con đường trở về của người con thứ và người con cả là một kiệt tác của lòng nhân hậu, con đường đó được thiết kế, thi công hoàn toàn bằng tình thương, sự kiên nhẫn của người cha già. Khi người con thứ bất hiếu từ chối sự hiện diện và hạnh phúc bên cha để đi tìm con đường tự do của diệt vong, còn người anh cả tuy ở cùng nhà, sống bên cha mà lòng anh không thuộc về cha, anh mang tâm tư của người ngoài, của kẻ không “thuộc về”. Thế nhưng, người cha vẫn luôn sẵn sàng mở lối cho hai người con trở về với lòng nhân hậu, sự kiên trì, lặng lẽ và đợi chờ.
Cả ba con đường trở về dường như thấp thoáng đâu đó là những con đường trở về dành cho con người thời đại hôm nay đã được Đức Giêsu thiết kế, thi công và hoàn thành qua cuộc khổ nạn và phục sinh. Đó là những con đường được xây nên phù hợp với từng người, từng hoàn cảnh giữa một xã hội đang dần bị tục hóa bởi sự kiêu căng, ích kỷ, chạy theo vật chất, danh vọng, đánh mất nhân phẩm, tình yêu, bình an và hạnh phúc đích thực. Xã hội ngày nay vẫn còn đó những chú chiên lạc đường vui thú với tệ nạn xã hội, với những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Cũng thấp thoáng đâu đó những đồng quan rơi vào bóng tối của sự gian dối. Nơi nào đó vẫn có những cậu con thứ từ chối tình yêu và hạnh phúc đích thực để đi tìm thứ hạnh phúc giả tạo bên ngoài, phá vỡ hạnh phúc gia đình. Vẫn còn đó bóng hình cậu con cả trong những cuộc chiến tranh vũ trang cũng như vũ khí sinh học, bọc bên ngoài bằng lớp vỏ bảo vệ hòa bình, bảo vệ nhân sinh, nhưng thực chất lại đang tìm kiếm quyền lợi cá nhân, bảo vệ vị trí, chức vụ của bản thân.
Tinh thần, hình thức, cũng như tính chất của sự tục hóa không chỉ hình thành và phát triển trong xã hội nhưng nó cũng len lỏi và ẩn nấp dưới nhiều dáng vẻ trong nếp sống tu trì. Khi người tu sĩ không còn sống theo căn tính ơn gọi của mình, không còn chọn Chúa làm trung tâm quy chiếu cho đời sống, tìm kiếm hư danh, chạy theo hình thức, bỏ quên những giá trị chân chính của đời tu. Khi vị mặn yêu thương trong cộng đoàn nhạt dần, khi thiếu sự cảm thông, thiếu tình bác ái, thiếu sự chân thành, sự lắng nghe, chia sẻ, và nâng đỡ, khi bế tắc của tình huynh đệ không tìm được lối thoát. Điều này đã dẫn tới việc người tu sĩ không còn cảm thấy bình an và hạnh phúc trong đời tu, không tìm được động lực và ý nghĩa của cuộc sống, và xa dần với lựa chọn ban đầu. Đó cũng là lúc cuộc đời, ơn gọi và cộng đoàn tu trì đi vào bước chân của chú chiên lạc, vào bóng đêm của đồng quan, và vào sự lạc lối của người con thứ hay anh con cả.
Giữa những thách thức của một thế giới đang sống trong bóng đêm của hận thù chia rẽ, những bước chân lầm lạc của chiến tranh, dịch bệnh, nhân loại cần lắm những tâm hồn biết mở ra những con đường của tình bác ái và yêu thương như những người chăn chiên, những người phụ nữ và những người cha già. Thế giới và cộng đoàn cần những tâm hồn biết “thu mua” những vật liệu của đời sống nội tâm, sự gắn bó với Thiên Chúa, lòng quảng đại để không ngừng kiến tạo con đường hòa bình, chân lý và sự thật. Dám chấp nhận sự hiểu lầm, bị đối xử bất công, bị thua thiệt trong bậc sống hay ơn gọi của mình, kiên trì cầu nguyện, thánh hóa trong tình yêu, dám hy sinh sức khỏe, thời gian, danh dự vui sống yêu thương và phục vụ để mở đường cho những tâm hồn lầm lạc trở về. Cần những con đường có tấm lòng tận tâm, sẵn sàng cúi xuống lắng nghe, chăm sóc, nâng đỡ, ủi an những bệnh nhân, những người nghèo khó, yếu đuối, bị bỏ rơi, lang thang bên hè phố, và thắp lên ánh sáng hy vọng cho những bước chân lầm lỡ trong đêm đen. Và cũng cần biết bao những tấm chân tình quảng đại, khiêm nhường, sẵn sàng đi bước trước nói lời tha thứ mở đường cho những “đứa con” lầm bước trở về.
Sống trong ơn gọi thánh hiến, “nghề” của người tu sĩ là cầu nguyện, đời sống của người tu sĩ là chứng tá cho Chúa, lối sống của người tu sĩ là bước theo con đường Chúa đã đi và họa lại hình ảnh của Ngài bằng chính ơn gọi riêng của mỗi người. Vì vậy, người tu sĩ luôn được mời gọi xây những con đường đại lộ, đường băng, cảng biển của yêu thương, cảm thông, tha thứ. Mở ra những lối nhỏ của sự từ bỏ cái tôi ích kỷ để nhìn tới nhu cầu và lợi ích của tha nhân, tạo những lối mòn của sự nhẫn nại với chính bản thân, với tha nhân đẩy lui bóng đêm của bất hòa, chia rẽ. Thiết kế những cây cầu bắc qua biển trần gian bằng việc ở lại bên Chúa sâu hơn bằng lời cầu nguyện, bằng sự gắn bó mật thiết với Chúa, để chuyển cầu: “xin Chúa tuôn đổ phúc lành trên xã hội, Giáo Hội địa phương cũng như hoàn cầu”, tạo ra những con đường yêu thương trên những nẻo đường của cuộc sống đem lại niềm vui, bình an, hạnh phúc và ơn cứu độ đến cho muôn người.
Lạy Chúa, trên đường về Nhà Cha còn biết bao lối nhỏ, ngã rẽ với những hoa thơm cỏ lạ đang vẫy gọi khiến chúng con lầm đường lạc lối. Xin cho chúng con luôn biết tỉnh thức và trung thành với chọn lựa chân chính ban đầu, biết phá bỏ những lối cũ làm cản bước chúng con tìm đến tình yêu, chân lý và sự thật, biết mở ra những con đường của lòng nhân ái, bao dung, để mỗi ngày sống của chúng con là bài ca tụng Chúa không ngừng. Amen.
Maria Trần Hường
Cộng đoàn Camêlô
— ∞ + ∞ —
KIẾM TÌM
Tìm kiếm luôn là hành động phát xuất từ tình yêu, từ một con tim luôn hướng về người mình yêu, người mình thương nhớ. Thiên Chúa chính là Đấng đầy yêu thương, luôn mải mê đi tìm con người. Người là Thiên Chúa của sự tìm kiếm, Người tìm kiếm tất cả những ai rời xa Người. Người đi tìm như người mục tử ra đi trong đêm tối để đưa con chiên lạc trở về. Quả vậy, “Thiên Chúa luôn mải mê tìm con chiên lạc của Người vì Người không muốn để mất một người nào cả” (Đức Thánh Cha Phanxico).
Qua ngòi bút của thánh sử Luca trong bài tin mừng hôm nay, người đọc thấy một tư tưởng tiến triển hết sức rõ rệt: đó là sự chọn lựa từ một trong số một trăm; đến một trên mười đồng bạc và cuối cùng là một trong số hai người con. Những sự chọn lựa ấy dễ làm cho người đọc thấy một sự bất hợp lý đến khó hiểu: vì chẳng ai lại bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc; cũng chẳng ai lại bỏ công sức vất vả để đi tìm một đồng xu chẳng đáng là bao, rồi khi tìm được lại mời bạn bè đến để chung vui. Nhưng rồi mọi sự đã trở nên rất hợp lý khi sự tìm kiếm được nhắm tới không còn là con chiên hay tiền bạc nữa nhưng là con người. Đơn giản vì trước mặt Thiên Chúa, mỗi một con người đều có một giá trị vô cùng quý giá, dù tội lỗi, dù bất xứng cũng đều là con Thiên Chúa, là người con đầy yêu thương của Người.
Với cả ba dụ ngôn, thánh sử Luca đều cho chúng ta thấy rõ được thái độ và niềm hân hoan của Thiên Chúa tìm kiếm và đón nhận người tội lỗi trở về đã diễn tả một sự tìm kiếm không biết mệt mỏi của Thiên Chúa. Thiên Chúa là người cha đầy yêu thương, luôn đi bước trước và sẵn sàng dang rộng vòng tay để chào đón chúng ta trở về. Người là Cha chúng ta và Người khắc khoải, luôn tìm cách giúp chúng ta thoát khỏi sự ràng buộc của ma quỷ và tội lỗi như người cha đã trông thấy người con khi anh con ở rất xa “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm lấy cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20). Có thể thấy thái độ vồn vã này là một thái độ ngoại lệ nơi một người phương Đông, vì đó là thái độ thể hiện rõ nét nhất sự tha thứ và mong ngóng người con tội lỗi trở về, sự tha thứ của người cha đã che lấp đi tất cả lỗi lầm của anh, hàn gắn lại những đổ vỡ của mối tương quan giữa người cha và người con. Bằng một tấm lòng vị tha, một trái tim yêu thương, sự vồn vã và một thái độ niềm nở, người cha đã khiến cậu con thứ không thể tiếp tục nói lời tự hạ mà cậu đã suy nghĩ và quyết tâm nói khi đứng lên để trở về nhà (x. Lc 15,19). Cậu quay về chỉ vì không chịu được sự cùng cực về thể xác, nhưng khi trở về thì người cha đã đưa cậu tới địa vị đích thực của một người con. Có thể nói, hành trình trở về của người con thứ cũng chính là hành trình đi tìm của người cha. Đơn giản vì ông vẫn ngày ngày ra cổng chờ đợi cậu con thứ ngỗ nghịch trở về, vì nếu người cha không mở đường, không tha thứ thì chắc chắn ngày trở về của cậu sẽ là một con đường đầy khó khăn và gian nan. Thiên Chúa chính là một người cha như thế, Người luôn tìm kiếm và tạo cơ hội cho con người trở về và làm mới lại cuộc đời, Người muốn họ quên đi quá khứ lầm lỗi để lại tiếp tục đứng lên, tiếp tục sống xứng đáng với nhân phẩm của một người con của Chúa.
Tình yêu chính là sự tìm kiếm, còn “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16), là một vị Thiên Chúa luôn chủ động đi bước trước để tìm kiếm con người. Mọi hành động và suy nghĩ của Người vượt ngoài tầm hiểu và lý lẽ của con người. Vì trong cuộc sống người ta vẫn thường bảo nhau: “Dẫu biết sẽ phải kiếm tìm, vậy sao còn để họ ra đi?” Nhưng đó là suy nghĩ của con người, còn với Thiên Chúa thì hoàn toàn ngược lại. Người là một người cha dù biết rằng nếu để con người có tự do thì họ dễ lạc xa tình yêu, lạc xa giáo huấn và lời dạy dỗ của Người để thoả mãn các đam mê, thoả mãn tìm kiếm danh vọng, vinh hoa phú quý và địa vị trần thế, nhưng Người vẫn để con người hoàn toàn tự do chọn lựa. Đó có thể là chọn lựa xin chia gia tài, chọn lựa một cuộc sống phóng đãng khi sống xa cha của người con thứ. Hay đó là chọn lựa như người con cả dù sống gần cha nhưng lòng lại xa cha. Người anh cả chính là hình ảnh của những người Pharisêu luôn tự hào vì là người công chính, luôn giữ trọn Luật, sống nệ luật và cứng nhắc (Lc 18,9). Nhưng tình yêu của Thiên Chúa thì vượt lên trên tất cả, vì dù những chọn lựa ấy có đẩy con người xa vòng tay yêu thương của Thiên Chúa thì Người lại sẵn sàng tìm kiếm, vì Người không thể làm ngơ khi thấy con mình hư mất, cũng không thể làm ngơ khi thấy đứa con mình yêu thương bị thất lạc, vì Người yêu hết mọi loài mà Người đã dựng nên như lời sách Khôn ngoan nói: “Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên” (Kn 11,24).
Nhìn vào xã hội ngày nay, con người sống trong một xã hội quá đề cao chủ nghĩa cá nhân, chúng ta thường dễ rơi vào thái độ tự kiêu với một cái tôi quá lớn để có thể tự mình quyết định và sống theo những gì mà mình mong muốn và cảm thấy được thoả mãn, cảm thấy thích thú và dễ dàng. Ngày này, vẫn còn đó những hình ảnh của người con thứ đang dần để mình xa rời vòng tay yêu thương của Thiên Chúa, tự mình chọn lựa cho bản thân một lối đi riêng, một con đường riêng để không còn muốn sống theo giáo huấn và giới luật của Người vì họ cho đó là sự ép buộc, là sự gò bó khiến họ mất tự do. Hay vẫn còn đó hình ảnh của những người con cả, mặc dù vẫn sống gắn bó với Chúa, vẫn đến nhà thờ, vẫn tham dự đầy đủ thánh lễ và giữ luật một cách nghiêm ngặt nhưng lại không ý thức mình làm vì tình yêu, mình là người con của Thiên Chúa là cha đầy lòng xót thương mà chỉ xem mình như người làm công, giữ đạo vì hình thức, để mong được lợi lộc.
Lạy Chúa là Cha giàu lòng thương xót, chính vì tình yêu mà Người đã đi bước trước để chủ động tìm gặp mỗi người chúng con. Chúa không ruồng bỏ chúng con, dù cho chúng con là con chiên lạc đang cần sự giúp đỡ của chủ chăn để có thể quay trở về đàn, là người con thứ đã muốn rời xa vòng tay yêu thương chăm sóc của người cha để mong tìm kiếm một cuộc sống sung sướng, dễ dãi cho bản thân, hay thậm chí là một người anh cả chỉ biết sống cho lợi ích của bản thân hơn là tình cha con thiêng liêng và cao quý. Xin cho chúng con luôn biết khiêm tốn quay trở về sau những lỗi lầm, vấp phạm, biết luôn tin tưởng và cậy trông rằng Người vẫn luôn mở rộng vòng tay để chúng con cũng biết mở rộng vòng tay đón nhận tha nhân và được Chúa nhìn nhận là môn đệ chính danh của Ngài. Amen.
Anna Nguyễn Oanh
Cộng đoàn Camêlô