GẶP GỠ VÀ HOÁN CẢI
WMTGHH - Cuộc sống của con người được đan dệt bằng những mối tương quan trong xã hội. Chính vì vậy, bước vào cuộc đời là con người được bước vào trong những mối tương quan bởi lẽ “Không ai là một hòn đảo”. Thật vậy, sống là gặp gỡ, là tiếp xúc và trao đổi. Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta có biết bao cuộc gặp gỡ, mỗi cuộc gặp gỡ đều mang những mục đích và ý nghĩa khác nhau. Có những cuộc gặp gỡ đầy chủ ý được chuẩn bị, sắp xếp thật chu đáo, nhưng cũng có những cuộc gặp gỡ tẻ nhạt mang tính xã giao, và cũng không thiếu những cuộc gặp gỡ đầy thân tình tâm giao. Bên cạnh đó, cũng có những cuộc gặp gỡ đem lại sự chia ly, thất vọng nhưng cũng có cuộc gặp gỡ mang lại hạnh phúc, bình an, hy vọng, và cũng có những cuộc gặp gỡ là một điểm nhấn, nó đánh dấu một bước tiến cho một cuộc đời… Cũng vậy, với bài Tin Mừng hôm nay chúng ta được chiêm ngắm một cuộc gặp gỡ có một không hai, giữa hai con người: ‘một siêu tội lỗi’ và một ‘siêu thánh thiện’. Nói cách khác thì đây chính là cuộc gặp gỡ giữa con người và Thiên Chúa. Nhờ cuộc gặp gỡ “hữu tình” này giúp cho chúng ta hiểu hơn về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa mà biết hoán cải để trở về với Ngài sau những lần vấp ngã.
Bước vào khung cảnh của bài Tin Mừng, chúng ta được đứng giữa một miền đất tràn trề sữa và mật của thung lũng Giêrikhô, cùng với một đám đông hỗn tạp theo chân Thầy Giêsu để nghe những lời hay ý đẹp thốt lên từ miệng lưỡi của Người. Ở giữa đám đông ấy xuất hiện một người tên Dakêu, ông là một người giàu có, cũng là ông “trùm” đứng đầu của những người thu thuế. Thật thế, ai nghe danh của ông cũng xa lánh và ghét bỏ ông vì công việc thu thuế ông đang làm. Đây là một công việc mà những người Dothái coi là tiếp tay cho quân đội Rôma để bóc lột đồng bào của mình. Chính vì vậy mà những người thu thuế thường bị đồng hóa với những kẻ độc ác, bất công và tội lỗi, do đó họ bị loại trừ khỏi cộng đồng dân Chúa. Chắc hẳn Dakêu đã từng được nghe nói nhiều về Chúa Giêsu - một nhân vật được đông đảo quần chúng biết đến vì những lời Người giảng dạy, những việc Ngài làm. Sự nổi tiếng của Chúa Giêsu bắt đầu làm cho ông tò mò, ông muốn biết “Con Người này là ai?”. Hôm nay, chính là một cơ hội thuận lợi cho Dakêu thỏa mãn tính tò mò của mình vì ông nghe biết Ngài sắp đi qua nơi đó. Chính vì thế “ông đã tìm cách để gặp Người”. Thiết nghĩ, một người giàu có đâu còn thiếu thốn gì: Tiền tài, danh vọng, địa vị…? Thế nhưng, hôm nay khi ông muốn tìm gặp Đức Giêsu và hiện diện cùng với đám đông điều đó hé mở cho chúng ta nhận thấy tận sâu tâm hồn nơi người thu thuế ấy vẫn đang có một khoảng trống của lòng ‘khao khát’ sự thiện. Thứ khoảng trống và lòng khao khát ấy đã thúc bách ông đến với Thầy Giêsu - con người của sự thiện mà ông nghe danh từ lâu. Tuy nhiên, con đường đến tìm gặp Chúa tưởng chừng dễ dàng nhưng lại trở lên khó khăn đối với ông. Bởi “dân chúng thì đông mà ông ta lại lùn”. Khi đứng trước sự cản trở về ngoại cảnh như thế, Dakêu đã không từ bỏ cơ hội, trái lại ông tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu. Ông nảy ra ý tưởng “chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem cho biết Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó”. Hành động mau mắn ấy đã bộc lộ rõ hơn về lòng khao khát gặp Chúa Giêsu của ông, và điều đáng nói ở đây là lúc Đức Giêsu đến chỗ ông, Người đã dừng lại nhìn lên nói với ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”. Cứ tưởng rằng ta đi tìm người nhưng hóa ra Người đang đi tìm ta. Thánh Luca ghi lại hình ảnh và tâm trạng của ông khi được nghe điều Chúa nói với ông “ông vội vàng tụt xuống mừng rỡ đón rước Người”. Nỗi vui mừng này cho ta thấy nơi ông đã có sự biến đổi rõ ràng. Niềm hạnh phúc Chúa dành cho ông dường như vượt quá điều ông mong muốn “xem cho biết Đức Giêsu là ai?”. Giờ đây lại được chính Người ngỏ lời và mời gọi trước. Điều đó đã khiến ông dễ dàng vượt qua những cản trở của ngoại cảnh là đám đông, hình dáng và nhất là những tiếng “xầm xì” người ta dành cho ông: “nhà người tội lỗi”. Như vậy, hơn bao giờ hết cuộc gặp gỡ này đã hoàn toàn biến đổi con người ông. Cuộc gặp gỡ đã đánh dấu một khúc quanh trong cuộc đời của một người thu thuế, ông đã tự động đề ra biện pháp để sửa đổi những lỗi lầm ông đã phạm: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Sự đền bù này không chỉ là sự công bằng, mà là ông dám bồi thường gấp nhiều lần với những gì ông đã làm cho người khác. Thật vậy, lúc này đây ông đã gặp được Chúa - Đấng trao ban cho ông sự bình an, Đấng có thể lấp đầy khoảng trống tâm hồn ông nên mọi thứ tiền bạc, danh vọng, địa vị không còn quan trọng nữa, nhất là những tiếng “xầm xì” của đám đông.
Khi nhìn lại hành trình gặp gỡ và hoán cải của Da-kêu chúng ta nhận thấy Thiên Chúa luôn luôn là người đi bước trước. Ngài không bỏ quên ai cũng không muốn ai phải sống trong cảnh cùng cực thiếu thốn càng không muốn ai phải chết vì tội lỗi của họ. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Dakêu tượng trưng cho chính tình trạng tâm hồn của mỗi chúng ta. Đó là cuộc gặp gỡ giữa con người tội lỗi và lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện qua Chúa Giêsu. Nhờ gặp Chúa mà ông Dakêu được biến đổi. Lật lại những trang Tin Mừng, chúng ta thấy có rất nhiều cuộc gặp gỡ Chúa mà đưa đến sự biến đổi: Nhờ gặp Chúa mà ông Lêvi là một người thu thuế đã từ bỏ mọi sự đi theo Chúa, trở thành một Mátthêu tông đồ (Lc 5, 27-32). Nhờ gặp Chúa và người phụ nữ tội lỗi đã ăn năn sám hối, được Chúa tha thứ chị đã trở nên người yêu mến Chúa hết lòng (x. Lc 7,36-50). Nhờ gặp Chúa mà người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp đã thay đổi đời sống, trở thành người rao giảng loan báo Tin Mừng (x. Ga 4,1-42). Nhờ gặp Chúa trên thánh giá vào phút cuối đời, một tên gian phi cướp của giết người đã ăn năn sám hối, trở thành người trộm lành và được ơn cứu chuộc (x. Lc 23,39-43). Nhờ gặp Chúa mà Saolô từ một người bách hại đạo Chúa trở thành một Phaolô nhiệt tâm loan báo Tin mừng,….
Còn với mỗi người chúng ta thì sao? Có bao giờ chúng ta tự hỏi mình rằng: Tại sao tôi vẫn đọc kinh, vẫn đi lễ hàng ngày, vẫn gặp gỡ Chúa trong các giờ kinh nguyện, trong Thánh Lễ nhưng tôi lại không trở nên tốt hơn, không có sự biến đổi như Dakêu? Cuộc gặp gỡ giữa tôi với Chúa từ trước đến giờ có phải là cuộc gặp gỡ thực sự? Tôi đã có cuộc gặp gỡ thực sự với Ngài? Tôi có nghe được tiếng Ngài nói với tôi, tôi có thấy được Ngài đang đi tìm tôi, trong khi tôi cứ loay hoay trong vũng lầy của bóng tối tội lỗi. Trái tim con người hoặc lương tâm là nơi “tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh” (Hiến chế Gaudium et spes, 16), là nơi duy nhất trong vũ trụ có thể xảy ra cuộc gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa hằng sống nhưng tôi có dám để tâm hồn mình được lắng đọng, dám đối diện với chính mình, với Chúa trong sâu thẳm cõi lòng để ánh sáng Lời Chúa được soi vào từng ngõ ngách, từng góc khuất của tâm hồn? Có những rào cản nào khiến tôi chưa dám vượt qua để đến gặp gỡ Chúa: tôi chưa cảm nghiệm được tình yêu và lòng thương xót của Chúa nên tôi vẫn còn tự ti mặc cảm để sống trong tội lỗi, kiêu căng, chưa có lòng khao khát gặp gỡ Chúa, chưa tha thiết được lắng nghe Lời Chúa, chưa đáp trả lời mời gọi của Chúa,….
Lạy Chúa, ước chi Lời Chúa hôm nay đánh động được tâm hồn mỗi người chúng con giúp chúng con biết lắng đọng tâm hồn để chúng con có thể nhận ra Thiên Chúa vẫn luôn tìm kiếm và dang rộng cánh tay để đón chờ những “con chiên lạc” biết khao khát và biết mở lòng ra đón nhận tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con luôn biết khao khát tìm gặp Chúa, để chúng con cũng được biến đổi như ông Dakêu, như thánh Mátthêu, Phaolô, hay như như người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp,…để chúng con biết thay đổi lối sống, cách nhìn của chúng con giúp chúng con trở nên người con thánh thiện, phản chiếu được khuôn mặt của Ngài trong chính đời sống của chúng con. Amen.
Cộng đoàn Tình Lam