WMTGHH - Sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa là gạch nối giữa hai giai đoạn quan trọng: sống âm thầm nơi gia đình tại Nazarét và rao giảng công khai sứ vụ loan báo Tin Mừng. Đây cũng là gạch nối giữa hai mùa phụng vụ: Giáng sinh và thường niên mà Giáo hội đã cùng sống với Chúa Giêsu qua các biến cố Giáng sinh và Hiển Linh.
Chúa nhật I thường niên hôm nay, Giáo hội đồng hành với Chúa Giêsu qua biến cố Chúa chịu phép rửa. Khởi đầu sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, Người tìm đến sông Giođan và gặp Gioan tẩy giả để xin được chịu phép rửa. Chiêm ngắm Chúa Giêsu Con Thiên Chúa là Đấng vô tội, nhưng Người đã khiêm hạ đồng hóa với con người để gánh tội cho nhân loại. Qua đó, Chúa Giêsu muốn biểu lộ tình thương của Thiên Chúa đối với loài người. Hòa đồng với con người để gánh lấy tội lỗi muôn dân.
Nếu như phép rửa của Gioan Tiền hô là phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha thứ tội lỗi thì phép rửa của Chúa Giêsu chịu là phép rửa mạc khải về một kỷ nguyên mới đã bắt đầu. Khi Chúa Giêsu cúi mình trên dòng nước Gio-đan thì Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim bồ câu và tiếng Chúa Cha xác nhận: “Này là Con Ta yêu dấu”. Thật lạ lùng, trong số những người đến “xưng thú tội lỗi” và chịu phép rửa sám hối để được ơn tha tội có Chúa Giêsu. Chính Người là Đấng Thánh, là Thiên Chúa siêu việt, tại sao lại đến xin Gioan làm phép rửa sám hối? Người là Đấng mà Gioan “không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” lại có thể đứng chung với đám đông người tội lỗi để chờ đến lượt mình được chịu thanh tẩy ? Bài Tin Mừng mạc khải thời đại ân sủng mà Người mang đến cho nhân loại chúng ta ba dấu hiệu:
Thứ nhất đó là trời mở ra. Sách sáng thế đã nói: Ađam và Evà phạm tội, cửa Thiên đàng đóng lại (St 3, 23 - 24). Qua bao thế kỷ, dân Thiên Chúa đã thiết tha cầu nguyện và mong đợi. Nay nhờ Đức Kitô Trời mở ra, từ nay con người đươc sống hiệp thông với Thiên Chúa.
Thứ hai đó là Thánh Thần ngự xuống như chim bồ câu. Sách Sáng thế cũng nói: trước khi tạo dựng trời đất thì “Thánh Thần Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước”(St 1, 2) như thể thông truyền sự sống. Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần ngự xuống dưới hình chim câu ngụ ý rằng Chúa Giêsu là Con người mới và trong Ngài, con người sẽ được tạo dựng lại và sẽ được đổi mới.
Thứ ba đó là lời của Chúa Cha: “Con là con yêu dấu của Ta”. Qua lời tuyên bố này, chúng ta nhận biết Chúa Giêsu là con thật của Thiên Chúa. Và sau này Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết những ai tin vào Người và nhận phép rửa nhân Danh Ngài thì cũng được thông phần vào địa vị làm con Thiên Chúa.
Quả thật, bí tích Rửa tội là nền tảng của toàn bộ đời sống kitô hữu, là cửa ngõ dẫn vào sự sống Thần linh và mọi bí tích khác. Nhờ bí tích này, chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và được tái sinh làm con cái Thiên Chúa. Chúng ta được trở thành chi thể của Đức Kitô, được gia nhập và tham dự sứ mạng của Hội Thánh, thuộc trọn về Đức Kitô, được đóng ấn. Như thế, nhờ bí tích Rửa tội trong tư cách là “kitô hữu thuộc về Đức Kitô và hướng về Đức Kitô và tìm về Đức Kitô” chúng ta được mời gọi sống triển nở sự sống của Đức Kitô nơi mình và tha nhân bằng tình yêu thương và tin tưởng phó thác.
Lạy Chúa Giêsu xin cho chúng con luôn biết sẵn sàng thanh tẩy đời sống và khiêm hạ, qua việc sám hối và hòa giải để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa một cách dồi dào hơn.
Chính Chúa Giêsu là gương mẫu người con hiếu thảo luôn thi hành ý Cha xin cho chúng con noi gương Chúa Giêsu để luôn kết hợp với Thiên Chúa. Nhờ vậy, chúng con thi hành thánh ý Người để sống tốt đẹp và tích cực góp phần xây dựng xã hội nhằm tạo hạnh phúc cho tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu Kitô xin dạy chúng con biết sống ơn bí tích Rửa tội để chúng con được xứng đáng làm con Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.
Cộng Đoàn Hầu Thào