Thứ bảy, 23/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay  Năm A (Mt 4, 1-11)

Cập nhật lúc 09:44 24/02/2023

 

Cám Dỗ Trong Cuộc Đời
 
Phận người chênh vênh vì luôn bị cám dỗ, cám dỗ bên ngoài và cám dỗ bên trong…(trích: Cám dỗ trong đời - Lm Thái Nguyên).
Quả thật, phận người chênh vênh vì luôn bị cám dỗ, ai trong chúng ta cũng phải đấu tranh liên lỉ để chọn lựa giữa sự thiện và sự ác, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa hạnh phúc và đau khổ, đặc biệt lựa chọn giữa sự sống và cái chết. Đây là quy luật muôn đời của cuộc sống nhân sinh. Bước vào Mùa Chay, mùa sám hối, chúng ta được mời gọi nhìn vào gương mẫu Chúa Giêsu để bước vào cuộc chiến đấu thiêng liêng.
 Khi bắt đầu sứ vụ công khai, Đức Giêsu đã vào trong hoang địa để ăn chay cầu nguyện suốt bốn mươi đêm ngày. Đối với các tôn giáo hầu như đều coi trọng việc ăn chay, coi đó như là điều không thể thiếu trong đời sống của các tín đồ. Đối với các Kitô hữu, ăn chay là rèn luyện cho bản thân cách chống lại những ham muốn xác thịt và nhất là tỏ lòng sám hối. Ăn chay giúp tập làm chủ đời sống mình để luôn biết qui hướng về Chúa và mở lòng ra với tha nhân. Điều quan trọng hơn nữa là sống ý nghĩa Mùa Chay như Giáo Hội mong muốn, đó là sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô trong cuộc đời mình. Như thế, Mùa Chay trở thành một hành trình sám hối, một cuộc chiến đấu với những cám dỗ trong đời sống. Người Kitô hữu chúng ta cũng được mời gọi nhìn vào nguyên mẫu nơi Chúa Giêsu để bước vào cuộc chiến đấu thiêng liêng.
Khi ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu, nó tìm mọi cách lôi kéo Ngài sống cho mình, lo cho mình và xây đắp cho mình trong sự ích kỷ của bản thân. Ma quỷ cám dỗ về sự sang giàu phú quý. Bởi sự giàu sang vốn là cái mà mọi người ai cũng khát khao và cố gắng hết sức để đạt được nó. Không những thế, tiền bạc vẫn luôn là sức mạnh khủng khiếp nhất, nó luôn tấn công nhằm gặm nhấm nhân cách con người. Làm sao nhận ra Chúa khi còn nặng nợ với quyền cao chức trọng, cám dỗ giàu sang phú quý, vui thú hưởng lạc...Những ai ham muốn giàu sang sẽ dễ dàng sa vào cám dỗ, rơi vào nguy hại, đó là những thứ khiến người ta lao mình vào sự hủy hoại và diệt vong.
Tất nhiên, không phải mọi thứ của cải thế gian đều là xấu. Nhưng ma quỷ sẽ dùng những vui thú thế gian đó mà làm cho ta bị lôi kéo phạm tội. Hoặc sẽ khiến cho ta yêu thế gian và sao lãng việc phụng thờ Thiên Chúa. Nếu con người bị ám ảnh bởi vật chất và coi đó là mục đích duy nhất của đời mình, thì cuộc sống sẽ nghèo nàn biết chừng nào!
Cám dỗ tiếp theo mà ma quỷ cám dỗ Chúa Giê su cũng như tấn công con người, đó là những nhu cầu của thân xác, như việc ăn uống hay nghỉ ngơi, là những nhu cầu chính đáng để con người duy trì sự sống. Trong Thuyết nhu cầu Maslow, lý thuyết về sự thỏa mãn phổ biến nhất do nhà tâm lý học Abraham Maslow hình thành và phát triển. Lý thuyết này cho rằng con người được động viên bởi nhiều nhu cầu khác nhau và các nhu cầu này được sắp xếp theo thứ bậc từ thấp đến cao, nó là những nhu cầu cần thiết của con người. Nhưng từ nhu cầu để sinh tồn chuyển sang lối sống để hưởng thụ cách ích kỷ chỉ cách nhau một bước. Sống tiện nghi an nhàn nhằm thụ hưởng là một hình thái duy vật (materialism) mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng cảnh báo. Kiểu sống như thế sẽ dần gặm nhấm đức tin, làm xói mòn tình yêu của chúng ta đặt để nơi Thiên Chúa. Vì, sống đâu phải chỉ để hưởng thụ, mà còn để hiến trao.
Quỷ lại cám dỗ Chúa Giêsu bằng cách khác, “đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” (Mt 4, 8-9). Những vinh quang trần thế mà ma quỷ đưa ra để chiêu dụ Đức Giêsu cũng là một cái bẫy rất nguy hiểm đối với chúng ta ngày hôm nay, vì khuynh hướng ưa thích thượng tôn, cái tôi kiêu căng nơi mỗi người luôn là thứ làm ta dễ bị lôi cuốn theo.
 Cám dỗ thứ ba là từ trên núi nhìn xuống xem các nước thiên hạ tức là lòng ham thích quyền hành và vinh hoa  nhưng với điều kiện là phải thỏa hiệp với sự xấu và sự dữ. Vì thế,  Chúa Giêsu nói: “Ngươi chỉ thờ lạy một mình Thiên Chúa”, nhưng đã rất nhiều khi chúng ta đã tôn thờ những thứ khác thay vì thờ lạy Thiên Chúa, như tôn thờ tiền bạc, thú vui, danh vọng...v.v.
Đây là những cám dỗ căn bản vẫn luôn xảy ra trong cuộc sống. Cám dỗ từ bên ngoài, từ quỷ dữ, từ tha nhân. Cám dỗ từ bên trong, từ đòi hỏi của bản năng tự nhiên, của thân xác…Chúa Giêsu cũng từng trải qua những cơn cám dỗ như thế trong hoang mạc năm xưa. Ngài nhìn thấy những sang giàu trần thế khi đứng trên núi cao, và cám dỗ nhảy xuống từ nóc Ðền thờ như một thách đố đối với Thiên Chúa yêu thương, hay như một màn biểu diễn ngoạn mục để thu hút quần chúng. Ngài là con Thiên Chúa đầy vinh quang và quyền năng, mà ma quỷ lại xúi Ngài gieo mình xuống đất. Ngài đói, quỷ lại xúi Ngài hóa đá thành bánh mà ăn, hay sấp mình bái lạy Satan để được nắm mọi quyền hành trên muôn nước. Như vậy ta thấy, giàu sang, quyền lực, khoái lạc vẫn là những cám dỗ muôn thuở, cho mọi người, mọi nơi và mọi thời. Nhưng ta biết rằng, cuộc sống đâu phải chỉ ở đời này, mà còn ở đời sau.
Ðức Giêsu đã thắng được các cơn cám dỗ. Cơn cám dỗ lớn nhất là quy về mình, chọn mình thay vì chọn Chúa và anh em. Đó là những âm mưu rất thâm độc của ma quỷ. Nhưng cuối cùng, Chúa Giêsu đã chiến thắng và không bao giờ đầu hàng trước âm mưu của quỷ dữ. Chúng ta noi gương Chúa Giêsu, tập chiến thắng cơn cám dỗ bằng cầu nguyện, hy sinh, và dám cương quyết từ chối: “Xatan kia, xéo đi!”(Mt 4,10a). Chúa Giêsu đã nêu gương sáng cho ta trong việc kháng cự cám dỗ. Ngài không bị lừa bởi những lời hứa của Satan. Thay vì vậy, ngài lập tức đáp lại bằng câu Kinh thánh: “Có lời viết rằng”(Mt 4, 4-10). Chúng ta cần  vun trồng sự khiêm nhường cho mình. Bởi vì sự kiêu ngạo có thể làm xói mòn mối quan hệ của ta với người khác và gây tổn hại tình nghĩa giữa ta với Chúa.
Lạy Chúa! sự giàu sang, tiền bạc, lạc thú, danh vọng hay vinh quang trần thế…là những điều hấp dẫn chúng con. Xin Chúa thương nâng đỡ chúng con trong mọi cơm cám dỗ luôn rình rập con trong từng giây phút của cuộc đời. Xin giải phóng con khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất, nhờ cảm nghiệm được phần nào sự phong phú của kho tàng trên trời. Xin giúp con hằng ngày tìm thấy Chúa qua Lời Hằng Sống và Bí tích Thánh Thể, để con có thể xứng đáng trở nên  chứng nhân của Chúa. Amen.
 
                                                Cộng Đoàn Tình Lam


 
Vượt Thắng Cám Dỗ
 
 
Khi đã hiện hữu trên mặt đất thì dù muốn hay không, thụ tạo nào cũng phải chịu tác động của ngoại cảnh. Ngay như viên đá cũng có những viên đá khác bên cạnh hay mặt đất để cho nó điểm tựa và ai đó đi qua dẫm lên làm nó lún xuống hay xô dạt sang viên đá khác. Viên đá là vật vô chi mà còn như vậy thì con người, một thụ tạo được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, có lý trí, ý chí và tự do thì còn phải chịu biết bao tác động cả bên ngoài lẫn bên trong. Hơn nữa, Thiên Chúa đã tiền định cho con người một cuộc sống vĩnh cửu cho nên cuộc sống trần gian này là hành trình tìm kiếm chân-thiện-mỹ. Trải qua chuỗi ngày sống dài ngắn khác nhau, chắc hẳn ai cũng có kinh nghiệm mỗi phút giây của ngày sống đều cần đến một quyết định chọn lựa giữa tốt và xấu, giữa xấu và ít xấu hơn. Đó như là một cuộc chiến trước cám dỗ của thế gian mà ai cũng phải đối diện, từ tổ tông loài người đến Chúa Giêsu và chúng ta ngày nay. Và mỗi người được mời gọi chiến đấu liên lỉ để vượt thắng cám dỗ như Chúa Giêsu đã chiến thắng ma quỷ.
Cuộc sống đã cho ta cảm nghiệm điều gì phải mất nhiều thời gian, công sức và tiền của mới đạt được thì ta sẽ chân quý và giữ gìn nó biết bao. Cho nên, cuộc sống mà ta không có gì để chiến đấu, để hy sinh thì cuộc sống ấy thật tẻ nhạt, có thể nói mạnh rằng cuộc sống đó cũng chẳng khác nào những thụ tạo ăn, uống và hành động theo bản năng và tuổi thọ là tùy thuộc ở con người. Bởi vậy, được trao tặng ơn gọi làm người, hạnh phúc hơn là được làm con Chúa để hưởng hạnh phúc viên mãn thì chúng ta phải sống sao cho đáng sống. Khi còn ở trần gian thì cám dỗ là một điều mà không ai có thể chốn tránh được, nhưng tùy hoàn cảnh mỗi người mà cơn cám dỗ có khác nhau, nhưng ai cũng phải công nhận mỗi cám dỗ không theo một mẫu số chung.
Trong bài đọc một, sách Sáng Thế cho thấy ngay từ buổi sơ khai ma quỷ đã cám dỗ tổ tông loài người là ông Ađam và bà Evà, bởi sự kiêu ngạo mà hai ông bà đã nghe theo lời dụ dỗ ngon ngọt của ma quỷ mà sa ngã. Kể từ đó tất cả mọi người đều làm nô lệ cho ma quỷ. Giờ đây, ma quỷ lại cám dỗ Chúa Giêsu. Tuy nhiên, không như Ađam đã sa ngã, Chúa Giêsu đã chiến thắng. Qua đó, cho thấy Chúa Giêsu đến để giải thoát chúng ta khỏi vòng nô lệ. Như trong bài đọc thứ hai thánh Phaolô đã nói về sứ vụ này của Chúa Giêsu như sau: “vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống” (Rm 5,18). Như vậy, Chúa Giêsu đã đến trần gian trở thành Ađam mới của nhân loại. Người đã hoàn toàn chiến thắng trước mọi cám dỗ của ma quỷ và để lại một bài học của sự chiến đấu cho chúng ta.
Hôm nay là Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, Giáo Hội cho chúng ta đọc lại trình thuật Chúa Giêsu chịu cám dỗ để giúp ta sống lại kinh nghiệm trong hoang địa của Chúa Giêsu ngày xưa. Thật vậy, cuộc sống trần thế có biết bao cạm bẫy của ma quỷ đang chờ chúng ta. Với thân phận yếu đuối của con người chỉ một phút chiều theo tính xác thịt là chúng ta sẽ sa ngã nhưng chúng ta phải tin vào Thiên Chúa là người Cha luôn quan phòng cho con cái mình như lời thánh Phaolô: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Cr 10,13). Nhưng không vì thế mà chúng ta hoàn toàn phó mặc cho Chúa nhưng cần sự cộng tác tích cực với Người, làm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua tiếng lương tâm. Trong mọi hoàn cảnh mỗi người chúng ta được mời gọi luôn tỉnh thức để sẵn sàng chống trả vì theo kinh nghiệm của thánh Phaolô: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1 Pr 5, 8-9a). Khi chúng ta thực hành như vậy chắc chắn chúng ta sẽ vượt thắng cám dỗ. Nhưng ngay cả khi chiến thắng, chúng ta vẫn được mời gọi sống trong tư thế sẵn sàng để chiến đấu với cám dỗ khác đang chờ đợi ta phía trước. Vì cũng giống như Chúa Giêsu khi Người hoàn toàn chiến thắng trước ba cơn cám dỗ: liên quan đến nhu cầu bản năng; vinh quang cá nhân và quyền lực, thánh sử Luca còn thuật lại: “sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ” (Lc 4,13). Và quả thực ma quỷ đã không buông tha ngay cả khi Chúa chịu treo trên thập giá “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” (Lc 23,39). Và ngay cả khi đau đớn tủi nhục, bị bỏ rơi Chúa đã không sa ngã mà hoàn toàn vâng theo ý Cha là hoàn tất sứ mạng của Người ở trần gian. Như vậy, là con của Chúa chúng ta phải hoàn toàn tin tưởng, bắt chước và tích cực cộng tác với ơn Chúa, liên lỉ cầu nguyện xin Người ban sức mạnh giúp ta vượt thắng mọi cám dỗ của ma quỷ đang bày ra nơi hành trình trần thế đang tiến về quê hương đích thực.
Lạy Chúa Giê-su, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
 
Nguyễn Ước -Học Viện K5
 
 
 
Thắng Vượt Cám Dỗ
 
“Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu cám dỗ.” (Mt 4,1)
 
Mọi dân tộc trên thế giới đều khao khát được hưởng hòa bình, độc lập và ra sức chiến đấu để bảo vệ nền hòa bình ấy. Tuy nhiên, ít ai nhận ra rằng sự tự do và bình an của tâm hồn còn quan trọng và đòi hỏi những nỗ lực xây dựng, bảo vệ nhiều hơn thế. Quả vậy, con người chỉ có được tự do thật khi thắng vượt được ách thống trị của tội lỗi để đạt tới trạng thái bình an viên mãn trong sự giao hòa với Thiên Chúa. Điều đó, con người không thể tự sức làm được nhưng nhờ Con Thiên Chúa - Đấng đã đến mặc lấy thân phận phàm nhân để nêu gương chiến đấu. Vì thế, chúng ta được bảo đảm trong chiến thắng trước những cám dỗ của ma quỷ. Đức Ki-tô chính là con đường để mỗi người tiến bước về Quê trời.
Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mátthêu hôm nay ghi lại biến cố Chúa Giêsu vào hoang địa để chịu cám dỗ. Hình ảnh Chúa Giêsu ăn chay bốn mươi ngày trong hoang địa gợi lại cuộc hành trình 40 năm của dân Israel trong sa mạc để tiến về Đất Hứa. Trong cuộc hành trình ấy, dù được bàn tay Thiên Chúa bao bọc chở che nhưng dân vẫn liên tục kêu trách, sa ngã phạm tội và xúc phạm đến Chúa. Và đến hôm nay, tội lỗi của con người vẫn còn tiếp tục làm tổn thương đến trái tim Thiên Chúa. Một trái tim chỉ biết thổn thức vì tình yêu nhân loại. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người đã đi lại hành trình sa mạc ấy để thay đổi lối mòn của nhân loại hay sa ngã. Ba cơn cám dỗ mà Chúa Giêsu đã trải qua cũng là điển hình cho những cám dỗ lớn nhất của đời nhân thế.
Cám dỗ đầu tiên mà ma quỷ bày ra cho Chúa là cám dỗ về cơm bánh đang khi “Người thấy đói” sau 40 ngày chay. Đó là hình ảnh của những nhu cầu xác thịt luôn ở bên cạnh mời mọc con người, tấn công con người vào những lúc yếu nhược nhất. Thể xác là một yếu tố không thể thiếu của con người và nó có những nhu cầu để có thể duy trì sự tồn tại. Tuy nhiên, con người dễ có khuynh hướng đi quá những gì cần thiết cho bản thân, để những đam mê hưởng thụ lớn lên không ngừng, sinh ra sự tham lam, ích kỷ, bất công, tàn bạo tràn lan trong xã hội. Chúa Giêsu đã thẳng thắn chống lại ma quỷ bằng lời Kinh Thánh: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.” Điều đó xác tín rằng còn có những giá trị lớn lao hơn nhu cầu thể xác mà con người cần tìm kiếm, giá trị ấy nằm chính tại kho tàng Lời Chúa.
Sau thất bại thứ nhất, ma quỷ tiếp tục thử thách Chúa Giêsu bằng cám dỗ của sự nghi ngờ, lấy sự phó mặc để thử thách Thiên Chúa. Đó là lối sống buông xuôi cuộc đời, bằng lòng với sự thỏa hiệp, dễ dãi mà thiếu sự cộng tác với Thiên Chúa. Trên thực tế, không ít người không chịu rèn luyện bản thân, trau dồi nhân đức nhưng chỉ trông mong “Chúa giữ gìn”. Lại có những người luôn chọn cách làm thinh trước những bất công, áp bức, gian tà mà luôn tự nhủ “Chúa sẽ làm”. Lời đáp trả của Chúa Giêsu là sự nói không với tất cả những cách hành xử ấy: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” Là loài thụ tạo được Thiên Chúa yêu thương tạo thành, con người có trách nhiệm và bổn phận hết lòng yêu mến Ngài và nỗ lực cộng tác với Thiên Chúa trong việc cứu độ bản thân và làm cho thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.
 Sau cùng, ma quỷ bày ra cám dỗ về quyền thế vinh hoa để thử thách Chúa. Xưa dân Do Thái đã gạt bỏ Thiên Chúa mà tôn thờ những ngẫu tượng do tay mình làm ra. Con người hôm nay cũng thường vấp ngã vì cám dỗ lợi danh, tôn thờ ý riêng, tự tôn chính mình mà gạt bỏ Thiên Chúa. Chúa Giêsu một lần nữa đánh gục ma quỷ bằng lòng trung thành tuyệt đối với Thiên Chúa, đặt Thiên Chúa lên trên hết mọi sự. “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và thờ lạy một mình Người mà thôi.” Ngài nhắc ta về vị trí và tâm thế đích thực cần có của con người đối với Đấng đã tác tạo và làm chủ mọi sự: khiêm nhường và trung tín. Cám dỗ vẫn luôn còn đó trong đời nhưng Chúa Giêsu đã chiến thắng và toàn thắng nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh để mở đường cho con người đến chiến thắng vĩnh cửu. Chiến thắng của Chúa Giêsu là động lực để ta nỗ lực thắng vượt cám dỗ mỗi ngày trong niềm tin có Chúa ở cùng và cùng ta chiến đấu.
Là con người, không ai tránh khỏi những cám dỗ trong đời. Như Chúa Giêsu đã cảnh báo các môn đệ: “tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14,38), con người phải luôn tỉnh thức và trang bị cho mình những vũ khí chiến đấu. Hằng năm, Giáo Hội dành cho con cái mình 40 ngày chay thánh để ăn năn thống hối và tập luyện chiến đấu thắng vượt cám dỗ theo gương Thầy Giêsu. Ngay từ khởi đầu mùa Chay, người tín hữu được mời gọi sống ba phương thế: ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái để tập chế ngự tính xác thịt, làm cho tinh thần thêm kiên vững nhờ gắn bó với Chúa và liên đới với tha nhân. Sống trọn ba chiều kích ấy, ta có thể vươn tới mức trưởng thành với sức mạnh nội tâm nâng đỡ đời sống. Mùa Chay này, mỗi người Kitô hữu được mời gọi theo chân Chúa Giêsu bước vào hoang địa của cuộc đời mình để ở lại bên Chúa, duyệt xét lại đời sống, sám hối lỗi lầm và hơn hết là để canh tân đời sống, “cầm vũ khí mà chiến đấu”: chiến đấu với những chước cám dỗ của ma quỷ, chiến đấu với những dục vọng trong chính mình, mở cửa trái tim để đến với tha nhân. Có lẽ, những hoa quả của Mùa Chay mà Chúa mong chờ nhất ở nơi ta là một đời sống mới với tình yêu ấm nóng nối kết ta nên một với Chúa, tan biến đi cho tha nhân.
Mỗi ngày đời tôi luôn phải đối diện với những cám dỗ rình chờ: cám dỗ về sự dễ dãi cho mình, cám dỗ hưởng thụ, cám dỗ về những dục vọng đam mê,…Chúa đã không cất khỏi tôi những cám dỗ cũng không cất khỏi tôi những yếu đuối nặng nề. Thế nhưng, Ngài đã dùng chính những yếu đuối nơi tôi để biểu lộ tình thương của Chúa. Vì biết tôi mọn hèn yếu đuối mà Chúa đã đến với tôi, mặc lấy thân phận con người để cùng chiến đấu với tôi. Chúa đã chiến thắng để bảo đảm cho chiến thắng sau cùng của tôi. Và cả khi tôi vấp ngã, Chúa cũng không bỏ rơi tôi, không từ chối tôi nhưng luôn chờ tôi trở về và nâng tôi trỗi dậy. Tình yêu của Chúa trên cây thập giá là lời tha thứ tuyệt hảo Ngài hằng nói với tôi. Suy niệm về điều ấy, tôi càng thấm thía hơn lời của thánh Phaolô: “Tôi rất tự hào và vui mừng vì những yếu đuối của tôi để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi.” (2 Cr 12,9). Tôi tin rằng trong sự chiến đấu, qua cơn gian nan, tôi  luôn có Chúa đồng hành và nhờ đó tôi được đưa đến gần Chúa hơn.
Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã vì yêu thương mà đến với nhân loại chúng con, cùng chia sẻ kiếp người và nên mẫu gương thắng vượt cám dỗ để chúng con noi theo. Xin Chúa giúp con, trên cuộc đời lữ thứ này, luôn cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương con mà kiên tâm chiến đấu với ba thù để được ở mãi trong tình yêu Chúa. Ước chi Mùa Chay này giúp ý chí con được tôi luyện thêm vững vàng để theo Chúa đến cùng. Amen.
 
Maria Trần Hồng - Học Viện K5
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log