Ở VỚI CHÚA
Theo Chúa là chọn sự sống. Theo Chúa đến cùng là một trong những trọng tâm của các bài đọc trong Chủ Nhật II Mùa Chay hôm nay. Bài đọc sách Sáng Thế ghi lại lời Chúa gọi ông Ápram: “Ngươi hãy từ bỏ quê hương, họ hàng và nhà cửa cha ngươi mà đi đến xứ Ta chỉ cho…” Chúa muốn ông rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, cha mẹ và những người thân để đến nơi Chúa sẽ chỉ cho. Sự rõ ràng là lời mời ra đi, đi theo tiếng Chúa. Chính Chúa là hoa tiêu, người dẫn đường để dẫn tới đích.
Đích đến đó là lời hứa “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn, Ta sẽ ban phúc cho ngươi, cùng làm vinh danh ngươi, ngươi sẽ được diễm phúc.” Đối với Ápram lúc bấy giờ, lời Chúa hứa đem lại cho ông niềm vui và hy vọng. Hy vọng có con nối dòng khi vợ chồng ông son sẻ không con. Chúa hứa những điều lớn lao hơn ước mơ nhỏ bé của cặp vợ chồng hiếm muộn. Chúa hứa ban cho ông một dân lớn và mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nhờ ông. Ápram đã tin và đã ra đi trong niềm hy vọng, đem theo vợ và gia tài. Hành trình đi theo sự hướng dẫn của Chúa là một cuộc thanh luyện đức tin và cuộc biến đổi tận căn đối với Ápram. Từ đó, ông trở nên cha của những kẻ tin.
Trong bài Tin Mừng, thánh Mátthêu thuật lại việc Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi riêng, theo ngài lên một ngọn núi cao, và tại đó, các ông nhìn thấy dung mạo Đức Giêsu biến đổi trở nên chói lọi như mặt trời. Các ông còn thấy ông Êlia và Môsê đàm đạo với thầy. Khi nhìn vào hai cuộc đi theo, chúng ta nhìn thấy sự chủ động của Thiên Chúa khi mời gọi và dẫn đường. Cả Ápram và ba môn đệ đều đã được gọi và được tách riêng để theo Chúa. Nếu Ápram đi theo tiếng Chúa chỉ đường, thì ba môn đệ đi theo người dẫn đường_Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể. Với Ápram, Thiên Chúa hứa ban cho ông trở nên một dân lớn và trở nên mối phúc lành cho mọi dân. Còn với các môn đệ, thánh sử Mátthêu không ghi lại việc Đức Giêsu đã hứa gì khi đem ba môn đệ lên núi.
Nhìn vào bối cảnh trước cuộc hiển dung, Phêrô đã tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (Mt 16,16), Đức Giêsu tiên báo cuộc thương khó người sẽ phải trải qua (Mt 16, 21), và điều kiện tiên quyết để theo Thầy là từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo (Mt 16,24). Mỗi môn đệ rất cần phải biết Đức Giêsu là ai và điều kiện để theo Người. Chúng ta có thể thấy trong các môn đệ bấy giờ có một niềm hy vọng lớn lao vì Con Thiên Chúa ở cùng, nhưng có sự lo lắng sâu xa vì Ngài nói những điều khó chấp nhận và khó hiểu: chịu nhiều đau khổ, bị giết chết, và ngày thứ sẽ ba sống lại. Rồi các điều kiện để theo Ngài là từ bỏ mình và liều mạng sống vì Thầy; giữ mạng sống thì sẽ mất. Điều Thầy nói khác xa nhiều so với khát vọng của các môn đệ. Giữa các môn đệ có thể đã có ít nhiều bàn tán, tranh luận để hiểu hơn điều Thầy thật sự muốn nói.
Kinh nghiệm cá vị về Thiên Chúa thiết yếu để củng cố niềm tin và sự dấn thân của người môn đệ. Cuộc hiển dung là sự củng cố cần cho Phêrô, Giacôbê và Gioan, dù các ông chưa hiểu ngay. Sáu ngày sau khi Phêrô tuyên tín, Đức Giêsu gọi ba ông đi riêng theo Người. Cuộc đi riêng này có lẽ đã không làm các ông ngạc nhiên, đây có thể là một trong nhiều lần Thầy đã kéo các ông riêng ra cho công việc này hay việc kia. Người đem các ông lên một ngọn núi cao, biểu trưng cho nơi gần trời, gần Thiên Chúa. Tại đó, các ông nhận thấy sự thay đổi rạng rỡ trên khuôn mặt và trang phục của Thầy. Bên cạnh Thầy có các ông Môsê và Êlia.
Khung cảnh choáng ngợp làm cho Phêrô thốt lên: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy ưng, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Có thể vì luôn nghĩ về Thầy và muốn làm Thầy vui mà ông đã thốt lên những lời này, dù chẳng hoàn toàn hiểu mình nói gì. Thêm vào đó, khi Phêrô còn đang nói thì các ông thấy đám mây bao phủ các ông, và các ông nghe thấy tiếng phán từ đám mây: “Ðây là Con Ta yêu dấu rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”. Với người Do Thái, ai nghe thấy tiếng Thiên Chúa nghĩa là chết; nên ba môn đệ sấp mình xuống, nghĩ như mình đã chết thì mới nghe thấy tiếng Thiên Chúa trong “đám mây”. Các ông được chứng kiến từ bất ngờ này đến bất ngờ kia. Kinh nghiệm này choáng ngợp toàn thể con người các ông, làm các ông như mất phương hướng.
“Các con hãy đứng dậy, đừng sợ”, Đức Giêsu chạm vào ba môn đệ để đánh thức các ông khỏi sự bàng hoàng. Các ông mở mắt và chỉ thấy một mình Thầy. Điều này giúp các ông bình tâm mà đứng dậy. Phải chăng con người chúng ta sợ khi gặp đau khổ, sỉ nhục và cái chết, và chúng ta cũng sợ cả khi chứng kiến cuộc thần hiện và nghe tiếng Thiên Chúa? Phải chăng chúng ta sợ khi sự việc xảy ra vượt xa tầm kiểm soát và sự suy tính của chúng ta? Có lẽ các môn đệ không sợ con người Đức Giêsu nhưng sợ cuộc khổ nạn mà Người tiên báo Người sẽ bước vào. Sợ vì chưa có kinh nghiệm và thiếu hiểu biết. Và Đức Giêsu đã đi trước để các môn đệ theo sau. Thánh Phaolô đã nhắc nhớ chúng ta, những người môn đệ, về việc hãy đi theo Đức Giêsu, hãy làm chứng cho Tin Mừng không phải bằng sức riêng mình, mà bằng sức mạnh của Thiên Chúa (2 Tm 1,8b-10).
Lạy Chúa Giêsu nhân lành, Chúa đã dạy chúng con khi theo Chúa, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo. Chọn theo Chúa là chọn sự sống. Tuy nhiên, bước đường thập giá thì nhiều cam go và khó khăn, chúng con có thể không đi được tới cùng nếu không có Chúa đồng hành. Xin Chúa giúp chúng con, trong những ngày Chay thánh này, biết chú tâm hơn để lắng nghe Lời Chúa, thinh lặng hơn để cảm nghiệm sâu hơn sự đồng hành của Chúa trong mỗi giây phút của ngày sống. Amen.
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Dị Nậu
BIẾN ĐỔI
Dung nhan luôn là điều được quan tâm hàng đầu của hầu hết mọi người. Chúng ta chỉ có thể phân biệt được người này với người khác là nhờ khuôn mặt, thế nên mới có câu “nhìn mặt mà bắt hình dong”. Ai cũng mong muốn cho mình có một diện mạo, một khuôn mặt đẹp, dễ nhìn dễ thương. Biết được điều đó mà ngày nay các thẩm mỹ viện, các trung tâm chăm sóc sắc đẹp mọc lên thật rầm rộ, nghề làm đẹp là nghề ‘hái ra tiền’. Xã hội phát triển, nhu cầu làm đẹp ngày càng gia tăng. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy một sự biến đổi, biến đổi dung nhan của Đấng là Ánh Sáng trần gian. Người đã ẩn giấu vinh quang nhưng nay tỏ lộ ra cho các môn đệ được thấy.
Với mối bận tâm trình bày Đức Giêsu là Môsê mới, Đấng ban hành và kiện toàn Luật mới. Tác giả Mátthêu trình bày con người Đức Giêsu qua năm bài giảng. Bài Tin Mừng hôm nay càng cho thấy rõ hơn mục đích của tác giả viết sách Tin Mừng thứ nhất. Thánh Mátthêu mô tả cuộc hiển dung trên núi Tabor của Đức Giêsu tương tự như cuộc gặp gỡ của Môsê với Đức Chúa trên núi Sinai, với ánh sáng chói lóa tỏa chiếu từ khuôn mặt của Môsê sau cuộc trò chuyện với Đức Chúa, và sự biến đổi dung nhan sau cuộc gặp gỡ với Đức Chúa. Sau khi tông đồ Phêrô tuyên xưng đức tin, Đức Giêsu loan báo cuộc thương khó và Phục sinh cho các môn đệ, rồi Ngài mời gọi các môn đệ phải từ bỏ mọi sự để theo Người. Biến cố hiển dung như một sự nâng đỡ tinh thần cho các môn đệ trước cuộc khổ nạn. Vinh quang của Đức Giêsu đã bị che giấu trong cuộc sống tại thế, nay được tỏ lộ ra cho các môn đệ được thấy, nhằm củng cố niềm tin cho các ông trước cuộc khổ nạn mà Thầy Giêsu sắp trải qua. Cuộc biến đổi hình dung của Đức Giêsu, tựa như một cuộc hiển linh, với ánh sáng, mây mù, và tiếng phán từ trong đám mây. Hai vị là Môse và Êlia hiện ra và đàm đạo với Đức Giêsu. Với Ngôn sứ Êlia là người đại diện cho các Ngôn sứ, còn Môsê đại diện cho Lề Luật, sự hiện diện của các vị ấy trong cuộc hiển dung là một sự xác nhận cho thần tính và vinh quang của Đức Giêsu. Người là Đấng ban Luật mới, Đấng kiện toàn Lề Luật và lời các Ngôn sứ loan báo. Từ thân phận Thiên Chúa, Đức Giêsu đã thực sự biến đổi trong cuộc nhập thể, vinh quang ấy nay được tỏ lộ cho các môn đệ, và cuộc biến đổi của Đức Giêsu sẽ chỉ hoàn tất trong cuộc khổ nạn và Phục sinh. Trong hành trình tiến bước vào Mùa Chay cùng Đức Giêsu, Giáo Hội cho ta suy niệm bài Tin Mừng này để ta thêm tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa, sau khổ nạn rồi sẽ tới phục sinh, sau thập giá sẽ là vinh quang.
Mùa Chay là một cuộc lên núi, một hành trình đi lên với Chúa để được Ngài biến đổi bằng cầu nguyện, bằng hy sinh và nhất là chuyên chăm lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Sẽ chỉ có biến đổi nếu ta biết vâng nghe Lời Chúa, biết thực hành Lời Ngài như tiếng Chúa Cha phán với các môn đệ. Đời sống của mỗi người Kitô hữu là đời sống của chính người môn đệ, và lệnh truyền “hãy vâng nghe lời Người” của Chúa Cha, không loại ra một người nào. Ai cũng phải vâng nghe Lời Chúa được tỏ hiện nơi con người Đức Giêsu. Bất cứ ai vâng nghe lời Đức Giêsu đều là người môn đệ của Người. Môn đệ là người lắng nghe và thực hành lời Thầy. Trong cuộc hiển dung trên núi của Đức Giêsu, dung nhan Đức Giêsu đã được mô tả là “chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”. Chúa Giêsu không biến đổi dung nhan trước mặt mọi người, nhưng Người chỉ biến đổi trước mặt các môn đệ thân tín.
Mùa Chay cũng mời gọi chúng ta đi vào hy sinh, cầu nguyện, cùng lên núi với Chúa, để thực hiện một cuộc biến đổi. Biến đổi từ tội lỗi nên một người công chính, từ một người sống gian dối, quanh co nên con người ngay thẳng và thành thật. Cuộc biến đổi nào cũng cần thái độ dứt khoát và anh hùng. Các tông đồ đã can đảm dứt bỏ đám đông, dứt bỏ những tiếng khen ngợi của đám người dưới chân núi thì mới được chứng kiến quang cảnh tuyệt vời trên đỉnh núi. Nếu cứ ở lại với đám đông, không rời bỏ họ, không chấp nhận leo núi, chịu đựng sự cô liêu thì đâu thể được diễm phúc chiêm ngưỡng vinh quang của Đức Giêsu. Ở trên đời này, cái gì cũng có giá của nó. Nước Trời đòi ta cố gắng. Mùa Chay mời gọi ta đi vào sa mạc, vào hoang địa với Chúa Giêsu để được ân sủng Ngài biến đổi. Vào sa mạc ta phải chấp nhận bỏ lại những tương quan cá nhân thân thiết, những dự tính, bỏ đi những gì không phù hợp. Vào sa mạc để được thanh luyện, được biến đổi. Lịch sử Giáo Hội cho ta thấy những cuộc biến đổi ngoạn mục của các thánh nhân: Phaolô, Augustinô, Anphongsô, Têrêsa Avila…cũng có những cuộc biến đổi diễn ra thật âm thầm như thân phận hạt giống âm thầm trong lòng đất. Và chính Đức Giêsu, Ngài cũng không thể hiện vinh quang ở chốn đông người. Gương mẫu khiêm nhu của Thầy mời gọi ta đi vào trong tĩnh lặng, chìm sâu trong Lời và ân sủng của Ngài để thực sự được biến đổi.
Học Viện