Lãnh Nhận Để Trao Ban (Ga 4,5-42)
Nỗi khắc khoải khôn nguôi của con người trong kiếp nhân sinh là đi tìm về nguồn Chân – Thiện – Mỹ. Câu hát: “Đời con là một khát khao, mơ về tuyệt đối Chúa ơi!” phần nào nói lên nỗi khắc khoải đó. Chính Tagore, thi sĩ người Ấn Độ cũng đã phải thốt lên rằng: “Ngài là ai đó mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe. Và chưa một lần tôi hình dung ra được. Ngài là ai đó để khi xa Ngài nghe trống vắng làm sao? Được ám ảnh trong cả giấc chiêm bao. Ngài vẫn là bí ẩn, bí ẩn tuyệt vời. Linh hồn tôi vẫn còn thao thức mãi”. Điều này cho thấy, con người cần đến Thiên Chúa như là một sức mạnh thiêng liêng vô biên. Người phụ nữ Samari trong bài Tin Mừng hôm nay cũng giống như tất cả những con người khác, chị khao khát Ơn Cứu Độ, mơ về Đấng tuyệt đối và mong chờ Đấng Mêsia sẽ đến: “Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người loan báo cho chúng tôi mọi sự” (Ga 4,25). Điều chị khao khát và mơ ước trở thành hiện thực trong khi chị đang loay hoay không biết phải làm sao thì Đức Giêsu đến. Sau cuộc đối thoại ngắn ngủi chị đã nhận ra chân lý và nhận được nguồn ơn cứu độ từ chính Đấng đã nói với mình: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây”. Chị đã tin và lãnh nhận lời của Đức Kitô, đồng thời chị trở nên Ngôn sứ và trao ban Lời cho người dân của mình: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao? Họ ra khỏi thành và đến gặp Người” (c. 29-30).
Đức Giêsu, Đấng trung gian duy nhất đã trở nên cầu nối cho người phụ nữ Samari gặp gỡ Thiên Chúa. Chị đã gặp được Thiên Chúa ngay trong chính cõi lòng của mình, nhờ Đức Giêsu mà chị giải được mật mã đời mình và khao khát về nguồn để được vươn tới chính Thiên Chúa. “Xin cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước” (c.15). Lời cầu xin cho thấy nỗi niềm khao khát đến tột cùng, nhưng thứ nước ấy là thứ nước gì? Chị chẳng biết mà lại tin vào lời Đức Giêsu nói: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống” và “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (câu 10.14). Ngay lập tức, người phụ nữ Samari - người đã có tới năm đời chồng và người hiện đang sống với chị ấy cũng không phải là chồng, chị trở nên như một đứa trẻ sơ sinh, qua cuộc đối thoại ngắn ngủi này đã làm cho con tim của chị trở nên trong sáng. Chị rộng mở trái tim để đón nhận giáo huấn của Đức Giêsu và lãnh nhận hồng ân làm con Chúa vì tin vào lời của Người và đã trao ban cho hết mọi người sống xung quanh chị. Chị trở thành điểm hẹn của nhân loại và sống đức tin trong việc từ bỏ: “Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta” (c. 28). Chị đã để lại vò của con người cũ, để lại vò của tội lỗi và đi loan báo cho dân làng của chị.
Cuộc đối thoại như trở nên “duyên phận”, kết thúc một cách ngọt ngào và đầy hy vọng, chị được giải thoát không phải bởi một thế lực cầm quyền nhưng là chính Đấng chị đã được nghe lời của Người và loan báo cho mọi người. Họ đã tin và xác nhận: “Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (c.42). Quả thât, chị không được dìm mình trong nước như bao người kitô hữu khác nhưng trước giếng Giacóp, chị được dìm trong Lời của Đức Giêsu, được thanh tẩy bằng chính Lời Chúa. Có thể nói đây là một biến cố quan trọng đối với người phụ nữ Samari, bởi chị đã lãnh nhận hồng ân nhờ việc tin và chị cũng chia sẻ với Đức Giêsu ngay lập tức sứ vụ ngôn sứ.
Là người kitô hữu, chúng ta mang trong mình sự sống của Thiên Chúa khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Là bí tích Chúa Giêsu thiết lập để lấy lại ơn công chính nguyên khởi đã bị mất, với điều kiện là tin để lãnh nhận. Nhờ bí tích Rửa tội mỗi người trong chúng ta có lý trí, có cảm thức luân lý và cảm thức thần thiêng…để giúp chúng ta biết khao khát sống hướng thượng, khao khát cái tuyệt đối và luôn tìm về cội nguồn Chân - Thiện - Mỹ là chính Thiên Chúa. Thế nhưng, người kitô hữu lại đang sống trong một thế giới đầy thương tích: thương tích của biến đổi khí hậu, của thiên tai, của những tệ nạn xã hội ngày một gia tăng. Hơn nữa, với sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin, sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật cùng với những trào lưu nổi lên. Con cái Chúa đang phải căng mình để làm sao có thể nói không với trào lưu tục hóa, với sự tôn thờ công nghệ, với chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa tiêu thụ. Tất cả những điều này đang làm xói mòn dần các giá trị tôn giáo, dần đánh mất cảm thức về Thiên Chúa nơi nhiều người kitô hữu. Đàng khác, trong Giáo Hội ngày nay vẫn đang còn rất nhiều kitô hữu không sống đạo, dửng dưng, thờ ơ với Chúa; không trở nên chứng nhân của Chúa giữa đời. Đặc biệt là những kitô hữu trẻ bị xã hội lôi kéo nhiều, cho nên không dám tuyên xưng đức tin, đời sống luân lý đi ngược với Tin Mừng.
“Thiên Chúa ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4). Nhưng trong thời đại này làm sao kitô hữu sống đúng với giáo huấn của Chúa Giêsu để giữ được “căn tính” của mình. Lãnh nhận để trao ban là nhiệm vụ của chúng ta và bổn phận là phải duy trì sự sống đã được lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa, làm cho sự sống đó phát triển và sinh hoa kết trái.
Lạy Chúa Giêsu! Chúa thích ngự trong những tâm hồn đơn sơ và thanh sạch. Xin cho chúng con, là những người đang lữ hành trên con đường đức tin biết năng chạy đến với bí tích Hòa Giải để được Chúa tẩy sạch mọi vết nhơ tội lỗi. Xin thêm nghị lực để chúng con biết nói không với lời mời mọc của thế giới và tiến gần hơn với Thiên Chúa, để như người phụ nữ Samari, chúng con được kề bên Chúa và được chính Lời Chúa thanh tẩy tâm hồn, môi miệng và hành động của chúng con. Lạy Chúa, chúng con chỉ có thể hạnh phúc, no thỏa, bình an khi tìm kiếm Thiên Chúa như cứu cánh đời mình và khi đó chúng con sẽ tìm được hạnh phúc đích thực, thấy được Thiên đàng ngay trong môi trường gia đình, giáo xứ chúng con đang hiện diện. Dẫu trên hành trình là người môn đệ của Chúa không thiếu những gian nan, gập ghềnh nhưng với lời hứa của Chúa: “Đừng sợ, vì Ta ở với con” (Gr 1,8), và vì Người là Đấng cứ độ trần gian. Amen!
Học viện K5