Thứ bảy, 23/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay (Ga 9,1-41)

Cập nhật lúc 16:09 18/03/2023
Chúa nhật IV được Giáo Hội gọi là chúa nhật màu hồng, màu tượng trưng của niềm hy vọng, hạnh phúc. Thánh sử Gioan đã thuật lại câu chuyện về việc Đức Giêsu chữa cho anh mù từ thửa mới sinh được sáng mắt, Ngài đã mang lại niềm hy vọng và hạnh phúc đến cho anh mù này, đồng thời đưa anh đến một vùng sáng mới của niềm tin.

Ánh Sáng - Bóng Tối
 
Ánh sáng và bóng tối hai hiện tượng đối lập với nhau, có ánh sáng thì không có bóng tối, có bóng tối thì ánh sáng không hiện diện. Ánh sáng tượng trưng cho sự sống, sự thật. Trong ánh sáng mọi sự sẽ được nhìn thấy cách tỏ tường, vì “tất cả những gì bị vạch trần, đều do ánh sáng làm lộ ra” (Ep 5,13). Còn ngược lại bóng tối cho thấy sự hiện diện của sự dữ, của sự chết và thế lực của ma quỷ được tỏ lộ. Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cho thấy Ngài là ánh sáng cho trần gian “Thầy là ánh sáng thế gian.” (Ga 9,5). Lời nói đó của Chúa Giêsu xác minh sự hiện diện của Ngài trong thế gian để đẩy lui bóng tối của tội lỗi, sự chết đang hiện diện trong thế gian này, và đưa con người đến với sự sáng thật là chính Ngài.
Chúa nhật IV được Giáo Hội gọi là chúa nhật màu hồng, màu tượng trưng của niềm hy vọng, hạnh phúc. Thánh sử Gioan đã thuật lại câu chuyện về việc Đức Giêsu chữa cho anh mù từ thửa mới sinh được sáng mắt, Ngài đã mang lại niềm hy vọng và hạnh phúc đến cho anh mù này, đồng thời đưa anh đến một vùng sáng mới của niềm tin.
Theo quan niệm của người Do thái họ cho rằng bệnh tật là do tội lỗi gây nên. Ở đây các môn đệ cũng mang não trạng ấy khi hỏi Chúa “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” (Ga 9,2). Bóng tối của định kiến đã khiến các môn đệ không nhìn thấy được điều tốt đẹp nơi anh mù. Chính vì thế câu trả lời ngay sau đó của Chúa Giêsu đã giúp các môn đệ phá tan được sự mù tối của định kiến đó “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (Ga 9,3). Thật thế, Chúa Giêsu đã cho các môn đệ thấy một điều tích cực, một niềm hy vọng nơi mỗi người dù người đó lành lặn hay khiếm khuyết.
Chúa Giêsu đã không chữa anh mù sáng mắt ngay lúc đó, nhưng với một chuỗi hành động tưởng chừng như trò đùa: nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn, xức vào mắt, tiếp đến không phải đi rửa ở một nơi gần vì anh bị mù không nhìn thấy đường, nhưng là đến suối Silôác[i] một con suối cách đó khá xa có thể gây trở ngại lớn cho anh khi di chuyển. Đây là một thử thách của lòng tin, của sự kiên nhẫn đối với anh mù khi đến với Chúa Giêsu. Anh mù đã làm theo, kết quả là anh được sáng mắt và có lẽ đối với anh đây là điều mà anh chưa bao giờ dám nghĩ tới trong cuộc đời. Ngoài việc được sáng về con mắt thể xác, anh còn được Chúa Giêsu dẫn đưa vào nơi đầy ánh sáng của niềm tin “Anh có tin vào Con Người không? Anh đáp, thưa Ngài Đấng ấy là ai để tôi tin? Đức Giêsu trả lời: Anh đã thấy Người, chính người đã nói với anh đây. Anh nói Thưa Ngài tôi tin” (Ga 9,35-38).
Còn đối với những người Pharisêu, họ luôn tự hào về sự thánh thiện, đạo đức của họ, họ không biết tạ ơn Chúa về sự đầy đủ của thể xác và thông cảm với những người khiếm khuyết để giúp đỡ, yêu thương. Nhưng họ lấy đó làm kiêu ngạo và coi thường người khác, đặc biệt những người bệnh tật.
Vậy nên trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cho thấy chính họ là những người đang ở trong sự tối tăm của tội lỗi, của sự chết. Thật thế bóng tối của sự ghen ghét, hận thù khiến họ luôn đối chọi với Chúa Giêsu trong mọi việc tốt đẹp hay lời giảng dạy của Ngài. Bóng tối của niềm tin làm cho họ không thể mở lòng ra để đón nhận sự thật nơi họ, và ánh sáng thật là Chúa Giêsu. Vì thế bóng tối tội lỗi vẫn bao trùm lấy họ, khiến họ tiếp tục tìm cách chống đối lại Chúa.
Là người Kitô hữu chúng ta đã được lãnh nhận bí tích Rửa Tội trong nước thánh tẩy nhờ quyền năng của Chúa Giêsu, làm cho mỗi người được thoát khỏi bóng tối của tội nguyên tổ, và cho ta trở thành con cái của Thiên Chúa, con cái của ánh sáng. Nhưng chúng ta đã không giữ mãi được sự sáng ấy nơi mình mà lao mình vào những bóng tối của thế gian, thậm chí chúng ta còn yêu thích những bóng tối ấy hơn ánh sáng. Bởi vì trong bóng tối ta không bị soi mói, không bị người khác nhìn thấy những khuyết điểm, và nó tạo cho ta cảm giác thoải mái với ý riêng. Bóng tối ấy nơi ta là những thói hư tật xấu, sự giả dối, những đam mê xấu hay những ước muốn bất chính, sự ghen ghét hận thù nhau…đặc biệt là sự mù tối của niềm tin khiến ta không muốn đến gần với ánh sáng là Chúa Giêsu.
Thánh Phaolô trong thư gửi những tín hữu tại Êphêsô như trong bài đọc II đã nói: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật. Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa. Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối, phải vạch trần những việc ấy ra mới đúng. Vì những việc chúng làm lén lút, thì nói đến đã là nhục rồi. Nhưng tất cả những gì bị vạch trần, đều do ánh sáng làm lộ ra, mà bất cứ điều gì lộ ra, thì trở nên ánh sáng”. Lời này cũng nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy để cho Chúa rọi sáng vào tâm hồn giúp ta nhận ra sự thật nơi con người của ta, và đặc biệt trong những ngày cuối của mùa chay thánh này hãy can đảm bước ra khỏi vùng tối của mình để đón nhận ánh sáng thật là Chúa Giêsu, bởi chỉ nơi Ngài chúng ta mới có thể có được hạnh phúc đích thực. 
Maria Trần Thị Phượng - Học Viện K5
 


 [i] Silôác có nghĩa là người được sai phái, suối này ám chỉ Đức Giêsu người được sai phái cho người mù được sáng mắt.
 
 
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log