Thứ năm, 17/10/2024

Suy Niệm Tin Mừng  Chúa Nhật Lễ Lá Năm A

Cập nhật lúc 09:04 31/03/2023
 

Sự Phản Bội
 
Trong đời sống không có gì đau đớn cho bằng sự phản bội nhất là sự phản bội trong tình yêu. Thật vậy, những ai đã từng bị phản bội thì càng hiểu rõ và cảm nghiệm được sâu xa hơn nỗi đau ấy như thế nào. Chúa  Giêsu là người hiểu thấu hơn ai hết kinh nghiệm này. Điều ấy được chứng minh cụ thể qua hành trình Thương Khó của Chúa. Thật vậy, trong suốt hành trình thương khó, Chúa Giêsu đã phải chứng kiến và chấp nhận đau đớn của sự phản bội từ những người môn đệ thân cận nhất đã quay lưng phản bội Ngài.
Trước hết, một nhân vật không thể không kể đến đó là Giuđa. Giuđa là một cái tên quá quen thuộc với mọi người Kitô hữu. Ông là một trong số mười hai tông đồ mà Chúa Giêsu đã phải thức suốt đêm cầu nguyện với Chúa Cha để tuyển lựa. Hơn nữa, ông còn được Chúa Giêsu cũng như nhóm mười hai tin tưởng và đặt làm thủ quỹ. Suốt hành trình ba năm đi rao giảng với Thầy Giêsu, ông được cùng Chúa và các tông đồ trải qua bao niềm vui nỗi khổ. Ba năm tuy không dài nhưng cũng là thời gian đủ để thầy trò hiểu và có một tình cảm gắn kết với nhau. Tuy nhiên, Giuđa đã bất chấp tất cả để phản bội Thầy mình. Ông không quan tâm khi Thầy  Giêsu cảnh tỉnh ông: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy đó là kẻ nộp Thầy” (Mt 26,23). Ông coi trọng đồng tiền hơn cả tình thầy trò đã gắn bó với nhau trong suốt ba năm trên hành trình rao giảng Tin Mừng. Ông đã đánh đổi Thầy mình với 30 đồng bạc. Mọi người biết đến ông nhiều hơn với hành động đáng sợ là ông đã dùng “cái hôn” để bán Thầy mình.
Tiếp đến là sự phản bội của tông đồ Phêrô: Cách phản bội của Phêrô thì không quá phũ phàng như Giuđa nhưng cũng khiến Chúa phải đau buồn không kém. Phêrô là tông đồ trưởng nên chắc chắn ông được Chúa Giêsu và các tông đồ khác tín nhiệm và tin tưởng. Đặc biệt, ông còn là một trong ba môn đệ được Chúa Giêsu cho chứng kiến Chúa biến hình trên núi Tabor. Trên hành trình theo Chúa không thiếu những lần Phêrô khiến Chúa không hài lòng, nhưng Chúa luôn nhắc nhở ông với tấm lòng thương yêu ông hết mực. Thậm chí, Chúa còn yêu thương, cứu chữa cả những người thân của ông nữa (Mt 8,14-15). Cũng như Giuđa, Chúa Giê su cũng đã từng nhắc nhở ông: “Gà chưa kịp gáy thì con đã chối Thầy ba lần” (Mt 26,34). Tuy nhiên, ông đã thề sống thề chết với Chúa: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26,35). Mặc dầu khẳng định trung thành với Thầy mình, nhưng trong cuộc Thương Khó chỉ vì sợ liên luỵ tới bản thân, ông đã không ngần ngại chối bỏ Thầy mình tới 3 lần. Chúa Giêsu đã yêu thương ông một cách đặc biệt khi chọn ông là người đứng đầu trong các Tông đồ. Giuđa phản Chúa bằng hành động. Phêrô phản Chúa bằng lời nói. Cả hai đều khiến Chúa phải đau đớn và thất vọng.
Trong suốt hành trình của cuộc Thương Khó, Chúa Giêsu không chỉ chứng kiến sự phản bội của hai tông đồ nhưng Chúa Giêsu còn đối diện với sự phản bội của dân chúng nữa. Chúa Giêsu phải đón nhận sự phản bội bằng thái độ, bằng ánh mắt, lời nói, hành động của chính những người thân tín nhất, những người đã từng theo Chúa và được Chúa chữa lành. Trừ Đức Maria, thánh Gioan và Maria Mađalêna. Vậy còn tôi thì sao? Có khi nào tôi cũng đi vào vết xe đổ của Phê rô khi tôi xấu hổ không dám làm dấu thánh giá nơi đông người? Có khi nào đi xin việc tôi cũng không dám khai mình là người công giáo vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân? Có khi nào tôi cũng đi vào vết xe của Giuđa khi tôi đánh đổi thời gian đến với Chúa bằng những thời gian vô bổ khác? Giuđa vì tiền mà sẵn sàng bán Chúa, còn tôi, tôi có vì tiền mà chấp nhận bỏ lễ Chúa Nhật hay những ngày lễ nghỉ?
 Không chỉ trò phản bội thầy nhưng còn người với người phản bội nhau: Với thân phận con người Chúa Giê su cũng đau và sợ bị phản bội lắm chứ, nhưng vì yêu Chúa đã đón nhận tất cả. Đúng thế, không ai mong muốn hai chữ phản bội. Thế nhưng nó vẫn thường xảy ra trong cuộc sống con người. Biết bao người cha, người mẹ hy sinh tất cả cho con nhưng nhận lại sự phụ ơn, bất hiếu của con cái. Trên các trang mạng không thiếu những tin giật gân về việc tự sát hoặc sát hại nhau, nguyên nhân cũng từ sự phản bội giữa vợ chồng hay những người đang yêu nhau.
Hình ảnh Giuđa vẫn còn đó, khi con người hôm nay cũng đã và đang dùng chính “cái hôn” để phản bội người yêu, người bạn đời của mình. Người ta phản bội nhau nhiều trong tình bạn, tình anh em; trong làm ăn, buôn bán...  Có muôn vàn sự phản bội vẫn âm ỉ diễn ra trong cuộc sống con người và ở mọi mối tương quan. Thật đáng tiếc là nó còn xảy ra ở ngay trong Giáo hội của Chúa. Từ thời nguyên tổ, con người đã phản bội Thiên Chúa và phản bội nhau. Cho đến hôm nay, sự phản bội vẫn len lỏi trong Giáo hội Chúa. Đâu đó vẫn có một số giáo dân muốn chống lại cha xứ. Thậm chí có những linh mục cấu kết để phản bội ngay cả vị Giám mục của mình nữa... Chúa  Giêsu đã gánh lấy mọi đau khổ để đổi lại hạnh phúc cho nhân loại. Ngược lại, con người lại gây đau khổ cho nhau, đem lại cho nhau những thất vọng do sự phản bội của nhau.
 Vì thế, Tuần Thánh là thời gian đặc biệt để mỗi người nhìn lại mình. Xin Chúa giúp mỗi chúng con biết dành cho Chúa những thời gian đặc biệt để thinh lặng, để suy niệm về Cuộc Thương Khó của Chúa và để nhìn lại bản thân về cách sống với Chúa và với nhau. Như Chúa đã dạy chúng con: “Những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12). Chắc chắn ai trong chúng con cũng mong được mọi người xung quanh yêu thương. Vì vậy, xin Chúa giúp mỗi người chúng con biết ý thức để đừng bao giờ có những thái độ, lời nói hay việc làm phản bội Chúa hay phản bội nhau, nhưng biết hy sinh và yêu thương nhau như Chúa vẫn dạy chúng con. Amen.
 
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Vĩnh Lộc  
 

Mầu Nhiệm Về Cái Chết Của Chúa Giêsu Trên Thập Giá

Chúa Nhật Lễ Lá dẫn Hội Thánh bước vào Tuần Thánh, cao điểm của mọi tuần trong năm Phụng vụ, trong đó Giáo Hội cử hành mầu nhiệm Cứu Chuộc và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Hôm nay, Hội Thánh tưởng niệm Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Người dân trong thành đã cởi áo choàng trải lên mặt đường và dùng những cành lá trải lên lối đi cho Chúa đi qua. Dân chúng đã hô vang về Chúa Giêsu “Hoan hô Con Vua Đavít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Hoan hô trên các tầng trời.” (Mt 21, 9).
Chúa Giêsu đến không phải để biểu dương vương quyền, nhưng Ngài hiền hậu ngồi trên lưng lừa tiến vào Giêruslem để chịu khổ nạn. Qua bài thương khó, chúng ta thấy được một hình ảnh Chúa Giêsu hoàn toàn trái ngược với lúc ngài tiến vào Giêrusalem. Một Giêsu ngồi trên lưng lừa hôm nao, thì giờ đây, Giêsu ấy phải lê từng bước mỏi mệt vì những trận đòn dã man, với thánh giá nặng trĩu trên vai và vòng gai quấn trên đầu. Một Giêsu từng được người ta trải áo choàng lót đường, thì nay, Giêsu ấy bị quân lính lột hết áo đến trần trụi. Còn các tông đồ: kẻ thì phản bội, người thì chối thầy, số còn lại bỏ trốn, được mỗi Gioan theo Chúa xa xa. Chưa hết, thay cho những tiếng tung hô, reo hò, Chúa Giêsu phải nghe biết bao lời chửi rủa, nhục mạ của những kẻ chung quanh. Và Giêsu ấy, cuối cùng, đã chết cách thảm thương trên thập giá. Vì đâu Chúa Giêsu phải chịu như thế? Phải chăng Ngài đã phạm tội gì nghiêm trọng để rồi phải chịu hình phạt nặng nề? Câu trả lời là không. Chúa Giêsu vô tội. Ngài không làm gì nên tội tình. Thế nhưng, Ngài đã phải chết như một tử tội. Ngài chết vì tội của nhân loại. Ngài đã chết thay cho con người chúng ta. Chỉ vì tình yêu, vì Chúa quá yêu con người, nên Người đã từ trời xuống thế. Chúa Giêsu đã gánh chịu mọi khổ đau của thân phận con người: bị phản bội, bỏ rơi; bị vu khống, chế nhạo; bị đối xử bất công; bị hành hạ và bị đóng đinh chết trên thập giá. Nhưng Chúa Giêsu đã không oán than, kêu trách hay phản kháng. Trái lại, Ngài đã đón nhận tất cả với một tình yêu sâu đậm: yêu Chúa Cha và yêu nhân loại. Thái độ này của Chúa Giêsu đã được ngôn sứ Isaia nói đến ở bài đọc I, trong bài ca về người tôi trung: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng” (Is 50, 6-7). Chính tình yêu này đã biến khổ đau của Chúa Giêsu nên nguồn ơn cứu rỗi.
Tất cả chúng ta đều biết Chúa Giêsu yêu chúng ta rất nhiều. Chúa Giêsu không nói bằng lời nhưng bằng hành động. Tình yêu của Chúa được thể hiện qua sự hy sinh và tự hạ. Vì tình yêu, Ngài tự nguyện từ bỏ tất cả những gì là của Ngài. Thánh Phaolô đã nói về sự hy sinh của Chúa Giêsu trong thư gửi cho tín hữu Philipphê như sau: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ lã Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8).
Tình yêu của chúng ta đối với Chúa Giêsu và với mọi người cũng phải được biểu lộ qua việc làm, đó là những hy sinh hằng ngày. Chúng ta có thể hy sinh thời giờ ngồi tán ngẫu, hoặc một bộ phim hay để đến với Chúa và đi tham dự thánh lễ ngày thường. Chúng ta có thể hy sinh công sức của mình để cộng tác vào công việc chung của giáo họ, giáo xứ, hay của khu xóm. Chúng ta cũng có thể hy sinh tiền của để giúp đỡ những anh chị em nghèo đói đang cần đến chúng ta. Còn nhiều những việc hy sinh khác mà mỗi người chúng ta có thể làm. Những việc hy sinh đó, thoạt nhìn có vẻ nhỏ bé và tầm thường, nhưng sẽ là những việc lớn lao trước mặt Chúa nếu chúng ta làm với trọn tình yêu của mình.
Lạy Chúa Giêsu, vì yêu chúng con mà Chúa đã chịu chết trên thập giá. Khi chúng con đã cảm nghiệm được tình yêu bao la mà Chúa dành cho chúng con. Chúng con sẽ cố gắng đáp trả lại tình yêu đó, không chỉ bằng lời nhưng bằng hành động. Cách cụ thể, trong những ngày chay thánh này trên thế giới vẫn đang hướng về những người dân vô tội của các cuộc chiến tranh đang xảy ra, hướng về những anh chị em đang gặp những đau khổ phần hồn và phần xác. Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng luôn mời gọi mỗi Kitô hữu hãy cộng tác với nhau, hãy giúp nhau và cùng nhau cầu nguyện cho hoà bình thế giới, cho những anh chị em đang đau khổ. Cho nên, đây là thời gian thuận tiện để mỗi người chúng con cùng đọc lại chậm rãi cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.
Xin cho tâm tình, lời nói và hành động của Chúa Giêsu thấm nhuần và biến đổi chúng con. Trong cuộc khổ nạn của Chúa, chúng con bắt gặp rất nhiều tình huống tăm tối của đời thường: vu khống, phản bội, ghen tương, bất công, nhục nhã, đau khổ, sợ hãi, cô đơn, hèn nhát và cả cái chết. Nhưng trên hết, chúng con bắt gặp một tình yêu. Tình yêu vô cùng lớn của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha và nhân loại. Chỉ có tình yêu mới làm cho mọi khổ đau có giá trị cứu độ. Càng suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng con sẽ thấy mình càng yêu thánh giá của Chúa hơn, yêu thánh giá của mình hơn và kính trọng thánh giá của người khác hơn. Amen!
 
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Vân Thê
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log