Thứ bảy, 23/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chủ Nhật Phục Sinh Năm A (Ga 20,1-9)

Cập nhật lúc 08:26 08/04/2023
 
 

ÁNH SÁNG NGÀY PHỤC SINH
 
Con người hôm nay đang sống trong một xã hội phát triển không ngừng về khoa học kỹ thuật, có thể nói là đã đạt đến đỉnh cao của trí tuệ và một nền kinh tế thị trường với một sự phát triển vượt bậc. Sống trong xã hội đó, con người tưởng như mình đang sống trong kỷ nguyên ánh sáng và tự cho rằng mình có thể làm được mọi sự mà không cần đến Thiên Chúa, hay nói đúng hơn nhiều người không tin nhận Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ, Đấng ban ánh sáng và sự sống cho nhân loại. Bởi vì họ cho rằng có tiền, có trí tuệ là có tất cả mà không mở lòng ra với Thiên Chúa và tin vào sự hiện diện của Người và tin vào các Mầu Nhiệm Đức tin. Vì vậy, Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu từ gần 2000 năm nay vẫn luôn là một Mầu Nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của trí khôn loài người. Nếu không có ơn Chúa trợ giúp con người khó có thể đạt tới sự hiểu biết trọn vẹn và yêu mến. Hôm nay mừng lễ Chúa Phục sinh, phụng vụ của Giáo Hội đưa chúng ta tới một sự xác tín để tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu – Đấng đã Chết và đã Phục Sinh. Sự Phục Sinh của Chúa là nền tảng và trung tâm của niềm tin Kitô giáo, là ánh sáng cho con người đang sống trong tối tăm của bóng đêm tội lỗi bước vào nguồn ánh sáng vô tận.
Ánh sáng là một chủ đề lớn trong Tin Mừng thứ IV, tác giả đã nhiều lần tỏ cho chúng ta biết Ngài chính là ánh sáng, “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đã đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9). Và chính Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Tôi là ánh sáng thế gian” (Ga 8,12). Và tác giả Tin Mừng thứ IV cũng viết: “ điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,4).  Sứ vụ của Đức Giêsu chính là sứ vụ của ánh sáng vì Chúa Giêsu là ánh sáng. Sứ vụ này qui vào lời mời gọi trọng yếu: Tin vào Đức Giêsu và tin vào sứ vụ ánh sáng của Người. Thần học về sứ vụ của ánh sáng trên bóng tối phải được hiểu như sau: Ánh sáng đã ngự trị trên bóng tối ngay sau khi ánh sáng bị dập tắt. Trên bình diện trần thế và lịch sử, ánh sáng đã tắt đối với cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, nhưng trên bình diện thần học và mặc khải thì sự chết của Đức Giêsu là biến cố tôn vinh. Qua cái chết, Đức Giêsu về với Chúa Cha, Người được tôn vinh trong vinh quang của Chúa Cha và ánh sáng đã mãi mãi chiến thắng bóng tối.
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần…” mỗi sự kiện về không gian và thời gian trong Tin mừng thứ IV đều được tác giả gửi vào đó một tư tưởng thần học nhất định và đã được các nhà chú giải Kinh Thánh tìm hiểu để có thể thấy được tầm quan trọng và giá trị của sự kiện. Ngày thứ nhất diễn tả là ngày khởi đầu trong tuần theo kiểu gọi ngày của Cựu Ước. Tác giả Gioan nhấn mạnh đến khoảng thời gian khởi đầu của Ngày Thứ nhất, đó là: “Lúc trời còn tối”, như vậy có thể thấy ở đây tác giả muốn đề cập đến sự kiện bóng tối còn bao phủ trái đất mà sự sống là Chúa Giêsu Kitô đã an nghỉ trong lòng đất suốt ngày Sa bát. Nhưng qua đó tác giả cũng muốn khai mở việc Đức Giêsu chính là ánh sáng của ngày mới, ánh sáng của niềm vui và bình an. Người sẽ đến và phá tan bóng tối của đêm đen, của tử thần và sự dữ. Maria Madalena ra mộ hồi sáng sớm khi trời còn tối, chị mong gặp Chúa và đã thao thức cả đêm, chị chờ đợi đêm tối qua đi để vội vã lên đường đi tìm dấu tích của Thầy Giêsu cho thỏa niềm mong nhớ Thầy. Nhưng, chị lại đau khổ hơn nữa khi niềm hy vọng là có thể được nhìn thấy xác của Thầy cũng không còn. Chị hốt hoảng chạy về báo tin cho các môn đệ. Madalena không biết “Ai đã lấy xác Thầy khỏi mồ và đã để Thầy ở đâu”. Như vậy, mọi sự đều tối đối với chị. Ngày chưa trỗi dậy, ngôi mộ trống làm tăng gấp đôi bóng tối trong tâm hồn chị. Giới hạn giữa khoảng không gian của bóng tối và ánh sáng là một khoảng cách lờ mờ, đó cũng chính là khoảng cách trong tâm hồn mà mỗi người kitô hữu đang đối diện.
Lúc trời còn tối, Maria Madalena đã đi ra mộ Đức Giêsu. Chúng ta tự hỏi là vì sao chị lại ra mộ khi trời chưa sáng hẳn? Tác giả trung thành với biểu tượng ánh sáng đã nói đến ngay trong Lời Tựa. Ở đây, vì Đức Giêsu đã chết, nên ánh sáng đã tắt. Tuy nhiên, trời đã tảng sáng như là một dấu chỉ xa xa cho biết Đức Giêsu sắp sống lại và Maria Madalena sẽ gặp được Người. Lúc trời còn tối cũng là lúc kết thúc thời gian của ngày hưu lễ để bắt đầu một ngày mới, đó cũng chính là thời gian mà Maria Madalena đã chờ đợi từ khi hạ xác Chúa xuống và chôn trong mộ cho tới khi được phép đến viếng mộ Người. Trời còn tối cũng cho chúng ta thấy thái độ sẵn sàng, háo hức và vội vã của Maria, chị không muốn chờ đợi thêm nữa và cũng không chậm trễ, chị mong từng giây phút của ngày hưu lễ qua đi để đi tới viếng mồ Chúa. Tuy nhiên, sự kiện trời còn tối trong Tin Mừng thứ IV còn mang một nghĩa ẩn dụ sâu xa, bóng tối của tâm hồn, của thất vọng, chán chường, của sự chết, buồn sầu và đau khổ vì Chúa đã chết, Người không còn hiện diện, đồng hành, cùng ăn, cùng uống với các môn đệ nữa. Đặc biệt đó là bóng tối của niềm tin, cả Maria Madalena và các ông vẫn chưa tin rằng Chúa đã sống lại. Đêm tối qua đi, và ánh sáng của ngày mới ló rạng soi sáng cho tâm hồn các môn đệ, từ đó họ dần nhận ra những dấu vết của Chúa phục sinh. Tin Mừng cho chúng ta biết khi “thấy tảng đá lăn ra khỏi mộ”, chị bắt đầu chạy về báo tin, những bước chạy vội vã, hối hả, tất tưởi. Rồi những bước chạy và tin báo của chị đã kéo theo những bước chạy của Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Đó là một cuộc chạy đua mà chúng ta thấy có kẻ trước người sau. “Ông Phêrô và Gioan cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn và đã tới mộ trước”. Dù đã tới mộ trước nhưng Gioan đã không đi vào, chỉ sau khi Phêrô đã cùng tới nơi các ngài mới đi vào trong mộ, Gioan đã thấy những dấu vết của Chúa phục sinh: “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8). 
Niềm tin ấy là điểm sáng rực nhất trong bài Tin Mừng hôm nay khởi đầu bằng đêm tối. Gioan đã thấy gì bên trong ngôi mộ? Đó là “Ngôi mộ trống”. Trên thực tế điều ông thấy cũng giống hệt như điều Maria Madalêna và Phêrô thấy: Một ngôi mộ trống, băng vải và khăn che đầu của Đức Giêsu. Nhưng cái thấy của Gioan có một sự khác biệt hơn hẳn: “ông đã thấy và đã tin”. Niềm tin mãnh liệt ấy vượt mọi không gian thời gian, vượt qua bao nhiêu chướng ngại vật để loan truyền cho không biết bao nhiêu người, qua biết bao thế hệ và cho cả chúng ta ngày nay. Niềm tin ấy đã khai mở một niềm tin lớn lao của nhân loại đó là niềm tin vào mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô. Trước ngày Chúa Phục sinh, cả nhân loại đang chìm ngập trong bóng tối của đau khổ và sự chết. Bởi lẽ khi sinh ra là chúng ta đã khởi đầu cho cuộc hành trình đi tới cái chết. Bóng tối của sự chết đang ngập chìm trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng nay Chúa đã Phục sinh, ngày đã mở đường cho niềm tin yêu và hy vọng của toàn thể nhân loại, cái chết không còn là điểm kết thúc nhưng là cửa ngõ để con người vượt qua cuộc sống này và bước vào một cuộc sống mới. Cái chết là khai mở cho một sự phục sinh vĩnh cửu. Chính Chúa Giêsu đã chết và đánh tan quyền lực của tử thần và khai mở sự sống mới cho toàn thể nhân loại. Chính tình yêu và niềm tin dành cho Chúa Cha và cho nhân loại đã trở nên động lực để Chúa vượt qua bóng tối sự chết, vì “tình yêu mạnh hơn sự chết”.
Tin vào sự Phục sinh của Chúa là cửa ngõ để mỗi người chúng ta tin vào sự sống lại của chính mình, tuy nhiên để được phục sinh như Chúa, chúng ta cũng cần phải đi lại con đường mà chính Chúa đã đi xưa, đó là: “Qua đau khổ tới vinh quang, qua khổ nạn thập giá mới đạt tới vinh quang Phục sinh”. Mầu nhiệm Phục sinh của Đức Kitô là mầu nhiệm nền tảng của đức tin Công Giáo, chính thánh Phaolô đã khẳng định: “Nếu Đức Kitô không sống lại thì niềm tin của chúng ta ra vô ích và như vậy số phận người kitô hữu là những người khốn khổ nhất….” (x. 1Cr 15, 17-19). Đức tin là hồng ân Chúa ban tặng cách nhưng không và được xây dựng trên nền tảng đức tin của các tông đồ là những chứng nhân về sự phục sinh của Đức Kitô. Sự phục sinh của Đức Kitô đã đem lại nguồn ánh sáng và hy vọng cho các môn đệ. Chính nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa đã đem đến một luồng ánh sáng giữa một cuộc sống của xã hội đang bộn bề những xô bồ và lo toan, bất an và hoang mang bởi chiến tranh, hận thù, khủng bố, thiên tai và các tệ nạn xã hội đang lan tràn ở khắp mọi nơi, mọi ngõ ngách của cuộc sống…Chính trong xã hội đó mà cuộc sống gia đình cũng bị khủng hoảng. Chúa Giêsu Phục sinh Người đang sống, đang đồng hành và hiện hữu với hết tất cả mọi người trong từng cảnh huống của cuộc sống. Người có đó, luôn hiện diện và không bị lệ thuộc vào không gian và thời gian.
Là Kitô hữu, người sống đời thánh hiến… mỗi người chúng ta đã nhận được ánh sáng Phục sinh của Chúa khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Vậy trong cuộc sống hàng ngày chúng ta có là ánh sáng cho mọi người nhận biết sự hiện diện của Chúa Kitô phục sinh cho con người trong xã hội hôm nay, một xã hội đang đắm chìm trong bóng mờ của những đam mê, ích kỷ, và những thỏa mãn của bản thân bằng đời sống bác ái, yêu thương, chia sẻ, khiêm tốn và âm thầm phục vụ. Thánh Phaolô cũng đã nhắn nhủ tới giáo đoàn Philipphê và với mỗi người chúng ta hôm nay: “Giữa thế hệ đó anh em phải chiếu sáng như những vì sao…” (x. Pl 2,15-17). Ánh sáng của Chúa phục sinh trong ta có trở nên ánh sáng đưa dẫn mọi người xung quanh đến với Chúa: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này: Là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Chúng ta có sống khiêm tốn với chính mình và với mọi người, có đặt mọi người hơn mình để yêu thương, phục vụ, chia sẻ và giúp đỡ?
Lạy Chúa! xin ban xuống trên mỗi chúng con một tình yêu mạnh mẽ và một đức tin đủ lớn để chúng con tin vào Chúa, tin vào tình yêu Người dành cho chúng con, nhờ đó  chúng con can đảm tuyên xưng niềm tin của mình và sẵn sàng trở nên chứng nhân cho con người trong xã hội hôm nay về sự Phục Sinh của Chúa, để đời sống mỗi ngày của chúng con cũng chiếu tỏa ánh sáng phục sinh cho mọi người. Lạy Chúa! xin chúc lành và đón nhận ước nguyện của chúng con! Amen!
 
Hạt cát nhỏ -Maria Nguyễn Thị Vỵ- K5
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log