Thứ năm, 17/10/2024

Suy Niệm  Tin Mừng Chúa Nhật II Phục Sinh Năm A (Ga 20,19-31)

Cập nhật lúc 16:22 14/04/2023
 
 
CĂN PHÒNG CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
 
Sau khi Chúa Giêsu chịu chết, các tông đồ vẫn trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi và hoang mang, các ông ở trong phòng kín, Đức Giêsu Phục Sinh bất ngờ xuất hiện giữa các tông đồ, Ngài trao ban bình an và cho họ xem các vết thương. Thân xác chiến thắng của Chúa vẫn mang dấu tích của cuộc khổ nạn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa, Ngài hiện ra và trao ban bình an cho các tông đồ: “Bình an cho anh em”, tình yêu và lòng thương xót của Chúa Phục Sinh được bao trùm cả căn phòng, để an ủi các ông và trao ban sứ vụ cho các ông: “anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.
Căn phòng nơi các môn đệ trú ngụ , có lẽ đây là căn phòng nơi mà các môn đệ thường tập họp với nhau bên Chúa Giêsu khi Ngài còn sống; cũng có thể đây là căn phòng Tiệc Ly, căn phòng mà lần cuối cùng các ông đươc quây quần bên người Thầy Chí Thánh, được Thầy bầy tỏ tình yêu cách đặc biệt qua việc cúi xuống rửa chân cho các ông. Các tông đồ tụ họp nơi đây để ôn lại kỷ niệm những ngày tháng được ở bên Thầy khi Thầy còn sống, những kỷ niệm Thầy trò đã từng thề hứa sống chết bên nhau. Còn ở phía ngoài kia thì những người Do Thái đang tìm bắt các ông.
Khi Thiên Chúa của lòng thương xót đã bị giết chết thảm thương, ô nhục. Bao nhiêu cố gắng rao giảng lòng thương xót, bao nhiêu phép lạ làm chứng Thiên Chúa là Đấng xót thương, bao nhiêu con người đã được lòng thương xót chở che, chữa lành, ủi an, nâng đỡ nay không còn gì, không còn một ai. Còn các tông đồ đang trong lúc gặp khó khăn vì sợ người Do Thái tìm bắt và trước cái chết của Chúa, thì các ông quy tụ bên nhau để an ủi nhau, nâng đỡ nhau trong những lúc gặp khó khăn hoạn nạn. Và cũng có thể các ông nhớ lại lời Đức Giêsu đã nói: “khi cầu nguyện, anh em hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu nguyện cùng Cha anh em Đấng thấu suốt những gì kín đáo”. Các ông nhớ lại những lời ấy nên họ  đã ở lại trong phòng kín mà cầu nguyện cùng Thiên Chúa, tình yêu của các ông dành cho Chúa lớn đến mức luôn ghi nhớ và thực thi lời Thầy dạy, như lời Chúa đã nói: “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ”. “Đức Giêsu, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em!” (Ga 20, 19b). Lời Đức Giêsu dạy cầu nguyện nơi phòng kín nay được ứng nghiệm, các ông quây quần bên nhau nơi căn phòng kín đáo, Chúa hiện ra giữa các ông và ban cho các ông bình an, để trấn an các ông, an ủi các ông trước biến cố vượt quá trí hiểu của con người đó là cái chết của Người Thầy chí ái, sự hiện diện của Đức Giêsu là một niềm an ủi lớn lao tròn đầy nhất cho các ông. Nhưng “một người trong nhóm mười một tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến” (Ga 20,24). Các tông đồ có mặt đầy đủ trong phòng ngoại trừ Tôma; lúc đó ông đang đi đâu, làm gì và ở đâu trong khi các môn đệ khác tụ họp đầy đủ? Hay vì sợ hãi, hoang mang, lo lắng trước cái chết của Thầy Chí Thánh mà ông cảm thấy cô đơn, muốn một mình đến nơi thanh vắng để cho cái không khí ảm đạm của sự chết ấy dần dần chìm vào trong vô thức; ông yêu Thầy bao nhiêu thì nỗi trống vắng phải xa cách Thầy lại nhân lên bấy nhiêu. Khi ông trở về với nhóm, các môn đệ khác nói với ông: “chúng tôi đã được thấy Chúa! ông Tôma đáp: nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25). Tôma nói lên điều này, không hẳn là ông không tin Chúa đã sống lại, nghe những lời các anh em khác nói “Chúa đã sống lại rồi” chắc chắn ông rất vui; hay ông nghĩ rằng các anh em khác thấy mình buồn nên đã an ủi bằng câu nói ấy. Còn chính bản thân ông, với trí hiểu con người, lời nói ấy có vẻ mơ hồ, bởi lẽ vì yêu Thầy bao nhiêu thì nỗi tuyệt vọng mất Thầy nhân lên bấy nhiêu, nỗi tuyệt vọng ấy chưa thể bừng tỉnh ngay được, và có lẽ ông cũng hơi tham lam; nếu Chúa đã hiện ra với các anh em khác thì Chúa cũng phải hiện ra với mình, ông còn muốn tự tay xỏ vào lỗ đinh và cạnh sườn Người thì ông mới tin và bằng lòng. Tám ngày sau Chúa lại hiện ra với các môn đệ và có cả ông Tôma ở đó, Ngài đứng giữa các ông và nói: “bình an cho anh em, rồi Người bảo ông Tôma: đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20, 26b-27). Chúa đã đáp lại lời đòi hỏi của Tôma, Chúa biết tâm trạng của ông lúc này, nên Chúa đã trao tặng tình yêu cho ông cách đặc biệt, rồi từ sự tuyệt vọng mất Chúa bao nhiêu thì nay lại được bừng tỉnh lên bấy nhiêu; không cần phải kiểm chứng nữa, sự hiện diện của Chúa trước mặt là cả một sự thật trọn vẹn và một tình yêu tròn đầy rồi. Tôma thật có phúc vì được Chúa đáp ứng nhu cầu của ông, hay lời đòi hỏi của ông được Chúa nhậm lời. Nhưng Chúa Giêsu còn nói: “phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20, 29b). Ông Tôma là người có phúc nhưng Chúa còn chúc phúc cho những người không thấy mà tin vào Chúa. Nhờ có Tôma mà mọi người kitô hữu về sau đều được Thiên Chúa chúc phúc vì đã tin vào Thiên Chúa. Tin vào Đấng đã chịu đóng đinh đầy lòng thương xót và đã sống lại để rồi nhờ lòng tin đó chúng ta cũng được sống lại với Người.
Nhìn vào các môn đệ, chúng ta đã cảm nghiệm được sự trống vắng của không khí ảm đạm trước sự ra đi của Thầy, từ đó chúng ta cũng được hoà vào trong niềm vui Chúa Phục sinh trên từng khuôn mặt của các môn đệ khi các ông kể lại cho Tôma về việc Chúa đã hiện ra với họ. Qua đó chúng ta đã học được bài học cao quý đó là tình yêulòng thương xót của Chúa. Nhờ tình yêu vào Thầy mà các ông đã quy tụ bên nhau để chia sẻ động viên nhau trong những lúc gặp khó khăn thử thách. Các ông không phân tán mỗi người mỗi nơi để chạy trốn người Do Thái nhưng quy tụ để hiệp nhất, đồng cảm, chia sẻ và yêu thương. Cuộc sống của chúng ta cũng có những lúc thăng trầm, buồn có, vui có và cần có những người môn đệ ấy là những người thân cận xung quanh. Và cần đến căn phóng kín đó là nhà thờ, nhà nguyện mà hàng ngày cộng đoàn vẫn hằng quy tụ để cầu nguyện cùng Chúa. Như vậy, chúng ta sẽ gặp được Chúa nơi nhà thờ, nhà nguyện qua bí tích Thánh Thể và Lời Chúa, chúng ta sẽ gặp được Chúa nơi cộng đoàn đó là các anh chị em xung quanh, và đặc biệt chúng ta sẽ gặp được Chúa nơi căn phòng nội tâm cõi lòng sâu thẳm của chúng ta. Tình yêu của Chúa Phục sinh luôn đồng hành cùng chúng ta trên mọi nẻo đường.
Một điều nữa chúng ta học được từ nơi các môn đệ đó là sự lắng nghe và thực thi Lời Chúa; nơi phòng kín không nhất thiết chỉ đóng khung trong nỗi sợ người Do Thái tìm bắt. Nhưng nơi phòng kín cũng nói lên sự trầm lắng và thầm lặng, chỉ những tâm hồn đơn sơ, khiêm nhường, và trầm lắng mới thực sự gặp được Chúa. Còn môn đệ Tôma, chúng ta học được bài học về lòng tin tín thác vào Chúa, nhờ có Tôma mà chúng ta được gọi là người có phúc vì không thấy mà tin. Trước tiên chúng ta là người có phúc vì được làm con cái Chúa qua bí tích Rửa Tội, phải được phúc “không thấy mà tin”, chúng ta mới dám dấn thân làm chứng cho tình yêu của Đấng chịu đóng đinh, tin Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ duy nhất. Vì không  giống như các tông đồ, chúng ta đã không thấy Ngài, không nghe Ngài nói, không sống với Ngài bằng xương bằng thịt. Nhưng dù không thấy, không nghe, không ở cùng, không sống với, chúng ta vẫn yêu mến Ngài, nhờ hồng phúc “không thấy mà tin”, chúng ta mới tin Đức Giêsu đã chết và đã sống lại với quyền năng của Thiên Chúa, để chúng ta được sống lại và sống mãi với Ngài trong vinh quang của Thiên Chúa. Và trên tất cả, phải có phúc “không thấy mà tin”, chúng ta mới tin Thiên Chúa là Thiên Chúa của lòng thương xót, công trình cứu chuộc của Ngài bắt nguồn từ tình yêulòng thương xót của Ngài đối với nhân loại. Vì thế, những ai có lòng thương xót dù chịu nhiều vất vả, thiệt thòi, bất công, khổ nhục vì tình yêu thì lòng thương xót sẽ không bao giờ mất ơn bình an của Đức Giêsu phục sinh, Đấng giầu lòng thương xót đã chết vì tình yêu và lòng xót thương.
Khi cho các tông đồ xem các dấu đinh và vết thương của lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn, các ông đã cảm nhận được tình yêu và lòng thương xót của Chúa dành cho mình bấy lâu nay. Và tình yêu cũng như lòng thương xót ấy đã trở nên mối phúc cho những ai tin. Không chỉ vậy, tình yêu và lòng thương xót đã trở nên nền tảng của giáo lý đức tin, là động cơ của mọi hoạt động tông đồ, là điều kiện để lãnh nhận ơn bình an, là đòi hỏi không thể miễn giảm của ơn gọi làm người Kitô hữu, và để trao ban sứ vụ cho các tông đồ ra đi làm chứng nhân cho tình yêu và lòng thương xót ấy nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần: “anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.
 
Học Viện- K5


 
KINH NGHIỆM “THẤY” CHÚA
 
Hơn một lần mọi người trong chúng ta đều có những kinh nghiệm trải qua trong cuộc sống,  kinh nghiệm có muôn màu muôn vẻ với những sắc thái khác nhau trong cung bậc cảm xúc của từng cá nhân. Có những kinh nghiệm từ những thất bại trong cuộc sống, cú ngã trong công việc, cũng có những kinh nghiệm đụng chạm trong các mối tương quan. Bên cạnh những kinh nghiệm đáng giá đó, còn có một thứ kinh nghiệm “quý báu hơn vàng” đối với những ai có niềm tin vào Thiên Chúa. Đó chính là kinh nghiệm đức tin, kinh nghiệm “được thấy Chúa” trong cuộc đời của mình. Quay ngược thời gian vào thế kỷ thứ I, để mỗi người nhìn lại kinh nghiệm đức tin của các Tông đồ và nhìn lại kinh nghiệm “thấy” Chúa trong đời sống hiện tại của mỗi chúng ta.
Kinh nghiệm thấy Chúa hôm nay hoàn toàn khác với những năm tháng gắn bó với Thầy bởi các ông đang trong hoàn cảnh bị “sang chấn tâm lý” sau cái chết đau thương của Thầy. Hẳn đã có một niềm vui vỡ òa khi Thầy Giêsu đã chết mà nay lại “đến và ở giữa” các môn đệ. Việc hiện diện kỳ diệu lạ lùng của Chúa trong khi cửa còn đang đóng kín khiến các môn đệ không khỏi sửng sốt và ngạc nhiên. Ngài đến và ở giữa các ông như là một món quà bình an, niềm vui vì chính Chúa Phục Sinh là Niềm Vui, là Bình An cho cả cộng đoàn đang hiện diện “Bình an cho anh em”. Đặc biệt, Ngài đến và hiện diện với thân xác còn mang thương tích của 5 vết thương. Các Tông đồ được gặp và tận mắt thấy Chúa Giêsu Kitô đã chịu đóng đinh nay đã sống lại, chính  các ngài được Đấng Phục Sinh mời gọi “đụng chạm”, cảm nếm tình yêu nơi chính những vết thương mà Người chịu trên Thánh giá. Có lẽ đây là một kinh nghiệm lớn lao mà các ông không bao giờ quên. Kinh nghiệm của sự hoán cải, kinh nghiệm của tha thứ và kinh nghiệm của Lòng Thương Xót đã tràn ngập trong tâm khảm của các ngài. Quả thật, sự hiện diện của Chúa Phục Sinh không chỉ xua tan bóng tối, sợ hãi trong tâm trí các môn đệ mà còn giúp các ông có một kinh nghiệm gặp gỡ, đụng chạm vào dấu vết tình yêu, vào Lòng Thương Xót của chính Ngài.
Vì thế, lòng các Tông đồ hân hoan “rao giảng” kinh nghiệm của mình cho vị Tông đồ đoàn là Toma, một người vắng mặt buổi gặp gỡ cao cả ấy “Chúng tôi đã được thấy Chúa” (Ga 20, 25). Điều ông Toma đòi hỏi phải được đụng chạm đến những dấu đinh của Thầy thì ông mới tin cũng là điều dễ hiểu vì ông đòi phải có một kinh nghiệm cá vị với Đấng Phục Sinh, với Đấng chịu treo trên thập giá và Đấng phục sinh sống lại phải là một chứ không phải là hai. Tuy nhiên, điều thiếu sót và cũng hơi đáng trách nơi ông. Đó là ông không tin vào “chứng từ của cộng đoàn”. Để ban lại niềm tin xác quyết cho Toma, vị Tông đồ rao giảng tương lai của Người, Chúa Giêsu lại “đến và hiện diện ở giữa cộng đoàn” lần nữa để qua cộng đoàn, Toma được nhìn thấy tận mắt chính Thầy đã sống lại và được đụng chạm đến những vết thương mà chính Thầy đã chịu và hiến tế cho nhân loại trên thập giá. Lúc này trái tim của Tôma như bị “cưa đổ”, bị “tan chảy” bởi sự ưu ái, thương xót và sự hiếu thấu của Chúa về những điều ông nói, ông suy nghĩ. Vậy nên, ông tuyên tín niềm tin bằng cả trái tim trước sự hiện diện của Chúa Phục Sinh và cả cộng đoàn Giáo hội tiên khởi: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20, 28).
Thật vậy, Chúa Giêsu Phục Sinh đã đến và hiện diện ở giữa cộng đoàn đã chiếm hữu tất cả những gì là bóng tối của sợ hãi, nghi nan để mang lại cho cộng đoàn và cá vị mỗi Tông đồ một niềm vui, bình an và nhất là một kinh nghiệm gặp gỡ với Chúa Phục Sinh một cách sâu lắng và mang giá trị cho sứ vụ rao giảng Kerygma sau này, tức là loan báo cuộc Khổ Nạn và Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Đấng Phục Sinh đã lên trời và ngự bên hữu Đức Chúa Cha nhưng Ngài vẫn sống trong Giáo hội, trong Hội dòng, trong cộng đoàn và trong mỗi người chúng ta. Ngài hiện diện khắp mọi nơi. Sự hiện diện mà thị giác ta không thể thấy được, nhưng với cái nhìn nội tâm của đức tin, Ngài hiện diện đích thực trong con người mỗi người chúng ta khi ta cảm được niềm vui, bình an, và biến đổi trong tâm hồn. Thánh Toma đã được gặp Chúa Phục Sinh và ngay cả thánh Phaolô các ngài đã trở nên mềm dẻo, bớt ương ngạnh. Quả vậy nếu ai đã hơn một lần có kinh nghiệm về Chúa, kinh nghiệm về sự hoán cải, sự tha thứ, cảm nếm và đụng chạm đến lòng thương xót của Chúa thì hẳn họ sẽ trở nên dịu dàng, đầy lòng bao dung trước những sai lỗi của người khác. Đặc biệt họ trở nên mạnh mẽ và nhiệt thành rao giảng Tin Mừng Phục Sinh bằng chính kinh nghiệm đức tin của mình. Chính họ sẽ làm cho Đấng Phục Sinh trở nên sống động ngay trong lời nói, cử chỉ, ánh mắt, hành động của mình. Đời sống chứng tá chính là cách diễn tả một kinh nghiệm đức tin về Chúa Phục Sinh cách thuyết phục nhất vì như Đức Giáo Hoàng Phaolo VI nói “Thế giới ngày nay cần chứng nhân hơn thầy dạy, nếu họ tin theo lời thầy dạy vì họ đã có đời sống chứng nhân”.
Có một điều mà mỗi chúng ta cần phải hồi tâm suy nghĩ “Tôi đã có kinh nghiệm ‘thấy’ Chúa Phục Sinh trong cuộc sống của mình chưa? Ngày nay có nhiều người học nhiều về Chúa, nói rất hay về Chúa nhưng họ lại không có kinh nghiệm về Chúa, kinh nghiệm gặp gỡ Chúa? Họ chọn công việc của Chúa hơn chọn Chúa. Tuy nhiên cũng có rất nhiều người cảm nhận càng học cao hiểu rộng thì họ càng có kinh nghiệm sâu xa về sự hiện diện của Chúa. Sự khôn ngoan đích thật họ đã lãnh nhận chính là họ gặp được Chúa chứ không phải nơi tri thức mà họ thủ đắc. Những người giáo dân tuy không có nhiều cơ hội để học về Chúa nhưng cuộc sống của họ gắn bó với Chúa trong thánh lễ, trong các việc đạo đức, trong những biến cố đau thương của cuộc sống. Họ có những kinh nghiệm thấy Chúa, gặp Chúa thật sâu sắc và thú vị.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng con xin tạ ơn và ca ngợi Chúa đã ban cho chúng con một ơn “không thấy mà  tin”. “Đức tin thì tìm kiếm sự hiểu biết”, càng hiểu biết về Chúa xin cho chúng con càng có kinh nghiệm thấy Chúa, được chạm đến vết sẹo tình yêu, đụng chạm đến lòng thương xót Chúa để sự thánh thiện và tình yêu Chúa thấm vào con tim, đôi tay, suy nghĩ để chúng con vừa có đủ sức mạnh để đương đầu với thực tại vừa lan tỏa niềm vui Phục Sinh hiện diện trong chính tâm hồn chúng con, trong mỗi anh chị em xung quanh chúng con, trong Giáo hội, Hội dòng, và cả cộng đoàn, gia đình nữa. Gặp được Chúa, thấy Chúa Phục Sinh trong đời sống thường ngày là chúng con đạt sự khôn ngoan thực sự và được hạnh phúc ngay ở đời này. Amen.
 
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Camelo

 
SỰ ĐỤNG CHẠM CỦA TÌNH YÊU

 
“Tha nhân là địa ngục”, Jean Paul Sartre đưa ra quan điểm này khi chứng kiến những chiến tranh, đau khổ con người gây ra cho đồng loại. Thật thế, chẳng phải do thiên tai hay bệnh tật nhưng có lẽ chính con người đang đem lại nhiều đau khổ cho nhau nhất. Cuộc chiến tranh Nga-Ukraina hay những lạm dụng, áp bức, xung đột xảy ra khắp nơi là một trong số ít bằng chứng cụ thể. Đó là những đụng độ, va chạm của sự chết, của ích kỷ, thù hận mà không phải là sự đụng chạm của tình yêu. Phải chăng con người đã không đụng chạm được đến Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu và lòng thương xót để có thể trải dài tình yêu đó đến với tha nhân?
Trong bài Tin Mừng ngày lễ Lòng thương xót hôm nay, Đức Giêsu bảo ông Tôma: “Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy” (Ga 20,27). Suốt hành trình rao giảng, Đức Giêsu đã nhiều lần chạm tới hay để cho người khác sờ vào Ngài. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Đức Giêsu mời gọi một môn đệ làm như vậy. Bởi vì sự cứng lòng, Tôma muốn được sờ trực tiếp vào Đức Giêsu Phục Sinh: “Nếu tôi không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 21,25). Nhưng sự nghi ngờ đó cũng là bước khởi đầu tốt của một khao khát để đi vào một hiểu biết sâu xa hơn, một tương quan mật thiết hơn. Và Đức Giêsu đã đáp lại bằng lời mời gọi Tôma đụng chạm: cái chạm của tình yêu, của lòng thương xót, cái chạm có khả năng biến đổi. Nhờ đó, ông đã tin và tuyên xưng cách độc đáo: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28). Lời mời gọi chạm đến Chúa cũng dành cho tất cả chúng ta.
Người kitô hữu vẫn đến với Chúa qua cầu nguyện, suy niệm, nghe lời Chúa hay rước Thánh Thể mỗi ngày. Tuy nhiên, thường ta ở đó mà không đụng chạm hoặc kết hợp với Chúa bằng một thái độ hời hợt vì thói quen hay thiếu sự khao khát. Nhịp độ cầu nguyện hằng ngày dễ làm cho chúng ta rơi vào tình trạng hời hợt thiêng liêng, dễ “gần chùa gọi Bụt bằng anh”. Bởi đó, chúng ta theo Chúa cách xa xa, thiếu một kinh nghiệm cá vị nên không để lại một âm vang nào, cũng chẳng đem lại một biến đổi nào trong cuộc sống.
Thật vậy, không chạm Chúa thì không thể có sự đụng chạm tình yêu với tha nhân. Cũng vậy, không có tình yêu Chúa tràn đầy trong tâm hồn, không thể nào đủ nghị lực để yêu mến tha nhân. Một thực tế phũ phàng rằng có những người ở ngay bên cạnh, sống với chúng ta hằng ngày nhưng không thể đụng đến trái tim, không thể làm chúng ta chạnh lòng. Những người đó là anh chị em trong gia đình, trong cộng đoàn, hàng xóm... Vì vậy, giữa ta và họ có sự gặp gỡ, tương tác mà không phải là đụng chạm của tình yêu. Thậm chí, chúng ta thích đụng đến lỗi lầm, yếu đuối hay nỗi đau của người khác. Do đó, chúng ta dễ  ứng xử với nhau cách giả hình, bề ngoài, sống bằng mặt nhưng không bằng lòng: “Bên ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”. Cõi lòng chúng ta đã trở nên lạnh lẽo bởi thành kiến, chấp nhắt hay kết án. Khi đó, mối tương quan giữa ta với tha nhân thực sự nghèo nàn, nặng nề và thậm chí chiến tranh lạnh.
Mừng lễ kính lòng Chúa thương xót hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta chạm đến Ngài để kín múc tình yêu hầu có thể thực sự đụng chạm đến anh chị em. Chạm đến Chúa là một kinh nghiệm gặp gỡ thực sự để được Lời Chúa biến đổi: “Tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1Ga 1,1). Hãy “nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu” (Ga 13,25) để được yêu thương, chữa lành. Khi trái tim đã được lấp đầy bằng tình yêu Chúa, chúng ta dễ dàng trở nên máng chuyển thông ân sủng, sẵn sàng trao ban mà không phải là một “biển chết” đóng kín, ứ đọng để giữ cho riêng mình. Đức Thánh Cha Phanxico nói: “Nhìn và hành động bằng lòng thương xót, đó là sự thánh thiện”. Thánh thiện là hoàn toàn mở ra để sống với người khác bằng tất cả tình yêu, để thực hiện những bước đi của Chúa Giêsu: đi vào bên trong tâm hồn tha nhân, để sưởi ấm chứ không “ướp lạnh”. Đó cũng là làm theo logic của Chúa Giêsu, logic của cảm thông, sẻ chia và yêu thương. Vì chỉ tình yêu mới phá tan logic của ích kỷ, logic của “không ưa”, loại trừ và dửng dưng.
Thương xót là để cho tình yêu bị níu kéo. Chúa đã níu kéo chúng ta bởi tình yêu của Ngài. Mỗi người hãy để cho tha nhân níu kéo bằng sự quan tâm chân thành, lời nói ấm áp, ánh nhìn trìu mến, con tim mở ra để trao ban niềm vui. Nhờ đó, đời sống chung sẽ trở nên bình an, hạnh phúc thực sự. Tuy nhiên, sẽ chỉ là “zero” nếu tất cả chỉ dừng lại nơi những ý tưởng và lời nói hoa mỹ trên bàn giấy, mà không được thực thi cách mau mắn và cố gắng bằng những hành động cụ thể. Sống được như vậy, những người môn đệ của Chúa mới thực sự cảm nghiệm được “Thiên đàng là chính tha nhân” như Soeur Emmanuel, người đã dành hết tuổi già cho những người bươi rác ở Ai Cập với tất cả tình yêu bà đã kín múc từ Chúa.
Lạy Chúa! Chúa vẫn đi giữa trần gian hôm nay để sẵn sàng cho những quấy rầy và đụng chạm của con người. Xin Chúa chạm đến chúng con để yêu thương, biến đổi và thanh tẩy chúng con sạch những bụi bặm của ích kỷ, hẹp hòi, ghen ghét, thành kiến. Xin cho chúng con được đụng chạm đến Chúa để  chúng con có thể chạm đến anh em bằng sự chân thành, quan tâm và yêu thương. Xin Chúa mở lòng chúng con, và đổ đầy trái tim chúng con bằng tình yêu, lòng thương xót của Chúa để  chúng con biết mình luôn được yêu thương và nhờ đó, chúng con sẽ trao ban tình thương Chúa cho những người xung quanh chúng con. Amen.
 
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Camelo
 
 BÌNH AN
 
 Bình an là điều cần thiết cho con người ở mọi nơi và trong mọi thời. Có được bình an là con người có được hạnh phúc. Thấu hiểu được niềm khát khao sự bình an của con người, Chúa Giêsu đã đến và nói: “Bình an cho anh em”. Bình an mà Ngài trao tặng là sự bình an sâu thẳm nơi tâm hồn, một thứ bình an mang tính bền vững cho dù cuộc sống có gặp những khó khăn hay thử thách. Với người sống niềm tin vào Đức Kitô phục sinh thì con người chỉ thực sự có được bình an trọn vẹn khi con người có Chúa. Vì chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an (x.Rm 16,20) và Lời của Thiên Chúa đem lại bình an đích thực cho con người
Lời Chúa trong thư của thánh Phaolô đã nói: “Chính Người là bình an của chúng ta” (Ep 2, 14). Ai có được Người thì chẳng còn thiết gì hơn nữa.  Chỉ nơi Thiên Chúa và chỉ  trong Thiên Chúa, con người mới gặp được bình an đích thực. Sự bình an mà Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta chính là sự bình an mà Người có được và nghiệm thấy một cách trọn vẹn, khi Người đã chiến thắng sự sợ hãi trước cái chết cận kề. Đó là sự bình an của Đấng đã yêu thương cho đến cùng (x. Ga 13,1), tức là chấp nhận hy sinh mạng sống cho người mình yêu (x. Ga 15,13). Hay nói khác đi, sự bình an của Chúa Giêsu ban cho các Tông đồ, cũng như cho mỗi Kitô hữu là sự bình an đích thực mà Người đã chia sẻ chính thân mình của Người qua hiến tế trên thập giá và ngày nay được hiện tại hóa trên bàn thờ. Chúa Giêsu không chỉ cầu chúc bình an cho loài người, nhưng Người chính là Thiên Chúa quyền năng, nên Người ban cho chúng ta sự bình an đích thật của Thiên Chúa. Đó là thứ bình an mà không ai có thể ban được, cũng chẳng ai lấy đi được bình an Chúa trao: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14,27).
 
 Hạnh phúc của con người là được bình an: bình an trong tâm hồn, bình an trong cuộc sống, bình an trong giấc ngủ, bình trong sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, nếu muốn được hưởng trọn bình an của Chúa Giêsu ban tặng thì con người kitô hữu hãy kết hiệp mật thiết với Chúa, yêu mến Chúa bằng việc tuân giữ các giới răn của Chúa, nhất là giới luật mến Chúa, yêu người thì chúng ta sẽ có được niềm vui và sự bình an trọn vẹn đó: “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng” (Ga 14,28). Nhưng trong thực tế, con người ngày hôm nay họ dễ dàng đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa và đi tìm kiếm sự bình an nơi của cải vật chất hay nơi danh vọng quyền lực mà không phải là nơi Thiên Chúa. Sau khi con người đạt được tất cả những điều đó mà họ vẫn cảm thấy: không đủ, trống rỗng, bất an và không hạnh phúc. Lúc đó họ mới nhận ra rằng: bình an không hệ tại ở việc có được tất cả nhưng là hệ tại ở việc có được tình yêu và bình an là chính Thiên Chúa. Vì thế có thể con người có được hòa bình nhưng không sâu thẳm lại không có an bình, có an lành bên ngoài nhưng lại không có an tâm bên trong.
Con người ai cũng biết: bình an chỉ đến từ tình yêu, vì bình an là hạnh phúc cho những người sống tình yêu, là phần thưởng của những trái tim biết yêu thương. Vì thế, dù có tất cả, nhưng thiếu tình yêu thương thì con người sẽ không tìm được hạnh phúc và bình an. Cuộc sống cho chúng ta thấy có rất nhiều người nghèo khổ, đói khát của ăn, đau đớn vì bệnh tật mà họ vẫn luôn vui là vì họ có Chúa. Bên cạnh đó cũng có những người có đủ mọi thứ mà họ vẫn cảm thấy không vui và nhiều khi phải rơi nước mắt vì cuộc sống có nhiều điều không như mình mong muốn vì họ không có Chúa.   
Mỗi người chúng ta vẫn mang trong mình thân phận một con người. Nguyện xin Chúa Kitô phục sinh là Đấng ban bình an ngày xưa cho các môn đệ, thì cũng đến ban bình an cho chúng ta. Chính nhờ sự bình an Chúa ban trong tâm hồn, sẽ giúp chúng ta sống an vui, hạnh phúc trong đời sống đức tin của mình. Để rồi có Ngài trong cuộc đời, chúng ta luôn luôn bước đi trong bình an. Dẫu rằng, cuộc đời của chúng ta vẫn còn đó những khổ đau, những thử thách, những sóng gió. Khi có được bình an của Chúa rồi, chúng ta cũng được mời gọi, hãy ra đi và đem bình an của Chúa đến cho tha nhân. Đó là sứ vụ của người làm môn đệ của Chúa. Amen.
 
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Hàm Rồng
                                                     
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log