TỪ KỲ LẠ ĐẾN KỲ DIỆU
Trong cuộc sống có lẽ ai cũng đã từng chứng kiến những chuyện kỳ lạ. Có chuyện kỳ lạ gây bất ngờ, thu hút người khác; có những chuyện lạ lại làm người khác thấy khó hiểu. Nhưng làm sao để những chuyện kỳ lạ trở nên kỳ diệu? Đoạn Tin Mừng Lc 24,13-35 kể về biến cố Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau có thể cho chúng ta một câu trả lời.
Bản văn mở ra với “hai người trong nhóm môn đệ” đang bước đi và trò chuyện. Họ không thuộc về Nhóm Mười Một, nhưng thuộc về nhóm những người khác (nhóm 72) đang cùng ở với Nhóm Mười Một (x. 24,11). Qua lời họ kể (24,22-24), họ chứng tỏ họ biết tất cả những gì đã được kể ở 24,1-12, tức là sự kiện các phụ nữ đến viếng mộ vào buổi sáng và việc báo tin Chúa Phục Sinh (24,1-10), việc Phêrô cũng đến thăm mộ và thái độ bối rối của ông (24,11-12). Như vậy, họ biết những gì cộng đoàn biết. Về thời gian, đây “cũng ngày hôm ấy”, tức ngày thứ nhất trong tuần (24,1). Họ cho biết là họ chỉ ra đi khi đã kiểm chứng tất cả các biến cố của 24,1-12. Bây giờ họ đang tiến về một làng tên là Emmau, cách Giêrusalem khoảng mười một cây số. Cái lạ ở đây là tại sao họ không về Emmau ngay sau khi Đức Giêsu được mai táng mà lại về cùng ngày sau khi được báo tin Đức Giêsu sống lại như lời Người đã báo trước? Giả như hai môn đệ kia không đi về làng Emmau nhưng vẫn ở lại Giêrusalem với các môn đệ khác, thì họ đã được gặp Chúa, được xem chân tay và cạnh sườn của Chúa phục sinh, đặc biệt được Chúa ban ơn bình an, được lãnh nhận Thánh Thần và ban quyền năng tha tội… sớm hơn.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn có thể biến cái kỳ lạ, thắc mắc của độc giả thành điều kỳ diệu. Bằng cách giả vờ như không biết chuyện gì xảy ra, Đức Giê-su hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” (c.17). Họ thấy lạ nên nói: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” (c.18). Trong Đại Lễ Vượt Qua của người Do Thái, số người đến hành hương Giêrusalem rất đông, theo các sử gia, nó có thể lên đến từ 3 đến 5 triệu người. Việc ông Giêsu bị các thượng tế đóng đinh vào thập giá đã gây kinh động cho mọi người và ai cũng biết, kể cả những người vô tâm nhất, bàng quan với những biến động xã hội cũng bị lôi cuốn vào. Thế mà người khách lạ này lại không biết.
Với lối dẫn dắt kỳ diệu, Chúa Giêsu giúp họ có cơ hội bộc bạch suy nghĩ của mình, bộc bạch nỗi lòng của mình. Hai môn đệ bắt đầu thuật lại toàn bộ sự việc mới xảy ra, họ kể rất mạch lạc, có trước có sau. Sau khi kiên nhẫn lắng nghe những gì họ nói, Chúa Giêsu trách họ vì đã không tin vào lời Kinh Thánh. Ngài khẳng định dứt khoát: Đấng Kitô phải chịu khổ hình như vậy rồi mới bước vào vinh quang, không còn con đường nào khác. Đó mới là Đấng Kitô đích thực được các ngôn sứ tiên báo, chứ không phải Đấng Kitô theo quan niệm trần tục của các ông. Sau đó Ngài rảo qua toàn bộ Cựu Ước, bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ. Nói đến đâu, Ngài giải thích đến đó, giải thích tất cả những gì liên quan tới Ngài. Điều kỳ lạ nữa là, tâm hồn họ được bừng cháy lên khi họ nghe Chúa nói nhưng họ không nhận ra cho đến lúc sau khi Chúa Giêsu bẻ bánh rồi biến mất. Như vậy một nửa điều kỳ đã xảy ra.
Nửa kia của điều kỳ diệu được xảy ra phần nào đó là do việc họ nài ép Người ở lại: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” (c.29). Thật kỳ lạ, lúc bắt đầu gặp, Đức Giêsu muốn họ cho Ngài cùng đi để trò chuyện cho vui, còn bây giờ họ phải nài ép Ngài ở lại. Đức Giêsu “phải” chiều theo ý họ, và đó là điều Ngài muốn, vì phần giải thích Kinh Thánh đã xong, bây giờ là lúc Ngài sẽ tỏ cho họ biết, Ngài là Đấng Kitô phục sinh. Trong bữa ăn, Đức Giêsu đã xử sự như người chủ tọa. Ngài đã làm 4 cử chỉ: cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho. Ta không thể không thấy Ngài đã xử sự y như trong Bữa Tối cuối cùng. Đức Giêsu tỏ mình ra cho họ qua việc bẻ bánh.
Tuy nhiên, độc giả có thể thắc mắc: Tại sao hai ông có thể nhận ra Đức Giêsu qua việc bẻ bánh này? Rất lạ, vì hai ông chỉ là môn đệ chứ không phải tông đồ, nên họ không có mặt trong bữa Tiệc Ly, họ không chứng kiến sự kiện Đức Giêsu lập Phép Thánh Thể. Vả lại, ở đây không có việc trao chén rượu. Vậy tại sao hai ông lại nhận ra Đức Giêsu qua cử chỉ bẻ bánh? thưa: hai ông nhận ra Ngài qua phép lạ hóa bánh ra nhiều, chứ không phải ở bữa ăn cuối cùng trong chiều Tiệc Ly. Trong phép lạ đó, Đức Giêsu sau khi cầm lấy bánh, Ngài ngước mắt lên trời cầu nguyện, sau đó bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát cho dân chúng. Hai ông nhớ như in hình ảnh này nên đã nhận ra Ngài. Như thế, điều kỳ diệu được thực hiện cách trọn vẹn. Tâm hồn hai ông được bừng nóng khi Đức Giêsu giải thích Kinh Thánh và nhận ra Ngài lúc bẻ bánh. Thánh lễ đầu tiên được cử hành và hai ông hoàn toàn được biến đổi.
Luca viết: “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem” (c.33). Vâng không còn lý do nào để ở đây nữa, cũng như người con hoang đàng, đứng phắt dậy và trở về. Ở đây hai ông cũng đứng lên và trở về, cho dù lúc đó trời đã tối, để tiếp tục sứ mệnh mà Đức Giêsu đã kêu gọi các ông làm môn đệ. Hai ông trở về Giêrusalem, con đường trở về không còn gì để Luca tường thuật, làm sao trở về càng nhanh càng tốt. Lúc đi thì thong thả, không có gì phải vội, nhưng lúc trở về phải thật mau mắn, vì lòng các ông đang bị đốt nóng lên vì tình yêu Đức Giêsu phục sinh.
Cuộc sống hằng ngày của chúng ta cũng đầy những chuyện lạ kỳ như thế. Thiên Chúa luôn thực hiện những cuộc trao đổi kỳ lạ mà lạ thay con người chẳng hay biết. Con người mang đến cho Chúa nỗi buồn, sự thất vọng thì Chúa lại mang đến cho con người niềm vui, sự hy vọng; con người đem đến cho Chúa sự đau khổ thì Chúa lại đem đến cho con người tình yêu; con người gây nên cái chết của Chúa nhưng Chúa lại ban ơn cứu độ … và còn biết bao những điều kỳ lạ khác mà con người mang đến cho Chúa nhưng Chúa lại thực hiện những điều kỳ diệu mà con người chưa khám phá ra.
Mặt khác, thế giới hôm nay cũng không thiếu những tâm hồn cô độc tuyệt vọng. Tuyệt vọng vì mất niềm tin, vì không thấy ý nghĩa cuộc đời. Tuyệt vọng vì chiến tranh bạo lực, vì những cấu xé tranh giành giữa những người chung một dòng máu. Tuyệt vọng vì nghèo đói, bị khinh bỉ, bị đặt ra ngoài lề xã hội. Tuyệt vọng vì thái độ vô cảm của con người. Giữa những cảnh tuyệt vọng ấy, bổn phận người Kitô hữu là gì nếu không phải là đốt lên ngọn lửa yêu thương để sưởi ấm tâm hồn. Bổn phận này không đòi hỏi phải có những tổ chức rộng lớn, những phương tiện tối tân hoặc những khả năng phi thường, nhưng chỉ cần đối thoại trao đổi đơn sơ nhưng đầy tình Chúa và tình người cũng mang lại những giá trị của nó: “Phải chăng trong lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong khi Ngài đi đường đàm đạo và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó ư?” Tâm hồn họ nóng bừng lên khi Ngài chia sẻ kinh nghiệm của Ngài, và nhất là khi Ngài nói lên ý nghĩa về cái chết của Ngài qua cử chỉ bẻ bánh và trao ban. Mắt của hai người môn đệ đã mở ra để nhận biết Ngài, hiểu được các biến cố vừa xảy ra, và dĩ nhiên thấy được ý nghĩa của chính cuộc sống của họ.
Ngày nay, trong từng biến cố của cuộc sống chúng ta, Chúa Kitô Phục Sinh cũng đang đến và đồng hành với chúng ta trong từng sinh hoạt và gặp gỡ của chúng ta. Ngài có mặt trong từng niềm vui và nỗi khổ của chúng ta. Nếu chúng ta đón nhận Ngài như người bạn đồng hành, chuyện vãn và chia sẻ với chúng ta, đôi mắt đức tin của chúng ta sẽ mở ra, và lúc đó, trong ánh sáng Phục Sinh của Ngài, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Thiên Chúa đến với cuộc đời ta cũng vậy, rất lạ, rất âm thầm và cũng rất bất ngờ. Ngài đến rất âm thầm, vâng rất âm thầm mà ta không thể nhận biết. Có thể Ngài đến với ta với dáng vẻ của một người xa lạ, vô tình bắt gặp trên một chuyến xe. Có thể Ngài hiện diện trong ánh mắt, trong nụ cười của một ai đó đang đứng trước mặt ta. Có thể Ngài là người ăn xin đang ngửa tay xin ta bố thí, … Tại sao ta không thấy, vì như Luca nói: “mắt ta còn bị ngăn cản”.
Như thế để những điều kỳ diệu có thể xảy ra, mỗi người cần không ngừng khám phá ra Thiên Chúa luôn đồng hành với mỗi người, để từ đó biết dẫn đưa anh chị em mình đến với Chúa và chính Chúa sẽ tạo nên những điều kỳ diệu nơi chúng ta và nơi mỗi người chúng ta gặp gỡ bằng ba yếu tố: Kinh thánh, Bí tích Thánh Thể, cộng đoàn sống đức tin.
Lời Chúa là của ăn nuôi sống đức tin. Toàn bộ Kinh Thánh đều quy về Đức Giêsu Kitô. Khi bị thử thách, người môn đệ không nên cắt đứt với Lời Chúa, nhưng hãy kiên trì đọc, suy niệm và khiêm tốn xin Chúa giải thích Lời Chúa cho mình hiểu. Tâm hồn hai môn đệ Emmau đã bừng cháy lên khi nghe Chúa giải thích Kinh Thánh. Nhưng Kinh Thánh mới chỉ là khởi đầu để tâm hồn hai môn đệ bừng nóng lên nhưng họ thực sự nhận ra Đức Giêsu lúc Ngài bẻ bánh. Từ ngữ “Bẻ bánh” trong cộng đoàn Kitô tiên khởi có nghĩa là cử hành bí tích Thánh Thể: bí tích Thánh Thể hoàn tất điều mà Lời Chúa khơi dậy trong tâm hồn con người. Cuối cùng, đích điểm của cuộc trở lại là cộng đoàn đức tin: đức tin được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Mình Chúa không thể chỉ dừng lại hoặc giới hạn nơi cá nhân, mỗi môn đệ là thành phần của cộng đoàn đang tuyên xưng đức tin: đức tin không bao giờ chỉ là đức tin riêng rẽ, nhưng là đức tin trong một cộng đoàn: “Tôi tin”, đồng thời cũng là “Chúng tôi tin”.
Giữa những bước đi thăng trầm của cuộc đời, chúng ta xin cùng Chúa rằng: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Chiều về, ngày sắp tàn là lúc bóng đêm buông xuống, và sự dữ cùng bóng tối hoành hành, thế lực bóng tối mà chúng con phải chiến đấu. Xin Chúa ở luôn với chúng con trên đường đầy chông gai và thử thách. Xin Chúa lưu lại với chúng con, để dạy chúng con biết sống như những kitô hữu “biết trỗi dậy” và “hồi sinh”, biết khám phá những điều kỳ diệu trong cuộc sống của chúng con qua Lời Chúa, Thánh Lễ và hiệp hành với Giáo Hội. Amen
Maria Đỗ Thị Hồng Cảnh - Lớp Thần học K5