HÃY RA ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG
“Anh em hãy ra đi loan báo Tin Mừng”. Đây là lời mời gọi của Chúa Giêsu với các môn đệ xưa, nhưng cũng luôn là lời mời gọi tha thiết cho Giáo Hội Ngài ở mọi thời đại, mọi nơi, mọi lúc. Nhìn vào cánh đồng truyền giáo bát ngát bao la mỗi người đều được mời gọi hãy ra đi loan báo Tin Mừng, hãy đem Chúa đến cho muôn dân.
Thật vậy, việc ra đi rao giảng Tin Mừng luôn luôn cần thiết và cấp bách, không chỉ dành cho người sống bậc thánh hiến nhưng cho hết mọi người. Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa nói: “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít, anh em hãy chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Thật vậy, trên cánh đồng truyền giáo bao la kia đang cần lắm những bước chân của nhà các thợ gặt. Vậy để có thể ra đi thì nhà truyền giáo cũng cần phải có những hành trang, xin đơn cử ra đây hai điều thấy là quan trọng và cần thiết.
1. Cần phải cầu nguyện:
Hơn bao giờ hết việc cầu nguyện luôn phải được đặt lên hàng đầu trong mọi cộng việc, mọi vấn đề, mọi biến cố, mọi quyết định…đối với người Kitô hữu và những người có đức tin.
Đối với nhà truyền giáo thì cầu nguyện là điều kiện cần thiết. Vì nhà truyền giáo cần phải luôn ý thức mình ra đi là thi hành sứ mạng chính Chúa trao phó, và tự sức mình không làm được gì. Vì thế, mỗi bước đi của họ luôn có Chúa đồng hành, nâng đỡ, và Chúa Thánh Thần luôn là tác nhân chính trong mọi lời họ nói, việc họ làm. Chính Chúa hoạt động trong họ. Vì thế, không thể truyền giáo, không thể mang Chúa đến cho người khác nếu họ không có Chúa nơi mình vì họ không thể cho người khác cái họ không có, mà để có Chúa thì họ phải cầu nguyện. Khi cầu nguyện họ sẽ tìm được sức mạnh, được thêm lòng nhiệt thành, yêu mến để hăng say ra đi rao giảng Tin Mừng. Cầu nguyện để có thêm sáng kiến và sự khôn ngoan trong sứ vụ của mình. Và cầu nguyện sẽ là sức đỡ nâng để giúp họ trên hành trình truyền giáo đầy gian lao và khó khăn. Vì thế, không thể truyền giáo nếu không cầu nguyện.
2. Cần có một trái tim và tinh thần hăng say nhiệt huyết
Đức Giêsu khi nhìn thấy đám đông Người đã chạnh lòng thương vì họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt. Chúa nhìn thấy đoàn chiên bơ vơ Chúa chạnh lòng thương họ, Chúa khao khát, mong muốn cho họ được biết Chúa, được gia nhập vào đoàn chiên của Chúa, vào gia đình của Chúa là Giáo Hội để họ được yêu thương, được chăm sóc, được dạy dỗ. Nhà truyền giáo cũng cần có một trái tim biết chạnh lòng thương như thế. Biết xót thương trước đau khổ của anh em, biết động lòng trước một đoàn người còn chưa biết Chúa, chưa được đón nhận đức tin, chưa được Lời của Chúa dạy dỗ, chưa được Thánh Thể Chúa dưỡng nuôi, chưa biết giáo lý của Chúa… Có biết bao người đang sống mà không có niềm tin, đang lâm vào bế tắc, đau khổ mà không tìm được lối thoát; đang quằn quại trong đau thương mà không tìm được điểm tựa và an ủi; đang bất lực trước gánh nặng của bệnh tật. Biết bao người đang sống trong khô khan, nguội lạnh và tội lỗi mà chưa nhận ra. Biết bao người đang cô đơn, sợ hãi, đau khổ, bị bỏ rơi đang cần được yêu thương, chăm sóc…Từ thời của Chúa Giêsu và cho đến bây giờ cũng vẫn đang còn biết bao con chiên chưa được gia nhập vào gia đình của Chúa, chưa biết Chúa. Vì thế, ngày xưa Chúa đã sai các môn đệ và ngày nay Chúa lại sai mỗi người chúng ta hãy đi rao giảng Tin Mừng để đưa những con chiên lạc trở về đoàn tụ cùng gia đình Chúa. Giáo Hội đang cần lắm những bước chân ra đi loan báo Tin Mừng, cần lắm những con người có một trái tim biết yêu thương và sẵn sàng dấn thân hy sinh. Bước đường truyền giáo có nhiều khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, có cả những nguy hiểm, có những con người bần hàn đến tận cùng, có những con người cứng đầu, bất cần và chai lỳ. Vì thế, cần phải có một trái tim yêu thương, một trái tim khao khát cho mọi người biết Chúa để họ được ơn hoán cải và được sống xứng với nhân phẩm. Cũng cần phải có một tinh thần sẵn sàng dấn thân ra đi, không ngại gian khổ nhưng luôn vui tươi và đầy nhiệt huyết vì tình yêu Đức Kitô thúc bách họ. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa nói rằng: “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít, các con hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Chúng ta hãy nài xin Chúa sai thợ gặt đến, xin Chúa ban cho có nhiều tâm hồn quảng đại luôn sẵn sàng dấn thân, ra đi loan báo Tin Mừng, luôn sẵn sàng xả thân vì Nước Trời hầu cho muôn người được biết Chúa và trở về với Chúa để được xót thương và cứu độ.
Trên cánh đồng truyền giáo Hưng Hoá mênh mông và bát ngát, có biết bao người còn chưa biết Chúa, chưa sống đức tin. Xin Chúa ban cho chúng con có một trái tim biết chạnh lòng thương như Chúa, có một tinh thần hăng say và một tâm hồn nhiệt huyết sẵn sàng dấn thân ra đi loan báo Tin Mừng. Đặc biệt với một tinh thần mới và một niềm tin tưởng phó thác mà Chúa đã dạy chúng con: “anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy”. Lạy Chúa, xin hãy sai con đi.
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Hầu Thào
SỨ MỆNH TRUYỀN GIÁO
Bài Tin Mừng Chúa nhật XI Thường Niên Năm A trình thuật cho chúng ta việc Chúa Giêsu trao cho các môn đệ sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Con số 12 môn đệ là biểu tượng 12 tổ phụ nhà Israel và 12 chi tộc nhà Israel. Chúa Giêsu kêu gọi 12 môn đệ từng người một với tên gọi đích danh để ở với Ngài, được Ngài huấn luyện và sai đi trở thành tông đồ (Apostolos), để rao giảng Tin mừng, rao giảng Nước Trời, mang tình yêu, bình an, hạnh phúc và ơn cứu độ của Thiên Chúa cho muôn dân. Người kitô hữu, đặc biệt người thánh hiến chúng ta trong thời đại hôm nay, cũng được Thiên Chúa kêu gọi đích danh từng tên một, để trở thành ngôn sứ của Thiên Chúa, người rao giảng Tin Mừng. Giới thiệu Đức Kitô là niềm vui, là tình yêu, là lẽ sống; và giới thiệu cho mọi người biết rằng chỉ có Ngài mới mang lại cho con người ý nghĩa, sự bình an cũng như hạnh phúc đích thực cho con người, đặc biệt đến với những người ở vùng ven hiện sinh. Như Đức Giêsu đã chạnh lòng thương khi thấy đám đông vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt, người rao giảng Tin Mừng hôm nay cũng hãy kín múc và rập khuôn đời mình trong Đức Giêsu để có được một con tim biết thương cảm, biết chạnh lòng thương đối với dân chúng, những người chúng ta đang phục vụ hằng ngày; để nhìn thấy nhu cầu cấp bách, những trăn trở và khát vọng sâu xa của con người. Hạn từ “compassionis” (chạnh lòng thương), dịch sát nghĩa là (tan nát cõi lòng), không phải là thương hại nhưng người rao giảng Tin Mừng phải cảm thấy tan nát cõi lòng khi đứng trước những cảnh đời đau thương, đau thật sự nỗi đau của họ; biết đặt mình vào vị trí của những người không còn cảm thấy ý nghĩa của cuộc đời, thất vọng hoàn toàn, bệnh tật, nghèo đói, mất mác, chết chóc xâu xé triền miên.
Hơn thế nữa, Chúa Giêsu còn ban cho các môn đệ quyền chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền. Người kitô hữu, cũng như người thánh hiến không chỉ rao giảng bằng lời nói, bằng tài hùng biện, bằng chính chứng tá đời sống của mình mà còn rao giảng bằng việc chữa lành những vết thương thể lý cũng như tâm hồn của họ. Ngoài những việc chúng ta phục vụ, đi giúp mục vụ hoặc đi truyền giáo ở những vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh, nơi những đồng bào dân tộc thiểu số. Để chăm sóc những người dân nghèo, bệnh tật tại các trạm xá, hay tại các cơ sở y tế lớn nhỏ trong các Cộng đoàn của Hội Dòng, chúng ta còn được mời gọi hãy nhạy bén hơn, biết quan tâm, xoa dịu, an ủi, chữa lành những vết thương trong tâm hồn của anh chị em mình. Đó có thể là những người mất hết ý nghĩa của cuộc đời vì lao vào cuộc sống mưu sinh, bị bủa vây bởi tham sân si của tâm hồn. Chạy theo lối sống thế tục, một nền văn hoá ảo, chạy theo những giá trị ảo để thoả mãn về danh vọng, dục vọng, tiền bạc, tìm kiếm một lối sống đẳng cấp. Chạy theo những sự nổi tiếng trên không gian mạng xã hội, thích được câu like, câu view được mọi người ngưỡng mộ trên mạng xã hội. Cuối cùng bị hụt hẫng, thất vọng, trầm cảm, tự kỷ và họ đã huỷ hoại đời mình. Đứng trước những căn bệnh thời đại, cần có những mục tử, những người thánh hiến, những kitô hữu biết đến với họ bằng con tim chạnh lòng thương, trao ban những lời nói, cử chỉ, đồng cảm, xoa dịu, an ủi. Để giúp họ tìm thấy được ý nghĩa của cuộc sống, giúp họ khám phá ra khuôn mặt của một Chúa Giêsu vị mục tử nhân lành luôn yêu thương và mang lại cho họ hạnh phúc đích thực.
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt, sai thợ ra gặt lúa về”. Lời mời gọi rất cấp bách của Chúa Giêsu xưa, ngày nay vẫn còn nguyên giá trị và truyền cảm hứng cho cả Giáo Hội, đặc biệt cho mỗi người thánh hiến chúng ta và cho từng người kitô hữu trong thời đại hôm nay để luôn có những con tim chạnh lòng thương, can đảm ra đi đến vùng ngoại biên; đến với những con người đang cần men Tin Mừng Giêsu lan toả ngang qua những lời nói, hành động, sự đồng cảm, lòng yêu thương, để chăm sóc vô vị lợi và giúp xoa dịu nỗi đau của nhân loại. Ngỏ hầu mỗi người trong họ cũng khám phá để nhận ra khuôn mặt Chúa Giêsu mục tử nhân lành đầy tình yêu thương và mang lại chọ họ ý nghĩa hạnh phúc tròn đầy. Amen.
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Hầu Thào
TÌNH YÊU THIÊN CHÚA ĐÃ LÊN TIẾNG GỌI
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”(Mt 9, 37-38). Đó là những trăn trở của Chúa Giêsu trên con đường rao giảng Tin Mừng. Dưới ngòi bút của Thánh sử Mátthêu những suy tư ấy lại chất chứa một lời mời gọi tha thiết và là con đường để chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm Lòng Thương Xót. Đồng thời khám phá ra sự huyền nhiệm trong ơn gọi hiến dâng.
Hành trình đi đến việc tuyển chọn là hành trình của Lòng Thương Xót, giúp ta thêm xác tín vào tấm lòng mục tử của Thiên Chúa. Sự khốn cùng, thiếu thốn của con người chỉ là phông nền để bức tranh Lòng Thương Xót mà chính Thiên Chúa là tác giả thêm rực rỡ. Nhìn vào ơn gọi của các tông đồ ta nhận ra sự huyền nhiệm trong ơn gọi thánh hiến và bản chất của ơn gọi trong Giáo Hội. Tin Mừng đã miêu tả Chúa Giêsu hoàn toàn là người chủ động. Ngài đi bước trước và gọi những kẻ mà Ngài muốn để thiết lập Nhóm Mười hai và trao cho họ một sứ vụ. Như vậy, ơn kêu gọi đến từ “trên cao” xuất phát từ Thiên Chúa chứ không hệ tại do ý muốn và dự định của con người. Có lẽ các tông đồ cũng đôi chút ngỡ ngàng trước một lời mời gọi bất ngờ, nhưng đó lại là cơ sở để ta thêm xác tín: Ơn gọi đến với con người “vì được Thiên Chúa xót thương” (Rm 9,16). Hay nói cách khác, sợi dây thương xót của Thiên Chúa đã kéo con người tham dự vào sứ vụ của Ngài. Ta nhớ lại Lời Chúa đã phán: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em và cắt cử để anh em ra đi sinh được hoa trái” (Ga 15,16). Chúa tuyển chọn không hề ngẫu nhiên nhưng Ngài đã gọi đích danh từng người một, với cả những biệt danh của họ. Điều ấy cho thấy việc tuyển chọn là một phần không thể thiếu trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Ngài có thể tự mình hoàn tất công trình cứu độ nhưng Ngài đã đoái thương cho con người được chia sẻ, cộng tác. Việc tuyển chọn là bước ngoặt trong cuộc đời các tông đồ, mở ra một hành trình để các ông chiêm ngắm huyền nhiệm Lòng Thương Xót. Nhìn vào xuất phát điểm của họ ta thấy sự thấp kém, ít học, thậm chí có cả người thu thuế bị xã hội loại bỏ, ấy vậy mà Thiên Chúa lại chọn họ làm nền tảng của Giáo Hội. Đó là dấu chứng Lòng Thương Xót.
Hơn thế nữa, chính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã lấp đầy “chỗ trũng” là những bất toàn nơi bản tính và giới hạn trong khả năng của con người. Bước theo Chúa tức là ta đang đáp lại lời mời gọi tình yêu, để toả lan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho muôn người.
Sứ điệp Lời Chúa của ngày lễ hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta, đặc biệt những người sống đời dâng hiến khám phá ơn gọi của mình. Những ngày đầu bước theo Chúa của ta có giống như các tông đồ xưa không? Ý thức rằng ơn gọi là món quà nhưng không Thiên Chúa ban cho những kẻ Người muốn, giúp ta thêm xác tín: Chúa đã gọi tôi. Ngài cũng gọi chính tên tôi chứ không phải ai khác. Ngài gọi tôi từ giữa thế gian để sống giao ước với Ngài suốt đời. Chúa gọi các tông đồ từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau và sử dụng họ với những gì họ có để cộng tác với Ngài. Đôi khi ta cũng băn khoăn về sự yếu đuối của bản thân, sự hạn chế về năng khiếu, về quá khứ không mấy tốt đẹp hay lo lắng bận tâm về tương lai. Thế nhưng, Chúa không hề để ý tới tiểu sử không được như mong muốn của ta, Chúa đã gọi ta nhất định Ngài sẽ có cách để biến đổi ta. Hay nói cách khác, ta phải có đủ niềm tín thác đặt đời mình vào Lòng Thương Xót của Chúa để trở nên khí cụ mềm mỏng theo ý Người. Chúa đã và đang không ngừng thêu dệt nên những đường thẳng từ những đường cong giữa lòng thế giới hôm nay.
Ơn gọi luôn đi liền với sứ vụ. Chúa Giêsu đã sai các tông đồ đi rao giảng cùng với những chỉ dẫn cụ thể, đó sẽ là kinh nghiệm cho ta trên con đường sứ vụ của mình. Ngài ban cho các môn đệ những quyền đặc biệt, qua đó giúp ta ý thức những gì con người làm được đều là bởi ơn Chúa chứ không bởi sức riêng hay sự cố gắng của bản thân. “Hãy đến với những con chiên lạc nhà Ít-ra-en” (Mt 10,6). Chúa không cần ta phải đi quá xa để rao truyền chân lý nhưng trước hết phải bước đến với những anh chị em ngay bên. Tức là ta cần xây dựng và củng cố sự hiệp nhất ngay chính nơi mình đang sống. Ta cũng phải nhạy cảm trước nhu cầu của người khác và cũng phải “chạnh lòng thương” để hoạ lại hình ảnh Lòng Thương Xót của Chúa. Khi ấy ta sẽ nhận ra cuộc đời và ơn gọi của mình thực sự là huyền nhiệm của Lòng Thương Xót.
“Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8). Chúng ta đến được với ơn gọi thánh hiến “vì được Thiên Chúa xót thương” thì cũng hãy mau mắn đáp trả và trở nên khí cụ của Lòng Thương Xót cho thế giới. Xác tín vào Lòng Thương Xót như vậy dầu có phải đối diện với đau khổ, thử thách, dù được sai đi đâu ta vẫn ca vang khúc ca tạ ơn. Để nơi đâu có bóng của Thập giá bao phủ nơi đó vẫn in đậm dấu ấn của lòng xót thương. Mong những người đang dấn thân theo sát Chúa hơn được ơn trung thành, biết mang ánh mắt; trái tim của Chúa để trở nên chứng từ sống động về Lòng Thương Xót và mãi mãi thầm thĩ: “Đời con Chúa ơi sao quá mọn hèn mà Chúa đã gọi con bước lên. Sai con đi tới cuộc đời, trở nên như men giữa lòng, sai con đi làm muối đất làm muối đất ướp cho mặn đời” (Bài hát: Chúa cất tiếng gọi con). Amen.
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Hà Thạch