Biến Đổi
Qua trình thuật Mt17:1-9, thánh sử Mátthêu kể lại cho chúng ta về biến cố Chúa đưa ba môn đệ lên núi Tabor và biến hình rực rỡ trước mặt các ông để “Tiên báo” về ơn Cứu Độ và sự Phục Sinh của Người.
Hôm đó, Đức Giêsu đem ba môn đệ là các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao, rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các môn đệ thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Chúa. Chúa cho các môn đệ thấy trước một thoáng Phục Sinh để các ông được cảm nếm một chút Thiên đàng, nhằm củng cố tinh thần cho các môn đệ sau khi Người loan báo về cuộc khổ nạn của mình.
Ông Phêrô với con mắt xác thịt, đã ngây ngất trước vinh quang của Chúa trên núi Tabor, ông xin làm ba lều để được an nhàn trên núi cao, ngủ yên trong hào quang, quên đi các bạn và các cuộc truyền giáo dưới chân núi. Ông không biết rằng Thầy Giêsu chỉ lên đỉnh Tabor trong chốc lát rồi xuống núi, chuẩn bị vác thập giá bước vào cuộc thương khó: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.” Biến cố biến hình đã nhấn mạnh đến thái độ hoảng sợ của các môn đệ: “Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng ngã sấp mặt xuống đất” (Mt 17,6). Và khi Phêrô “ngã sấp mặt xuống đất” thì Chúa đến chạm vào ông và bảo: “Trỗi dậy đi, đừng sợ”. Chúa biến hình trên núi Tabor là một trong những biến cố đặc biệt trong cuộc đời của Ngài để giúp gia tăng niềm tin cho các môn đệ.
Thật vậy, đã nhiều lần chúng ta được lên núi để tĩnh tâm, để theo chân các tông đồ gặp Chúa Giêsu - Thầy chí thánh, để được Người huấn luyện - chỉ bảo, để chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa. Sự kiện Người hiển dung cho chúng ta xác tín rằng: muốn đạt tới vinh quang trong Nước Trời, chúng ta phải đi con đường thương khó mà Đức Giêsu đã trải qua, phải từ bỏ mình, từ bỏ địa vị, chức quyền, danh vọng, từ bỏ đam mê dục vọng, từ bỏ ích kỷ, nham hiểm, phải biết vác thập giá hàng ngày mà theo Chúa.
Sống trong một thế giới đầy xao động như hôm nay, với những cuộc chạy đua tìm kiếm của cải vật chất, tiện nghi, hưởng thụ, khiến con người chúng ta không chú trọng đến việc đọc và lắng nghe Lời Chúa. Chúng ta chưa đủ lòng tin - cậy - mến để thấy Lời Chúa là kho báu và ánh sáng dẫn lối chỉ đường cho chúng ta. Chúng ta chưa chịu khó học hỏi, suy gẫm và hành động trong Chúa Thánh Thần để biến đổi cuộc đời trở nên tốt hơn dưới ánh sáng của Lời Chúa. Chỉ khi nào sống theo khuôn vàng thước ngọc là Lời Chúa thì chúng ta mới được ánh sáng của Chúa Phục sinh bao bọc để sống yêu mến Chúa và tha nhân hơn.
Muốn được biến đổi, chúng ta cần chăm chỉ nghe lời Chúa dạy, trông cậy vào Chúa, từng ngày khát mong gặp Chúa, để được sống hiệp thông, nên một với Chúa như lời bài hát “BIẾN ĐỔI ĐỜI CON” của linh mục Thái Nguyên: “biến đổi đời con Chúa ơi, khi con nghe lời Chúa dạy…”. Xin Chúa ban thêm lòng tin để chúng ta biết dành thời gian “lên núi” với Chúa mỗi ngày, dù đó chỉ là một chút thời gian ít ỏi. Xin Chúa đánh thức chúng ta trong mỗi lần ngã lòng, chìm đắm trong tội lỗi như Người đã chạm vào các tông đồ với lời nhắc nhở: “Trỗi dậy đi, đừng sợ”. Ước gì chúng ta luôn nhận ra rằng: Chúa vẫn ở bên chúng ta và nâng đỡ chúng ta mỗi ngày.
“Lạy Chúa! chúng con là những người kitô hữu, tức là người có Chúa Kitô. Vì thế, mỗi khi tham dự thánh lễ chính là thời gian - là dịp để chúng con khám phá, chiêm ngắm và đi vào vinh quang đích thực của mầu nhiệm thánh giá. Xin Chúa cho chúng con luôn ý thức khi tham dự thánh lễ và rước lễ, đó là lúc Chúa cùng chúng con ở trong nhau, chúng con được hưởng sự sống vinh quang với Ngài. Xin Chúa Thánh Thần biến đổi cuộc đời chúng con mỗi ngày nên mới để chúng con được hưởng vinh quang Chúa đã hứa. Amen!”
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Co Hay - Sông Mã
ĐỘNG LỰC CỦA NIỀM TIN VÀ HY VỌNG
Việc Chúa Giêsu phải trải qua khổ nạn trước khi bước vào vinh quang là một cơn ác mộng đối với đức tin của các Tông đồ lúc đó. Các ngài chưa đủ sức đón nhận. Chính vì vậy, Chúa Giêsu đã tạo cho các ngài một động lực để củng cố và nâng đỡ đức tin còn non yếu của họ. Động lực ấy chính là biến cố Hiển Dung.
Hằng ngày, các tông đồ đã ở với Thầy, vẫn nhìn gương mặt thân thương của Thầy bình thường như bao người khác. Hôm nay, các ông ngất ngây vui sướng vì chứng kiến“Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”. Hơn nữa, các ông còn thấy “Môsê và Êlia hiện ra đàm đạo với Người” và cuối cùng còn nghe được tiếng Chúa Cha uy hùng phán ra từ đám mây khiến các ông sợ hãi đến độ sấp mặt xuống đất mà thiếp đi. Qua biến cố này, Chúa Giêsu cho các môn đệ xác tín ba điều căn bản: thứ nhất là vị trí trung tâm và vai trò trổi vượt của Chúa Giêsu so với Cựu Ước, được minh chứng khi Môsê và Êlia đại diện cho niềm tin Cựu Ước hiện ra đàm đạo với Ngài; thứ hai, lời phán ra từ đám mây:“Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” vừa khẳng định thân thế của Đức Giêsu đích thực là Con Một Thiên Chúa, vừa đóng ấn lời rao giảng của Chúa Giêsu về Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha -Con -Thánh Thần, vừa là mệnh lệnh cho loài người “phải vâng nghe lời Người”; thứ ba “Bấy giờ ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay ! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia. Các môn đệ được nếm trước hạnh phúc ngây ngất trên Nước Trời và được chiêm ngưỡng vinh quang vốn có nơi Chúa Giêsu mà mọi ngày vinh quang ấy ẩn nấp dưới lớp áo phận người. Hạnh phúc ấy hấp dẫn đến độ các tông đồ quên luôn thứ hạnh phúc trần gian để xin dựng lều mà ở lại “trên núi” với Chúa.
Có thể nói, cuộc gặp gỡ đích thực với Thầy làm cho các Tông đồ được biến đổi, tuy chưa phải là biến đổi hoàn toàn nhưng ít ra trong lúc ngây ngất ấy, các ông đã quên đi việc tranh giành vị trí bên tả bên hữu trước đó, quên luôn cả chính mình, chỉ cần dựng lều cho Thầy và các ngôn sứ mà thôi. Và chắc chắn kinh nghiệm hôm nay sẽ còn để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí các tông đồ, để nâng đỡ các ông mãi mãi trong cuộc đời chứng nhân cho Thầy Giêsu Chí Thánh. Thật thế, đức tin của các Tông đồ cần được củng cố như vậy để các ông có thể đón nhận một “Đấng Mêsia khổ nạn”; sẵn sàng từ bỏ ý riêng mà vâng theo ý Chúa; sẵn sàng bước vào khổ nạn cùng với Đấng Mêsia để trở nên những cuộc hiển dung mới cho anh chị em mình. Chúa dặn dò các ông “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy”, bởi vì, chỉ sau khi Thầy trỗi dậy từ cõi chết, sau khi Thầy bước qua khổ giá mà vào vinh quang thì các tông đồ mới có thể có cái nhìn đúng và đủ về Thầy, về sứ mạng của Đấng Mêsia là không chỉ có vinh quang mà còn có khổ nạn và cái chết đau thương trên đồi sọ trước khi phục sinh.
Nhân loại hôm nay cũng đang gặp ác mộng, đức tin của họ cũng đang gặp phải cuồng phong bão táp. Họ đang cần hơn lúc nào hết một chiếc phao cứu trợ, cần một biến cố hiển dung để được thêm xác tín, để được thêm động lực bước tiếp trên hành trình đức tin đầy sóng gió. Vẫn có biết bao nhiêu cuộc biến hình diễn ra hàng ngày trước mắt con người: nào là biến hình nhờ trang phục; nào là biến hình nhờ mỹ phẩm, nhờ phẫu thuật; nào là biến hình nhờ công nghệ 4.0 …. Thế nhưng, những thứ biến hình ấy lại chỉ làm cho nhân loại thêm điên đảo, thêm quay cuồng, thêm hoang mang, trống rỗng và sợ hãi. Họ phải tìm kiếm ở đâu cuộc hiển dung của Chúa? Phải tìm ở đâu cho được những cuộc biến hình dẫn tới ơn cứu độ? Cánh tay nào sẽ giơ lên và nói với nhân loại rằng: “Tới đây! Tôi sẽ dẫn bạn tới với cuộc hiển dung cứu độ.”? Phải chăng là cánh tay của những người Kitô hữu là những người đã được gặp gỡ Chúa Giêsu; hay phải chăng là cánh tay của các linh mục và tu sĩ là những người tự nguyện một đời theo sát Chúa Kitô? Hay là cánh tay của bạn, là cánh tay của tôi?
Nhân loại hôm nay cũng là chính bạn, là chính tôi và là chính chúng ta, những người đang sống bên nhau và trên khắp địa cầu. Như vậy, chúng ta trước hết phải cứu lấy chính mình bằng cách tìm đến với cuộc hiển dung của Chúa nơi Lời Chúa trong Thánh Kinh, nơi Lời được công bố trong các cử hành phụng vụ và nơi các Bí tích của Chúa trong Giáo hội Công Giáo. Để rồi từ đó, chúng ta mới có thể làm cánh tay dẫn người khác đến với chiếc phao của niềm tin đem lại bình an và hạnh phúc đích thật, chiếc phao của sự sống và ơn cứu độ là chính Chúa Giêsu.
Có thể nói, trong ngày lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã được biến hình, được hiển dung nhờ cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. Bởi vì, vốn dĩ chúng ta là con Thiên Chúa, nhưng chỉ vì tội nguyên tổ mà chúng ta bị mất quyền làm con, nay nhờ Bí tích Thánh Tẩy mà dung nhan đích thực của chúng ta được tỏ lộ ra. Đồng thời, chúng ta cũng được trở nên một chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô và được tham dự vào ba chức năng của Người là: Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Đế. Như vậy, hơn ai hết, người Kitô hữu phải là người đầu tiên có bổn phận trở nên dấu chỉ, phải nối dài cuộc hiển dung của Chúa Kitô cho nhân loại. Nếu như cuộc hiển dung của Chúa Kitô đã đem lại sức mạnh củng cố niềm tin và hy vọng cho các môn đệ, thì đến lượt chúng ta là môn đệ của Chúa, cuộc hiển dung nhờ Bí tích Thánh Tẩy của chúng ta cũng phải trở nên sức mạnh để củng cố, phải trở nên điểm tựa để nâng đỡ, phải trở thành muối để ướp mặn và ánh sáng để chỉ đường dẫn lối đức tin cho anh chị em chúng ta.
“Lạy Chúa! trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng con cũng được Chúa cho hiển dung, được khoác trên mình chiếc áo trắng tinh biểu tượng cho tâm hồn đã được cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa tẩy rửa cho nên trắng trong vô ngần; được nhận ngọn nến sáng lung linh biểu trưng cho ánh sáng chói ngời của Chúa Giêsu chiếu sáng cho linh hồn chúng con; được nhận sứ mạng là giữ cho ánh sáng mãi sáng và màu áo trắng mãi trắng để trở nên dấu chỉ ơn cứu độ, nên chứng nhân cho tình yêu sáng ngời tinh tuyền của Chúa. Nhưng! Lạy Chúa! Chiếc “áo trắng” của chúng con nhiều phen nhuộm bùn đen tội lỗi, “ngọn nến sáng” của chúng con cũng suýt bao lần bị gió đời, gió thế gian, gió lòng của chúng con thổi tắt; thậm chí những lúc chúng con yếu đuối và sợ hãi đến độ gục ngã và thiếp đi nhưng Chúa vẫn đến bên mà vỗ vai, mà nói nhỏ với chúng con “Trỗi dậy đi, đừng sợ!”. Lúc đó chúng con dụi mắt ngơ ngác trỗi dậy, nhìn nụ cười ấm áp đầy cảm thông, đầy tình thương và tha thứ của Chúa làm chúng con bớt ngại ngùng sợ hãi. Tuy méo mó, nhưng chúng con cũng mỉm cười hạnh phúc. Tạ ơn Chúa! Chúng con bắt đầu lại! Xin Chúa giúp chúng con hằng biết kín múc năng lượng từ nơi cuộc hiển dung của Chúa, để được thêm động lực, thêm sức mạnh cho niềm tin của mình và trở nên dấu chỉ của hạnh phúc Nước Trời, đồng thời có thể nâng đỡ cho niềm tin và hy vọng của anh chị em chúng con. Amen!
Cộng đoàn Huổi Một – Sông Mã