MỘT TÂM HỒN LẶNG
Nhắc đến một tâm hồn lặng, đối với con người ngày hôm nay xem ra là một điều gì đó xa vời. Nhưng tâm hồn lặng lại là một điều rất cần thiết cho con người và cho tu sĩ ngày hôm nay. Vì hiểu được sự quan trọng của tâm hồn lặng mà tác giả Trần Tuấn đã viết lên bài ‘ Lặng’ như sau: “ Lặng để nghe tiếng Chúa nói trong tâm hồn. Lặng để nghe tiếng Chúa khóc, khi ta vô tình quay đi; lặng để thấy Chúa bước đi song hành cùng ta; lặng để thấy Chúa đau, thấy Chúa chia sớt vui buồn… Ngài lặng nhìn và muốn con người lặng thinh để nhận bao thương đau như Chúa trên thập hình”. Không những vậy, con người lặng im để còn suy nghĩ, để hiểu nhau nhiều hơn. Một tâm hồn lặng như vậy được thể hiện qua chính Gioan Tẩy Giả, người dọn đường cho Chúa đến.
Trình thuật Máccô cho ta biết Gioan Tẩy Giả chính là tiếng hô trong hoang địa và chính ông là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ông là tiếng trong hoang địa, nhưng để có tiếng ông phải có một tâm hồn lặng. Biết bao năm ông sống trong hoang địa, nơi đây ông rèn luyện tâm hồn mình, chỉ mình ông với Thiên Chúa. Chính nơi hoang vắng trầm lắng đó ông đã có một tâm hồn lặng. Khoảng cách tâm hồn ông với Thiên Chúa là một khoảng cách rất gần, khiến ông cảm được điều Thiên Chúa muốn ông làm. Bao năm sống trong hoang địa để rồi chỉ trở nên một nguời dọn đường, trở nên một tiếng hô. Phải chăng, điều đó sẽ đánh mất tâm hồn lặng nơi ông khi ra với đám đông? Nhưng không, đối với ông được làm một người dọn đường, làm tiếng hô cho Chúa là một niềm hãnh diện. Ông không chê sứ mạng nhỏ nhoi này và ông ý thức được sứ mạng nhỏ nhưng lại rất quan trọng. Giờ ông rời nơi thanh mịch của mình để đến nơi náo động, xôn xao. Vì lợi ích dân chúng, ông mang cả tâm hồn mình đến để nói về một Đấng Cứu Thế sắp đến. Nơi đây, ông không đánh mất những gì mình đã có, nhưng lại là một cơ hội để ông bày tỏ tâm hồn mình. Ông đến, chẳng mong muốn điều gì hơn ngoài việc chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa. Nhờ lời ông rao giảng, nhưng trên hết là tâm hồn của ông đã cảm hóa được biết bao con người sám hối trở lại. Từ khắp các miền Giuđê, Giêrusalem kéo đến với ông, họ thú tội, những lỗi lầm mà trước đây họ phạm mà chẳng hề quan tâm, giờ họ nói ra hết với ông. Gioan Tẩy Giả đã đem tâm hồn lặng của mình để trao cho những người cần đến nó. Nhờ tâm hồn lặng mà dân chúng mới có thể nhìn nhận tội lỗi của mình mà sám hối. Vì họ để tâm hồn mình ồn ào quá lâu đến nỗi không còn nghe được tiếng lương tâm nói. Nhưng nhờ tâm hồn lặng của Gioan họ đã thay đổi hoàn toàn. Họ cho rằng ông chính là Đấng Kitô, vì lối sống của ông quá đạm bạc: “ Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng” ( Mc 1,6 ). Nhưng không, ông chỉ nhận mình là tiếng hô trong hoang địa: “Tôi chỉ là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi” (Ga 1,23). Ông chối từ danh cao trọng, vì biết nó không thuộc về mình. Ông cho mình là người không xứng cúi xuống cởi quai dép cho Đấng đang đến. Quả là một con người có tâm hồn lặng nên mới có thể khiêm tốn từ chối danh và nhận mình là đầy tớ như vậy. Ông lặng nhưng không phải để dành riêng cho mình, nhưng là đem cái lặng này đến với những người khác; mà chuẩn bị cho tâm hồn họ đón Đấng Cứu Thế.
Con người ngày hôm nay, sống trong tiện nghi đầy đủ, vì thế, có biết bao tiếng ồn từ nhiều thứ phát ra: tiếng ồn của xe cộ, máy móc, tiếng nói của con người… Tiếng súng nổ của các cuộc chiến tranh, khủng bố; vì họ không chấp nhận lặng để lắng nghe nhau, nhưng dùng tiếng súng để giải quyết xung đột,… Nhưng đó chỉ là những tiếng bên ngoài và đáng sợ hơn là những tiếng ồn bên trong. Nó tinh vi đến nỗi con người không thể nhận ra được. Những tiếng ồn đó là: tiếng ồn của công việc, tiền bạc, địa vị, quyền hành,… những tiếng ồn này không xấu, vì nó làm cho cuộc sống của con người đi lên. Nhưng nó trở thành xấu khi con người chỉ biết chú tâm đến nó, để nó chi phối cuộc sống của mình mà bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được điều mình muốn… Tiếng ồn của tội lỗi, đam mê, khoái lạc, hưởng thụ,… nó làm cho lương tâm con người bị chai cứng khi không thể nhận ra những tội lỗi, những điều mình đang lỗi phạm, nguy hiểm hơn là không biết kính sợ Thiên Chúa…. Nó làm cho lương tâm con người không còn thời gian lặng để nghe, để nhìn, để suy nghĩ những việc mình làm đúng hay sai. Họ gạt tiếng Chúa sang một bên để làm theo tiếng nói của chính mình.
Cũng chính vì lương tâm quá ồn ào với nhiều thứ nên một số bậc phụ huynh không có giây phút lặng để lắng nghe những lời tâm sự của con cái, thiếu thời gian quan tâm. Vì thế, nhiều bậc phụ huynh không hiểu con cái mình mà mới chỉ biết con cái. Chính vì họ không có thời gian lặng để lắng nghe nhau mà có biết bao chuyện đau buồn xảy ra nơi gia đình. Con người hôm nay thật khó để sống lặng. Họ chấp nhận để mình đi vào những tiếng ồn này, mà không thể thoát ra được. Phải chăng chỉ có những con người đời, họ chấp nhận sống trong ồn ào thôi sao? Thật ra sự ồn ào này nó len lỏi vào cả những ngõ ngách của các dòng tu, khiến một số tu sĩ đánh mất tâm hồn lặng của mình với Chúa. Vì họ để tâm hồn ồn ào, nên đã làm theo những gì mà mình thích; họ sống chẳng khác chi những con người không tu. Họ nghe theo những tiếng ở bên ngoài mà gạt tiếng Chúa sang một bên. Đời sống của họ mỗi ngày trở nên èo uột, đời tu thì thêm dấu huyền. Thật đáng buồn cho các tu sĩ không giữ được tâm hồn lặng giữa mình với Chúa. Vì thế Mùa Vọng là mùa để mỗi con người nhìn lại mình, dọn dẹp lại bản thân để đón Chúa. Và nhờ gương Gioan Tẩy Giả và những lời ông loan báo mà mỗi người hãy tạo lấy cho mình có được tâm hồn lặng để đón Đấng Cứu Thế đến lần thứ nhất.
Nhìn lại chính mình, chúng con cũng không phải là đối tượng mà tiếng ồn loại trừ. Chúng con cảm thấy thật khó để tâm hồn mình lặng. Có khi chúng con im lặng, nhưng tâm hồn chúng con thì hàng nghìn tiếng ồn, hay khi chúng con lặng im, thì lại là một cuộc giằng co bên trong, một cuộc chiến nội tâm. Nó làm chúng con mệt mỏi với chính mình, đồng thời chúng con cũng không thể nghe được tiếng Chúa đang nói với chúng con. Khi chúng con cảm thấy khô khan nguội lạnh… thì chúng con lại trách Chúa, sao Chúa bỏ chúng con. Nhưng thật ra tâm hồn chúng con quá ồn ào khiến chúng con chẳng thể nghe được lời thì thầm yêu thương của Chúa. Nó làm chúng con hoàn toàn trống rỗng và không có được sự bình an. Chúa ơi! Chúng con không thể lặng để nhìn lại chính mình, nên chúng con nhìn mà không thấy lỗi lầm của chúng con. Chúng con để mình bị tiếng ồn chiếm lấy và đã chấp nhận làm bạn với tiếng ồn. Chúng con không thể nghe, không thể nhìn, không thể suy nghĩ và cũng không thể hiểu, không thể yêu Chúa khi tâm hồn chúng con quá ồn ào như vậy.
Lạy Chúa! Chúng con không ngờ tiếng ồn nó làm ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người, nhất là những người tu sĩ và bản thân chúng con như vậy. Nó dẫn chúng con đi một hướng hoàn toàn khác, một hướng mà chúng con không muốn đi, nhưng lại bước đi. Và khi chợt nhận ra tâm hồn chúng con ồn ào hơn cả bên ngoài, chúng con mới thấy cần sự thinh lặng. Giờ chỉ còn Chúa mới giúp được chúng con mà thôi. Xin Chúa cho chúng con chấp nhận sự yếu đuối của mình mà để cho Chúa dần dần loại bỏ sự ồn ào trong chúng con. Xin cho chúng con năng đến với Chúa, để chúng con ồn ào với Chúa mà loại bỏ những ồn ào bên ngoài. Nhờ đó, chúng con có được một tâm hồn lặng, để lắng nghe, để hiểu, để yêu mến và để đón Chúa đến với tâm hồn chúng con mỗi ngày. Amen.
Tập Viện
NGƯỜI DỌN ĐƯỜNG
Khoa học công nghệ càng tiến bộ thì kích thước của các thiết bị đồ dùng điện tử càng “mini”, siêu gọn, chẳng hạn: từ máy tính cây thu gọn thành máy tính xách tay, máy tính bảng, ipad,…từ tivi siêu dày đến tivi siêu mỏng,… Sống trong xã hội tân tiến từng giây từng phút, tâm hồn con người có ngày càng đơn giản, tinh tế hay ngày càng “phát tướng”, “bành trướng”? Để thức tỉnh chúng ta, Tin Mừng hôm nay cho chúng ta bài học của sự khiêm nhường và hiến thân qua gương thánh Gioan Tẩy Giả - người dọn đường của Chúa Giêsu.
Khởi đầu sách Tin Mừng của mình, thánh Máccô dẫn vào trực tiếp việc Đức Giêsu – Đấng được Chúa sai đến, đã được các ngôn sứ loan báo từ thời xa xưa, cụ thể trong sách Isaia: Này ta sai sứ giả của ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Trước khi Đấng Cứu Độ đến thì đã có sứ giả dọn đường cho Người. Đúng theo lời đó, ông Gioan Tẩy Giả xuất hiện dọn đường cho sứ vụ của Đức Giêsu.
Sứ mạng của Gioan Tẩy Giả khởi đi từ làm việc với chính bản thân ngài. Thánh Gioan khước từ nếp sống an nhàn, cao quý của bậc tư tế (thân phụ của ngài là tư tế Dacaria) lui vào hoang địa sống cuộc đời ẩn dật, âm thầm. Thánh Máccô miêu tả cách sống của ngài: ông Gioan mặc áo lông lạc đà thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Trước khi kêu gọi người khác ăn năn sám hối thì chính ngài đã làm việc đó. Trước khi mời gọi mọi người hãy tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa thì chính ngài đã sống tâm tình đơn sơ, phó thác từ của ăn, cái mặc đến cả mạng sống. Chắc hẳn vì thế mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “người ta cần chứng nhân hơn thầy dạy”.
Khi đã chín muồi, thánh Gioan Tẩy Giả bắt đầu kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối, đón Đấng Thiên Sai. Ngài hiến trọn vẹn bản thân mình cho Chúa Kitô. Thánh Gioan đã hoàn thành sứ mạng cách xuất sắc đến mức Chúa Giêsu khen ngài: “Trong số những người đã lọt lòng mẹ, chưa có ai cao trọng hơn Gioan”. Thánh nhân đã “buông” hoàn toàn mọi sở hữu: của cải, tiện nghi, môn đệ, tầm ảnh hưởng, uy danh, quyền bính,…Ngài nói với môn đệ: “Người phải nổi bật lên còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3,33). Ngài không rao giảng bằng lời nói suông nhưng còn dùng chính mạng sống của mình để hoàn thành sứ mạng. Thánh nhân sẵn sàng hiến dâng, sẵn sàng chết vì bảo vệ sự thật và làm chứng cho sự thật. Chắc chắn Gioan được Thiên Chúa đề cao và yêu mến như thế vì ngài đã “vui vẻ dâng hiến” (2Cr 9,7).
Một trong những điều đặc biệt khi thánh Gioan thi hành sứ mạng ấy là địa điểm ngài thực hiện phép rửa. Ngài không chọn nơi có đường xá thuận lợi, dân cư đông đúc như gần biển hồ Galilê hay bất kỳ chỗ nào khác tương tự. Nhưng thánh nhân lại chọn thực thi sứ vụ trong hoang địa. Tại sao vậy? Thưa, trong những cảnh huống bất lợi, ngặt nghèo như hoang địa, con người mới thôi không ảo tưởng về mình nhưng hết lòng khiêm nhường, cậy trông, phó thác vào Thiên Chúa tối cao. Chỉ những ai có lòng khao khát thống hối thật sự mới có lòng quyết tâm vượt mọi khó khăn, bất lợi để thanh tẩy mình. Chỉ với lòng khiêm nhường và hiến thân, việc sám hối mới có ý nghĩa thật sự. Hơn nữa trong vắng lặng, cô tịch con người sẽ dễ thấy thực tại của mình.
Tâm hồn là hoang địa chúng ta phải đi vào. Khi ấy, những gì sâu kín nhất sẽ được phơi bày. Cái tôi kiêu ngạo, ích kỷ, hẹp hòi, nhỏ nhen phải chết đi và nhường chỗ cho khiêm nhường, yêu thương, bao dung, từ tâm,…. Với kinh nghiệm, Cha Anthony de Mello khẳng định: “Chân lý được tìm ra trong hành động và kinh nghiệm hơn là trong lời nói giải thích”. Trở về cõi lòng để thấy thực tại yếu hèn, tội lỗi, mong manh của mình và thấy mình đã lạc xa Đấng Tạo Hóa biết bao. Từ đấy, chúng ta thôi không đi hoang nữa nhưng hồi tâm quay gót về với Thiên Chúa là Cha, hay ít nhất là cũng ngoan ngoãn chịu ở yên để cho Người tìm thấy và đem chúng ta về. Sám hối không phải là món “ăn sẵn”, một việc “tiện” thì làm khó thì bỏ. Giống như để sinh tồn trong sa mạc khó khăn như thế nào thì việc sám hối thật cũng khiến chúng ta phải chiến đấu với những gai góc, bấp bênh, cám dỗ, khô khan, khắc nghiệt trong tâm hồn như vậy. Nó đồng nghĩa với việc chúng ta khiêm tốn, can đảm “cởi bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới là chính Đức Kitô” để thuộc trọn về Ngài như người vợ quên đi tập quán riêng nhà cha mẹ đẻ mà thuận theo nếp sống nhà chồng. Cũng vì vậy, Thánh vịnh gia mời gọi ta nếu muốn thuộc trọn vẹn về Đức Kitô: “Tôn nương hỡi xin hãy nghe nào, đưa mắt nhìn và hãy lắng tai, quên dân tộc, quên đi nhà thân phụ.” (Tv 45,11).
Ngắm nhìn thánh nhân và hướng lên Đấng ngài dành trọn cuộc đời hy sinh phụng sự, chúng ta nghiệm được một sự khiêm hạ, hủy mình, hiến thân tận cùng của Chúa Giêsu. Chúng ta không thể tưởng tượng nổi một Thiên Chúa mà thánh Phaolô tự hào rao giảng trong thư gửi tín hữu Philípphê: trút bỏ hoàn toàn vinh quang mặc lấy xác phàm, lại còn mang thân phận hèn mạt nhất trong các người nghèo; Vua Cả trời đất chết cái chết ô nhục treo thân trên thập giá, không mảnh vải che thân, không nấm mồ chôn xác. Từ khi nhập thể cho đến lúc về cùng Cha, điều Chúa Giêsu chọn toàn hủy mình là hủy mình để chỉ còn phụng sự Chúa Cha.
Từ những điều đã cảm được, chúng ta nhìn vào thực tế, xã hội tiến bộ nhưng lòng người dường như ngày càng tha hóa. Các giá trị sống bị đảo lộn: khiêm nhường, thật thà, dấn thân, hy sinh,…bị coi là ngu dốt; gian dối, thù hận, ghen tỵ,…lại được cho là khôn. Giá trị lõi bị coi nhẹ, cái chính trở thành cái phụ, cái phụ lại được coi là chính. Con người không xác định ý nghĩa, lẽ sống, mục đích của cuộc đời mình nên họ đi vào những chọn lựa mơ hồ, “lang thang trên miệng vực sâu” mà không biết mức độ nguy hiểm của lối sống ấy.
Nhìn lại bản thân, chúng con tạ ơn Chúa đã quyến rũ chúng con và tách riêng chúng con ra làm sở hữu và chứng nhân cho Ngài. Chúng con muốn thay đổi thực trạng tội lỗi, chiến tranh, gian tà, phóng túng của nhân loại. Chúng con đã từng thất vọng và hà khắc khi cứ đặt câu hỏi: Tại sao họ lại như thế? Tại sao lại cứ “sa sầm nét mặt” khi đối diện với nhau? Tại sao họ không yêu thương nhau cách đồng đều?... Chúng con biết rằng việc mình trách cứ, thất vọng về tha nhân là mình đang kiêu ngạo nghĩ mình hơn họ. Thay đổi thế giới bằng cách bắt người khác đổi thay là điều viển vông. Nhưng mọi thay đổi đều phải bắt đầu từ chính mình trước. Sau đó, “hữu xạ tự nhiên hương”, chúng con tin rằng nhân đức cũng có khả năng lan truyền. Tuy nhiên, làm việc với chính mình không hề dễ dàng. Cái tôi chúng con trong như chiếc “bóng đè”. Trong cơn mê, “chiếc bóng” đè trên mình khiến chúng con ngạt thở như thế nào thì ở hiện tại, cái tôi và những quan niệm nó đã lập trình cũng bóp nghẹt tình yêu của chúng con như vậy. Khi mơ màng, chúng con vùng vẫy thoát khỏi chiếc bóng bao nhiêu thì lúc thực tế chúng con cũng đang chiến đấu chống trả để chiến thắng những xu hướng tiêu cực nơi bản thân bấy nhiêu.
Lạy Chúa! Chúng con hết lòng tạ ơn Chúa vì tất cả. Kẻ tội lỗi, hèn mạt và giới hạn như chúng con nhưng vẫn được Chúa yêu. Vì được ở lại trong tình thương của Chúa nên chúng con nhận biết được tất cả những bất toàn ấy của chúng con. Cũng nhờ được ở lại trong Ngài nên chúng con không muốn cố gắng thay đổi bản thân nữa. Bởi vì “cố gắng” thì vẫn còn có gượng ép, cưỡng cầu. Chúng con không muốn phục vụ Chúa vì bị bắt buộc nhưng chúng con muốn là người dọn đường tự do, là người lao công làm việc với tình yêu và bằng tình yêu. Muốn thế, chúng con cần học cách chết đi mỗi ngày cho những ý riêng, ích kỷ, tham-sân-si để Chúa được lớn lên. Tự sức chúng con không làm được điều gì. Vậy nên chúng con xin Chúa hãy sống và hoạt động trong chúng con. Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến! Amen.
Tập Viện