CUỘC ĐỜI CHỨNG NHÂN TRONG KHIÊM NHƯỜNG VÀ CAN ĐẢM
Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người chúng ta ai cũng có những thắc mắc, cũng vậy các vị Tư Tế xưa đã thắc mắc về ông Gioan khi hỏi: “Ông có phải là Đấng Cứu Thế không?” và Gioan có thêm một cơ hội tốt để giới thiệu và làm chứng về Đấng Cứu Thế: “Tôi đây làm phép rửa trong nước, nhưng có một Vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”.
Thật vậy, bài Tin Mừng của thánh sử Gioan Chúa nhật III Mùa Vọng hôm nay vừa nhấn mạnh vừa làm sáng tỏ hơn vai trò đặc biệt của ngôn sứ Gioan Tiền Hô, thánh Gioan đã trình bày Gioan Tiền Hô như một người chứng cho “Ánh sáng mới là Đức Kitô” và cũng là người dọn đường cho Đức Kitô. Ông xuất hiện bằng cách kêu gọi người ta ăn năn sám hối trở về với Chúa, lời chứng của Gioan Tiền Hô đã hết sức chính xác vì tất cả đã được thể hiện đúng đắn nơi Đức Giêsu Kitô. Vị ngôn sứ đặc biệt này đã chỉ cho biết Đấng Cứu Thế cao cả và quyền năng giữa nhân loại mà nhân loại không nhận ra Ngài. Cuộc đời chứng nhân của Gioan Tiền Hô là một bài học quý giá cho mỗi người chúng ta.
Ngày nay, noi gương thánh Gioan Tẩy Giả mỗi người chúng ta cũng được mời gọi để trở nên những sứ giả của Tin Mừng. Nếu ai đó hỏi chúng ta là ai, chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Chắc hẳn, chúng ta không đơn giản trả lời bằng cách xuất trình thẻ căn cước công dân có ghi tên tuổi, địa chỉ, hay chỉ giới thiệu cho người ta biết tôi là Linh mục, là Tu sĩ, là người Kitô hữu… mà điều quan trọng là phải thể hiện bằng chính đời sống chứng tá của mình. Chúng ta làm chứng cho Chúa bằng chính cách sống của mình là một đời sống khiêm nhường và can đảm. Chúng ta hãy khiêm nhường bởi vì tình thương của Kitô giáo được xây dựng trên nền tảng của sự khiêm nhường. Thánh Tôma Aquinô nói: “Kiêu ngạo là thích được đề cao hơn người khác, và kiêu ngạo là khoe khoang, là cay đắng, là tàn nhẫn, là chỉ nghĩ đến bản thân, cho nên kiêu ngạo khiến ta đố kị nhau. Bởi vậy, muốn yêu thương phải bắt đầu để cho tâm hồn mình thấm nhuần sự khiêm nhường và hiền lành”. Vì vậy, có khiêm nhường chúng ta mới nhận được tình yêu của Chúa Kitô, tình yêu ấy thúc bách chúng ta dấn thân phục vụ Chúa trong yêu thương, tha thứ. Bên cạnh đó mỗi người chúng ta cũng được mời gọi sống can đảm làm chứng cho Chúa, nhất là trong môi trường xã hội hôm nay có quá nhiều thứ lôi kéo chúng ta tứ bề. Vì thế, can đảm lại là đức tính luân lý giúp chúng ta kiên trì và quyết tâm sống ngay chính thật thà giữa bao điều dối trá trong đời. Nhờ sự can đảm chúng ta thắng vượt được sợ hãi, dám đương đầu với thử thách gian nan để làm chứng cho sự thật. Vì vậy, trong Tông thư gửi tất cả những người Tận hiến nhân dịp Năm Đời sống thánh hiến, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng: “Ngôn sứ được Chúa ban khả năng hiểu biết Thiên Chúa và hiểu biết những người anh chị em của mình. Cho nên những ngôn sứ chứng tá cho Đức Giêsu sống ở thế giới này phải can đảm phân định và tố giác tội ác và những bất công trong xã hội đồng thời luôn đứng về phía những người nghèo và những người cô thân cô thế, bởi vì người ngôn sứ biết rằng chính Thiên Chúa đứng về phía họ” ( x. số 4 phần II).
Lạy Chúa Giêsu! ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin cho mỗi người chúng con biết noi gương Thánh Gioan Tẩy Giả là phải trở nên những người đi trước, dọn đường để Chúa đến trong cuộc đời mình, cũng như người khác nhờ sống khiêm nhường và can đảm. Amen.
Cộng đoàn Mến Thánh Giá Sơn Tây
DẤU CHỈ
“Cơn đằng Đông vừa trông vừa chạy
Cơn đằng Nam vừa làm vừa chơi”
Đây là những kinh nghiệm về thiên nhiên mà cha ông chúng ta đã khéo léo đúc rút cho con cháu nhờ nhạy bén quan sát và nhận ra các dấu hiệu của tự nhiên. Đời sống tâm linh, Thiên Chúa cũng gửi đến cho chúng ta những đấu chỉ để chúng ta nhận biết Thiên Chúa và ý muốn của Người. Nhưng để có thể nhận ra các dấu chỉ đòi hỏi chúng ta cần có sự quan sát và lắng nghe cẩn trọng hơn rất nhiều. Bài Tin Mừng Chúa nhật III Mùa Vọng hôm nay, chúng ta được chiêm ngắm một dấu chỉ của Thiên Chúa qua hình ảnh Gioan Tẩy Giả.
Gioan Tẩy Giả xuất hiện với lối sống quá đặc biệt gây nhiều thắc mắc cho dân Do Thái, nhiều người tự hỏi phải chăng ông là Đấng Cứu Thế mà họ luôn mong đợi? Vì thế người Do Thái ở thủ đô Giêrusalem cử những bậc thầy trong dân, những người am hiểu về lời Thiên Chúa hứa đến hỏi ông: “Ông là ai?”
Về phần Gioan Tẩy Giả, sống trong thân phận con người, trong ông chắc hẳn cũng bị quyền lực, danh vọng cám dỗ. Hơn nữa, ông có cơ hội có những điều ấy vì sự hiểu lầm và mong đợi của dân. Có lẽ chỉ cần một lời của Gioan sẽ khiến rất nhiều người tin, tôn phong và đi theo ông. Tuy nhiên, khác với những kẻ hám danh, Gioan Tẩy Giả nhận biết rõ ràng tiếng Chúa mời gọi và sai ông đến với dân trong sứ mạng dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Vì thế, trước sự mong đợi của người Do Thái, Gioan đã thẳng thắn tuyên bố: “Tôi không phải là Đấng Kitô”, ông cũng từ chối các danh hiệu là ông Êlia, hay là một ngôn sứ. Khi nói về mình, Gioan chỉ khiêm tốn nhận mình là “tiếng hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi.” Như vậy, Gioan xác định rõ ràng với dân chúng về sứ mạng của mình và qua đó ông tỏ cho dân biết thời kì Thiên Chúa thực hiện lời hứa đã đến. Gioan tiếp tục thi hành trọn vẹn sứ mạng của mình khi Đức Kitô đến, ông không ngần ngại giới thiệu cho dân chúng cùng môn đệ của mình. Ông chấp nhận nhỏ lại để cho Người được lớn lên, ông vui sướng khi dân chúng tuôn đến với Đức Giêsu. Gioan đã trở thành một dấu chỉ để dẫn đường cho dân Do Thái quay về với Chúa và đón nhận Tin Mừng cứu độ. Chính lối sống trong hoang địa, lòng khiêm tốn, thành thật khiến dấu chỉ của ông sáng rực và đầy sức thuyết phục, nhờ đó nhiều người được biết và đến với Đức Giêsu - Đấng Cứu Thế.
Thiên Chúa không chỉ đến với nhân loại trong biến cố nhập thể hơn hai ngàn năm trước. Hôm nay, Người vẫn đang tiếp tục đến và ở cùng chúng ta. Nhưng nhiều khi vì quá ồn ào với cuộc sống bon chen của cơm áo gạo tiền, của lạc thú mà con người và cả những người Kitô hữu không nhận ra Người. Vì thế, lòng chúng ta còn chìm sâu trong bóng tối của u buồn, của nặng nề tội lỗi. Nhưng Thiên Chúa yêu thương không bỏ chúng ta, trái lại Người luôn tiếp tục gửi đến những dấu chỉ như xưa Người sai Gioan Tẩy Giả đến chuẩn bị cho dân đón nhận tin vui. Người mời gọi chúng ta sống chậm lại và kết nối với Chúa trong lời cầu nguyện, để có thể nhận ra dấu chỉ và đón nhận Thiên Chúa ngự đến trong đời chúng ta, cách đặc biệt trong mùa vọng này. Và khi đã có Chúa, người tín hữu được mời gọi tiếp tục trở nên dấu chỉ cho thế giới bằng lối sống tốt đẹp của bản thân bằng tình yêu, lòng quảng đại và sự cho đi, đúng theo bản chất của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng. Nhờ đó tin vui cứu độ được trải rộng và mọi người được đón nhận Chúa là nguồn bình an đến với mình.
Hang đá rực rỡ với ngôi sao sáng đã trở thành biểu tượng quen thuộc của lễ giáng sinh. Hình ảnh ấy, nhắc chúng ta nhớ lại biến cố trọng đại Ngôi Hai Thiên Chúa làm người vì yêu thương nhân loại. Nhưng nhiều khi chúng ta chỉ giới hạn Chúa trong biến cố lịch sử xa xưa mà chưa để Chúa đến với mình cách sống động trong những diễn biến của đời sống hằng ngày. Chúa đang tiếp tục đến và chờ đợi nhưng cánh cửa tâm hồn chúng ta còn khép chặt khiến chúng ta không thể đón gặp Chúa. Trong mùa vọng này, chúng ta được Chúa mời gọi nhận ra Chúa trong các dấu chỉ Người gửi đến, đó là những sự việc, con người, thiên nhiên để như dân Do Thái xưa chúng ta biết sám hối quay về dọn lòng mình đón nhận tin vui cứu độ. Cùng với đó, chúng ta được mời gọi trở nên dấu chỉ để người khác tin nhận Chúa. Dấu chỉ của chúng ta không phải trong sự náo nhiệt của hang đá hay các tiết mục văn nghệ. Nhưng mọi người sẽ nhận ra dấu chỉ ấy và được thuyết phục qua lối sống, cách ứng xử đầy chất Chúa nhờ tâm hồn chúng ta được Chúa biến đổi.
Lạy Chúa! lễ giáng sinh đang đến gần, mọi vật như đang nhộn nhịp và rực rỡ hơn. Xin Chúa cho chúng con không chỉ dừng lại ở những vẻ bề ngoài nhưng biết dọn lòng và chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa đến. Ước mong đời sống chứng tá của người Kitô hữu trở nên dấu chỉ để những người chúng con gặp gỡ cũng nhận ra và tin nhận Chúa cùng được đón Chúa đến trong tâm hồn. Amen.
Tập Viện