Bài Tin Mừng chúng ta nghe trong ngày lễ Chúa nhật IV Mùa Vọng hôm nay, chúng ta thấy rằng cô thiếu nữ Maria làng quê Nadarét không hề có một chút ngu ngơ khờ dại nào, không hề nhắm mắt vâng lời một cách thiếu suy xét, cũng không hề bị ép buộc với bất kỳ ngoại lực nào. Cô đã có một phản ứng tức khắc, tự nguyện và vui vẻ, khi nghe thiên sứ báo tin cô sẽ thụ thai, dù phẳng phất một chút ngỡ ngàng, bất ngờ và thắc mắc: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng”.
Thái độ của cô Maria đã phản ứng ngỡ ngàng, chứ không phải là phản đối. Cô chỉ băn khoăn thắc mắc cách rất tự nhiên của một con người rằng: bằng cách nào mà Ngôi Hai Thiên Chúa sẽ nhập thể làm người, sẽ đầu thai để trở thành một bé trai sinh ra từ cung lòng mình? Lý do thắc mắc ngỡ ngàng của cô thật quá rõ ràng: bởi vì cô chỉ mới được báo là đính hôn với Giuse mà chưa hề có một phút giây gặp gỡ thân tình hay chung sống cơ mà?
Được biết tâm trạng băn khoăn lo lắng của cô thiếu nữ Nadarét, Sứ thần Chúa liền trấn an cô: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên cô, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên cô”. Thiên sứ còn quả quyết: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được". Đến đây thì cô Maria đã vui mừng và mạnh dạn thốt lên lời xin vâng tuyệt vời: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ thần nói".
Cùng với lời thưa xin vâng tự nguyện, xác tín, cô Maria trở thành Mẹ của Đức Giêsu Ngôi Hai Thiên Chúa. Tất cả chỉ nhờ một lời vắn gọn và bao trọn ý nghĩa, một thái độ vâng phục chan chứa lòng tin cậy mến, một tình yêu dâng hiến trọn vẹn cho Đấng Lang Quân. Có thể nói, Mẹ đã để cho Thiên Chúa hoàn toàn quyết định hướng đi cuộc đời Mẹ, hầu Mẹ được cộng tác với Thiên Chúa trong kế hoạch cứu độ chính cuộc đời của Mẹ, cuộc đời của mỗi người và của toàn thể nhân loại.
Lời xin vâng của Mẹ trở thành một mẫu mực tuân phục Thiên Chúa cho nhân loại nói chung, cách riêng với mỗi kitô hữu noi theo. Nói cách mạnh mẽ hơn, xác tín hơn, lời thưa xin vâng ấy là một lời chất vấn, lời trắc nghiệm cho một thách đố trước thảm kịch bất tuân phục Thiên Chúa của con người trong thời đại mà chúng ta đang sống hôm nay.
Thảm trạng lan tràn về sự tự do, ly dị, phá thai, cướp bóc, bạo lực, nghiện ngập xìke ma túy, buôn gian bán lận, ăn chơi trác táng, con cái nhục mạ hoặc thờ ơ bỏ rơi cha mẹ, nạn bạo lực gia đình và chiến tranh khủng bố bạo tàn khắp nơi trên thế giới... Hình như con người quá kiêu hãnh về mình, muốn gạt bỏ Ý Thiên Chúa để tự quyết lấy đời mình!
Phần chúng ta thì sao? Chúng ta được gọi là kitô hữu, tức là chúng ta thuộc về Đức Kitô, là môn đệ của Thầy Giêsu Chí Thánh. Chúng ta đã và luôn tin cậy phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa chưa? Vậy chúng ta có mở ngỏ cuộc đời mình cho ý định yêu thương của Thiên Chúa không?
Chúng ta có bao giờ nghĩ rằng chính mình cũng đang được mời gọi: Hãy để cho Thiên Chúa “truyền tin” cho mình ngay giữa thế giới hôm nay đang bùng nổ về thông tin. Và Thiên Chúa sẽ gửi đến cho chúng ta một bản tin như thế nào? Phải chăng đó chính là “Tin Mừng”, “Tin Vui”, “Tin Lành”, “Tin Tốt Đẹp”, “Tin Bình An”, “Tin Hy Vọng” cho mảnh đời đã có quá nhiều “Tin Buồn”, “Tin Giả”, “Tin Dữ”, của cuộc sống chúng ta?
Và một khi nhận được một “Tin Mừng” như thế, chúng ta có sẵn sàng mau mắn thưa xin vâng trước mọi biến cố, nhất là những nghịch cảnh trong cuộc sống hôm nay được ẩn giấu trong một nội dung Tin Mừng kỳ diệu của sự sống yêu thương chăng? Chúng ta hãy bắt chước Đức Maria để luôn tìm đọc Lời Chúa, để nhẫn nại cầu nguyện trong niềm xác tín rằng: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được". Và khi nhận được một “Tin Xấu”, chúng ta có quyết tâm loại trừ khỏi tâm trí và hành động của mình không, và hiệp cùng với mọi người chung lòng, chung tay và chung sức diệt trừ tận căn để mọi người an lành trong chân lý, công bình và sự thật không. Hay chúng ta lại tiếp tay để làm cho tin đó trở nên hung dữ hơn, ác độc, nham hiểm nhằm giết hại tinh thần và thể xác nhiều người.
Mỗi ngày, mỗi biến cố xảy đến trong cuộc đời chúng ta đều như văng vẳng một lời “Truyền Tin” của Thiên Chúa thông qua một “sứ giả”, một “thiên thần” nào đó ngay bên chúng ta. Có thể đó sẽ là một lời mời gọi chúng ta hãy cộng tác với một chương trình mầu nhiệm hoặc một kế hoạch kỳ diệu nào đó của Thiên Chúa như đã từng xảy đến cho Đức Maria. Chúng ta chỉ cần khiêm tốn thưa xin vâng với Thiên Chúa. Còn mọi sự sau đó, hãy cứ tin rằng: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được".
Được như vậy, thật sự chúng ta sẽ là những người có phúc, xứng đáng được chào bằng lời chào ngày xưa Thiên Thần đã kính chào Đức Maria: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà".
Lạy Mẹ Maria! Xin Mẹ giúp chúng con biết sống xin vâng như Mẹ với trái tim thảo hiền. Amen
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Nỗ Lực
MỪNG VUI LÊN
Trong thư của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê có viết như thế này: “ Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Thiên Chúa, tôi nhắc lại: Vui lên anh em, sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến ” (Pl 4,4-5). Tâm tình của thánh Phaolô nhắn nhủ giáo hữu Philípphê cũng thật giống với tâm tình của bài Tin Mừng Chúa nhật IV mùa vọng hôm nay, với lời mời gọi của Sứ thần khi xưa dành cho Đức trinh nữ Maria, và cách chung cũng là dành cho mỗi người Kitô hữu, đó là: “ Mừng vui lên”. Vui lên vì Chúa đã gần đến, đã đến, và đang đến. Vui lên vì một Hài Nhi sinh ra đã nên như nhịp cầu nối giao hòa lại giữa đất với trời, để muôn dân trên khắp cùng cõi đất được sống trong niềm vui và hi vọng...
Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca mở ra cho ta thấy một viễn cảnh thật đẹp, tựa hồ một câu chuyện cổ tích được dệt nên từ những giai thoại thần tiên. Câu chuyện về một cuộc thăm viếng của Sứ thần Thiên Chúa đến với một con người, con người ấy chính là cô thôn nữ Maria. Lời chào của Sứ thần gửi đến Maria được khởi đầu bằng một tâm tình thật vui tươi: “Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà ” (Lc 1,28). Đây không phải là một lời chào tôn kính nhằm gây chú ý đến công trạng của Maria, song là một lời chào vui tươi, nhằm loan báo tấm lòng nhân hậu của Thiên Chúa và hé mở cho thấy Người sắp đến viếng thăm - cuộc thăm viếng đã được các ngôn sứ loan báo từ bao thuở.
Đứng trước lời chào ấy, Maria đã không khỏi bối rối. Có lẽ phần nào sự bối rối ấy xuất hiện vì lời chào của Sứ thần như ẩn chứa một sứ mạng nào đó của Thiên Chúa sắp được mặc khải cho cô mà cô chưa hiểu. Phần nữa có lẽ với lòng khiêm hạ, Maria đã luôn sống trong sự ý thức rằng cô vốn chỉ là một cô thôn nữ vô danh nơi một miền quê nghèo Nadarét, được sinh ra và lớn lên trong một mái nhà đơn sơ, mộc mạc, vậy mà nay lại diễm phúc được Sứ thần Thiên Chúa đến viếng thăm. Sau khi lắng nghe những lời Sứ thần truyền tin, Maria đã không ngần ngại thưa tiếng xin vâng, tiếng xin vâng của trinh nữ Maria thật đẹp, bởi đó là tiếng xin vâng kéo tràn biết bao ân sủng, niềm vui, ơn cứu độ xuống cho toàn thể nhân loại. Tiếng xin vâng của Maria được khởi đi từ một tâm hồn tràn ngập hạnh phúc và hoan lạc, bởi đã được đặc ân làm mẹ Đấng Cứu Thế. Được trở nên đền thờ đầu tiên đón nhận Chúa ngự vào. Niềm vui ấy quả thực phải lớn lao lắm đến độ gợi lên trong tâm hồn Mẹ lời xin vâng trọn hảo với tâm tình phó thác trọn vẹn mà không màng đến những khó khăn thử thách có thể xảy đến cho mẹ khi đón nhận thánh ý Thiên Chúa. Niềm vui ấy cũng mãnh liệt lắm, đến độ thúc bách Mẹ vội vã lên đường đem Hài Nhi Giêsu đến với người chị họ là bà Êlisabét. Niềm vui ấy cũng tràn trào đến độ Mẹ không chỉ dừng lại ở những lời ca tụng nơi thẳm sâu trong linh hồn, nhưng là đầy tràn đến mức Mẹ đã thốt lên những lời ca tụng ngợi khen lòng nhân hậu vô cùng của Thiên Chúa qua bài ca “Magnificat ”. Và niềm vui của Mẹ còn là niềm vui được đón nhận Chúa Giêsu đến trong cuộc đời, có Chúa cùng hiện diện cùng đồng hành trên mỗi bước đi. Ngỡ tưởng một câu chuyện chỉ mang chiều kích cá nhân giữa thiên sứ và một cô thôn nữ miền quê, ấy vậy mà đã qua bao nhiêu thế kỉ, niềm vui của biến cố ấy lại mang một chiều kích nhân loại lớn lao, đi vào lịch sử loài người mà ngàn đời con người phải hợp lời với Mẹ mà ca khen Thiên Chúa.
Bước sang Chúa nhật IV mùa Vọng, Lời Chúa vang lên qua biến cố truyền tin như một lời mời gọi thúc bách mỗi người chúng ta hãy “Mừng vui lên’’, mừng vui lên bởi cuộc đời của mỗi người chúng ta nhờ lời thưa xin vâng của Mẹ đã trở nên những cuộc đời được chúc phúc, được đón nhận tràn đầy ân sủng của Thiên Chúa qua hồng ân cứu độ. Phải mừng vui lên vì qua biến cố truyền tin, Ngôi Hai Thiên Chúa đã chấp nhận mặc lấy thân phận thấp hèn của loài người để đến, ở lại và đồng hành với mỗi người chúng ta. Đồng thời “Mừng vui lên ” cũng là một lời mời gọi mỗi người Kitô hữu biết bước ra khỏi những thú vui trần tục, những cuộc vui chóng qua, mau phai nhạt để trở về với một niềm thật tròn đầy, thật sâu của biến cố Con Thiên Chúa xuống thế làm người.
Lạy Chúa! khi ngày Đại lễ Giáng sinh càng gần kề, chúng con lại càng cảm nhận được rõ hơn bầu không khí nhộn nhịp tưng bừng nơi những ngôi nhà thờ đang ngày đêm trang hoàng, dọn dẹp. Mọi nơi đều bận rộn luyện tập những vũ khúc tuyệt vời nhất để chuẩn bị mừng đón Chúa hạ sinh. Tất cả những điều ấy đều gợi lên trong chúng con một niềm vui và sự háo hức. Thế nhưng, niềm vui của chúng con nếu chỉ dừng lại ở những điều, những dáng vẻ bên ngoài thì niềm vui ấy sẽ chấm dứt khi ngày lễ kết thúc. Và sẽ là một niềm vui không trọn vẹn khi chúng con không thật sự đón Chúa nơi thâm sâu của tâm hồn, để sống, để cảm nhận, để chiêm ngắm niềm vui được có Chúa, được đón Chúa đến và đồng hành trong cuộc đời. Khi xưa dân Do Thái đã dọn lòng chờ Chúa đến qua biết bao thế kỉ. Vậy mà khi Chúa đến vẫn còn biết bao người không nhận ra, không đón tiếp, bởi vậy niềm vui đón mừng ơn cứu độ vẫn là một thứ hoan lạc ở xa xăm nơi cõi trời nào đó mà bàn tay con người không với tới được. Còn chính bản thân chúng con, ngay từ khi lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng con đã được diễm phúc nhận biết Chúa là Đấng Cứu Độ trần gian, và hàng năm chúng con đều được mời gọi để sống lại niềm hân hoan của giây phút Chúa đến với loài người trong xác phàm yếu đuối. Vậy chúng con xin Chúa ban ơn, giúp chúng con biết trân quý hồng ân mà chúng con được lãnh nhận nhưng không ấy, để hợp với Đức Mẹ, chúng con biết sống niềm vui của biến cố truyền tin, không dừng lại nơi những niềm vui chóng qua, nhưng biết hướng lòng chờ đón Chúa đến với một tâm hồn tràn ngập niềm hoan lạc bởi đã cảm nghiệm được niềm hạnh phúc nguyên tuyền của Đức Mẹ khi xưa, và hăng say nhiệt thành theo chân Mẹ trong niềm vui được mang Chúa đến cho mọi người. Amen!
Tập Viện