SÁM HỐI ĐỂ CANH TÂN
Nhà văn Lev Tolstoi đã từng nói: “Người người đều muốn thay đổi thế giới, nhưng ai cũng không muốn thay đổi chính mình”. Câu nói trên như muốn khẳng định sự ngại thay đổi bản thân của hầu hết mọi người trong mọi thời đại khác nhau. Nếu đọc lại lịch sử của đôi giày da đầu tiên, chúng ta sẽ biết đến câu chuyện của một vị Quốc vương sau khi đi vi hành đất nước trên các con đường sỏi đá gồ ghề, đôi chân của ông đã phải chịu những đau đớn. Vì thế, Quốc vương đã ra lệnh phủ lên tất cả những con đường đó bằng những tấm da thú. Nhưng sau khi nghe lời khuyên của cận thần, ông đã quyết định thay đổi chính mình bằng việc lót tấm da vào đôi chân để có bước đi êm ái và không phải tốn kém quá nhiều tiền của như lệnh ban đầu. Qua đó, cho chúng ta thấy được tầm quan trọng cũng như lợi ích của việc thay đổi chính bản thân trước khi muốn thay đổi người khác và thế giới xung quanh. Tin mừng Chúa nhật III thường niên năm B, Giáo Hội cho chúng ta nghe đọc trình thuật của thánh sử Máccô. Chúa Giêsu đã khai mạc công việc rao giảng Tin mừng với lời mời gọi sám hối và tin vào Tin mừng, vì thời kì đã mãn và triều đại Nước Thiên Chúa đã đến gần. Sám hối ở đây chính là thay đổi, là có một cái nhìn khác. Đây không chỉ là một lời mời gọi nhưng là một lời thúc giục con người mọi thời đại, và nhất là con người trong thời đại mà chúng ta đang sống hiện với rất nhiều ông vua muốn thay đổi con đường mình đi hơn là thay đổi chính đôi chân của mình. Vậy nên, là người Kitô hữu chúng ta hãy bắt đầu sám hối ngay từ hôm nay, để canh tân đời sống của bản thân và giúp ích cho việc hoàn thiện thế giới mỗi ngày được trở nên tốt đẹp hơn.
Sám hối hay hối cải theo nghĩa Hy Lạp là nghĩ khác trước, đổi ý, đổi tâm tình, đổi não trạng, hối tiếc, hối hận. Ở đây, chắc phải hiểu hối cải theo chủ để căn bản trong Cựu ước, cách riêng từ ngôn sứ Giêrêmia: Thay đổi hướng đi, triệt để quay về với Thiên Chúa của Giao ước và dấn bước vào một cuộc sống mới. Đức Giêsu còn kêu gọi dân chúng lấy đức tin mà đón nhận toàn diện thông điệp Người công bố[1]. Như vậy để canh tân đời sống, chúng ta phải sám hối, phải thay đổi cái nhìn của bản thân về con người và thời đại. Sống trong một xã hội đang phát triển về mọi mặt như hiện nay, đời sống con người được trở nên tốt hơn, tiện nghi hơn. Nhưng kéo theo đó là đời sống luân lý bị xuống cấp, và theo lời của Đức Thánh Cha Phanxico, tội lỗi thế gian đã trở nên như không khí, tràn lan khắp mọi nơi. Chính vì thế, lời mời gọi sám hối luôn thôi thúc nơi tâm hồn mọi người. Đó là việc sám hối của từng người, từng thành viên trong Giáo hội. Hình ảnh dân thành Ninive, từ vua quan đến dân, từ người đến xúc vật tất cả đều phải tỏ lòng sám hối ăn năn để đón nhận được ơn tha thứ, đã trở thành một bằng chứng cụ thể nói lên việc từng người phải thay đổi để Giáo hội và thế giới được canh tân.
Đã có rất nhiều người cho rằng việc sám hối canh tân là việc của những năm tháng cuối đời, không dành cho những người trẻ, những người đang sung sức trong công việc làm ăn...Nếu có thời gian dừng lại ngồi bên những cụ già, những người đau bệnh, và nhất là bên mộ những người thân yêu, chúng ta sẽ nhận ra và cảm nhận được thời gian trôi qua nhanh như thế nào. Và chúng ta sẽ thấy được cuộc đời con người chỉ như hoa sớm nở chiều tàn. Chính Chúa Giêsu đã kêu gọi mọi người phải sám hối ngay khi khai mạc sứ mạng rao giảng: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Người đã nhận thấy được sự khẩn cấp của việc sám hối để canh tân, và nói như thánh Phaolo: “một đời sống loại đi những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu” (x.Rm 13,12), đó là một đời sống bác ái yêu thương, đây còn là việc dám đứng về sự thật và bảo vệ cho chân lý. Việc sám hối canh tân còn là việc can đảm sống Giao ước mới, Giao ước trong Máu Đức Kitô, là chu toàn luật mến Chúa yêu người, và yêu như Chúa đã yêu. Hơn nữa, việc sám hối còn được cụ thể hóa bằng việc ra đi dấn thân rao giảng Tin mừng của Chúa trong chính đời sống hằng ngày.
Các môn đệ đầu tiên và cũng là bốn môn đệ thân tín của Chúa Giêsu đã nghe theo tiếng Chúa gọi, dám từ bỏ đời sống cũ để bước vào đời sống mới. Các ông đã bỏ nghề chài lưới cá để bước vào nghề “lưới người”. Đây là một hành trình không hề đơn giản, vì các ông phải chấp nhận từ bỏ mọi sự mà theo Chúa, phải từ bỏ chiếc thuyền, tấm lưới đã bao năm tháng gắn bó. Các ông phải từ bỏ bãi biển quen thuộc với buổi sáng huyên náo khi được những mẻ cá đầu ngày, hay những buổi chiều êm đềm ngồi vá lưới bên bãi biển, từ bỏ những người bạn chài gần gũi thân thương, hơn nữa, là từ bỏ chính gia đình ruột thịt của mình. Các ông từ bỏ tất cả những điều đó để bước vào một đời sống mới không ổn định và bấp bênh vì “con chồn có hang, chim trời có tổ nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58). Nhưng điều chắc chắn khi bước theo Chúa Giêsu các ông sẽ được những mẻ “lưới người” và nhất là được sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Sám hối là khiêm tốn nhìn nhận những sai lỗi của bản thân. Để từ đó có quyết tâm thay đổi bản thân bằng những việc làm cụ thể hằng ngày, là việc sống bác ái yêu thương với mọi người, biết thanh tẩy bản thân mỗi ngày để trở nên giống Chúa hơn. Sám hối còn thể hiện qua việc thay đổi cái nhìn về người khác, luôn nhìn người khác với cái nhìn của chính Chúa để không còn những thành kiến, ngờ vực về người khác nhưng thấy những điều tốt đẹp nơi anh chị em mình. Việc sám hối luôn đòi hỏi sự khẩn thiết, nhưng không bao giờ là quá muộn đối với những ai muốn canh tân đời sống để trở nên giống Chúa hơn, vì không một thánh nhân nào không có quá khứ và không một tội nhân nào lại không có tương lai. Chúng ta hãy can đảm và mạnh dạn thay đổi bản thân ngay hôm nay. Mỗi ngày sống chúng ta hãy dừng lại, hãy dành cho mình những khoảng lặng để nhìn lại bản thân, nhìn lại để sám hối, nhìn lại để canh tân, để mỗi ngày được trở nên tốt hơn. Vì để có một vườn hoa đẹp cần phải có nhiều bông hoa đẹp góp phần mình vào đó, cũng như vậy để Giáo Hội được trở nên hoàn thiện, đòi hỏi sự góp mình của từng chi thể mầu nhiệm, đó là chính mỗi người Kitô hữu chúng ta. Như thế, để canh tân đời sống gia đình, Cộng đoàn, Giáo xứ, Giáo phận, Giáo Hội và toàn thế giới, từng người chúng ta phải sám hối mỗi ngày.
Lạy Chúa Giêsu! Chúa đã mở đầu sứ mạng rao giảng với lời mọi gọi sám hối và tin vào Tin Mừng. Xin cho mỗi người Kitô hữu chúng con luôn biết tin vào Tin Mừng của Chúa, biết sám hối mỗi ngày để thanh tẩy tâm hồn hầu trở nên giống Chúa hơn. Lạy Chúa, khi nhìn lại con người cũ kĩ, với những vết nhơ của tội lỗi, chúng con cần đến ơn Chúa giúp nhiều hơn, để từng ngày chúng con biết chạy đến với Chúa để đón nhận ơn tha thứ và chữa lành. Thế giới cần được canh tân mỗi ngày, nhưng để đổi mới được thế giới chúng con cần phải đổi mới chính mình trước. Xin cho chúng con ơn can đảm để thay đổi con người cũ, dám sống theo Giao ước mới đã được thiết lập nơi Đức Kitô, mỗi ngày trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng Hoàn Thiện. Amen. Cộng đoàn Mến Thánh Giá Nỗ Lực
[1] Nhóm giờ kinh phụng vụ, Kinh Thánh Ấn Bản 2011, NXB Tôn Giáo. tr 2215.