Thứ bảy, 23/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng  Chúa Nhật V Mùa Chay Năm B (Ga 12,20-33)

Cập nhật lúc 07:40 13/03/2024

 
 
GIÊSU - NGƯỜI BIẾN ĐAU KHỔ THÀNH VINH QUANG
 
Trong cuộc sống, chắc chắn ai cũng có những kinh nghiệm về sự đau khổ, đã là con người thì phải có đau khổ. Đau khổ gắn liền với cuộc sống của con người từ khi lọt lòng cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Có những đau khổ vì nghèo đói, vì bệnh tật, vì cô đơn…thậm chí đau khổ vì yêu thương. Chẳng có ai muốn líu giữ những đau khổ, ai cũng muốn nó vắng bóng trong cuộc sống và cũng sẽ chẳng bao giờ có ai cám ơn sự đau khổ. Nhưng có lẽ chúng ta cần dừng lại để có thể thấy được những giá trị mà đau khổ đem lại cho chúng ta, bởi chính nhờ những đau khổ đó mà chúng ta được thay đổi, được lớn lên. Chúng ta dễ dàng thấy điều đó trong cuộc sống quanh chúng ta, nơi những gương mặt thật đáng kể đến là những người đau khổ vì khiếm khuyết. Họ đã chiến thắng sự đau khổ để biến thành vinh quang như: Nick Vujicic, Giáo sư vật lý Stephen Hawking hay như ở tại Việt Nam có Hiệp sĩ công nghệ thông tin – Nguyễn Công Hùng, nữ chiến binh “xương thủy tinh” Nguyễn Phương Anh… Họ đã làm nên điều phi thường từ đau khổ bằng nghị lực và tình yêu dành cho cuộc sống. Họ trở nên nhưng thầy dạy cho chúng ta rất nhiều điều trong cuộc sống. Đó cũng là sứ mạng mà Thầy Giêsu mang đến cho mỗi chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay.
Sự đau khổ luôn song hành với cuộc đời của Chúa Giêsu. Là một vị Thiên Chúa quyền năng nhưng đã hạ mình trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế, Ngài còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi chấp nhận cái chết trên thập giá (Pl 2,). Đó là thánh ý Chúa Cha muốn Chúa Giêsu phải trải qua, và Ngài đã dùng sự vâng phục để tôn vinh danh Cha. Cái chết của Ngài là để thực hiện thánh ý Chúa Cha, cái chết không phải là cứu cánh những là chính vinh quang của Thiên Chúa và ơn cứu độ cho nhân loại. Giờ Chúa đến không phải là giờ chết nhưng là giờ Chúa Giêsu hoàn tất sứ mạng Chúa Cha đã trao phó. Bởi Ngài nói: “Phần Ta khi nào Ta bị treo lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta”. (Ga 12,32). Cái chết của Đức Giêsu đã nên lời yêu thương nhân loại, Ngài dám chết cho tình yêu. Chính Ngài khẳng định: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15,12). Một tình yêu trao ban tất cả như hạt lúa gieo vào lòng đất, chịu nghiền nát để sinh nhiều bông hạt khác. Hạt lúa chấp nhận vùi mình trong lòng đất, chấp nhận bị phân hủy dưới bùn đất để những mầm xanh được mọc lên. Thánh Phaolo cũng nói về cuộc đời tự hủy của Chúa Giêsu, chính vì sự tự hủy Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu (Pl 2, 9). Chúa Giê-su là một hạt lúa mì, Ngài đã dùng sự chết để tiêu diệt sự chết và tôn vinh tình yêu bất diệt mà Thiên Chúa dành cho con người. Một tình yêu đem chúng ta đi vào trong Thiên Chúa của giao ước và trung thành cho đến tận cùng. Chỉ có con đường thập giá mới đưa chúng ta vào trong sự hạnh phúc bất tận, đi vào hành trình tự hủy cùng với Chúa Giêsu để được sống lại với Người (x. 2Tm 2,11).
Tuy vậy, cũng không có nghĩa là Chúa Giêsu đề cao sự đau khổ, nhưng là Người muốn mỗi người nhận thấy giá trị của sự đau khổ. Anthny de Mello có viết trong tác phẩm “Tiếng gọi yêu thương”: Mỗi biến cố đau buồn đều chứa đựng nơi mình một hạt giống cho chúng ta lớn lên và tự do. Hơn nữa, Ngài cũng khẳng định cho ta biết: chỉ có tình yêu mới mang lại ý nghĩa cho cuộc sống; chỉ có tình yêu mới dám hy sinh cả mạng sống để cảm hóa và đem lại hòa bình cho những nỗi hận thù, chiến tranh; chỉ có tình yêu mà con người không ngừng trao ban cho người khác mới thực sự đem lại ý nghĩa cho cuộc sống (Mỗi ngày một tin vui).
Sống trong một xã hội với sự phát triển của công nghệ số không ngừng nghỉ, dường như để chọn một lối sống mang lại lợi ích cho phần rỗi linh hồn với mỗi người thật khó. Bởi lối sống ích kỷ của bản thân mà chẳng ai dám chấp nhận thân phận hạt lúa mì chịu mục nát trong bùn đất. Chẳng ai muốn vác thập giá trên vai, luôn chọn cho mình một cuộc sống tự do, thoải mái trong sự ước muốn của vật chất. Nên khi gặp đau khổ, ta dễ buông thả bản thân, sống trong thất vọng, mất định hướng. Họ than trách đau khổ, vật lộn với đau khổ mà quên rằng đau khổ là đòn bẩy bật ta đến với hạnh phúc. Mỗi người Kitô hữu chúng ta, là những người con Chúa, được Chúa trao ban sứ mạng của Ngài là trở nên chứng tá giữa đời thường. Chúng ta được nhận lãnh tình yêu của Ngài, giờ đây chúng ta cũng có sứ mạng trao ban tình yêu đó. Là chính mỗi khi chúng ta vui vẻ với những gì được nhận lãnh, là khi can đảm tuyên xưng niềm tin,  là khi chấp nhận vác thập giá hằng ngày. Hay là chính khi chúng ta đi vào lộ trình từ bỏ tận căn cái tôi ích kỷ nơi mình, đó chính là lúc chúng ta chết đi con người cũ của mình chấp nhận nghiền nát để phát sinh nhiều bông hạt mới: kiên cường, bác ái, vị tha…
Là người tu sĩ sống trong đời sống thánh hiến, chúng ta cũng được mời gọi trở nên hạt lúa mì để bước vào hành trình tự hủy cùng Chúa Giêsu. Nhìn lại đời sống chứng tá của mình giữa môi trường chúng ta đang sống, chúng ta tự hỏi đã làm gì để bước vào con đường tự hủy cùng với Giêsu? Chúng ta đang sống chung với một xã hội trọng hình thức, coi trọng hình ảnh cá nhân, sợ khổ không muốn vất vả chỉ muốn hưởng thụ qua những cám dỗ rất ngọt ngào… Vậy nên, chính chúng ta thật nhiều khi trở nên hạt giống trơ trọi một mình, chỉ biết sống cho riêng mình, khi gặp những khó khăn, thách đố thì vội than thân, trách phận, có những tư tưởng, suy nghĩ đầy tính tiêu cực và muốn thoái lui. Chúng ta muốn theo Chúa, nhưng lại không muốn vác thập giá hằng ngày. Và giờ đây, Giêsu đến để dạy và hướng dẫn chúng ta biết tận dụng những vất vả, thách đố, khó khăn trong cuộc sống để hoán cải và canh tân đời sống để mai ngày được đoàn tụ với Chúa hưởng niềm vui và hạnh phúc thật trên quê trời. Đây cũng là lời hứa hẹn mà thánh Phao lô đã khẳng định: “Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta” (Rm 8, 18).
Lạy Chúa Giêsu! “qua thập giá tới vinh quang” là chân lý bất biến và chỉ nơi Chúa Giêsu mới thể hiện rõ chân lý đó. Bởi niềm vui chỉ thật sâu sắc và trọn vẹn sau khi đã kinh qua những nỗi ưu phiền. Mỗi chúng con dù ở vị trí nào, công việc nào, môi trường nào cũng đều có nhiệm vụ là đi tìm kiếm thánh ý Chúa và trở nên những chứng nhân trung gian chuyển cầu - gắn kết những trái tim trong thân thể Chúa. Đặc biệt là dùng chính cuộc sống của mình để làm chứng cho đức tin, nhất là không chỉ qua những thành công nhưng là những thách đố. Xin cho mỗi chúng con nhận ra mình được Chúa yêu quá bội để mỗi ngày sống chúng con cùng Chúa tiếp tục yêu thương nhân loại bằng đời sống chứng tá qua việc: chuyên cần cầu nguyện, phụng vụ sốt sáng, sống bác ái cụ thể và nhất là làm chứng bằng chính cuộc sống của mình. Hơn nữa, những ngày áp Tuần Thánh cũng là dịp để mỗi chúng con hối thúc hơn việc canh tân và đổi mới đời sống, xin cho chúng con cùng với Giáo Hội Chúa tham gia và hiệp hành trong việc lan tỏa Tin Mừng Nước Thiên Chúa ngay chính cuộc sống hôm nay, để mọi người cùng được đón một đại lễ Phục Sinh đầy ơn thánh và bình an. Amen

 
Học Viện K6
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log