VẾT SẸO CỦA TÌNH YÊU
Là con người mang tính xác thịt, nên chúng ta dễ đi tìm cách làm đẹp cho mình. Những vết thương để lại vết sẹo lớn làm cho chúng ta dễ mặc cảm, tự ti về nó. Có người còn thấy xấu hổ vì vết sẹo bên ngoài, họ nhờ đến những công nghệ hiện đại để xóa vết sẹo. Chúa Giêsu thì khác, sau khi Phục Sinh, Chúa đã đến đem bình an đến cho các môn đệ. Những vết thương từ dấu đinh và của mũi giáo còn để lại vết sẹo, Chúa hiện đến để cho các ông thấy rằng: đó là dấu chứng tình yêu của Chúa với các ông cũng như của nhân loại; đồng thời cũng để minh chứng “Chúa đã Phục Sinh” (Ga 20,19-31).
Quả thật, tình yêu là một mầu nhiệm của Thiên Chúa dành cho con người. Dù cho con người nhiều khi phản bội, bất trung, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn trung thành (Ga 20,19-20).
Sau khi chứng kiến cuộc tử nạn của Thầy, các môn đệ hoảng sợ: Phêrô đã chối Thầy (Mc14,66-72; còn Giuđa thiếu lòng tin vào lòng thương xót nên đã đi thắt cổ (Mt27,3-5); các môn đệ khác không dám theo Thầy lên đồi Canvê vì sợ (ngoại trừ Gioan). Chắc hẳn với trái tim con người, khi bị treo trên Thập giá, Chúa thấy buồn và đau xót khi nhìn thấy những người thân tín của mình rất ít, đó là: Đức Mẹ, thánh Gioan, bà Maria Mácđala và một số phụ nữ đạo đức khác. Nhưng sau cuộc Thương khó, Chúa đã Phục Sinh, đã hiện đến căn nhà đóng kín cửa các ông đang ở và đem sự bình an. “Vào chiều ngày ấy ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở các cửa đều đóng kín…..(Ga 20,19). Chúa Giêsu Phục Sinh không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian, vì thân xác Chúa đã trở nên thân xác vinh hiển thần thiêng. Sau khi đến và ban bình an, Chúa đã cho các ông xem vết sẹo ở tay và cạnh sườn, các môn đệ vui vì được thấy Thầy (Ga 20,20).
Thầy trò gặp lại nhau thật vui mừng biết bao, niềm vui này khó diễn tả nên lời được. Sự bình an của Chúa làm cho các ông quên đi nỗi sợ hãi, sẵn sàng lên đường đem Tin Mừng của Chúa đến cho người khác. Những vết sẹo mà Chúa Phục Sinh đã cho các ông xem không phải là để lên án hay để gợi lại các kỉ niệm đau buồn đã xảy ra, nhưng là đem lại niềm tin và hy vọng cho các ông rằng: sau cái chết các ông cũng được Phục Sinh như Chúa. Sự bình an và ơn Chúa Thánh Thần được ban cho các ông như luồng sinh khí mới thúc đẩy các ông sẵn sàng lên đường, sẵn sàng đón nhận cái chết vì đức tin. Vết sẹo của Chúa Giêsu, không chỉ mang cho các ông sự bình an và sai các ông ra đi, nhưng còn củng cố Đức tin cho các ông nên mạnh mẽ.
Thật vậy, khi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện đến lần thứ nhất, Tôma không có ở đó. Ông chỉ được nghe các anh em thuật lại cuộc gặp gỡ với Chúa, mà không được chứng kiến tận mắt. Bởi đó, ông như có một điều kiện cần và đủ thì mới tin, đó là được gặp Chúa, được đụng chạm đến vết sẹo thì ông mới tin. (Ga 20,25). Lòng khao khát được đưa ra được thực hiện, sau 8 ngày, Chúa đã hiện ra đem bình an cho các ông và cũng để cho Tôma chứng kiến tận mắt và được đụng chạm tận tay (Ga 20,26-27). Khi được gặp Chúa và được mời gọi làm theo những gì mà lòng ông khát khao “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25b). Tôma thấy giật mình, bất xứng, sững sờ trước sự hiện diện của Chúa, ông thấy được những gì nói về Chúa thật đúng, ông chỉ biết thốt lên “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Những gì mà ông đang được chứng kiến nằm ngoài trí tưởng tượng, nhưng sự gặp gỡ làm cho ông thêm xác tín: nhờ Tôma, Chúa chúc phúc cho những ai không nhìn thấy mà tin. Vết sẹo của tình yêu Đức Kitô đã giúp Tôma thay đổi, ông đã đi rao giảng ở Patia, Ba Tư. Thánh nhân cũng tới loan báo Tin Mừng tại Ấn Độ và được phúc tử đạo tại đó.
Là những người con của Giáo hội, chúng ta được tiếp nối truyền thống cao quý do các tông đồ truyền lại, đó là gia sản của đức tin. Lời chúc phúc của Chúa với Tôma xưa kia, nay chúng ta cũng được hưởng lời chúc phúc đó. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Chúa đã chịu chết thay cho chúng ta, và Chúa đã Phục Sinh để chúng ta cũng được Phục sinh như Ngài. Với niềm tin tưởng vào Chúa, chúng ta đừng lo buồn sợ hãi, đừng nản lòng với những vết sẹo đã để lại, nhưng hãy xác tín Chúa luôn đồng hành, nâng đỡ và giúp sức cho những ai luôn trông cậy vào Ngài. Dù cho quá khứ của chúng ta có ra sao hay như thế nào Chúa vẫn đón nhận, chỉ cần chúng ta thực lòng sám hối và khao khát được chữa lành thì sẽ được.
Lạy Chúa Giêsu! chúng con là con người mang thân phận yếu hèn dễ nhìn vào những điều tiêu cực hơn là những sự tích cực, dễ nhìn vào thất bại hơn là thành công, dễ để quá khứ đau buồn chi phối hơn là hướng đến tương lai để thay đổi. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết quy hướng mọi sự về Chúa, luôn đặt niềm tin tưởng và xác tín vào tình yêu mà Chúa dành cho chúng con. Để mỗi ngày, chúng con biết cố gắng sống chứng tá tình yêu của Chúa cho những người chúng con gặp gỡ. Xin cho chúng con đừng để quá khứ gặm nhấm và làm ảnh hưởng mối tình chúng con dành cho Chúa, nhưng cho chúng con luôn tự hào về quá khứ, vì nó giúp cho chúng con học thêm được những bài học bổ ích để làm kinh nghiệm cho chính mình. Những quá khứ đau buồn chính là cơ hội để chúng con được kết hợp với Chúa cách thâm sâu và mật thiết nhất. Amen.
Học Viện K6
TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT
(Ga 20,19-31)
Nếu Tình yêu là bản tính của Thiên Chúa, thì Lòng Thương xót là cách thức Chúa bày tỏ tình yêu, là dấu chỉ cho tình yêu vững bền của Ngài. Chiêm ngắm Tình yêu và Lòng Thương Xót của Người mời gọi chúng ta hãy dừng bước trước cuộc đời đang hối hả, ra khỏi sự ồn ào, náo động thường ngày để ca tụng và kín múc nguồn mạch ân sủng của tình yêu Ngài. Một tình yêu vẫn tuôn chảy không ngừng trong suốt dòng thời gian.
Như một cơ hội, chúng ta cùng ngược dòng lịch sử cứu độ để cảm nghiệm, đón nhận Tình yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Vẫn còn đó hình ảnh Adam là người con được Thiên Chúa dựng nên, yêu thương, chăm sóc và nâng niu. Nhưng hạnh phúc thật vắn vỏi, nó đã trở nên một vết thương lớn khi ông bà bất tuân lệnh và phản nghịch cùng Chúa. Trước sự lẩn chốn của Adam, Thiên Chúa đã đi tìm và gọi ông “Adam, ngươi đang ở đâu?”. Tiếng gọi của người cha tìm kiếm đứa con chất chứa một hy vọng về điều tốt đẹp đằng sau “phải chăng ngươi đã ăn trái cây trong vườn mà ta đã cấm?”. Trái tim người cha đã đau vì đứa con phản nghịch, đau vì phải lên án phạt. Nhưng lại tìm cách để cứu con cái mình. Vì sao vậy? Tất cả vì Tình yêu và Lòng thương xót. Chính từ đây lời hứa ban Đấng Cứu độ đã được ban ra.
Có thể nói Tình yêu và Lòng thương xót của Thiên Chúa đã được bày tỏ rõ nét và cụ thể trong cuộc đời của Chúa Giêsu – Thiên Chúa làm người.
Vì yêu mà Người đến thế gian trong sự vắng lặng của đêm đông, một vì sao sáng, hơi ấm của bò lừa, tiếng hát của các mục đồng và sự nghiêng mình cung kính mến yêu của cha mẹ là bức tranh tuyệt diệu của Tình yêu và Lòng thương xót.
Một Thiên Chúa ẩn mình nay mang lấy chính xác phàm nhân để ở với con người, yêu thương họ, an ủi, nâng đỡ và trao ban sự sống cho họ.
Sống giữa thế gian, Người đã chọn cách sống luật vị nhân sinh hơn là luật vị luật. Người làm việc ngày Sabat để chữa lành người bại liệt, để ban ánh sáng cho người đui mù, nói lời tha thứ để phục hồi phẩm giá và ban tặng ơn cứu độ cho người phụ nữ ngoại tình, Người chạnh lòng thương trước người mẹ mất con để trao lại sự sống cho con của bà cũng là cho chính bà. Người đã khóc trước mộ Lazaro và cho anh sống lại, Người trao cho gia đình Máttha niềm tin vào sự sống vĩnh cửu cũng là trao cho chính chúng ta… Sức mạnh của tình yêu làm cho Người không đầu hàng trước thế lực sự dữ. Và đỉnh cao của tình yêu ấy là cái chết trên thập giá. Trước tất cả những gì con người đã xử với người, Người vẫn làm thinh và “xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.
Vì sao vậy, thưa tất cả vì yêu, vì thương, Người sẵn sàng chết để cho tôi, cho bạn được sống.
Quả thật, vết tích trên thân thể người trong cuộc khổ nạn là dấu chỉ minh chứng cho một tình yêu vĩ đại. Chính Đức Giêsu đã nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay vào đây và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy”. Có lẽ lúc này, ông muốn được chạm vào những vết thương của Thầy mình không phải là tìm một lý do cho niềm tin nhưng là để được khoả lấp nỗi niềm thương nhớ, khao khát Thầy. Những giọt nước mắt hạnh phúc như chan hoà trong lòng ông. Và chính ông đã dẫn chúng ta đến với một niềm tin, niềm xác tín vững mạnh về Thiên Chúa Hằng Sống, một Đấng Vô Biên đã yêu thương đến tận cùng.
Đó cũng là lời mời gọi chúng ta hãy sống chính Tình yêu và Lòng thương xót của Thiên Chúa. Quả thế, lòng thương xót tựa như ánh mắt của tình yêu, giúp người ta nhận ra nhu cầu của tha nhân để chia sẻ, cảm thông, nâng đỡ, xoa dịu và chữa lành.
Thiết nghĩ để có được ánh mắt chứa đựng lòng thương xót của tình yêu, chúng ta cần được điều trị nhiều thứ bệnh, trong đó căn bệnh lớn của thời đại đó là căn bệnh “vô cảm”. Trước hết đó là sự vô cảm với Thiên Chúa, sự thờ ơ, dửng dưng, lãnh đạm với Đấng đã dựng nên, đã yêu thương, chăm sóc và sẵn sàng chết cho con người. Rồi tiếp theo là gì? Là thái độ dửng dưng, vô cảm với anh em đồng loại. Tôi có thái độ thế nào khi có người gặp nạn bên đường, phải chăng thay vì sẵn lòng giúp đỡ thì tôi lại loay hoay tìm điện thoại, quay lấy những thước phim kinh hoàng, rồi đưa lên trang mạng, để câu like, để nổi tiếng? Ngay trong gia đình cũng vậy thôi, các thành viên nhốt mình trong một thế giới ảo do truyền thông, do internet. Bữa cơm gia đình, người ngồi quanh tôi là bố mẹ, là anh, là chị là em tôi thì tôi không quan tâm, nhưng cái tôi quan tâm là ai đó, là cái gì đó trong cái điện thoại thông minh kia…khiến căn bệnh vô cảm càng thêm nặng nề. Tiếp đó, chúng ta cần kể đến bệnh vô cảm với Mẹ Thiên Nhiên. Thiên nhiên là do Thiên Chúa ban tặng và trao cho con người quản lý, thế mà ngày nay tiếng gào thét của nó như một dữ dội và kinh hoàng. Nạn động đất, núi lửa, lũ lụt, hạn hán… từ đâu mà ra? Thưa từ chính sự vô cảm và sự vụ lợi của con người.
Cứ như vậy con người làm tổn thương đến tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình và làm tổn thương chính trái tim của mình nữa. Bởi thế, con người cần khiêm tốn nhìn nhận chính mình, đến gần với Thiên Chúa, để chính Người sẽ chữa lành trái tim của chúng ta. Chỉ có tình yêu nồng ấm của Người mới làm cho trái tim băng giá của con người tan chảy và ấm lên hầu có thể lan toả tình yêu và lòng xót thương.
Lạy Chúa! chúng con thường muốn nhận được tình yêu cùng với bao dung của Chúa và của tha nhân, song nhiều khi chúng con lại tiết kiệm điều đó khi tha nhân cần ở chúng con. Xin cho chúng con một trái tim, một tâm hồn biết rung cảm, biết động lòng, trước những khổ đau, hoạn nạn của anh chị em mình, để biết yêu như Chúa yêu. Xin cho chúng con có được trái tim của Chúa để chúng con có thể cùng Chúa và cùng với nhau làm ấm lên thế giới này bằng chính Tình yêu và Lòng thương xót. Bởi vì, lạy Chúa! “Thương xót là trái tim của Chúa, thế nên cũng phải là trái tim của tất cả con cái Chúa” (Sứ đệp Hoà bình 2016 của ĐTC Phanxco). Xin cho chúng con dành lấy những thời khắc tĩnh lặng thẳm sâu, để ở lại trong Tình yêu Chúa và can đảm sống đức tin của mình trong thế giới hôm nay bằng Tình yêu và Lòng thương xót. Amen.
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Bách Lộc