HÃY Ở LẠI TRONG THẦY
(Ga 15,1-8)
Trong đời sống gia đình, sự liên kết giữa cha mẹ với con cái, giữa ông bà với các cháu, giữa vợ với chồng, giữa anh chị em với nhau sẽ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhau, giúp nhau có thêm nguồn động lực, thêm sức sống, luôn gắn bó và ở lại với nhau trong mọi hoàn cảnh. Đời sống thiêng liêng cũng cần có sự liên kết giữa ta với Chúa và ở lại trong Chúa, như cành nho gắn liền với cây nho và hút nhựa sống từ cây nho.
Cây nho vốn là hình ảnh truyền thống trong Kinh Thánh và hình ảnh quen thuộc của người Do Thái. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho, cành nho và người trồng nho để nói đến một tương quan liên vị: Chúa Cha là người trồng nho, Ngài là cây nho đích thực và các môn đệ của Ngài là những cành nho. Chắc hẳn người trồng nho có nỗi nhọc nhằn và niềm vui riêng, vui khi thấy những cành nho tươi tốt và sai trái, nhọc nhằn khi chăm sóc và cắt tỉa các cành nho. Những cành nho có quả ngọt là những cành nho nhận nhựa sống từ thân nho.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta biết, Chúa Phục sinh đã chia sẻ cho chúng ta sự sống Thần Linh của Ngài, cho chúng ta được hiệp thông với Ngài trong đời sống siêu nhiên, như cây nho nuôi cành nho bằng chính nhựa sống của mình. Từ hình ảnh cây nho, Chúa mời gọi các môn đệ hãy gắn bó mật thiết với Chúa, hãy ở lại trong tình thương của Ngài. Ở lại trong Chúa để làm cho đời người môn đệ sinh hoa trái và làm vui lòng Chúa Cha. Ở lại trong Chúa để nhận được ơn cứu độ nhưng không và ở lại trong Chúa để Chúa trao ban cho chúng ta sức mạnh, để chúng ta làm chứng cho đức tin và sinh nhiều hoa trái. Ở lại ở đây là sự ở lại nhiệm mầu, sự ở lại siêu việt vượt không gian và thời gian. Chúa Giêsu đã ở lại với chúng ta mãi mãi trong bí tích Thánh Thể, trong Lời của Ngài để chúng ta được ở với Ngài khi rước Mình Ngài là lương thực và để Lời của Ngài cư ngụ trong tâm hồn của chúng ta. Nhờ Mình Máu Thánh và Lời của Ngài sẽ giúp cho chúng ta kết nối với Chúa, sinh hoa trái và chúng ta được cắt tỉa để chúng ta nên thanh sạch.
Là kitô hữu, chúng ta được mời gọi liên kết và ở lại trong cây nho là thân mình của Chúa qua mỗi ngày sống, ở lại khi đi tham dự thánh lễ, khi rước Mình và Máu Chúa, khi sống nối tiếp thánh lễ trong cuộc sống bằng sự yêu thương tha nhân. Khi ở lại trong Chúa thì chắc hẳn đời sống của chúng ta sẽ được cắt tỉa, được uốn nắn, được hiệp thông với Chúa qua mỗi ngày sống. Ngày hôm nay, người kitô hữu mang danh là môn đệ của Chúa, nhưng không ở lại trong Chúa, hãnh diện là cành nho của Chúa, cánh tay của Chúa nhưng lại sống như những cây tầm gửi, sống nhưng không sinh hoa trái. Mỗi kitô hữu khi chịu phép rửa tội là tháp nhập vào thân mình Chúa Kitô, sống bằng nhựa sống của Chúa, làm việc bằng khả năng và ơn Chúa ban. Nhưng có biết bao nhiêu người kitô hữu đã tự ý rời bỏ cây nho, cắt đứt nhựa sống từ thân cây nho, từ chối tình yêu thương và sự liên kết mật thiết với Chúa và anh em khi mà họ sống hận thù, chia rẽ, ganh ghét, bất hòa, phù phép, phóng đãng….để tháp vào những cây nho của ma quỷ, cây nho của sự dữ, sống cằn cỗi, sống tách lìa khỏi thân nho, không sinh trái tốt mà là những trái sâu.
Nếu “ở lại trong thầy” là gắn bó với Chúa Giêsu, thì người tín hữu được mời gọi ở lại trong Chúa và ở lại với anh em mình, tức là sống đức yêu thương đối với nhau. Yêu tha nhân là một điều răn quan trọng đối với mỗi người chúng ta. Bởi lẽ, không thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương tha nhân, tình yêu Thiên Chúa cần được chứng minh qua tình yêu thương đối với anh chị em. Một khi ở lại trong thân nho là Chúa Giêsu, chúng ta sẽ sinh nhiều hoa trái của Thần Khí là sự bình an, hoan lạc, bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa và tiết độ. Ở lại trong Chúa để chúng ta được lớn lên trong đời sống thiêng liêng.
Với lời mời gọi hãy ở lại trong tình thương của Chúa, chúng con gặp thấy một khao khát của Chúa, Chúa luôn khao khát chúng con ở lại với Ngài, Chúa đợi chờ chúng con yêu mến Ngài, Chúa muốn chúng con làm bạn với Ngài.
Lạy Chúa Giêsu! xin hãy ở lại với chúng con vì chúng con cần sự hiện diện của Chúa, vì chúng con còn yếu đuối cần Chúa nâng đỡ để chúng con không ngã gục. Xin Chúa ở lại với chúng con để chúng con hăng say nhiệt thành trong sứ vụ, không ngừng lại dọc đường. Xin Chúa ở lại với chúng con như xưa Chúa đã ở lại cùng hai môn đệ trên đường Emmau, cùng đồng hành, chia sẻ và cùng bẻ bánh và dùng bữa với họ. Xin cho mỗi ngày sống của chúng con biết năng đến với Chúa để lãnh nhận sức sống từ Chúa, được Chúa nuôi dưỡng qua bí tích Thánh Thể, qua Lời của Ngài, để mỗi ngày chúng con được lớn lên trong tình Chúa và tình người.
Maria Đỗ Thị Chung - Học Viện K6
Ở LẠI ĐỂ SINH HOA TRÁI
Suốt những năm rao giảng, Chúa Giêsu luôn luôn dùng những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với người Do Thái, để mạc khải về chính Ngài hay mạc khải về những mầu nhiệm Nước Trời như: đàn chiên, mười cô trinh nữ.... Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa lại dùng hình ảnh cây nho quen thuộc, để nói lên sự cần thiết của việc kết hợp mật thiết với Chúa: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15, 5).
Một trong những nguyên lý phát triển của cây nho là cành phải gắn liền với thân cây. Cành nho không thể tự mình sinh hoa trái nếu như không gắn liền với cây. Chỉ khi cành nho gắn liền với cây nho, thì nó mới hút được nhựa sống từ “thân mẹ”, được tham dự vào sự sống của thân ấy và sinh trái. Giống như cành nho gắn liền với thân nho, không chỉ dừng lại ở việc được chia sẻ sự sống với thân nho, nhưng mục đích chính yếu là để sinh nhiều hoa thơm trái ngọt. Cũng vậy, người môn đệ gắn bó mật thiết với Đức Kitô không những được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, mà còn để sinh hoa trái thiêng liêng “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5).
Cành nho không thể tự mình sinh hoa trái nếu không gắn liền với thân nho, người môn đệ cũng không thể sinh hoa trái nếu không gắn liền với Đức Kitô, vì “Không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5c). Không ở lại trong Đức Kitô là tự tách rời khỏi Người, là tự đi vào cõi diệt vong, như thể cành nho bị cắt lìa khỏi thân nho sẽ khô héo, bị quăng ra ngoài vườn nho, người ta nhặt lấy rồi quăng vào lửa cho cháy đi (Ga 15,6). Vì nó đã trở nên vô dụng. Và đó cũng chính là số phận của những Kitô hữu không sống hiệp thông với Đức Giêsu.
Vậy để có được sự sống thiêng liêng, để có thể sinh hoa trái và hoa trái dồi dào, không gì khác hơn là sống lời mời gọi của Chúa Giêsu: “hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,5). Ở lại trong Đức Kitô là điều kiện để sinh hoa trái. Vậy ở lại bằng cách nào? Đó là câu hỏi đặt ra cho các môn đệ và cũng là câu hỏi đặt ra cho mỗi người chúng ta.
Khi chấp nhận “ở lại”, chúng ta chấp nhận đi sâu vào một mối tương quan nào đó. Ở lại trong Đức Kitô là ở lại trong Lời của Đức Giêsu và tuân giữ điều răn của Người. Điều răn của Người là: “hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em ” (Ga 13,35). Ở lại trong Đức Kitô, là làm cho Lời ấy ăn sâu vào máu thịt của chúng ta, là làm cho nếp sống của Chúa Giêsu trở thành nếp sống của mình, cách cư xử của Chúa Giêsu trở thành cách cư xử của chúng ta.
Các cành nho không sinh hoa trái thì bị cắt bỏ đi, còn những cành nho sinh hoa trái thì được Chúa Cha, là người trồng nho cắt tỉa nhờ Lời của Người, do Đức Giêsu mạc khải cho, để sinh nhiều hoa trái hơn. Các môn đệ là những người đầu tiên được đón nhận lời của Chúa Giêsu, được lời dạy dỗ, giáo huấn, và trở nên “thanh sạch” (Ga 15,3). Hoa trái của việc đón nhận Lời và ở lại trong Lời là sự biến đổi. Sự biến đổi từ sâu thẳm bên trong con người của họ. Như thánh Phaolô, từ một Saolô nhiệt thành bắt bớ đạo thánh Chúa, giết hại các Kitô hữu tiên khởi, nay trở nên con người hăng say rao giảng Đức Kitô đến nỗi Ngài coi mọi sự là rơm rác, so với mối lợi tuyệt vời là biết Đức Kitô.
Nhờ đón nhận Lời từ Đức Giêsu và ở lại với Lời của Người mà Phaolô mạnh dạn thốt lên rằng: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 5,20). Cũng thế, các môn đệ xưa, từ những con người nhát sợ, bỏ trốn khi chứng kiến cái chết của Thầy Giêsu thì nay đã trở thành những chứng nhân nhiệt thành hăng say loan báo Tin Mừng Phục Sinh, làm cho Giáo Hội Chúa ngày càng lớn mạnh, bình an và kiên vững trong đức tin (Cv 9, 31).
Qua bí tích Rửa tội, mỗi người chúng ta được tháp nhập vào cây nho mầu nhiệm là Giáo Hội, là Thân Thể Chúa Kitô. Chúng ta hãy tự hỏi tôi thuộc cành nho nào của cây nho? Chúng ta là những cành nho tươi tốt, sinh hoa thơm trái ngọt, hay cành nho tươi tốt mà sinh những trái nho chua chát và cay đắng, hay chúng ta là những cành nho khô héo và không sinh hoa trái thiêng liêng trong đời sống ?
Những cành nho khô héo do thiếu nhựa sống từ thân cây. Nhìn bên ngoài họ vẫn bám chặt vào thân cây, nhưng nhựa sống từ thân cây không thể dẫn tới họ. Vì họ đã từ chối ơn thánh Chúa đã ban cho họ. Đó cũng chính là những cành nho để cho tính kiêu ngạo xâm chiếm tâm hồn họ, khước từ lời hướng dẫn bên trong của Chúa Thánh Thần hay qua trung gian của Chúa là Hội Thánh. Đời sống của họ khô héo vì thiếu những thực hành đức tin, chủ chương giữ đạo tại tâm là đủ.
Có những cành nho tươi tốt, năng giữ đạo, siêng tham dự cách bí tích tại nhà thờ, nhưng khi trở về với cuộc sống thường ngày, họ không thực hành đời sống đức tin, không làm cho lửa đức tin sinh hoa trái. Thay vì sinh những trái thơm ngon và ngọt là đời sống bác ái yêu thương và phục vụ, thì họ lại sinh ra những trái nho chua chát và cay đắng của sự dối trá, lọc lừa, ghen tỵ.
Nhưng cũng không thiếu những cành nho tươi tốt, chịu cắt tỉa và sinh nhiều hoa thơm trái ngọt. Đó là những người biết kết hợp với Đức Kitô trong đời sống cầu nguyện. Nhờ vậy mà họ nhạy bén với nhu cầu của tha nhân, sẵn sàng đưa tay cứu giúp người đau ốm bệnh tật, thăm người già cô đơn, giúp đỡ ai khổ đau nghèo đói, tha thứ cho những người xúc phạm đến mình. Đức tin của họ được diễn tả cách sống động trong đời sống thường ngày, để cho Chúa lớn lên còn mình thì nhỏ bé lại. Họ là những người dù phải đau khổ nhưng luôn cảm thấy vui mừng và bình an trong Chúa. Họ là những người dù phải trải qua muôn ngàn đắng cay, thử thách ở đời mà vẫn tin tưởng, phó thác và cậy trong nơi Chúa,…Nói cách khác, họ là những người làm trổ sinh hoa trái của Chúa Thánh Thần trong đời sống thường ngày là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5, 22).
Lạy Chúa Giêsu là cây nho đích thật! Chúa đã dạy chúng con phải ở lại trong Chúa để có được sự sống dồi dào và sinh nhiều hoa trái. Thế nhưng, những trào lưu thế tục đang lôi kéo chúng con xa rời Chúa, khiến cho đời sống chúng con thiếu sự bình an, thiếu vắng tình thương yêu, tương quan bị đổ vỡ. Xin cho Lời Chúa hôm nay nhắc nhở tâm hồn mỗi người chúng con biết trở về với Chúa. Xin giúp chúng con biết tận dụng mọi thời gian để đến với Chúa qua việc tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, qua việc cầu nguyện, và cùng nhau đọc kinh chung trong các giờ kinh gia đình. Vì chỉ có Chúa là nguồn sức sống dồi dào, giúp chũng con phát triển và sinh nhiều hoa trái của bình an, yêu thương và phục vụ. Amen. An Nhiên
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Sơn Tây