Thứ sáu, 17/05/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm B (Ga 15,9-17)

Cập nhật lúc 15:45 03/05/2024


YÊU NHƯ THẦY YÊU
 
“Đây là điều răn của Thầy, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
Đại văn hào Shakespeare đã khẳng định: “Hạnh phúc của con người là yêu và được yêu”. Điều đó rất đúng, cuộc sống sẽ nhàm chán, khổ cực và vô nghĩa khi chúng ta không cảm nhận được tình thương và không biết trao gửi yêu thương cho mọi người.  Bởi vậy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tâm sự qua bài hát “Để Gió Cuốn Đi” như sau: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”. Đúng vậy, mỗi  người chỉ được sống một lần duy nhất, chúng ta hãy sống cống hiến, hãy yêu thương để cuộc đời này có ý nghĩa và trọn vẹn hơn. Chỉ khi chúng ta sống yêu thương, chúng ta mới cảm nhận được sức mạnh của tình yêu thương. Qua đoạn Tin Mừng Ga 15, 9-17 tác giả muốn trình bày cho nhân loại thấy “Tâm – Ý” của Chúa Giêsu qua tình yêu vô biên mà Thiên Chúa dành cho con người ở mọi nơi và mọi thời. Tình yêu đó là: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời (Ga 3,16). Đó cũng là điều mà thánh sử Gioan đã nhắc nhớ cho chúng ta về điểm cốt yếu của Tin Mừng, mà yêu thương ở đây không phải là yêu như chúng ta yêu, chúng ta muốn và chúng ta thích nhưng là “yêu như Chúa yêu”. Vậy, Yêu như Chúa yêu là yêu như thế nào?
Từ xưa tới nay đã có biết bao nhiêu thi nhân, bao nhiêu bút sách đã định nghĩa về tình yêu, nhưng chẳng ai có thể định nghĩa tròn đầy và trọn vẹn về tình yêu. Hàn Mặc Tử một nhà thơ Công giáo cũng đã từng thú nhận không thể giải nghĩa được tình yêu. Vì thế, ông phải viện đến Trời “Để nghe tơ liễu run trong gió, và để xem Trời giải nghĩa yêu !”  Đúng vậy, “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8). Tình Yêu là bản chất của Thiên Chúa nên chỉ có Thiên Chúa mới biết thế nào là tình yêu và chỉ có Ngài mới đủ thẩm quyền để: “giải nghĩa yêu”. Chính vì yêu thương mà Thiên Chúa đã tặng ban người Con Một của mình cho nhận loại, đó là món quà vô giá, là hồng ân sự sống và cứu độ cho tất cả chúng ta. Bởi vậy, khi còn ở dưới trần thế Chúa Giêsu đã truyền dạy chúng ta: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
 Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta qua việc Ngài tự nguyện trút bỏ mọi vinh quang, danh dự, ngai vàng của Một Thiên Chúa, vét rỗng chính mình, đến trong trần gian mang lấy thân phận của con người phải lệ thuộc hoàn toàn vào người khác (x. Pl 2,6-11), chấp nhận sinh ra trong cảnh âm thầm và thiếu thốn (x. Lc 2,7) để chia sẻ nỗi thống khổ của con người.
 Yêu như Chúa yêu là chấp nhận bị lu mờ, bị hiểu lầm, ganh ghét cho dù chính bản thân Người chẳng làm điều gì xấu, từ biến cố Nhập Thể đến cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng. Ngài đã chạnh lòng thương và chữa lành biết bao mảnh đời thương tích cả về thể xác lẫn tâm hồn nhưng cái Ngài nhận lại được chỉ là sự im lặng, là ganh ghét, đố kị của các kinh sư và ngay cả nơi những người thân cận của Ngài. Nhưng trong mọi cảnh huống dù ở đâu và như thế nào Ngài vẫn luôn khiêm nhường, tha thứ và yêu thương. Ngài dạy các môn đệ của Ngài phải yêu thương và tha thứ không phải chỉ bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy. Cuộc đời của Ngài là một đời phục vụ trong âm thầm và khiêm tốn, phục vụ như người đầy tớ, sẵn sàng cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, ngay cả người mà Ngài biết rằng sau đó họ sẽ phản bội Ngài. Đỉnh cao của tình yêu được diễn tả qua sự hy sinh đến tận cùng, chính cái chết trên Thập giá đã là một minh chứng rõ ràng và cụ thể cho tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Như vậy, nơi Đức Giêsu Kitô, tình yêu không chỉ dừng lại ở những lời nói xáo rỗng nhưng đã được thể hiện ra bằng hành động cụ thể, là sự phục vụ và dấn thân không mệt mỏi, là cho đi chính bản thân mình, là chết vì người mình yêu.
   Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn mời gọi chúng ta và hơn thế nữa là một mệnh lệnh mà chúng ta cần thi hành trong đời sống hàng ngày, đó là tình yêu của chúng ta cần phải được trải rộng đến tất cả mọi người; đó là một tình yêu phổ quát không có sự phân biệt hay loại trừ, nhưng luôn sẵn sàng yêu thương, tha thứ, chia sẻ và giúp đỡ tất cả mọi người; đó cũng không phải là tình yêu theo cảm xúc tự nhiên nhưng là một tình yêu siêu nhiên, yêu vì Chúa và trong Chúa. Đây quả thật là một điều không hề dễ dàng, tuy nhiên chúng ta xác tín rằng với Chúa mọi sự đều có thể được, nếu chúng ta cậy dựa vào sức riêng mình sẽ chỉ là ích kỷ, hẹp hòi, tính toán. Chúng ta dễ yêu thương những người cùng quan điểm, sở thích hay như nói theo ngôn ngữ của thời đại hôm nay đó là hợp Gu, cùng Ekip… còn với những ai không cùng quan điểm với chúng ta thì sẽ dễ bị coi là kẻ thù và sẽ loại trừ họ.
Là người kitô hữu, là môn đệ của Chúa chúng ta đừng nản lòng và đừng sợ mệt vì yêu thương bởi chính Chúa Giêsu - Thầy Chí Thánh đã sống và nêu gương cho chúng ta trước. Mỗi chúng ta đã được đón nhận tình yêu nhưng không của Chúa qua cái chết cứu độ của Ngài thì đến lượt chúng ta, chúng ta không có trách nhiệm để yêu thương và nâng đỡ những anh chị em đang sống cùng, sống với và sống ngay bên chúng ta sao? Chúng ta đều là tội nhân trước mặt Chúa nhưng Ngài đã chuộc chúng ta bằng giá máu của Ngài thì chúng ta cũng cần sẵn sàng hy sinh cho anh chị em đồng loại bằng sự cho đi, chia sẻ và cảm thông. Là người sống đời thánh hiến, bước theo sát Đức Kitô, tôi và bạn - chúng ta đã sống giới luật yêu thương mà Chúa dạy như thế nào? Chúng ta có sẵn sàng yêu thương, đón nhận và hy sinh cho anh chị em mình, trong Cộng đoàn của bạn và tôi. Có “ai đó” đang bị lãng quên hay đang bị loại trừ bởi những lời nói và hành động thiếu chân thành, thiếu quan tâm và cảm thông của chúng ta không? Những đối tượng mà chúng ta phục vụ có thật sự cảm nhận thấy hình ảnh mục tử nhân hiền và tấm lòng từ mẫu của chúng ta khi đến với họ?...  Đây là điều mà mỗi chúng ta phải trả lẽ trước mặt Chúa về chính mình. Vậy chúng ta hãy sống như chỉ còn một ngày để sống và như vậy sẽ làm cho ngày sống của chúng ta tràn ngập tình yêu. Nhờ vậy chúng ta đang sống giá trị của Nước Trời ngay trong thực tại trần gian này.
Lạy Chúa! Là môn đệ của Chúa, bước theo sát Chúa nhưng chúng con lại chưa sống được như Chúa muốn, cuộc sống mỗi ngày với những đam mê và sự ích kỷ cứ kéo ghì làm chúng con quên Chúa và không thực thi điều Chúa dạy. Xin cho chúng con luôn ý thức sống sự hiện diện của Chúa trong từng giây phút của cuộc sống. Từ đó ngày sống của chúng con sẽ tràn ngập tình yêu thương, chúng con sống trong tình yêu thương và ân sủng của Chúa để chúng con cũng biết sống như Chúa và đặc biệt là biết “yêu như Chúa yêu”. Lạy Chúa! xin Chúa giúp sức cho chúng con.

 
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Điện Biên

YÊU LÀ HY SINH
 
Nhà thơ Xuân Diệu khi suy tư về tình yêu đã viết:
“Yêu là chết trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà đã được yêu
Yêu rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ hay thờ ơ chẳng biết?

 
Thánh Gioan thì khẳng định lại lời của Chúa Giêsu rằng: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,7-15). Thật vậy, tình yêu đích thực luôn hàm chứa những hy sinh, cho dù những hy sinh ấy không được biết đến. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu cũng nhận định: “Tình yêu mà không có hy sinh là tình yêu tiểu thuyết, còn hy sinh mà không có tình yêu là hy sinh thừa”. Bởi lẽ, những hy sinh làm cho tình yêu của con người dành cho nhau trở nên giá trị và ý nghĩa. Cũng chính nhờ những hy sinh ấy mà con người nhận ra tình yêu và đáp trả tình yêu cách cân xứng.
Thánh Gioan đã ví sự gắn kết của tình yêu Thiên Chúa với con người như cành nho gắn với thân nho. Sự sống chỉ có thể tồn tại khi gắn chặt vào nhau. Sự gắn kết làm phát sinh hoa trái nhờ nguồn nhựa sống là chính tình yêu. Tuy nhiên, khi gắn kết như vậy đòi hỏi những hy sinh cho nhau, cây hy sinh để cho cành được bám lấy và hút nhựa sống, còn cành hy sinh chịu cắt tỉa để đơm bông kết trái. Một hình ảnh mộc mạc, quen thuộc nhưng ẩn chứa một sức sống vô cùng mãnh liệt. Và cũng chính vì chìm sâu trong tình yêu của Thiên Chúa nên thánh Gioan đã cảm nghiệm sâu xa tình yêu mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Con Một yêu dấu của Người (x.Ga 3,16).
Vì yêu thương nhân loại, Chúa Giêsu đã đến, đã sống với con người bằng tất cả tình yêu và sự hy sinh. Người đặt con người tội lỗi vào mối tương quan thân tình với Người bằng một danh xưng “bạn hữu”. Người đã không coi con người như một đầy tớ nhưng như một người bạn. Người đã bước vào trong sự giới hạn của con người để đồng hành, sẻ chia, để yêu thương, phục vụ và hiến mạng sống cho con người. Về điểm này, thánh Phaolô cũng nhấn mạnh: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên người phàm nhân, sống như người trần thế…” (Pl 2,6-11).
Tình yêu Đức Giêsu dành cho nhân loại là một tình yêu “nhưng không”, tình yêu của người hiến mạng vì bạn hữu. Tình yêu ấy còn được thánh Gioan diễn tả “không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta.( 1Ga 4,10). Một tình yêu mang tính phổ quát mà nơi đó ân sủng được thông ban cho tất cả mọi dân nước.
Chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa, mỗi Kitô hữu được mời gọi nhìn lại sự đáp trả của mình với những ân ban của Người. Nhất là cung chiêm tình yêu tự hiến của Thiên Chúa được thực hiện nơi mầu nhiệm tự hủy của Đức Giêsu. Là Kitô hữu, mỗi ngày, chúng ta được đón nhận biết bao ân huệ của Thiên Chúa cách nhưng không. Vậy chúng ta đã sống và đáp trả tình yêu của Thiên Chúa như thế nào? Và đâu là cách thức chúng ta chia sẻ những ơn ban đó cho người khác? Chúa Giêsu luôn mời gọi mỗi người hãy thực thi đức ái cách cụ thể trong đời sống thường ngày, để qua đời sống chứng tá, mọi dân nước sẽ nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa.
Vậy chúng ta đã và đang làm chứng cho Chúa bằng việc sống yêu thương, chia sẻ? Hay chúng ta ngại dấn thân, ngại hy sinh cho công việc của Chúa nơi môi trường giáo xứ? Nơi môi trường gia đình, chúng ta có biết gìn giữ đức tin cho con cái của mình qua việc giáo dục, hướng dẫn và làm gương sáng cho con em mình hay không? Vợ chồng có biết hy sinh cho nhau để sống chung thủy một vợ một chồng như lời Chúa dạy không? Là những người trẻ chúng ta có biết sống hy sinh qua việc từ bỏ các cuộc chơi bất chính, tránh xa những cám dỗ của thời đại như: sử dụng mạng xã hội cách thái quá, sống ảo trên facebook, zalo, tiktok…để rèn luyện tri thức và canh tân đời sống đức tin không? Hãy để tình yêu và sự hy sinh của Chúa Giêsu lan tỏa đến tâm hồn chúng ta và chúng ta hãy đón nhận tình yêu và sự hy sinh của Ngài với tất cả lòng biết ơn và yêu mến. Từ đó chúng ta cũng biết yêu thương và hy sinh cho người khác theo lời Ngài dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em”.(Ga 15,12)
 
Lạy Chúa! Giữa những bộn bề của cuộc sống, chúng con thường chỉ để ý đến công việc mà quên mất dành thời gian cho nhau để chia sẻ và cảm thông. Chúng con muốn được yêu thương nhưng lại ngại yêu thương, muốn được người khác hy sinh cho mình nhưng lại chẳng bao giờ dám hy sinh cho người khác. Xin tình yêu của Chúa đi sâu vào tâm hồn chúng con và mở lòng chúng con, để nhờ ơn Chúa, chúng con dám can đảm bước vào biển yêu thương của Chúa và dám yêu như Chúa đã từng yêu: là hy sinh, là dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân. Amen.

 
Học Viện K6
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log