NÉ TRÁNH
“Các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người” (Mc 9,32)
Sau gần ba năm theo Thầy, được nghe Thầy giảng dạy, được chứng kiến biết bao phép lạ Thầy làm, các môn đệ chắc hẳn sẽ rất tự hào và hãnh diện về Thầy, quyết định theo Thầy là một quyết định đúng đắn không sai lầm. Ước mơ về một viễn cảnh tốt đẹp trong tương lai đang dâng trào lâng lâng thì hôm nay bỗng nhiên Thầy lại nói: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” (Mc 9,31)
Đây không phải là lần đầu tiên Thầy nhắc đến điều này, và Thầy nói rất rõ ràng không úp mở. Vậy mà sau khi nghe xong. Thánh Máccô viết: “Các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người” (Mc 9,32).
Lý do gì đã che khuất trí hiểu của các ông? Và điều gì khiến các ông “sợ” không dám hỏi lại Người?
Khi một người trình bày một vấn đề mà người khác không hiểu thì có thể vì những lý do sau: một là người nói không rõ ràng mạch lạc; hai là điều đó quá cao siêu vượt trên sự hiểu biết của người nghe; ba là vì điều đó trái với suy nghĩ và quan điểm của người nghe nên bị người nghe phủ nhận. Vậy ở trong bối cảnh bài Tin mừng, lý do gì khiến các môn đệ không hiểu lời Thầy đã nói?
Bản văn bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy những lời Chúa Giêsu nói rất rõ ràng, không có điều gì là úp mở, nên lý do khiến các môn đệ không hiểu lời Thầy chắc chắn không phải do Thầy nói không rõ. Mặt khác, từ ngày theo Thầy, các môn đệ đã thấy quyền năng của Thầy qua các phép lạ Thầy làm: chữa người bệnh phong (Mc 1,40-45), chữa người bại tay (Mc 3,1-6), dẹp yên sóng gió (Mc 4,35-41), trừ quỷ (Mc 5,1-20), cho người chết sống lại (Mc 5,21-24.35-43), hóa bánh ra nhiều (Mc 6, 30-44),… Những điều mà từ trước tới giờ các ông chưa từng thấy và không có một phàm nhân nào có thể làm được ngoại trừ Thầy của mình. Vậy mà giờ đây Thầy nói trong tương lai Thầy sẽ bị bắt, bị giết chết. Thầy mình quyền năng như vậy thì ai có thể làm hại được Thầy? Vậy nên các ông không thể hiểu Lời Thầy vừa nói.
Lẽ ra, khi các môn đệ không hiểu lời Thầy thì các ông phải thắc mắc, phải hỏi để hiểu cho tường tận, nhưng các ông lại sợ không dám hỏi lại: vì sợ Thầy? Chắc chắn là không phải. Vì ngay trước đó, các ông đã hỏi riêng Người rằng tại sao các ông không trừ được quỷ.
Toan tính của con người khác xa suy nghĩ và đường lối của Thiên Chúa. Xét trong toàn bộ văn cảnh, ta có thể thấy rằng sở dĩ các môn đệ không dám hỏi Đức Giêsu vì các ông không muốn chấp nhận sự thật ấy, các ông không muốn biết rõ ràng điều đó, vì nó trái ngược hoàn toàn với suy nghĩ và dự tính của các ông. Đây không phải là lần đầu tiên, nhưng là lời loan báo cuộc Thương Khó lần thứ hai, nhưng thái độ của các môn đệ và giáo huấn mới của Đức Giêsu vẫn không gặp nhau. Theo Thầy, các ông nghĩ rằng mình sẽ được vinh quang. Các ông muốn tìm một vị trí có uy thế và thành công cho bản thân mình. Nhưng giờ Thầy lại nói đến một sự thật phũ phàng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” (Mc 9,31). Vì thế, các ông sao có thể hiểu lời Thầy được?
Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta cũng muốn né tránh sự thật. Một người không dám đi bệnh viện khám bệnh vì sợ bác sĩ kết luận mình mắc bệnh. Thà cứ sống trong bình an giả tạo còn hơn là biết một sự thật phũ phàng. Nhưng sự thật thì mãi mãi vẫn là sự thật. Bệnh tật chỉ được chữa khỏi khi được phát hiện kịp thời, và người bệnh phải tin tưởng tuân theo đúng phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra.
Đời sống thiêng liêng cũng vậy, chúng ta chỉ có thể sửa đổi bản thân khi dám can đảm nhìn nhận những khuyết điểm của mình. Nhận ra khiếm khuyết nơi bản thân là bước đầu của sự biến đổi. Tại sao chúng ta sống bao nhiêu năm, bao nhiêu mùa Chay trôi qua, bao nhiêu lần tĩnh tâm, và cũng đã bao nhiêu lần hạ quyết tâm mà đời sống vẫn lẹt đẹt? Phải chăng là vì chúng ta chưa dám thẳng thắn với chính mình? Phải chăng chúng ta vẫn còn né tránh, không dám nhìn nhận sự thật yếu kém của bản thân. Và nếu có nhận ra thì phải chăng là chúng ta còn do dự, sợ phải thay đổi, sợ phải từ bỏ những dễ dãi, sợ bước đi trên con đường hẹp của Tin mừng?
Lạy Chúa Giêsu! Chúa đã nói:“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”(Ga 14,6). Xin cho chúng con luôn biết can đảm nhìn nhận sự thật về bản thân mình, để chúng con dám cho Chúa dọi ánh sáng vào từng ngõ ngách sâu thẳm và tăm tối nơi tâm hồn chúng con, để chúng con được Chúa chữa lành. Amen.
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Hà Nội
KHIÊM TỐN PHỤC VỤ
(Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37)
Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy chiến tranh vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Nhìn ra xã hội, chúng ta thấy vẫn còn tranh giành quyền lực, địa vị. Nhìn vào gia đình, chúng ta thấy nhiều gia đình không có bình an và hạnh phúc. Tại sao vậy? Thưa, bởi vì vẫn còn sự cạnh tranh không lành mạnh và ganh tị lẫn nhau. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy khiêm tốn phục vụ để xây dựng nền hòa bình trên mặt địa cầu và mỗi gia đình: “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35).
Quả thực, sự cạnh tranh quyền lực đã ăn sâu vào tâm khảm của con người. Cụ thể, các nước lớn muốn thể hiện uy thế của mình để dọa nạt và đàn áp các nước nhỏ. Người mạnh muốn hạ bệ kẻ yếu. Ngược lại, có những người yếu thế hơn lại tìm mọi cách trở nên lớn mạnh để trả thù. Nhiều người muốn ăn trên ngồi trốc, muốn làm lớn để được người khác phục vụ, hơn là để phục vụ người khác. Thậm chí, nhiều người lại ghen tương ngay cả khi thấy người tốt sống đạo hạnh. Và những việc làm tốt của người đạo đức lại là một lý do để họ gây chiến (x. Bđ I). Dường như nhiều người vẫn theo kiểu: “cá lớn nuốt cá bé” hay “ma cũ bắt nạt ma mới”. Như thế, quả vẫn còn hoang dã!
Chính các Tông đồ cũng chưa thoát ra được khỏi não trạng đó. Bằng chứng là đã mấy năm theo Thầy Giêsu, được Thầy giảng về sự khiêm nhường phục vụ, được Thầy mạc khải về con đường phục vụ trong khiêm nhường thẳm sâu qua đường thập giá, nhất là sau này Thầy làm gương về sự khiêm nhường trong phục vụ qua việc Thầy cúi xuống rửa chân cho từng học trò, thế mà các học trò thân tín nhất của Thầy là các Tông đồ vẫn chưa hiểu Thầy và bài học của Thầy mình. Hôm nay, khi thấy các ông có dấu hiệu ham hố chức quyền, cạnh tranh ngôi thứ, nhân cơ hội này Thầy Giêsu đã dạy cho các ông biết tinh thần mới mà những kẻ theo Thầy phải có, đó là: khiêm tốn trong phục vụ và phục vụ cách vô vị lợi.
Nếu không có tinh thần khiêm tốn trong phục vụ và phục vụ cách vô vị lợi như Chúa mời gọi, thì thế giới, xã hội và gia đình không thể có được sự hòa bình, yên ổn và hạnh phúc... Thánh Giacôbê đã có kinh nghiệm về vấn đề này khi khẳng định: “Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa. Và nhất là khi ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau” (x. Gc 3, 16; 4, 2). Như thế là chúng ta đang xây dựng thế giới, xã hội và gia đình một “nền văn minh sự chết”. Đây quả là điều dại dột!
Vậy đâu là sự khôn ngoan và “nền văn minh sự sống”? Theo thánh Giacôbê, sự khôn ngoan thực sự là sự khôn ngoan xuất phát từ chính Thiên Chúa. Quả thế, ngài đã xác quyết: “Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hòa, khoan dung, mền dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, không giả hình”. Đây là dấu chỉ của sự khôn ngoan thực sự. Và nếu chúng ta xây dựng xã hội và gia đình dựa theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa như thế, là chúng ta đang mang lại “nền văn minh sự sống” cho gia đình và xã hội.
Trở lại bài Tin Mừng, với lời dạy về sự khiêm nhường trong phục vụ, Đức Giêsu đã mở ra một nền văn minh mới - “nền văn minh sự sống”. Trong nền văn minh mới này, người ta không còn nhìn nhau như những đối thủ phải loại trừ. Nhưng người ta nhìn nhau như những người anh em phải yêu thương nâng đỡ. Như thế, sẽ không còn tranh giành, không còn xâu xé và chà đạp nhau. Sẽ chỉ có yêu thương. Sẽ chỉ có quan tâm nâng đỡ. Người mạnh sẽ quan tâm dắt dìu người yếu. Người lớn sẽ cúi xuống cưu mang người thấp cổ bé họng. Nếu ý thức được như thế, thì quyền cao chức trọng sẽ là cơ hội để phục vụ lợi ích chung, địa vị sẽ là sự phân công hợp lý nhằm thăng tiến cộng đồng. Mỗi người một việc vì lợi ích của xã hội và cộng đoàn.
Để làm gương cho chúng ta về sự khiêm nhường trong phục vụ, chính Đức Giêsu đã tự hạ mình trước. Là Thiên Chúa, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Là Đấng làm chủ muôn loài muôn vật, nhưng Người đã tự nguyện vâng lời, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá. Là Thầy nhưng Người đã tự nguyện cúi xuống phục vụ môn sinh của mình. Là người lãnh đạo tối cao, nhưng Đức Giêsu không đòi hỏi đặc quyền đặc lợi, trái lại Người sẵn sàng hiến mạng sống để nâng loài người sa ngã lên.
Tất cả sự khiêm nhường ấy của Đức Giêsu nhằm mang lại nền hòa bình cho nhân loại. Chính vì thế, Đức Giêsu còn được gọi là “Hoàng tử hòa bình”. Bên cạnh đó, Đức Maria cũng đã cả đời sống khiêm nhường vâng phục Thiên Chúa, khiêm nhường phục vụ mọi người, và đã trở nên đấng đồng công cứu chuộc với Con Mẹ - “Hoàng Tử Hòa Bình”, nên Mẹ cũng được gọi là “Nữ Vương Hòa Bình”. Noi gương Chúa Giêsu và Đức Maria về sự khiêm nhường trong phục vụ, các Đức Giáo Hoàng, người đứng đầu Giáo Hội công giáo, người nắm giữ một địa vị quan trọng nhất trên thế giới, từ thời Đức giáo hoàng Gregory I (590-604) đã tự nhận cho mình là “servus servorum”, tôi tớ của các tôi tớ, người phục vụ của các người phục vụ.
Qua bài suy niêm, chúng ta cùng cầu xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta biết dùng vai trò và chức vụ của mình để phục vụ người khác như lời dạy và tấm gương về sự phục vụ của Chúa Giêsu. Vợ chồng biết khiêm tốn phục vụ nhau. Cha mẹ biết khiêm tốn phục vụ con cái. Con cái biết khiêm tốn phụng dưỡng cha mẹ. Học trò biết khiêm tốn vâng phục thầy cô. Giáo sỹ biết khiêm tốn phục vụ những người Chúa trao cho. Giáo dân biết khiêm tốn vâng lời Giáo Hội qua các Đấng Bề trên. Các nhà lãnh đạo quốc gia biết thật sự khiêm tốn phục vụ nhân dân, nhất là những người thấp cổ bẻ họng và người nghèo. Người dân thì biết vâng phục các nhà lãnh đạo chân chính.
Có khiêm tốn phục vụ nhau theo gương của Chúa Giêsu như thế, chúng ta mới có thể ‘xây dựng hòa bình và sẽ thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hòa bình’ (x. Gc 3, 18). Và chỉ khi biết khiêm tốn phục vụ tha nhân như gương của Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể hy vọng xây dựng nền văn minh sự sống, văn minh tình thương trong xã hội và mỗi gia đình chúng ta được; và chỉ khi nào xây dựng được nền văn mình sự sống, văn mình tình thương thì gia đình, xã hội và thế giới mới có thể được hưởng nền hòa bình đích thực. Amen.
Điểm Mục Vụ Mường La