WMTGHH - Bài hát “Biến đổi đời con” của linh mục Thái Nguyên có lời viết: “Biến đổi đời con Chúa ơi, khi con nghe lời Chúa dạy, khi con sum vầy bên Chúa, khi con từng ngày khát mong”. “Biến đổi đời con Chúa ơi”, câu hát nói lên nỗi khát khao, mong mỏi của biết bao người, luôn ước ao được biến đổi để nên đẹp hơn, tốt hơn và hạnh phúc hơn mỗi ngày. Có lẽ đó cũng chính là niềm khát khao Chúa khơi lên trong lòng ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê qua biến cố Chúa Hiển Dung.
Hôm ấy, Chúa Giêsu dẫn ba môn đệ thân tín Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi để chứng kiến vinh quang Thiên Chúa qua dung mạo Ngài. Như lời Thánh Luca thuật lại: “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa”(Lc 9, 29). Nếu trước đây thiên tính của Chúa Giêsu đã bị che phủ bởi nhân tính của Người, thì trên núi Tabor, thiên tính ấy được tỏ lộ, ánh sáng Thiên Chúa bùng phát khắp thân thể Chúa Giêsu khiến Người đột nhiên biến đổi diệu kỳ. Thánh Máccô còn diễn tả bằng hình ảnh rất hay: “Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy” (Mc 9,3). Trong giây phút huy hoàng ấy, Chúa Giêsu bước ra khỏi cuộc đời lam lũ và ô trọc để chung hưởng ánh quang huy hoàng, tuyệt diệu của Ngôi Hai Thiên Chúa. Điều này khiến ba môn đệ không khỏi sững sờ, kinh ngạc. Các ông ngất ngây, sung sướng đến nỗi Phêrô đã không ngần ngại lên tiếng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê và một cho ông Êlia” (Lc 9,33). Có lẽ các ông đã bị mê hoặc bởi một Đức Giêsu đẹp rạng ngời, thánh thiện đang hiện ra ngay trước mắt các ông; các ông cũng ước ao được nên giống Người. Thế nhưng, chứng kiến việc Chúa Giêsu biến hình, không phải các ông được mời gọi biến đổi khuôn mặt hay y phục, nhưng là sự biến đổi tận căn, biến đổi niềm khát khao thẳm sâu trong tâm hồn. Phêrô cũng như các bạn của ông muốn níu giữ, muốn kéo dài bất tận khoảnh khắc Chúa biến hình, nhưng Người không cho các ông dừng lại ở đó, làm theo ý muốn của mình. Trái lại, Người mời gọi các ông đáp lại tiếng Chúa, xuống núi để tiếp tục lên một ngọn núi khác, là đồi Gôngôtha, là con đường thập giá. Bởi lẽ con đường đau khổ sẽ dẫn đến hạnh phúc, cái chết tủi nhục sẽ dẫn đến ngày Phục Sinh hân hoan. Niềm hy vọng vào vinh quang Phục Sinh sẽ giúp các môn đệ can đảm bước theo Thầy và làm chứng về Thầy.
Nhìn vào xã hội hôm nay, một xã hội đang biến đổi từng ngày, từng giờ, người ta thích chạy theo hư danh và tìm kiếm những gì là hào nhoáng bên ngoài hơn là nuôi dưỡng và bồi đắp đời sống nội tâm. Trước áp lực về mọi mặt, không ai chấp nhận an phận; ai cũng ra sức tìm cách cho bản thân được “lột xác” bằng mọi giá. Có những trường hợp chỉ vì chút chức quyền, tiếng tăm, lợi lộc đã sẵn sàng đánh đổi tất cả, bất chấp luân thường đạo lý miễn sao đạt được mục đích của mình. Hay không ít người đêm ngày chôn chân nơi các cửa tiệm spa, phun săm, phẫu thuật thẩm mỹ; vì muốn đẹp hơn, sang hơn, nét hơn trong mắt người đời. Họ sẵn sàng trả giá đắt, thậm chí là đau đớn tột cùng chỉ để đổi lấy một chữ “hơn” giả hiệu. Đó là hồi chuông cảnh tỉnh mỗi người kitô hữu chúng ta. Mùa Chay thánh là thời gian thuận lợi để chúng ta cùng nhau nhìn lại thái độ sống của mình. Đâu mới thực sự là điều quan trọng và là cùng đích ta cần hướng tới. Những hào nhoáng bên ngoài hấp dẫn và quyến rũ thật, nhưng có lẽ chúng chỉ giống như “lớp son phết trên thanh gỗ mục”, mau qua chóng hết. Cái đẹp thực sự chỉ ở nơi Chúa. Đến với Ngài qua các thánh lễ, giờ kinh, khi chúng ta rước Thánh Thể Chúa vào lòng hay trở về với Chúa qua Bí tích hòa giải chính là lúc chúng ta được Ngài biến hình đổi dạng, trở nên con người mới, đẹp đẽ, tinh tuyền, thánh thiện hơn.
Là một Tập sinh, những ngày sống gắn bó với Chúa trong kho tàng thánh thiêng cũng giúp tôi cảm nghiệm được phần nào niềm hạnh phúc lớn lao của ba môn đệ trên núi Tabor năm xưa. Sau khi chứng kiến vinh quang của Chúa, các môn đệ đã được biến đổi và trở thành chứng nhân đích thực cho Người. Phêrô làm “Giáo Hoàng tiên khởi”- người đứng đầu và đại diện các tông đồ; Gioan chịu trách nhiệm “đưa Mẹ của Chúa Giêsu về nhà mình” chăm sóc; còn Giacôbê là vị Giám mục tiên khởi của Giêrusalem và cũng là người tử đạo đầu tiên trong số Mười hai Tông đồ. Phần tôi, đáng lẽ ra, càng gần Chúa, càng tiếp xúc thân mật với Chúa, tôi càng phải trở nên đồng hình đồng dạng hơn với Người. Thế nhưng, có lẽ, càng khám phá ra vẻ đẹp và sự thánh thiện của Chúa, tôi lại càng thấy rõ sự yếu đuối, tội lỗi, bất lực nơi mình. Tôi ước ao được nên giống Chúa nhưng tôi hiểu rằng để đạt được điều gì đó lớn lao, Chúa đòi tôi phải đánh đổi và hy sinh rất nhiều. Chúa đã đi qua con đường khổ giá rồi mới đến vinh quang; đó là lý do tôi biết mình phải tiếp tục chiến đấu, không ngừng nỗ lực lao mình về phía trước, bất chấp gian nan, thử thách. Đoạn đường theo Chúa còn dài, đồi Canvê dốc dác, thê lương, cây thập tự thấm đẫm đau thương và nước mắt. Đã có lúc tôi sợ hãi, nghi nan, tôi thấy mình thật nhỏ bé, yếu đuối, nhưng niềm tin có Chúa là động lực để tôi tiến bước, can trường, trung kiên theo Chúa đến cùng.
Lạy Chúa! Được theo Chúa và được lên núi thánh với Chúa là hạnh phúc của chúng con, nhưng đó cũng trở thành nỗi bất hạnh lớn lao nếu như xuống núi rồi mà đời sống chúng con không được biến đổi. Chúng con biết mình yếu đuối, bất toàn nhưng chúng con vững tin nơi tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Nguyện xin Chúa ban thêm ân sủng và sức mạnh cho chúng con để những đau khổ, đắng cay ở đời này không làm chúng con gục ngã hay chùn bước, nhưng tôi luyện, thánh hóa, và giúp chúng con trở nên người môn đệ tốt, xứng đáng với sự ưu ái và kỳ vọng Chúa dành cho chúng con. Amen.
Tập sinh
BIẾN ĐỔI TRONG ÁNH SÁNG HY VỌNG
Mùa Chay – mùa sám hối trở về, màu tím, sắc màu đặc trưng của mùa phụng vụ nhắc nhớ chúng ta về thân phận tội lỗi của kiếp nhân sinh. Màu tím buồn cũng làm chúng ta nhớ đến kiếp tro bụi của cuộc đời mỗi người. Màu tím là màu nhắc nhở chúng ta về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu trên đường thánh giá. Còn trong bài Tin Mừng của Chúa nhật II mùa Chay hôm nay, phụng vụ Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm về biến cố hiển dung của Đức Giêsu. Chúa Hiển dung mời gọi mỗi người hãy biến đổi đời sống mình trong ánh sáng của niềm hy vọng.
Nhớ lại tám ngày trước biến cố trên núi Tabor, Đức Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi chừng năm ngàn người ăn no (Lc 9,14). Các môn đệ thầm hy vọng về một tương lai tươi sáng, và sự mãn nguyện về vị Thiên Sai sẽ đến giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ. Nhưng ngay sau đó, Chúa Giêsu đã loan báo về cuộc khổ nạn và phục sinh của Người. “Người sẽ bị nộp vào tay các Thượng tế và kinh sư, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Lc 9,22). Các môn đệ ai ai cũng hoang mang vì chưa hiểu hết được những lời Người nói. Hơn nữa, Người còn xác quyết về điều kiện cần phải có của người môn đệ Đức Giêsu: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” ( Lc 9, 23). Hoang mang lại thêm hoang mang. Sợ hãi lại thêm sợ hãi. Thật vậy, Chúa Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ biết con đường theo Chúa chẳng phải là con đường trải đầy hoa hồng nhưng là con đường Thập giá. Nơi đó chắc chắn có khổ đau và chông gai đang chờ đón phía trước.
Ngay giữa lúc các ông đang hoang mang lo ngại, Đức Giêsu dẫn các ông lên núi và đang khi cầu nguyện, dung mạo Người biến đổi. Ánh sáng thần thiêng choáng ngợp làm các ông muốn ở mãi trong đó không muốn rời. Phêrô đề nghị dựng ba cái lều. Ông muốn biến cái tạm thời thành cái vĩnh cửu để không phải đương đầu với khổ đau. Nhưng Phêrô không biết rằng, đau khổ là điều không thể tránh khỏi. Vì thế, Ngài để cho các ông chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa của mình như gián tiếp muốn nói rằng: qua đau khổ sẽ đến vinh quang. Con người sẽ bị đau khổ và bị giết chết nhưng sau ba ngày sẽ được sống lại ngự bên vinh quang của Thiên Chúa.
Thật vậy, Chúa Giêsu vạch sẵn cho chúng ta con đường đạt đến hạnh phúc Nước Trời, đó là phải bỏ mình vác thập giá hàng ngày mà theo Người. Có sẵng sàng vác thập giá Chúa gửi trao mới được theo Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống để được hưởng vinh quang Phục sinh với Người.
Ánh sáng vinh quang trên núi Tabor là ánh sáng của Thánh Thần có sức biến đổi cuộc đời chúng ta. Chúa biến hình vinh quang sáng láng, để chúng ta cũng biết biến đổi: biến đổi từ con người tối tăm tội lỗi nên con người tươi sáng hoàn hảo; biến đổi từ con người ích kỷ tham lam thành người sẵn sàng yêu thương hy sinh và phục vụ mọi người; biến đổi từ con người kiêu căng tự đắc thành người khiêm nhu tin tưởng và phó thác vào Chúa.
Lời mời gọi “hãy trở về”, “hãy biến đổi” vẫn luôn vang lên trong tâm hồn những người tín hữu. Nếu tôi đang kiêu căng, hãy trở nên khiêm nhường; nếu tôi đang bất hòa, hãy trở nên hòa giải; nếu tôi đang ích kỷ, hãy trở nên bao dung. Thật thế, cuộc đời con người là một chuỗi những tháng ngày biến đổi. Và chính việc gặp gỡ Thiên Chúa sẽ làm biến đổi nội tâm con người, thậm chí làm biến đổi thân xác, biến đổi khuôn mặt, và cả những gì con người sử dụng cũng bừng tỏa: y phục Người nên trắng ngời như chớp sáng. Trong mùa Chay thánh này, Chúa Giêsu cũng đang tha thiết mời gọi mỗi người chúng ta biến đổi cuộc sống mình, để chúng ta mang lấy bộ mặt mới của chính Thiên Chúa.
Các môn đệ được chiêm ngưỡng dung nhan vinh hiển ở trên núi Tabor. Chúng ta cũng tự hỏi: liệu rằng chúng ta có sẵn sàng lên núi với Chúa không? Có sẵn sàng vượt qua những khó khăn, thử thách để cùng đi với Chúa trên con đường thập giá. Thật vậy, núi cao ở ngay trong sâu thẳm lòng chúng ta, nơi đây chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, diện đối diện.
“Niềm hy vọng không làm chúng ta thất vọng” (Rm 5,5). Bước vào Chúa nhật II mùa Chay, phụng vụ Lời Chúa cũng mang lại cho chúng ta hy vọng bởi ánh sáng thần thiêng nơi Đức Kitô. Hãy mặc lấy ánh sáng Thần linh của Đức Kitô để theo ánh sáng ấy dẫn đường, chúng ta chắc chắn sẽ tìm được hạnh phúc Thiên đàng đích thực.
Lạy Chúa Giêsu là Đấng chúng con tôn thờ, xin giãi ánh sáng thần linh của Chúa trên chúng con, để từ đó chúng con biến đổi con người mình trở nên giống Chúa hơn mỗi ngày. Xin cho chúng con can đảm bước đi trên con đường thập giá vì chúng con tin chắc rằng, phía cuối con đường kia là vinh quang Phục sinh đang đón chờ. Amen.
Minh Anh – Học Viện K6