Thứ hai, 31/03/2025

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay Năm C (Gs 5,9.10-12; 2 Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32)

Cập nhật lúc 08:31 26/03/2025

 
Bài đọc 1: Gs 5,9a.10-12
Sau khi vào Đất Hứa, dân Chúa mừng lễ Vượt Qua.

Bài trích sách Giô-suê.
9a Sau khi dân Ít-ra-en vào Đất Hứa, Đức Chúa phán với ông Giô-suê: “Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai-cập.”
10 Con cái Ít-ra-en đóng trại ở Ghin-gan và cử hành lễ Vượt Qua ngày mười bốn trong tháng, vào buổi chiều, trong vùng thảo nguyên Giê-ri-khô. 11 Hôm sau lễ Vượt Qua, họ đã dùng thổ sản trong xứ, tức là bánh không men và hạt lúa rang, vào đúng ngày đó. 12 Hôm sau, không còn man-na nữa, khi họ dùng thổ sản trong xứ ; thế là con cái Ít-ra-en không còn có man-na nữa. Năm ấy, họ đã dùng hoa màu của đất Ca-na-an.

Bài đọc 2: 2Cr 5,17-21
Thiên Chúa đã cho chúng ta được hoà giải với Người, nhờ Đức Ki-tô.

Bài trích thư thứ hai của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
17 Thưa anh em, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. 18 Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Ki-tô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải. 19 Thật vậy, trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải. 20 Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Ki-tô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. 21 Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.

Tin Mừng: Lc 15,1-3.11-32

Em con đây đã chết mà nay lại sống.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
1 Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:
11 “Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
14 “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng ; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ 20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.
“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra, ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để. 21 Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa...’ 22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng.
25 “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27 Người ấy trả lời: ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.’ 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu trả lời cha: ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng !’
31 “Nhưng người cha nói với anh ta: ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy’.”
 
=====================


HÃY BIẾT ƠN CUỘC SỐNG
 
WMTGHH - Ông cha ta thường hay đúc kết kinh nghiệm từ những điều, những vật, những sự kiện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, gần gũi và quen thuộc. Từ cái cày, cái cuốc, con trâu, con bò, hay cái dao, cái thớt … Tất cả đều có thể viết nên những câu nói ví von, khó quên và sâu sắc. Ví dụ trong câu Tục ngữ “Trâu buộc ghét trâu ăn”. Sử dụng hình ảnh “con trâu” bình dị, gần gũi, ông cha ta đã gửi gắm biết bao bài học nhân sinh quý báu về cách sống và cách làm người. Chúng ta có thể hình dung 2 con trâu. Một con ở dưới gốc cây vừa thèm ăn vừa bị trói buộc. Con còn lại thì nhởn nhơ ăn cỏ gần đó, không chịu sự trói buộc nào. Hình ảnh đó khiến chúng ta liên tưởng đến một thực trạng trong cuộc sống, đó là lòng đố kỵ. Trong xã hội, bao giờ cũng có những người thành công và những người thất bại. Chính điều này đã dẫn đến sự ghen tị giữa người với người, kẻ thấy người khác có chức, có quyền, có tài và có tiền hơn thường sinh ra ganh ghét, ghen tị vì họ giỏi hơn mình. Đôi khi sự ghen tị còn xuất phát từ sự không nhận biết giá trị thật sự của mình và những gì mình đang có. Chính bản thân mình đang có rất nhiều mà họ lại lầm tưởng rằng mình là người thiệt thòi, không có gì cả.
Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy hình ảnh hai người con trai và người cha già. Người con thứ thì đòi cha chia gia tài khi cha còn sống khỏe mạnh. Sau đó anh ta bỏ nhà ra đi, ăn chơi tiêu xài phung phí. Anh đã gặp phải một nạn đói khiến anh nhớ ra là trước đó anh có một gia đình đầm ấm, dư giả và anh đã quay trở về. Người anh cả thì luôn luôn ở nhà với cha, phụng dưỡng, chăm sóc cha đầy đủ. Anh cũng là một con người luôn chăm chỉ làm việc và vâng lời cha trong mọi sự (Lc 15,25.29).
Sự việc xảy ra là khi người con thứ nhếch nhác trở về, thì người cha sau bao ngày mong ngóng đã đối đãi với cậu thật hào phóng. Người cha không chỉ không giận con. Ngược lại, sự vui mừng của ông không thể nào tả hết. Ông đã cho cậu tất cả mọi thứ tốt đẹp, như đó là chính nỗi lòng của ông vậy. Niềm vui của người cha lan tỏa đến tất cả mọi người, mọi vật, lan tỏa ra khắp mọi ngõ ngách của ngôi nhà. Từ con bê béo được bắt làm thịt, cái áo đẹp nhất được khoác vào người cậu, cái nhẫn được xỏ vào tay, đôi dép được xỏ vào chân, rồi đến tiếng đàn ca nhảy múa. Tất cả tạo thành bầu không khí náo nhiệt. Tuy nhiên, dường như ở một nơi nào đó, có một người nào đó chưa bắt được nhịp. Đó là người anh cả ở ngoài đồng về. Anh không biết chuyện gì đang xảy ra. Và khi người đầy tớ cho biết lý do thì anh nổi giận đùng đùng. Anh không thể chấp nhận việc người em ruột thịt sau khi ăn chơi trác táng lại được đón tiếp hậu hĩnh. Lý do là vì anh cảm thấy mình bị thiệt thòi. Anh cứ nghĩ rằng cha không yêu thương mình, không quan tâm đến mình, không cho anh được tự do phóng khoáng (Lc 15, 29). Có lẽ trước đó anh vẫn luôn yêu thương, kính trọng cha mình. Nhưng bây giờ, khi người em trở về, anh bỗng thấy mình thật đáng thương, mình chẳng được gì, chẳng là gì cả. Sự ghen tị đã làm cho anh quên đi hạnh phúc của mình là luôn được ở bên cha, luôn có cha che chở, luôn no ấm dư dật. Rõ ràng anh là một người con, anh rất tự do, nhưng anh lại tự trói buộc mình. Anh không cảm kích sự gian nan vất vả của người cha đã nuôi anh khôn lớn. Anh coi mình như một đầy tớ trong nhà “hầu hạ cha” và không dám trái lệnh. Sự ganh ghét, đố kỵ với em trai hôm nay là do anh không ý thức được vị trí của mình trong lòng người cha. Anh cũng không hiểu đúng bản chất cũng như giá trị những gì anh đang có: một người cha đầy nhân hậu, một mái ấm gia đình. Anh có sức khỏe, có công việc để làm, có nhà để ở, có đàn gia súc, có cuộc sống tiện nghi… Và có lẽ anh chưa bao giờ hiểu được tấm lòng của người cha dành cho anh “lúc nào con cũng ở với cha (nghĩa là cha luôn ở với con), tất cả những gì cha có đều là của con” (Lc 15,31).
Trong cuộc sống, chúng ta cũng không thiếu những lần ghen ghét, đố kỵ lẫn nhau gây nên những hiểu lầm, những câu nói, những hành động không thể sửa chữa. Chúng ta thường hay đứng núi này trông núi nọ. Lúc nào cũng thấy những gì người khác có giá trị hơn, thấy mình chẳng có gì, chẳng làm được gì, hoặc là thấy mình không được yêu thương.
Những người ghen tị thường sẽ không được bình an. Họ luôn cảm thấy áp lực và muốn chứng tỏ mình không thua kém người khác. Họ luôn sống trong sự so sánh mình với người khác và càng so sánh lại càng ganh ghét. Càng so sánh lại càng khó yêu thương người khác hơn. Không những thế, sự ghen tị đôi khi không chỉ dừng lại ở việc ngấm ngầm ghen ghét, so sánh. Đố kỵ làm cho con người sẵn sàng làm ra những hành động xấu, nhằm bôi nhọ danh dự, đổ lỗi, hạ nhục người khác để thỏa mãn lòng ganh ghét, ích kỷ vô lý của mình. Lòng ghen ghét là đứa con đầu lòng của tính kiêu ngạo. Nó không làm cho người đố kỵ gia tăng sự thành công của mình, cũng không ngăn cản được thành công của người khác. Trái lại, nó tàn phá chính bản thân người ghen ghét, hủy hoại mối quan hệ của người đó với những người xung quanh. Sách Châm ngôn có câu: “Tâm hồn bình an là nguồn sống cho thể xác, nhưng lòng ghen ghét tựa chứng bệnh mục xương” (Cn 14,30). Mục xương bởi vì lòng ghen ghét làm cho họ không được sống thanh thản, luôn dằn vặt khổ đau và có thể dẫn họ đến những mưu đồ xấu xa, thậm chí phạm tội ác.
Chắc hẳn tất cả mọi người chúng ta đều có thể có sự đố kỵ. Nhưng quan trọng là chúng ta có thể nhận diện được chúng, và nhận ra giá trị những gì mình đang có. Chính việc nhận ra giá trị những gì mình đang có sẽ giúp chúng ta biết ơn cuộc sống, biết ơn những người sống xung quanh. Lòng biết ơn xuất phát từ tình yêu và lòng hy vọng sẽ giúp con người luôn đầy đủ và hạnh phúc. Một gia đình có cha có mẹ, có một ngôi nhà để về, có một công việc để làm, một người để quan tâm. Tất cả đều không phải là ngẫu nhiên, quan trọng hơn, chúng ta cần nhận ra tình yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa đã ban cho chúng ta tất cả.  Người vẫn luôn hiện diện trong thế giới này, trong cuộc sống hàng ngày của từng người, từng gia đình. Người là người cha nhân hậu không tiếc cho con cái mình bất cứ điều gì tốt. Như thế, chúng ta sẽ không còn thèm muốn những gì người khác có cũng chẳng soi mói bất cứ điều gì nơi người khác. Ngược lại, chúng ta sẽ được nuôi dưỡng trong một tâm hồn lành mạnh, bình an và hạnh phúc. Amen.

 
Cộng đoàn Mến Thánh Giá Chiêu Ứng

===============

TRỞ VỀ TRONG HY VỌNG

 
Cuộc đời mỗi người là những chuyến đi thật dài, đi để khám phá, đi để trải nghiệm, đi để thấy tha nhân và đi để thấy chính mình. Nhưng sau tất cả, vẫn là đi để trở về; trở về với nơi mình đã đi, trở về với những người mình đã ở cùng, trở về với những kinh nghiệm và trở về với những hy vọng tương lai. Sống tâm tình Mùa Chay thánh cũng là một cuộc trở về với Thiên Chúa - Đấng đã làm nên chúng ta của hiện tại, về với nguồn cội chan chứa tình yêu. Phiêu lưu trong những sai lầm dễ làm chúng ta thất vọng, nhưng Thiên Chúa đã không bao giờ thất vọng về chúng ta. Chính sự chờ đợi, trông ngóng người con từng ngày của Thiên Chúa đã làm nên niềm hy vọng cho chúng ta cất bước trở về.
Hoàn cảnh không như mong đợi thường dễ dẫn người ta dừng lại để nhìn lại mình hơn. Người con thứ trong Tin Mừng hôm nay, với sự bồng bột và nông nổi của tuổi trẻ đã đòi cha chia gia tài và rời bỏ gia đình để đến một khung trời mới, mang theo bao nhiêu ước mơ của tuổi trẻ, nơi mà anh cho là có tự do và hạnh phúc hơn. Anh ta lao vào cuộc sống phóng đãng, hoang phí tiền bạc và đánh mất chính mình. Nhưng rồi tất cả chỉ là ảo giác, giấc mơ nhanh chóng biến thành ác mộng vì anh sớm qua cảnh cơ cực, hoang tàn, thậm chí còn muốn làm đầy tớ cho cha, chứ không còn dám làm con. Từ nơi xa xôi ấy, anh ta đã bị tước đoạt thân phận, không còn là một công tử được chiều chuộng và nâng niu nữa, nhưng đã biến thành một kẻ chăn heo, một tên nô lệ cho lối sống hoang đàng, vô kỷ luật. Tự do phiêu lãng sống theo cái tôi bấy lâu, nay lần đầu tiên anh biết hồi tâm khi rơi vào cảnh cùng cực. Nhìn lại những gì mình đã làm, anh cảm thấy ân hận và xấu hổ. Nhưng hạnh phúc thay khi anh rơi vào cảnh khốn cùng, anh đã không chìm đắm trong tuyệt vọng. Anh nhận ra sai lầm, nhớ về tình yêu của cha và nhen nhóm hy vọng được tha thứ. Chính sự thức tỉnh và niềm tin vào lòng yêu thương tha thứ của người cha đã đem lại tia sáng hy vọng, đã nâng anh đứng dậy, đã mở đường cho anh bắt đầu bước những bước chân trở về với cha.
Mang thân phận con người yếu đuối, sẽ không có ai là người chưa từng lỗi phạm, thậm chí sự yếu đuối, sai lỗi hoặc thất bại đó tái diễn qua lại trên chính những quyết tâm bản thân đã đặt ra. Điều ấy khiến chúng ta cảm thấy hối hận và day dứt vì chúng đi ngược lại với khao khát trở nên người tốt trong tâm hồn ta. Đôi khi còn để lại trong tâm hồn con người mặc cảm tội lỗi mà đi đến bế tắc. Nước mắt chưa bao giờ đủ để đổi mới tâm hồn trở về với Thiên Chúa, nhưng là chính tình yêu của Ngài đã làm tâm hồn con người sám hối. Người con thứ trong Tin Mừng đã chọn cách tin vào tình yêu của cha, anh ta khiêm tốn nhìn nhận giới hạn của mình và hướng về tương lai. Như vậy, nếu không có tình yêu của Thiên Chúa, thì con người không tìm được con đường trở về. Đối với Thiên Chúa, mỗi người đều có một chỗ rất riêng, rất đặc biệt trong trái tim của Người mà không gì có thể thay thế; dù có bỏ ra đi thì chỗ ấy vẫn luôn còn trống và không bị mất, cũng như chín mươi chín con chiên hoàn toàn không thể thay thế sự hiện diện của một con chiên lạc.
Hành trình trở về chính là từng chút dừng lại để cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Sống chậm lại một chút để ngâm nga và cảm nhận tất cả những gì chúng ta đang có là ánh sáng, không khí, hơi thở hay những chuyển động của ngày sống, của tâm hồn. Nhưng có lẽ tất cả những điều đó đôi khi chúng ta cho là điều rất bình thường và tự nhiên có sẵn mà quên đi nguồn cội đã tạo ra nó. Trên cuộc hành trình cũng có những lúc cần dừng lại, cần hồi tâm để xét xem đã bao lần tôi tự tách mình ra khỏi tình thương và sự quan phòng của Cha trên trời như đứa con đã tách mình khỏi căn nhà êm ấm và vòng tay yêu thương của người cha? Tôi tự cho mình quyền sống theo ý riêng, tìm kiếm những xa hoa lạc thú nơi đất khách thế gian mà quên đi nguồn vốn tôi đã nhận từ chính cha của mình? Chúng ta đều là những con người yếu đuối, những giới hạn và lỗi phạm nhiều khi như sóng biển gầm thét trong tâm hồn, đã từng làm ta hoang mang hay lo sợ. Nhưng đứng trước những yếu đuối của bản thân, chúng ta chọn hối hận và oán ghét chính mình hay hối hận và trở về trong hy vọng? Tất cả những gì có trong chúng ta không phải muốn là dễ dàng thay đổi, bởi nó là kết quả của cả một hành trình sống với nhiều nguồn ảnh hưởng. Vậy nên, việc Chúa biến đổi chúng ta cũng bằng cả một hành trình. Khi đó, hành trình trở về không phải là gạt bỏ những gì tôi không mong muốn hay dừng lại khóc than, muộn phiền nhưng là nhìn nhận và trân trọng tất cả những gì chúng ta đã trải qua, những gì chúng ta đang có để bước đi trong hy vọng.
Đường trở về là đường bước đi trong tình yêu của Chúa và hiệp hành trong hy vọng. Trở về là việc chúng ta dành đôi chút lắng đọng và để tâm đến chính mình, những biến chuyển trong tâm hồn. Tôi cảm nhận về sự hiện diện của Chúa như thế nào trong tôi và môi trường xung quanh tôi lúc này? Tương quan của tôi với ai đó có hòa hợp hay bị rạn nứt? Nhìn lại lối sống quá ồn ào hay quá quy về mình của tôi, những sự so sánh, ích kỷ, ghen tỵ đang diễn ra… đó như những viên đá gồ ghề đang cản đường tôi trên hành trình trở về với Chúa. Với người Kitô hữu, cách riêng là người nữ tu Mến Thánh Giá, trở về là nghiệm lại ân sủng của Chúa trên hành trình bước theo Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh trong đặc sủng, sứ mạng, trong ơn gọi làm người Kitô hữu. Đã bao Mùa Chay tôi lỡ hẹn, tôi thất hứa với Chúa. Ngay lúc này tôi cần phải đứng lên, đặt tất cả trong niềm hy vọng để tiếp tục bước đi. Trở về không phải là hành trình của riêng tôi, nhưng là của những người hành hương trong hy vọng, là những ai đang canh tân đời sống hướng về nhà Cha, là hành trình từ bỏ cái tôi để hướng đến cái chúng ta và là một hành trình cùng nhau bước đi. Ước mơ của Chúa là quy tụ mọi con cái đang tản mác khắp nơi trở về bên Người. Tất cả mọi người đều đang trên đường hồi hương; làm sao để không ai cảm thấy mình bị loài trừ, nhưng tất cả đều trân trọng, lắng nghe, thông cảm, nhẫn nại, nâng đỡ và khích lệ nhau. Cùng nhau bước đi là đủ bình tĩnh để cho những người xung quanh và chính mình thời gian, cơ hội, sự tha thứ và một sự cắt nghĩa tích cực; là nhìn nhận giá trị không thể thay thế của mỗi người đối với Chúa. Như Thánh Augutinô đã viết: “thước đo của tình yêu là yêu không đo đếm”. Tình yêu của Chúa dành cho bạn không lệ thuộc vào bất kỳ mối quan hệ nào khác của Người. Bởi bạn là tất cả của Người!
Lạy Chúa Giêsu, hành trình trở về Thiên Quốc là một hành trình bước đi liên tục qua những phút dừng lại để cảm nhận, lắng nghe, tạ ơn, ăn năn, đón nhận và kiên nhẫn; là hành trình bước đi cùng nhau. Trong sứ mạng được tham dự vào tinh thần trung gian chuyển cầu của Ngài, chúng con xin dâng lên Chúa cuộc hồi hương của mỗi người Kitô hữu, đặc biệt của những linh hồn khô khan, mất niềm tin tưởng, tâm hồn của những người chưa được biết Chúa. Xin Chúa ban cho họ và mỗi chúng con niềm tin tưởng và hy vọng, để luôn bình tâm bước đi trên đường lữ hành. Ngày hôm nay đang có quá nhiều đau khổ, sự trống rỗng và nỗi đau buồn không thể xoa dịu đang vây bủa con người. Xin cho mỗi người Kitô hữu trở thành những sứ giả của sự an ủi mà Chúa Thánh Thần ban tặng. Khi chúng con tỏa sáng hy vọng, Thiên Chúa sẽ mở ra những con đường mới trong hành trình của chúng con. Xin cho cuộc sống của chúng con luôn đầy ắp món quà hy vọng mà Thiên Chúa trao ban, để ước mong sao qua chúng con, món quà đó sẽ đến được với mọi người đang tìm kiếm, và để mỗi người chúng ta “đừng bao giờ quên rằng: Hy vọng không bao giờ làm ta thất vọng” (x. Rm 5,5). Amen.
 
Lớp Thần Học K6
 
Thông tin khác:
Thập Giá - Niềm Vinh Dự Đời Con
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log