THÁNH GIÁ GIƯƠNG CAO
Mỗi tôn giáo đều có những hình ảnh biểu tượng riêng để thể hiện lòng tôn kính. Bước tới các nhà thờ Công giáo, ai ai cũng nhìn thấy phía trên cao thu hút mọi ánh nhìn nhất là tượng Chúa Giêsu chịu nạn. Hình ảnh một Con Người giang tay chịu chết đau đớn trên Thánh giá với đầy thương tích. Mới nhìn, mới quan sát có lẽ nhiều người tò mò và tự đặt nhiều câu hỏi tại sao một tôn giáo lâu đời như vậy lại tôn thờ Đấng mang trên mình những vết thương đầy máu. Nhưng tìm hiểu cách sâu xa, kĩ càng thì câu hỏi đó không được trả lời bằng ngôn ngữ nhưng nó được trả lời bằng rung cảm của tâm hồn ngập tràn tình yêu. Đấng cả Giáo hội Công giáo tôn kính là Đức Kitô – Con duy nhất của Thiên Chúa chịu chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại.
Lời Chúa trong ngày lễ Suy tôn Thánh giá hôm nay mời gọi từng người Kitô hữu nhìn lên Đấng chịu đóng đinh và tin vào Người để có được sự sống. Bài đọc I trích sách Dân số đã nhắc lại biến cố “Con rắn đồng” trong sa mạc. Dân Ítraen mất kiên nhẫn và kêu trách Đức Chúa. Chính vì không đủ nhẫn nại, không đủ tình yêu theo Chúa, tin Chúa nên hậu quả họ bị rắn độc đến tấn công. Dân chúng nài van ông Môsê kêu cứu Đức Chúa. Tiếng kêu cứu của ông Môsê đãv chạm tới lòng thương xót của Chúa và Người sai ông: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó sẽ được sống”. Hình ảnh rắn đồng của dân Israel xưa đã cứu sống những ai nhìn lên và tin vào quyền năng Chúa. Ngày nay, không phải rắn đồng giương cao trong sa mạc để cứu nhân loại nhưng là nhìn lên chính Chúa Giêsu – Con duy nhất của Chúa Cha giương cao trên Thánh giá để những ai tin vào Người thì được sống.
Thánh giá là minh chứng rõ nét nhất cho bài học tình yêu. Chúa Giêsu nằm trên Thánh giá vẫn giang tay chờ đợi và mời gọi biết bao tâm hồn tội lỗi biết ăn năn trở về. Người sẵn sàng ôm trọn cả con người đầy yếu đuối, tội lỗi và bất toàn của nhân loại. Người giang tay mở rộng tình yêu đến với tất cả mọi người không loại trừ ai. Chính Thánh giá mà hôm nay cả Giáo hội mừng kính suy tôn mời gọi từng kitô hữu đóng đinh những lỗi lầm, yếu đuối; những nhỏ nhen, ích kỉ, ganh tị, ghen ghét, xét đoán, thiếu yêu thương, bao dung, tha thứ của mình vào thập giá; hãy chết như Đức Kitô đã chết vì tội nhân loại. Thánh giá được giương cao để mọi tâm hồn đến tựa nương vào Chúa, phó thác cuộc đời và buông mọi sự vào bàn tay Chúa. Thánh giá với chiều dài, rộng gói trọn trong tình yêu thẳm sâu đang mời gọi con người chiêm ngắm để có được những bài học giá trị.
Nhìn vào đời sống trong xã hội hôm nay, Thánh giá Chúa được giương cao trong các nhà thờ, nhà nguyện, các gia đình Công giáo nhưng hình như chưa được giương cao ở vị trí trước nhất trong tâm hồn mỗi người. Đời sống con người còn buông mình cho những thói hư, tật xấu. Đâu đó vẫn còn ghen ghét, hận thù, chiến tranh; đâu đó vẫn có lên án, xét đoán, chưa dấn thân, phục vụ bằng con tim. Nhưng chúng ta xác tín vì yếu đuối của loài người nên Chúa Giêsu mới đến thế gian. Nếu chúng ta không lỗi phạm, Ngài đã chẳng phải chết trên cây thập tự. Chúng ta vẫn tin nhờ Thánh giá, Chúa sẽ kéo loài người lên khỏi vùng lầy của tội lỗi. Thánh giá Chúa là bậc thang đầy giá trị đưa mỗi người lên chung hưởng hạnh phúc với Người trên thiên quốc.
Lạy Chúa Giêsu nằm trên cây Thánh giá! Mỗi ngày chúng con đều cất lên lời kinh: “Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con” nhưng Chúa biết phận người còn méo mó và chưa tròn đầy. Xin cho chúng con biết giương cao Thánh giá mỗi ngày bằng hi sinh, đóng nhận những trái ý, hiểu lầm; bằng yêu thương, tha thứ. Đặc biệt, xin Chúa dạy chúng con biết yêu như Chúa yêu – YÊU ĐẾN CÙNG và dám để đời mình nằm trên cây Thánh giá như Đức Kitô. Amen
Đệ tử Cộng đoàn Sơn Tây
— ∞ + ∞ —
Hôm nay cả Giáo Hội hoàn vũ mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa Giêsu. Có lẽ chúng ta đã quá quen thuộc với biểu tượng thập giá mà chúng ta đã được gặp hằng ngày: biểu tượng thập giá trong đời sống chúng ta, có thập giá bị bỏ quên nơi nghĩa trang, có thập giá bị bỏ quên nơi nóc rêu phong của nhà thờ, có thập giá trở thành cớ vấp phạm khi thập giá đó là trang sức cho quí bà và quí cô, có thập giá trở thành biểu tượng uy nghi như thập giá trên ngực của Đức Giám Mục. Và Thập giá là biểu tượng linh thiêng, là niềm tin và cao quý nhất của người Công giáo.
Thập giá là gì? Chúng ta biết rằng người Rôma xưa kia trong bộ hình luật đã sử dụng thập giá như một hình phạt khủng khiếp để đóng đinh những người mang án tử. Vì thế, Thập giá là một hình phạt, là một điều ô nhục, là sự thất bại, là chết chóc, cho nên ở những thế kỷ đầu tiên trong kitô giáo biểu tượng thập giá chưa được suy tôn hay có thể nói người ta tránh né để nói về cái chết ô nhục.
Khi nói đến Thập Giá chúng ta không đề cao sự thất bại, nhưng chúng ta cần phải thấy rằng thập giá có đó, nhưng chỉ khi nào cây thập giá có thân xác của Đức Kitô gắn kết thì Thập giá đó mới trở thành Thánh Giá mang lại nguồn ơn cứu độ. Cũng buổi chiều hôm ấy, có ba người bị đóng đinh đó là Đức Giêsu và hai tên trộm cướp nhưng chỉ có cây thập giá của Đức Giêsu trở thành cây thánh giá cứu độ. Thập giá của hai tên trộm cướp vẫn mãi là nỗi oan khiên, là cảnh nhục hình và chết chóc. Có lẽ trước hết chúng ta thấy Thập giá là sự thất bại bởi vì Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một và Người Con trở thành quà tặng đã bị nhân loại khước từ, bị người ta dày vò và sỉ nhục. Quà tặng là chính Con Một đã bị đem đóng đinh vào thập giá, thập giá là sự thất bại bởi vì nẻo đường cứu độ của Chúa Giêsu còn dang dở, một cuộc hành trình chưa đi đến đích điểm của nó. Thập giá là sự thất bại bởi vì đó là sự ô nhục của những kẻ tội lỗi bị xã hội kết án. Thế nhưng, bên cạnh biểu tượng của sự thất bại, thì thập giá cũng lại là sự chiến thắng, bởi vì Chúa Cha không đưa Đức Giêsu xuống khỏi thập giá nhưng Ngài đã cho Đức Giêsu ra khỏi ngôi mồ của sự chết chóc, của tăm tối lạnh lẽo. Cái chết và những nhục hình nơi thập giá đã trở nên đỉnh điểm, thì cũng chính nơi đây tình yêu của Đức Kitô, tình yêu của Thiên Chúa dâng trào tới điểm cao nhất, là một tình yêu đến tận cùng và cũng là tình yêu tròn đầy nhất khi người ta kéo con người lên khỏi mặt đất, thì Người cũng sẽ kéo cả nhân loại lên với mình.
Vì vậy, trong niềm tin của người kitô hữu thì Thập giá trở thành vinh quang, là niềm hy vọng, là sự chiến thắng tất yếu của tình yêu. Nếu nguồn mạch của sự sống đã tắt thở trên thập giá thì cũng chính nơi ấy đã tuôn trào sự sống mới của Thánh Thần. Sự sống tự cạnh sườn của Đấng chịu đâm thâu.
Khi suy tôn thập giá của Chúa là ta suy tôn một tình yêu viên mãn nhất, một tình yêu dám tự hiến cho người mình yêu. Thập giá chỉ có thể trở thành thánh giá cứu độ khi được tình yêu của Thiên Chúa bao trùm. Thập giá trở thành nguồn mạch của hy vọng, trở thành chiến thắng tất yếu của tất cả chúng ta nhờ chúng ta đặt niềm tín thác nơi Thiên Chúa. Nếu năm xưa dân của Chúa bị rắn cắn mà khi nhìn lên con rắn đồng với niềm tin và được sống thì hôm nay tất cả những ai bị tội lỗi làm chết đi, bị rắn cắn phần linh hồn thì hãy tin tưởng nhìn lên thập giá Chúa Kitô cũng với tâm hồn tin tưởng thì sẽ được ơn cứu độ.
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một để ai tin vào người Con ấy thì được sống muôn đời” (Ga 13,16). Chính vì thế mà hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta suy tôn thập giá của Chúa Giêsu, suy tôn tình yêu của Chúa Cha trao tặng con người, suy tôn sự vâng phục tuyệt vời của Con Một Thiên Chúa, suy tôn một quà tặng mà thế gian không bao giờ có thể tưởng tượng được đó chính là sự sống của Thiên Chúa trao ban cho chúng ta.
Thập giá là vinh quang của Đức Kitô, và cũng là vinh quang của chúng ta, “vinh quang của ta là thập giá Đức Kitô nơi Người ơn cứu độ của ta sức sống của ta” mà Thiên Chúa đã trao tặng.Ước gì chúng ta không vấp phạm về thánh giá của Chúa, và ước chi mỗi chúng ta cũng biết can đảm tháp nhập thập giá nhỏ bé của đời mình với Thánh giá cứu độ của Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ nhận được Thánh giá sẽ nở hoa, ơn cứu độ sẽ được ban tặng.
Cộng đoàn Vĩnh Lộc