Thứ bảy, 23/11/2024

Suy Niệm Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

Cập nhật lúc 09:08 16/06/2020
 
HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG

(Mt 11,25-30)
Trong Tám Mối Phúc thì mối phúc thứ 2 có đề cập đến đức tính hiền lành “phúc thay ai hiền lành vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp”(Mt 5,4). Đây là thái độ căn bản của một người luôn ý thức rõ về chính mình, với những gì “là” mình, để rồi từ đó không tự cao tự đại, nhưng luôn khiêm tốn vào ơn Chúa, cũng như trong cách đối xử với tha nhân. Chúa tỏ ra yêu thương những người hiền lành và khiêm nhường, và đã hứa ban thưởng Nước Trời cho họ. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Người lại một lần nữa đề cao đức tính này qua lời mời gọi “Hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”(Mt 11,29). Điều này giá trị hơn nữa khi đây là lần duy nhất Chúa muốn các môn đệ “học” ở nơi Người.
*Hiền lành và khiêm nhường - Bài học từ Đức Giêsu
Bài học hiền lành và khiêm nhường nơi Thầy Giêsu không giới hạn trên lý thuyết nhưng thật sống động nơi chính con người và đời sống của một vị Thiên Chúa đầy quyền năng đã trút bỏ vinh quangtự ý bước xuống tận cùng những nỗi khổ đau, yếu hèn của con người (Pl 2,6-7). Người là Đấng vô tội đã khiêm tốn đứng trong hàng ngũ của tội nhân để đón nhận phép rửa sám hối từ Gioan. Thay vì kết án, người đã tỏ rõ sự bao dung cùng ánh mắt đầy trìu mến với người phụ nữ bị lên án vì tội ngoại tình. Đó là hình ảnh thật đẹp của người mục tử hân hoan vui mừng vác chú chiên lạc trên vai đưa về nhà sau những ngày đi lạc. Đó là thái độ im lặng trước những lời cáo buộc và bản án bất công của nhóm Pharisêu cùng những nhà lãnh đạo Do thái đương thời dành cho mình. “Người khác nào con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt” (Is 42,3). Sự khiêm nhường và hiền lành càng nổi bật khi Người cầu xin ơn tha thứ cho những kẻ đã kết án và giết mình… Tất cả đã phác họa lên bức chân dung đa sắc màu nhưng thật rõ nét, nơi Đấng là cội nguồn và thầy dạy của sự hiền lành và khiêm nhường. Hiền lành và khiêm nhường khác với sự nhu nhược, tìm một sự thỏa hiệp thế gian, hay là việc làm khuyến khích thêm tội ác, nhưng đây là đường lối của Thiên Chúa dùng để chinh phục những người tội lỗi giúp họ có thể tìm đường quay trở về. Chính sức mạnh của lòng bao dung, sự khiêm nhường sẽ là sức mạnh đánh bật bạo lực và hận thù nơi con người. Trong muôn vàn phương cách, Người đã chọn con đường khiêm hạ, con đường của sự tự hủy vì tình yêu của mình để vinh quang của Thiên Chúa được mặc khải. Đó là cách Chúa đã sống, con đường Người đã đi và Người cũng mời gọi mỗi người chúng ta dấn bước theo Người.
*Hiền lành và khiêm nhường – con đường khám phá mầu nhiệm Thiên Chúa
Chiêm ngắm mẫu gương hiền lành và khiêm nhường của Đức Giêsu giúp chúng ta khám phá ra con đường đến gần với mầu nhiệm của Thiên Chúa. Con đường đó chính là sự Hiền lànhKhiêm Nhường. “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”(Mt 11,25). Một vị Thiên Chúa khiêm nhường luôn tìm đường đi xuống, nên chỉ những ai hạ mình thẳm sâu trong khiêm nhường, nhỏ bé mới có thể gặp và hiểu được căn tính đích thực của Người. “Người hèn mọn” ở đây không nhằm ám chỉ tầng lớp dân nghèo, quê mùa, ít học nhưng là những người có tâm hồn đơn sơ, trong sáng trước Lời của Chúa, đồng thời ý thức thân phận yếu đuối của mình để hoàn toàn đặt trọn niềm tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa. Nơi những tâm hồn đó là mảnh đất tốt để cho hạt giống Lời Chúa được nảy nở và trổ sinh. Do đó, ta có thể khẳng định chắc chắn rằng sự hiền lành và khiêm nhường chính là con đường giúp ta tiến đến gần với Thiên Chúa và hiểu thấu được các mầu nhiệm Nước Trời. Ngược trở lại, những người kiêu căng, tự cao tự đại sẽ mãi mãi không gặp được Người.
*Hiền lành và khiêm nhường – Dấu chứng của người môn đệ Đức Kitô
Gương mẫu và bài học về sự hiền lành và khiêm nhường nơi Chúa vẫn luôn mời gọi người môn đệ theo Người cũng sống theo nếp sống của sự hiền lành và khiêm nhường. Bởi theo Đức Kitô không gì khác hơn là mỗi ngày trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Là người môn đệ của một vị Thiên Chúa cao sang đã hạ mình xuống làm người hèn mọn thì con người chúng ta làm sao có thể sống tự cao, tự phụ? Một người Thầy đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, thì làm sao môn đệ có thể có lối sống hưởng thụ, quyền lực được? Một vị Mục tử đã chấp nhận sống hiền lành, hy sinh chịu đựng mọi sự bất công và yêu thương cả kẻ thù, thì làm sao chiên của Người lại có thể buông theo lối sống ích kỷ và hận thù được? Tất cả cuộc sống chúng ta phải là sự họa lại đức khiêm nhường và hiền lành của Chúa Giêsu- Thầy Chí Thánh. Là người môn đệ của Chúa, chúng ta được mời gọi năng chạy đến với Thầy Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể để chiêm ngắm và để kín múc nơi Người bài học đầy ý nghĩa từ sự hiền lành và khiêm nhường. Chúng ta hãy nhận lời mời của Người, hãy đến với Người, hãy học với người, hãy mang tâm tình và sống như Người đã sống. Để với đời sống hiền lành và khiêm nhường, mỗi người chúng ta sẽ luôn được bao bọc trong tình yêu của Người và chan hòa tình yêu thương với anh chị em mình.
Sống trong một thế giới mà những qui luật "mạnh được yếu thua", "lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng", hoặc "được làm vua thua làm giặc", gần như là tất yếu và phổ biến, thì lời giảng dạy của Chúa Giêsu về đức Hiền lành và Khiêm nhường, quả thực là một điều không dễ. Điều này đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ mình, bỏ đi những khát vọng vốn có của bản năng mỗi người như tiền tài, địa vị, danh vọng… để bước đi trên con đường khiêm hạ, nhỏ bé từ trong hữu thể của mình. Nhưng chúng ta tin rằng Chúa đã đi qua và Người đã chiến thắng, hôm nay Người mời gọi thì Người cũng sẽ trợ lực cho chúng ta chiến đấu đến cùng. Hãy tin tưởng vào Người!
Lạy Chúa Giêsu khiêm nhường và hiền hậu, xin giúp chúng con biết năng chạy đến với Chúa-người thầy khôn ngoan để chúng con hấp thụ được tình yêu và sự khiêm nhường của Người. Đặc biệt, hôm nay cũng là ngày toàn thể Giáo hội xin ơn thánh hóa các Linh mục, chúng con xin dâng tất cả các Linh mục vào Thánh Tâm Chúa để các Ngài luôn được bao bọc trong tình yêu và kín múc nguồn ân sủng nơi Chúa. Xin Chúa uốn nắn tâm hồn các Ngài cũng luôn có tâm tình hiền hậu và khiêm nhường, để trở nên những mục tử như lòng Chúa ước mong. Amen
 Têrêsa Lê Thanh Huệ
Lớp Thần học K4 - Học viện MTG Hưng Hóa

 
HỌC VỚI THẦY GIÊSU

“Hãy học với Ta vì Ta hiện lành và khiêm nhường”
 Sống trong xã hội ngày càng tiến bộ và phát triển, đời sống vật chất con người ngày càng đầy đủ và tiện nghi hơn rất nhiều. Nhưng những tệ nạn, bệnh tật, chết chóc và bất hòa lại càng gia tăng. Chính vì vậy, mỗi người chúng ta hãy dành ra một chút thời gian dừng, để nhìn lại cuộc sống của chính mình trong từng giậy phút của cuộc đời. Hòa trong tâm tình đó, ngày hôm nay Giáo Hội cũng đặc biệt nhắc lại lời mời gọi tha thiết của Chúa Giêsu “Hãy học với Trái Tim Chúa” để mỗi người thấy rằng Thiên Chúa là thế đó, một quả tim rộng mở trong tình yêu để chờ đón hết mọi người. Nghe những lời mời gọi đầy yêu thương như vậy, chúng ta nghĩ gì? Chúng ta có đồng ý ở lại học với Ngài không? Đây không phải là lời mời gọi của một con người, mà là lời mời gọi của một Thiên Chúa Tình Yêu.
 “Hãy học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Hầu hết những xung đột trên thế giới đều phát xuất từ tính kiêu căng và ghen tỵ, chỉ vì kiêu căng nên dẫn đến tự ái, cạnh tranh với người khác. Vì thế tâm hồn con người không lúc nào được nghỉ yên. Muốn được bình an thư thái phải học nơi Trái Tim Chúa sự hiền lành khiêm nhường. Người hiền lành, khiêm nhường chiến đấu với chính mình chứ không chiến đấu với người khác. Khi biết chiến đấu để thắng được chính mình, ta sẽ cảm nhận được sự bình an trong tâm hồn. Người hiền lành, khiêm nhường quên mình vì người khác chứ không quên người khác vì mình. Khi biết quên mình để nghĩ đến người khác là ta đang góp phần xây dựng hoà bình trên thế giới.
Vâng, lời mời gọi tha thiết của Đức Giêsu vẫn đang vang vọng trong tâm hồn mỗi Kitô hữu chúng ta “Hãy học với Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Hãy học với Người, hãy học nơi trường Giêsu, nơi người Thầy mang tên Giê-su. Bởi nơi Người, chúng ta gặp một mẫu gương đích thực về sự hiền lành và khiêm nhường: Người là Thiên Chúa nhưng đã hạ mình mặc lấy thân phận tôi đòi (Pl 2,6), Người là Thầy, là Chúa nhưng đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, Người hiền lành như chiên con bị xén lông, bị đem đi làm thịt mà chẳng mở miệng kêu ca (Is 53,5-7), và Người đã sống sự khiêm hạ tới tột cùng là chấp nhận cái chết nhục nhã trên thập giá. Nhưng sự hiền lành và khiêm hạ đó lại trở thành dũng lực, là sức mạnh của Tình Yêu và ơn cứu độ cho con người.
Sống trong bối cảnh xã hội hôm nay, hơn bao giờ hết, mỗi người cần bớt chút thời gian dừng lại mỗi ngày để hướng về tình yêu cao cả và tuyệt vời ấy. Một thế giới quá ồn ào của thời đại kỹ thuật số, ồn ào vì quá nhiều những tiếng động ầm ĩ của chết chóc và bạo lực, và nhất là ồn ào vì những tiếng xào xạc của tiền bạc kéo lôi con người vào một lối sống ích kỷ và hưởng thụ. “Hãy học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” Trái tim Đức Giêsu chính là chân trời rộng mở của tình yêu, một tình yêu sâu xa và cao cả nhất mà Thiên Chúa đã hiến trao cho nhân loại.
Để tinh luyện con tim, mỗi người hãy nhìn lên Thập giá Đức Giêsu, chiêm ngắm trái tim của Đấng đã bị đâm thâu để học nơi Ngài bài học căn bản nhất như Ngài đã nói: “Anh em hãy học với Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhường”. Chúng ta phải học, học nữa, và học mãi nơi ngôi trường này, bởi nơi đó là cội nguồn chân -thiện - mỹ. 
Khi suy niệm trang Tin Mừng hôm nay, hẳn mỗi người cũng tự hỏi: Tại sao một Thiên Chúa quyền uy, Ngài đầy vẻ thánh thiện, khôn ngoan và biết bao đức tính tốt đẹp khác, mà Ngài chỉ mời gọi học nơi Ngài có hai đức tính nhân bản: “Hiền lành và khiêm nhường”? Điều đó, phải chăng nói lên tầm quan trọng của sự tập luyện đức tính nhân bản trên tiến trình thành nhân. Mỗi người hãy cộng tác vào ơn Chúa bằng sự cố gắng rèn luyện, gọt dũa, uốn nắn con người mỗi ngày. Khiêm nhường là nhân đức cơ bản, có được đức khiêm nhường là có tất cả. Hiền lành là dịu dàng, ngọt ngào, hiền lành là nhân đức bao gồm tâm thế bên trong và phản ứng bên ngoài. Tâm thế bên trong thì luôn êm ái, hoà nhã, nghĩ tốt về người khác, yêu thương, khoan dung, thông cảm. Phản ứng bên ngoài thì nhẹ nhàng, tôn trọng. Đấng Cứu Thế là Con Chiên hiền lành đón nhận lấy tất cả trong sự vâng phục và trở thành của lễ và là Đấng Cứu Độ cho mọi người.
Bước đi trên hành trình dâng hiến, cách riêng đối với các nữ tu đang được chính Thiên Chúa mời gọi vào học trong mái trường thân thương của Chúa, học bài học khiêm nhường và hiền lành, để được chính bàn tay Ngài uốn nắn, trở thành hiền thê “khiêm nhường và hiền lành” trong trái tim Chúa. Lời mời gọi của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay nhắc nhớ mỗi nữ tu nhớ lại lời mời gọi thiêng liêng trong ngày con tuyên khấn lần đầu với ba lời khuyên Phúc Âm. Hãy đến với Chúa, mặc lấy tinh thần từ bỏ với đức khó nghèo. Hãy mang lấy ách của Chúa, nặng nề đó nhưng rất dịu dàng để sống đức khiết tịnh. Hãy học nhân đức khiêm nhường hiền lành, đó cũng là học cách vâng phục trong đời hiến dâng.
Học với Thầy Giêsu về sự hiền lành và khiêm tốn, đó là điều cần thiết và quan trọng mà hết mọi người kitô hữu nói chung và cách riêng với những người sống đời Thánh Hiến cần luyện tập mỗi ngày, để tinh luyện con tim nên giống trái tim Chúa. như vậy mỗi ngày sống mỗi người cần nhìn lên Thập Giá Chúa để chiêm ngắm trái tim của Đấng bị đâm thâu để học nơi Ngài bài học căn bản: “Anh em hãy học với tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường”. Chỉ một bài học thôi, mà chúng ta phải học nữa, học mãi, học suốt cả cuộc đời. Chỉ khi biết chạy đến với trái tim Chúa để học sự hiền lành và khiêm nhường, thì tâm hồn mới thực sự cảm nhận được niềm vui và sự bình an.
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin thương xót tất cả chúng con và xin đổ đầy tình yêu của Chúa vào mỗi con tim chúng con. Amen!
                                                              
                                                                         Maria Trần Thị Hảo
Lớp Thần học K4 - Học viện MTG Hưng Hóa
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log