GIOAN – KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA
Trước mỗi việc trọng đại, mỗi người thường lập cho mình một bản kế hoạch. Bản kế hoạch được chuẩn bị càng chu đáo, kĩ càng bao nhiêu thì nó sẽ giúp công việc diễn ra thành công, tốt đẹp bấy nhiêu. Ngược lại, bản kế hoạch sơ sài, không chỉnh chu thì công việc sẽ gặp nhiều khó khăn và dẫn đến thất bại. Đối với con người là vậy, nhưng đối với Thiên Chúa, sự chuẩn bị của Người không theo suy nghĩ nhân loại nhưng là một kế hoạch vĩ đại của tình yêu mà đôi mắt thể lí không thể thấy. Con người chỉ có thể nhận ra dưới con mắt của đức tin. Lời Chúa hôm nay mời gọi từng người nhìn sự việc của em bé Gioan Tẩy Giả chào đời và cách đặt tên cho ông. Đó là một kế hoạch tuyệt vời của Thiên Chúa.
Gioan Tẩy Giả chào đời là sự tình cờ hay xếp đặt từ Thiên Chúa? Nếu nói một em bé được sinh ra là lẽ tất yếu của các đôi vợ chồng theo tự nhiên thì với ông bà Dacaria và Êlisabét không phải như vậy vì “Êlisabét là một người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên” (Lc 1,7). Thế nhưng, trái với lẽ tự nhiên, bà mang bầu và hôm nay sinh hạ một con trai. Đó là quà tặng Thiên Chúa dành cho ông bà – một quà tặng cao quý, nhưng không mà ông bà được nhận. Thế nên, “nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà” (c. 58). Niềm vui ấy được thông chia với hết tất cả mọi người chung quanh. Gioan chào đời quả là một ngày vui, vui cho gia đình dòng họ Dacaria. Cũng vậy, khi Đấng Cứu Thế đến, niềm vui to lớn đã vượt quá khuôn khổ của một gia đình, một dòng tộc, một quốc gia để trở thành niềm vui của mọi thế hệ con cái loài người và toàn thế giới.
Gioan – quà tặng cao quý Thiên Chúa dành cho gia đình Dacaria là một dự định của Thiên Chúa trong kế hoạch tình yêu. Gioan là người loan báo và dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ngay từ khi chào đời, tên đặt cho con trẻ cũng không phải ngẫu nhiên. Khi con trẻ được tám ngày và làm phép cắt bì, người ta tính lấy tên cha mà đặt cho em nhưng bà Êlisabét quả quyết “phải đặt tên cháu là Gioan” (c. 60). Bà không hỏi ý kiến của chồng về tên này nhưng hai người cùng đặt tên con như nhau. Điều đó chứng tỏ ông bà đều được Chúa Thánh Thần linh hứng. Khi Dacaria viết lên bảng “Tên cháu là Gioan” (c. 63), chứng tỏ ý kiến của ông đã củng cố ý kiến của vợ mình và cả hai cùng theo ý định Thiên Chúa mạc khải qua sứ thần Gáprien. Sự thống nhất bất ngờ của hai ông bà về cách đặt tên không theo truyền thống chính là sự can thiệp từ Thiên Chúa. Điều này đã chứng tỏ rằng cuộc đời Gioan sẽ luôn có bàn tay Thiên Chúa phù hộ, yêu thương để loan báo và dọn đường cho Đấng Cứu Thế.
Nhìn vào việc đặt tên cho con trẻ trong kế hoạch của Thiên Chúa, mỗi người được mời gọi nhìn lại chính mình trong tình yêu. Phải chăng mỗi biến cố cuộc đời, mọi sự giống như tình cờ và bất ngờ xảy đến lại nằm trong sự quan phòng của Chúa ? Dường như mọi thứ trong cuộc đời tưởng chừng dang dở, không trọn vẹn, không tròn đầy như ông bà Dacaria cao niên, hiếm hoi, không có con nhưng có bàn tay Thiên Chúa làm được tất cả và có những kế hoạch kì diệu cho công trình cứu độ. Có lẽ, Lời Chúa hôm nay mời gọi từng người nhìn vào gia đình Dacaria, nhìn vào biến cố đặt tên cho con trẻ và nhìn vào chính cuộc đời mỗi người trong thinh lặng khôn ngoan để nhận ra ý định của Thiên Chúa. Chắc chắn, Chúa đã có kế hoạch cho mỗi một người chúng ta. Điều quan trọng, con người có đón nhận, tin tưởng và phó thác cho Chúa hay không? Con người có dám để tình yêu Chúa bóc tách, lột vỏ đời mình, lột vỏ hồn mình để nhận ra Ánh Sáng tâm linh hay không?
Lạy Chúa Giê-su! Khi đến thế gian Chúa được thánh Gioan chuẩn bị, dọn đường. Hôm nay, Chúa cũng muốn tất cả mọi người kitô hữu chúng con luôn biết dọn đường cho Chúa bằng chính đời sống của mình. Xin Chúa cho từng người biết noi gương Thánh Gioan để trở nên người làm chứng cho Chúa giữa cuộc sống trần gian còn đầy ngổn ngang và phức tạp. Xin Chúa cho chúng con biết nhận ra cuộc đời mỗi người là dự định của Chúa để chúng con biết đón nhận, trân trọng mọi người với đôi mắt yêu thương như Chúa đã nhìn chúng con. Xin Chúa cho chúng con biết cuộc đời chúng con cũng là một kế hoạch kì diệu của Người, mọi biến cố vui, buồn, thành công, thất bại,... đều không nằm ngoài bàn tay yêu thương của Chúa. Từ đó, mỗi phút giây cuộc sống chúng con cảm nếm trọn vẹn hương vị tình yêu và đắm mình trong hạnh phúc ngọt ngào Chúa dành tặng cho chúng con. Khi biết phó thác mọi sự cho Chúa, chúng con sẽ thấy không gì là đau khổ và “hạnh phúc ngay cả khi con khóc”. Ước gì những ai gặp gỡ chúng con, tiếp xúc với chúng con, làm việc cùng chúng con, họ sẽ cảm nhận được Chúa trong chúng con, họ sẽ thấy niềm vui của chúng con khi có Chúa và nhận ra chúng con là một chấm trong những kế hoạch tình yêu. Chúng con xin dâng cuộc đời chúng con cho Chúa. Amen.
Đệ tử Cộng Đoàn Nỗ Lực
— ∞ + ∞ —
HUYỀN NHIỆM ƠN GỌI
Ngày 24.06 là một ngày bình thường trong 365 ngày, nhưng trong cái bình thường Chúa lại làm nên điều phi thường. Thật là đẹp! Hôm nay, cả Giáo Hội mừng lễ Sinh nhật một vị Thánh, xuất thân trong một hoàn cảnh đặc biệt, độc đáo và duy nhất, đó chính là Gioan Tẩy Giả - vị Tiền Hô của Chúa. Ngay từ khi sinh ra đã làm cho bao người phải thắc mắc “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào?”. Quả thật, trừ Đức Trinh Nữ Maria, thì thánh Gioan Tẩy Giả là vị thánh duy nhất mà Phụng vụ mừng ngày sinh và Giáo Hội mừng sinh nhật thánh nhân vì nó gắn liền với Mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa.
Trong Tin Mừng, chính Đức Giêsu đã nói về Gioan: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả...” (Mt 11,11). Quả thực, cả cuộc đời Gioan đã sống trọn vẹn cái cao trọng, cái độc đáo ấy: cha mẹ của ngài là ông Dacaria và bà Elizabet, theo Tin Mừng mô tả “Họ không có con và cả hai đều đã cao niên”, nhưng sau bao nỗi tủi hổ của ông bà, Thiên Chúa đã cất đi khi Gioan được thụ thai, thật là huyền nhiệm! Huyền nhiệm vì không phải do con người lên kế hoạch và thực hiện, nhưng là do ý định của Thiên Chúa. Nó huyền nhiệm đến nỗi với khả năng của một con người bình thường cũng khó để hiểu và cắt nghĩa cho đúng. Vì cái tên gọi “Gioan”, chính hai ông bà đã không hiểu, chỉ biết Thiên Chúa truyền phải đặt tên con như vậy? Láng giềng cũng không hiểu được tại sao trong họ hàng không ai có cái tên đó vậy mà hai ông bà nhất quyết đặt như vậy. Nhưng đến khi trưởng thành, Gioan đã nghe theo tiếng gọi của Thiên Chúa, sống trọn vẹn cho sứ mạng được trao phó, ngài sống khắc khổ, khiêm nhường, khó nghèo, ăn uống khổ cực, thật đúng với danh hiệu “dọn đường” cho Đấng Cứu Thế. Đây thật đúng là độc đáo. Độc đáo như “ngọn hải đăng”, luôn đứng ở một ví trí cao, tuy nhỏ bé nhưng ánh sáng lại chiếu soi cho mọi người tìm thấy đường vào bờ.
Thật vậy, không một tạo vật nào mà Thiên Chúa dựng nên ngoài thánh ý yêu thương của Thiên Chúa. Không một tạo vật nào mà Chúa dựng nên nó vô nghĩa cả, nó luôn mang giá trị của nó. Như Gioan, mỗi người cũng có một sứ mạng, một ý định, một ơn gọi riêng do Thiên Chúa dành cho. Nhưng làm sao biết được? Thiên Chúa đã đặt để nơi con người sự tự do để thi hành và chọn lựa ơn gọi riêng của mình, và mỗi người đều được mời gọi phải thể hiện ơn gọi đó cách thành toàn trong bậc sống mình, trong lương tâm ngay thẳng và trong lề luật của Thiên Chúa. Nhưng dường như con đường của Giêsu đi ngược lại với những cái bình thường của thế gian. Thế gian dạy người ta đua chen tranh giành để làm lớn, nhưng Chúa Giêsu dạy các môn đệ của mình sống khiêm hạ yêu thương. Thế gian dạy người ta sống ích kỷ để thoải mái thừa hưởng nhiều bao nhiêu có thể, thì Chúa Giêsu lại dạy các môn đệ của mình từ bỏ để trao ban. Thế gian dạy người ta đứng thẳng huênh hoang để khẳng định mình, thì Chúa Giêsu dạy người ta cúi mình để phục vụ. Thế gian dạy người ta ở yên trong những vị thế ngon lành mà mình đã chiếm được, thì Chúa Giêsu dạy người ta đứng dậy, rời khỏi chiếc ghế của mình, cởi bỏ những tiện nghi được khoác cho riêng mình, dùng chính những tiện nghi ấy để phục vụ cho người chung quanh.
Nhưng cái ngược lại của Giêsu đã làm thổn thức, trăn trở cho bao cõi lòng, giữa một thế giới đầy biến động, không chỉ ngày xưa mà hôm nay Chúa vẫn muốn tất cả mọi người “hãy là chứng nhân”. Mỗi người hãy là chứng nhân của niềm tin và đem ơn Chúa đến với người khác, bởi vì: có những người đang chết dần vì không đủ cơm ăn áo mặc, có những cuộc đời tàn lụi đi vì bệnh hoạn tật nguyền. Có những tấm thân gầy mòn vì lao lực vất vả. Có những cuộc đời trẻ thơ bị giam kín trong tăm tối thất học, nghèo nàn. Có những tâm hồn đang ủ rũ vì buồn phiền. Có những mạch máu như ngừng chảy vì đau khổ. Có những trái tim đang tan nát vì bị phản bội. Có những cuộc đời cay đắng vì thất bại. Có những tương lai bị chôn kín trong những nấm mồ đen tối không lối thoát. Nhất là có những tâm hồn đang lún sâu trong vũng lầy tội lỗi. Có những linh hồn đang tự huỷ hoại trong đam mê danh, lợi, thú. Có những niềm tin héo úa vì lạc hướng. Có những đời sống đang rỉ máu vì chia rẽ bất hoà, vì những lời nói ác độc, thiếu bác ái. Có những cuộc đời đang chao đảo vì gặp khó khăn thử thách. Tất cả đang đợi chờ tình yêu của Chúa! Ngài là vòng tay yêu thương, tình yêu Chúa sẽ luôn gìn giữ chúng ta.
Và còn đẹp hơn nữa, mỗi khi mừng lễ sinh nhật thánh Gioan, Giáo Hội nhắc nhớ mỗi người về bổn phận ngôn sứ của mình đã được ủy thác ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Là kitô hữu mỗi người được mời gọi trở nên Ánh Sáng cho mọi người, là Muối ướp cho mặn đời, là chứng nhân của Tin Mừng giữa lòng thế giới hôm nay. Bằng niềm tin, tình yêu và sự khiêm nhường mỗi người dấn bước trong ơn gọi riêng và độc đáo của mình, Tin Mừng của Chúa chỉ có thể lan tỏa khi mỗi người đều nhận thấy rằng “Ngài phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”. Ước chi mỗi người là một Gioan Tẩy Giả của Chúa, để càng ngày càng thêm người dấn thân phụng sự Chúa trong việc loan báo Tin Mừng.
Salem
Lớp Thần học K4 - Học viện MTG Hưng Hóa
— ∞ + ∞ —
ĐỜI CHỨNG NHÂN
Con người sinh ra trong cuộc đời này, mỗi người đều có một tên gọi được cha mẹ đặt cho, để xưng hô và giao tiếp. Bên cạnh đó, theo quan niệm truyền thống, cái tên cũng là sự gửi gắm mơ ước, hy vọng của người cha, người mẹ dành cho con mình. Một cái tên hay, tươi sáng sẽ là sự báo hiệu, sự mở đầu cho một cuộc đời nhiều may mắn, thành công. Thế nên, cùng với tên gọi là hàm ý một dự phóng cho tương lại, có khi chỉ một ước vọng, đôi khi gợi lên tình cảm lúc sinh ra hoặc tương lai mà cha mẹ thấy được, và thậm chí là cả một sứ mạng, sứ mạng đó nằm trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan Tẩy giả, một lần nữa gợi lại cho chúng ta về ơn gọi và sứ mạng của vị ngôn sứ qua tên gọi “Gioan”, đồng thời cũng là lời mời gọi để mỗi người kitô hữu sống vai trò chứng nhân trong chính cuộc sống của mình.
Khi chiêm ngắm cuộc đời của Thánh Gioan, có lẽ mỗi người kitô hữu đều nhận thấy một điều gì đó lạ thường nhưng cũng rất phi thường. Lạ thường vì Gioan sinh ra trong hoàn cảnh cả cha lẫn mẹ đều đã cao niên và cả hai đều bị tiếng là son sẻ, (x. Lc 1,8-25). Ngay từ khi còn trong lòng mẹ, bào nhi Gioan đã nhảy mừng đón Chúa khi Đức Maria đến viếng thăm bà Êlisabet (x. Lc 1,41). Ngay khi chào đời, Gioan đã chọn hoang địa làm nơi cư trú: “Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ítraen” (Lc 1,80). Cuộc sống của Gioan gắn liền với thiên nhiên đạm bạc: “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn” (Mc 3, 4). Đây là hành trang giúp Gioan chu toàn sứ vụ mà Thiên Chúa đã chọn và mời gọi ngài trong đời sống chứng nhân, đời sống dọn đường, mở lối cho Đấng Cứu Thế. Mặc dù được dân chúng coi là Đấng Mêsia nhưng thánh Gioan vẫn khiêm tốn nhận mình chỉ là người dọn đường: “Đấng đến sau tôi, thì cao trọng hơn tôi và tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” (Lc 3,16). Và cuối cùng, vì làm chứng cho sự thật Gioan chết vì một lời hứa khờ dại của vua Hêrôđê. Thật đúng như ai đó đã từng nói: Gioan Tẩy Giả sinh ra trong khác thường, lớn lên trong nghịch thường và chết trong phi thường. Có thể dưới con mắt người đời, cuộc đời của Gioan Tẩy giả như là một sự thất bại, một sự thua thiệt; nhưng, thực chất đó lại là một tấm gương để mỗi người kitô hữu có thể can đảm và trung thành sống sứ vụ của mình trong bối cảnh xã hội hôm nay. Như lời kinh của Thánh Phanxicô Assidi đã xác tín: “chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”; và như một định luật: hạt giống muốn nảy mầm phải chấp nhận bị chôn vùi, bị bóc trần, mục nát và tự hủy; một viên đá muốn nhẵn nhụi phải chấp nhận bị sói mòn. Đó là định luật tự nhiên và cũng là định luật áp dụng cho những ai muốn theo Chúa, để dù ở tận cùng đau khổ vẫn có Chúa là nguồn an ủi cho cuộc đời. Cũng như Gioan Tẩy giả, ơn gọi trở nên chứng nhân cho Đấng Cứu Thế không hứa hẹn cho ông một cuộc sống sung túc và dễ dãi. Vì muốn sống cho đến cùng ơn gọi ngôn sứ và Tiền Hô của mình, Gioan Tẩy Giả đã phải đánh đổi bằng mạng sống. Và như thế, người kitô hữu chúng ta, để làm chứng cho Tin Mừng, chắc chắn chúng ta cũng không tránh khỏi những khó khăn, thử thách, thậm chí cả những bách hại. Thật vậy, trong bối cảnh xã hội hôm nay, người ta coi nhẹ sự thật và chân lý, vì thế làm sao để chúng ta trở nên chứng nhân cho tình yêu nếu không phải là một đời sống thánh thiện và sống đúng niềm tin mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu Phép Thánh Tẩy. Hơn lúc nào hết, mỗi người kitô hữu chúng ta phải là những sứ giả như Gioan để chính cuộc sống của chúng ta là lời chứng sống động cho con người thời đại nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Mỗi người trong chúng ta hãy đọc lại những lời mà Mahatma Gandi đã từng nói với các nhà truyền giáo: “Hãy để cho đời sống các ngài nói với chúng tôi như đóa hoa hồng không cần ngôn ngữ mà chỉ đơn sơ để cho hương thơm của mình tỏa lan. Cả người mù dù không thấy hoa hồng mà vẫn nhận ra được mùi thơm của nó; Và, hãy để cho chúng tôi nghĩ tới sự cao cả của nhân dân các ngài khi họ tỏa hương thơm đời sống. Đối với tôi, đó là tiêu chuẩn duy nhất. Tất cả những gì tôi muốn họ làm là sống đời sống Kitô hữu chứ không phải là chú giải nó”. Như thế, chúng ta chỉ có thể làm chứng bằng chính đời sống của chúng ta, bởi vì “con người thời nay cần chứng nhân hơn thầy dạy”.
Lạy Chúa, trên hành trình theo Chúa, chúng con sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn và thử thách. Nhưng xin cho chúng con luôn biết xác tín rằng Chúa sẽ luôn đồng hành với chúng con trên mỗi chặng đường. Xin Chúa ban thêm niềm tin, lòng cậy trông và tình yêu mến để cuộc đời của chúng con cũng trở nên lời ca tụng Chúa và là bằng chứng sống động cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là tình yêu. Amen.
Maria Mai Hậu
Lớp Thần học K4 - Học viện MTG Hưng Hóa
— ∞ + ∞ —
KHIÊM NHƯỜNG THẲM SÂU
Hôm nay, cả Giáo Hội long trọng mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan Tiền Hô, người đi trước để dọn đường cho Chúa đến, người là tiếng kêu trong hoang địa, là vị Ngôn Sứ cuối cùng của thời Cựu Ước. Nhắc đến thánh nhân chúng ta không thể không nhắc đến nhân đức khiêm nhường thẳm sâu của ngài. Cả cuộc đời của ngài đã thêu dệt nên nhân đức ấy.
Lật mở những trang đầu tiên của Tin Mừng Luca cho chúng ta biết về cuộc sinh hạ của Thánh Gioan. Đến ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Elisabeth sinh hạ một con trai. Láng giềng nghe biết Chúa đã thương bà liền đến chúc mừng và làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Dacaria của cha mà đặt cho em. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: “không được, phải gọi tên là Gioan”. Và họ hỏi người cha muốn đặt tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: “tên cháu là Gioan”. Và mọi người đều bỡ ngỡ. Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông chúc tụng Thiên Chúa.
Qua cuộc hạ sinh theo thánh sử Luca thuật lại đã giúp chúng ta biết thân thế của Gioan: ông sinh ra trong truyền thống tư tế, thượng lưu, Gioan có quyền hưởng cuộc sống sung túc và trưởng giả. Thế nhưng, ông đã bỏ lại mọi sự để chọn một lối sống âm thầm, khiêm tốn gắn liền với sa mạc. Thức ăn của ông là châu chấu và mật ong rừng. Ông sống khó nghèo đến độ lấy da thú làm áo che thân. Chính cách sống ấy nói lên sứ mạng và tầm quan trọng, ông đã trở thành vị ngôn sứ vĩ đại của Thiên Chúa, trực tiếp dọn đường cho Đấng cứu thế. Sau thời gian sống ẩn dật tại rừng vắng, Gioan ra đi và thi hành sứ vụ. Khi ông xuất hiện trước toàn dân và làm phép rửa, dân chúng tưởng ông là Đấng Cứu Thế! Lúc đó có nhiều người đến hỏi xem ông có phải là Đấng Kitô không, ông đã phủ nhận và lên tiếng: “Có Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi. Tôi không đáng cởi dép cho Ngài” (Lc 3,16). Ngài cũng nói rõ vai trò của mình là người chỉ đường: “Ngài phải lớn lên còn tôi phải nhỏ đi” (Ga 3,30). Cuối cùng, cuộc đời của Gioan được kết thúc bằng cái chết trong ngục tù. Chính cái chết của ngài đã được muôn đời ca ngợi.
Qua bài tin mừng hôm nay, hình ảnh Gioan một lần nữa đánh động tâm hồn con. Một sự khiêm nhường đến tận cùng của một vị thánh nhân. Dường như ông không hề nghĩ đến mình, không nhìn nhận sự tồn tại của mình, mà luôn quy hướng về Thiên Chúa, quy mọi vinh quang, vương quyền về Thiên Chúa. Ông coi mình chỉ là khí cụ thấp kém mà Chúa dùng để dọn đường cho Ngài. Và suốt cả đời ông, dù sống, hoạt động rao giảng cũng đều giữ vững vị trí của mình, không hề vênh vang trước những lời ca tụng, không tự mãn trước những thành công đạt được. Gioan thật đúng là một vị ngôn sứ mẫu mực cho mọi thời đại, đặc biệt là thời đại của con người hôm nay, khi mà đức khiêm nhường dường như trở nên yếu thế hoặc có thể coi là lạc hậu, bị người ta coi thường, khinh dể.
Nhưng bước theo ơn gọi đời thánh hiến, là bước theo con đường một thời Chúa đã đi, con đường không trải dài bởi những vinh quang nhưng dệt kết bởi những sự tự hạ đến hút thẳm. Con cũng biết rằng đường theo Chúa sẽ không phải là lời mời gọi con đi tìm kiếm sự thành công theo kiểu trần tục, nhưng mời gọi con đi trên những bước đường của sự khiêm nhường, một sự khiêm nhường đích thực, một sự khiêm nhường mang dấu chứng của lòng trông cậy, tin tưởng vào chúa.
Vậy mà, lạy chúa đã bao lần con vênh vang, tự đắc trước những điều, những khả năng hay những công việc mà con thực hiện được. Con nghĩ con đã tự sức mình làm được tất cả, để rồi nhiều khi con tỏ ra “kiêu căng” với chị em. Do đó, nhiều lần con tạo ra những nhánh gai làm đau người khác.
Lạy chúa! Xin Ngài giúp sức, ban cho con ơn cần thiết, đặc biệt là ơn can đảm để mỗi ngày con sống khiêm nhường hơn, sẵn sàng hòa mình vào mọi người. Giúp con ý thức mỗi ngày suy niệm sự tự hạ của Chúa nhiều hơn. Nhìn nhận mình chỉ là “con lừa chở hòm xương thánh mà thôi”. Amen.
Maria Nguyễn Thị Bích
Lớp Thần học K4 - Học viện MTG Hưng Hóa