Con Đường Lên Trời Là Con Đường Đến Với Tha Nhân
Khi còn là một cô bé sống tại gia đình, bố tôi thường hay nhắc nhở tôi rằng: “đừng chỉ có thấy nắm xôi dẻo mà không biết đến nẻo đường xa…”. Quả vậy, thường thường chúng ta thường chỉ để ý tới những thành công, tới những vinh quang của chúng ta hoặc của ai đó mà ít quan tâm đến những khó khăn và công sức để có được điều thành công đó. Chẳng hạn khi nhìn thấy một bác sĩ giỏi ai cũng tấm tắc khen ngợi tài năng của ông nhưng có mấy ai nghĩ tới việc ông đã phải vất vả, thức khuya dậy sớm, nỗ lực học hành như thế nào để có được thành công đó. Hay để trở thành một tu sĩ thánh thiện, họ phải mất bao công sức, rèn luyện, tu tập các nhân đức mới có được sự thánh thiện.
Bài Tin mừng trong thánh lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời hôm nay, không giới thiệu cho chúng ta thấy một việc cao trọng nào khiến Mẹ được vinh quang trên Nước Trời mà chỉ cho ta thấy một hành trình Mẹ đến với người chị họ Elisabeth. Thật vậy, ngay sau khi đáp tiếng xin vâng, đón nhận Con Thiên Chúa nhập thể trong cung lòng của Mẹ, và ngay sau khi nghe sứ thần báo tin bà chị họ Elisabeth mang thai trong lúc tuổi già. Mẹ đã vội vã lên đường đến thăm bà chị họ (x. Lc 1, 26-38). Mẹ đến để làm gì? Thứ nhất, Mẹ đến là để mang Tin Mừng đến cho người chị họ. Tin Mừng mà Mẹ đang cưu mang trong cung lòng của mình. Tin Mừng đó lớn quá đỗi khiến Mẹ phải lên đường một cách không cưỡng lại được:“Bà Maria lên đường vội vã…”. Tin Mừng đó khiến Mẹ không thể giữ riêng cho một mình Mẹ nhưng phải được loan đi cho người khác. Đó chính là sứ vụ của người mang Tin Mừng nơi bản thân mình, mà đây lại là một Tin Mừng cứu độ cho nhân loại thì nó lại càng phải được loan báo để cho người khác được biết, được đón nhận để được hưởng ơn cứu độ. Đó là một đòi buộc cho những ai đã và đang có Tin Mừng này. Niềm vui của sự gặp gỡ tình người với người, niềm vui của việc được đón chào ơn cứu độ, niềm vui đó được cất tiếng ca reo mừng, ca ngợi tình yêu Thiên Chúa qua miệng của Đức Maria: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng …” (Lc 1, 46-55).
Thứ hai, Mẹ đến để giúp đỡ bà chị họ, vì trong lúc tuổi già mà mang thai là một điều không hề đơn giản. Nó đảo lộn cả cuộc sống của một con người, của một gia đình. Những sinh hoạt thường ngày đều bị thay đổi, một phần vì niềm vui, một phần vì lo lắng cho sự an toàn của bản thân và thai nhi. Hơn lúc nào hết, lúc này bà Elisabeth rất cần có người giúp đỡ. Mẹ đã hiểu điều đó nên đã “ở với bà độ ba thánh rồi mới trở về nhà”, nghĩa là mẹ đã ở lại để giúp đỡ bà Elisabeth tới lúc bà sinh con được mẹ tròn con vuông. Đó là một sự quảng đại Mẹ đã dành cho bà Elisabeth, một cách thực thi lòng bác ái đối với người khác mà ít người có thể làm được. Mẹ đã hy sinh thời giờ, công việc và sức khỏe, hy sinh chính bản thân mình cho người khác. Cuộc đời của Mẹ quả là một hành trình đến với tha nhân. Và hành trình này cũng là hành trình đưa Mẹ tới vinh quang Nước Trời.
Khi mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Giáo Hội cũng nhắc nhớ mỗi người chúng ta một ngày nào đó chúng ta cũng được ở trên thiên đàng cả hồn lẫn xác giống như Mẹ (1Cor 15, 36-44). Đó là niềm hy vọng và là cùng đích của mỗi người chúng ta. Để có thể đạt được niềm hy vọng đó, mỗi người chúng ta hãy dõi bước theo Mẹ, đi lại con đường Mẹ đã đi, đã sống: con đường đến với tha nhân. Đó là con đường chắc chắn để dẫn chúng ta tới vinh quang Nước Trời. Bởi trước khi về trời, Đức Giê-su đã truyền dạy chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em…” (Ga 13, 34). Yêu thương nhau thì phải đến với nhau bằng những việc làm cụ thể. Đức Maria đã làm những điều đó trong cuộc sống của Mẹ.
Vậy chúng ta cũng hãy đến với những người khác để đem Tin Mừng đến với họ, để thực thi tình yêu thương với họ bằng những việc làm cụ thể như Mẹ đã làm. Hơn nữa, nếu chúng ta nhìn vào cuộc phán xét chung cuộc, khi Đức Vua ngồi tòa xét xử (Mt 25, 31-46), chúng ta thấy Ngài không hỏi gì khác ngoài việc có yêu thương tha nhân, có thực thi lòng bác ái đối với người khác hay không?
Ước chi trong không khí tưng bừng mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời hôm nay, chúng ta biết lợi dụng thời gian được nghỉ việc xác để lo việc hồn. Biết định lượng lại cuộc sống hiện tại của chúng ta đang sống, đang làm đối với tha nhân. Từ đó, chúng ta biết sửa lại đời sống của chúng ta sao cho xứng đáng hơn, sao cho đúng với những người đang mang Tin Mừng nơi bản thân mình. Ngõ hầu sau này chúng ta cùng hưởng hạnh phúc với Mẹ trong nước Thiên đàng. Chúng ta hãy luôn khắc ghi: con đường lên trời là con đường đến với tha nhân.
Lạy Mẹ Maria xưa Mẹ đã được Chúa cho hưởng diễm phúc trên nước thiên đàng cả hồn lẫn xác. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho mỗi người chúng con cũng biết noi gương Mẹ, đem Tin Mừng của Chúa đến với tha nhân bằng những việc làm cụ thể để mai sau chúng con cũng được hưởng diễm phúc như Mẹ trên nước thiên đàng. Amen!
Maria Kiều Thị Xuân
Lớp Thần học K4 - Học viện MTG Hưng Hóa
— ∞ + ∞ —
Mẹ Lên Trời, Mẹ Kéo Con Lên
Trong niên lịch phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, cùng với trọng tâm là việc mừng kính các mầu nhiệm của Thiên Chúa, Giáo Hội còn cho chúng ta mừng kính chư thánh, đặc biệt là Đức Maria. Một trong số đó là lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, được mừng kính vào ngày 15/08. Đặc ân Mẹ lên trời hồn xác cho chúng ta thấy vinh quang của Thiên Chúa, là niềm ủi an và hy vọng tràn trề cho chúng ta, những người con còn đang trên hành trình tiến về quê thật cùng với Mẹ.
1. Mẹ Lên Trời
Ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời có một lịch sử hình thành rất đặc biệt. Lễ này đã được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: lễ an nghỉ, lễ chấm dứt, lễ vượt qua, lễ Đức Mẹ ngủ và lễ mông triệu. Thế kỷ thứ VII, lịch phụng vụ Rôma, đã ấn định lễ Đức Mẹ Lên Trời vào ngày 15/8 hằng năm và được chính thức thiết lập vào năm 650 tại Rôma bởi Đức Giáo Hoàng Théôđôrê I. Thế nhưng, về tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời phải chờ đến hơn mười thế kỷ sau, ngày 01/11/1950 mới được Giáo Hội chính thức tuyên tín, do Đức giáo hoàng Piô XII công bố, và được qui định thành lễ Trọng trong cử hành phụng vụ của Giáo Hội.
Mẹ lên trời là Mẹ về gần bên nhan Thiên Chúa
Có thể nói trong suốt hành trình cuộc đời của Mẹ, Mẹ luôn là “Người nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Mẹ” (x. Lc 1, 28). Trong biến cố truyền tin, Mẹ đã thưa xin vâng với lời của sứ thần Thiên Chúa, sẵn lòng cưu mang chính Ngôi Lời và cho Ngôi Lời một thân xác con người, để Người có thể hiện hữu cách cụ thể nơi trần gian. Cùng với đó, Mẹ cũng là người luôn biết lắng nghe và suy niệm Lời Thiên Chúa. Phúc âm theo thánh Luca đã thuật lại niềm vui khi Mẹ mang Lời đến cho gia đình bà chị họ Elisabet (x. Lc 1,39-45), niềm hân hoan và bình an khi các mục đồng được chiêm ngắm Lời đang được bồng ẵm trên cánh tay Mẹ (x. Lc 2,8-20). Mẹ cũng đã trao cho ông Simeon Lời nơi cửa đền thờ, để ông được hạnh phúc mãn nguyện ra đi (x. Lc 2, 22-35). Đỉnh cao là trong biến cố nơi đồi Canvê, Mẹ đã can đảm hiến dâng Lời, Người Con yêu dấu của Mẹ. Về cái nhìn thể lý, cái chết của Chúa Giêsu, đã chia cách Người với Mẹ. Nhưng sau khi kết thúc cuộc đời dương thế, Mẹ đã được ân thưởng về trời cả hồn xác. Giờ đây, trên trời, Mẹ lại được sống bên Lời cách gần gũi, sáng tỏ và trọn vẹn hơn bao giờ hết, trong vinh quang Thiên Chúa.
Mẹ lên trời nhưng không xa cách nhân loại
Dưới chân thập giá, với lời ngỏ của Chúa Giêsu, Mẹ đã không ngần ngại nhận lấy nhân loại, trong đó có chúng ta, làm con Mẹ. Thiên chức làm Mẹ là điều làm cho Mẹ không xa cách nhân loại. Đã là Mẹ thì dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào thì Mẹ vẫn cứ là Mẹ. Việc hiện diện thần thiêng trên trời với thân xác đã được phục sinh, chỉ có thể làm cho Mẹ gần hơn với nhân loại chúng ta. Mẹ vừa có thể cùng một lúc hiện diện với Lời và đồng thời ở với từng người chúng con trong mỗi hoàn cảnh riêng nơi thế trần, để an ủi, trợ giúp và chuyển cầu cho chúng con.
2. Mẹ kéo con lên
Mẹ ước mong con cái Mẹ cũng được lên trời
Có người mẹ nào mà lại không mong điều tốt cho con cái của mình. Hơn cả triệu triệu tấm lòng của những người mẹ trần thế, trái tim Mẹ Maria luôn hướng về nhân loại, khao khát và mong muốn con cái Mẹ cũng được hưởng hạnh phúc cùng Mẹ trên trời, trước thánh nhan Chúa.
Mẹ kéo con lên
Mong muốn ấy không chỉ ở nơi cõi lòng, nhưng Mẹ còn hành động, không chỉ bằng lời chuyển cầu thần thế, Mẹ còn chỉ cho con cái Mẹ cách để cùng được “lên trời”.
Trước hết, qua chính mẫu gương của Mẹ: Mẹ đã không dạy chúng con phải sắm nhiều của cải, phải trang hoàng cho thân xác đẹp đẽ hay phải lo cho được quyền cao chức trọng, để xứng đáng lên trời, nhưng với kinh nghiệm đức tin sống động từ chính cuộc đời của mình, Mẹ muốn chúng con biết sống tinh thần nghèo khó, khiêm nhu, đơn sơ, phó thác và tin tưởng. Đó là những đôi cánh giúp chúng con thanh thoát ở đời này và lên trời cách nhẹ nhàng.
Tiếp đến, Mẹ đã nhiều lần hiện ra ở nhiều nơi, như Lộ Đức, Fatima, Lavang… để cứu giúp con cái Mẹ đang gặp cảnh khổ đau. Hơn nữa, Mẹ còn truyền dạy cho con cái Mẹ một phương thế đặc biệt: Phép Lần hạt Mân Côi.
Cả cuộc đời của Mẹ, qua từng biến cố, Mẹ đã nêu gương sáng cho con cái bắt chước và noi theo. Mẹ cũng là một thụ tạo, nhưng Mẹ là người luôn biết lắng nghe Lời Chúa, đã thực sự để cho mình hoàn toàn vâng phục và sống theo thánh ý của Thiên Chúa, cho dù nhiều lúc chính Mẹ cũng không hiểu. Chính niềm tin vào Thiên Chúa đã giúp Mẹ đi trọn con đường nơi trần thế và cuối cùng được ban thưởng hồn xác lên trời. Giữa cuộc đời trăm bề nguy biến Mẹ vẫn là sao sáng hướng dẫn và nâng đỡ niềm tin cho chúng ta.
Ước mong sao, khi mừng kính đại lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, mỗi người chúng ta biết bắt chước các nhân đức của Mẹ, và biết yêu mến Mẹ nhiều hơn, biết siêng năng chạy đến cùng Mẹ, để qua Mẹ đến với Chúa Giêsu, Con Mẹ. Amen.
Maria Nguyễn Thị Hòa
Lớp Thần học K4 - Học viện MTG Hưng Hóa