Thứ bảy, 23/11/2024

Suy Niệm Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (Lc 9,23-26 )

Cập nhật lúc 10:04 14/11/2020
CON ĐƯỜNG THEO CHÚA
Có thể nói, cuộc sống là một sự đa dạng với vô vàn những nẻo đường cho chúng ta lựa chọn bước đi. Nhưng dù là chọn lựa con đường nào đi nữa thì chúng ta cũng cần có sự cố gắng và nỗ lực hết mình, để làm sao có thể bước đi trên con đường chúng ta đã chọn. Con đường nào cũng có những đặc điểm, những điều kiện, những đòi hỏi khác nhau. Như con đường Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay đặt chúng ta trước hai sự lựa chọn: chọn lựa vác thập giá hoặc chối bỏ thập giá, chọn lựa sự sống muôn đời hoặc chọn trầm luân muôn đời. Chọn vác thập giá là chọn bước theo Chúa, chọn từ bỏ mình để được sự sống đời đời. Chính Chúa Giêsu đã minh chứng điều này: “Ai muốn theo thầy phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình hàng ngày mà theo” (Lc 9,23). Sự chọn lựa này giúp chúng ta nhớ đến các thánh tử đạo xưa, các ngài đã chọn thập giá, chọn con đường theo Chúa để rồi chấp nhận mọi thử thách đau thương, mất mát để được chính Chúa làm gia nghiệp. Vì con đường theo Chúa là con đường của sự từ bỏ và chấp nhận vác thập giá mình mà theo.
 1. Con đường theo chúa là con đường của sự từ bỏ.
Sống trong một thế giới đầy hưởng thụ, một thế giới của khoa học kỹ thuật mọi sự đều được lập trình sẵn, con người được khuyến khích phát huy khả năng riêng, vì vậy ai cũng lo đi tìm cho mình một con đường, một cách thức làm việc nhanh nhất có hiệu quả nhất để đỡ tốn thời gian, đỡ mất công sức mà bản thân lại có được một sự an nhàn, một cuộc sống sung túc hạnh phúc. Thế mà khi chọn con đường bước theo Chúa thì sự từ bỏ lại là một trong những điều kiện mà Chúa Giêsu muốn mọi người chọn: “ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình” (Lc 9,23). Vì chính Chúa Giêsu đã sống sự từ bỏ này một cách triệt để khi Ngài chấp nhận xuống thế làm người chịu đau khổ và chịu chết trên thập giá vì loài người chúng ta: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-8).
Con đường “từ bỏ” mà Chúa Giêsu muốn nói ở đây không phải là sự trốn tránh không dám nhận mình là ai hay bỏ đi những gì là của riêng mình những gì làm nên bản thân mình. Nhưng “Từ bỏ” mà Chúa Giêsu muốn nói ở đây chính là sự quên mình, dám chấp nhận buông bỏ, nghĩa là bỏ đi ý riêng của bản thân, bỏ đi sự ích kỷ, bỏ đi những điều không tốt những điều không đẹp lòng Chúa, những điều còn trì hoãn việc chúng ta tiến tới trên con đường nhân đức. “Từ bỏ” còn là là sự dám buông, buông đi những sở thích, những thói quen, những món đồ ta thích để nhìn thấy những nhu cầu nơi anh chị em xung quanh ta.
Tuy nhiên, để có thể sống sự từ bỏ mình như Chúa muốn thì chúng ta cần phải biết mình. Biết mình để chúng ta có thể đi sâu vào tận cùng cõi lòng của bản thân nơi chứa đựng những điều thầm kín nhất. Nhờ đó, chúng ta nhận ra những góc khuất, những bóng tối còn bị che giấu nơi chúng ta, cũng như nhận ra đâu là cái cần sửa đổi trong ta, đâu là điều biến ta trở thành phản chứng để ta biết buông bỏ một cách dứt khoát, cho dù điều đó là ta nối tiếc hay là điều mà ta khó lòng buông tay. Biết mình để giúp ta sống khiêm nhường hơn vì chỉ khi sống khiêm nhường ta mới có thể can đảm bỏ đi ý riêng, bỏ đi sự ích kỷ nơi bản thân ta.
Các thánh tử đạo Việt Nam mà hôm nay chúng ta mừng kính là một mẫu gương cho sự “từ bỏ”. Đứng trước những lời hứa ngọt ngào, những lời hăm dọa mạng sống, các ngài vẫn kiên trung với chọn lựa của mình: “Tôi đã suy xét kỹ, và tin nhận đạo Thiên Chúa là đạo thật, nên tôi không chối bỏ bao giờ” (thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ). Một đức tin đặt Chúa lên trên hết mọi sự ở trần gian: “Con ơi, hãy nhận lấy kỷ vật cha trao lại: đây là ảnh Đức Kitô, Chúa chúng ta, ảnh này quý hơn vàng bạc bội phần!”(thánh Emmanuen Phụng). Khi đã xác tín vào sự sống vĩnh cửu thì ‘từ bỏ’ ở mức độ cao nhất là hy sinh mạng sống để làm chứng cho một điều mình xác tín: Trời miệt pháp trường mây loang lổ, Tiếng chiêng tuyệt mệnh mới dứt hồi, Ngọc thể anh hùng như cây đổ, Trong bụi mù bay chiếc đầu rơi. Hoặc như thánh Anrê Trần An Dũng Lạc đã từng tuyên xưng “Đông qua tiết lại thì xuân tới, khổ trảm mai sau hưởng phúc an, làm kẻ anh hùng chi quản khó, nguyện xin cùng gặp chốn thiên đàng”.
2. Con đường theo chúa là con đường của sự chấp nhận vác thập giá.
Theo Chúa không chỉ dừng lại ở việc ‘từ bỏ’ nhưng còn là ‘vác thập giá’. Chấp nhận thập giá chính là bằng lòng với tất cả những gì làm nên ta, những gì thuộc về ta, cho dù đó là điều hoàn hảo hay là điều bất toàn với một thái độ bình thản. Chấp nhận thập giá còn là sự đón nhận mọi điều Chúa gửi đến trong cuộc sống, dẫu cho điều đó là điều ta không muốn, là điều ta sợ hãi thì ta vẫn đón nhận với một sự tin tưởng phó thác mọi sự cho Chúa. Chấp nhận thập giá còn là sự biểu lộ một thái độ tin tưởng với một tình yêu to lớn vào Thiên Chúa, làm sao ta có thể chấp nhận thập giá khi ta không có niềm tin vào Thiên Chúa - Đấng mà ta không chạm thấy hay nhìn thấy bằng con mắt thể lý. Đừng bao giờ tìm một Chúa Giêsu mà không có thập giá, cũng đừng bao giờ tìm thập giá mà không có Chúa Giêsu.
Để sống sự chấp nhận thập giá, chúng ta hãy nhìn vào gương các thánh tử đạo. Các ngài là những người chịu bao đau khổ, chịu bách hại, chịu đánh đòn nhưng các ngài vẫn luôn can đảm chấp nhận tất cả mọi điều xảy đến cho bản thân, thậm chí là cả cái chết với tinh thần “vác thập giá mình mà theo” để giữ vững niềm tin và làm chứng cho Đức Giêsu Kitô. Như lời thánh Phêrô Quý đã dõng dạc tuyên bố khi ra trước tòa quan: “Dù trăng trói, gông cùm tù rạc, chén ngục hình xiềng tỏa chi nề, miễn vui lòng cam chịu một bề, cho trọn đạo trung thần hiếu tử”. “Thân xác tôi ở trong tay quan, quan muốn làm khổ thế nào tuỳ ý, nhưng linh hồn tôi là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được.” (thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh).
Lạy Cha, Cha đã kêu gọi các bậc tiền bối của chúng con bước theo Chúa Kitô trên con đường thập giá để làm chứng cho Cha ngay từ lúc Tin Mừng mới được loan báo trên quê hương đất nước chúng con. Nhờ Cha ban ơn trợ giúp, những con người vốn mỏng dòn yếu đuối đã trở nên can đảm phi thường. Chính khi các ngài chịu trăm bề đau khổ, Cha biểu lộ cho mọi người thấy sức mạnh của tình thương. Xin Cha giúp sức để chúng con noi gương các ngài mà làm chứng cho Cha trên mảnh đất quê hương chúng con. Vinh danh Chúa vì qua bao thế hệ, Đức tin lồng vào trang sử đau thương. Hạt chết đi ôm sức sống Tin Mừng. Nhập vào đất, nở nên hoa Giáo Hội.
Lạy Chúa Giêsu, khi xưa Chúa đã chọn con đường khiêm nhường tự hủy nơi thập giá để làm chìa khóa mở cửa thiên đàng cho chúng con bước vào, xin  Chúa ban ơn giúp sức cho chúng con để chúng con luôn biết sống từ bỏ và chấp nhận mình trên con đường bước theo Chúa nơi mỗi bậc sống của chúng con, để chúng con biết biến những sự từ bỏ và chấp nhận mình thành những nấc thang đưa chúng con lên gần với Chúa hơn mỗi ngày. Xin các thánh tử đạo là những chứng nhân đã sống và bước đi theo Chúa trên con đường của sự từ bỏ và chấp nhận thập giá một cách sát sao nhất, xin các thánh cầu bầu cho chúng con để chúng con cũng có thể mạnh mẽ bước đi trên con đường theo Chúa với một tinh thần đầy sự tin tưởng, phó thác vào tình yêu Thiên Chúa nơi cuộc sống mai sau như lời nguyện xin của thánh Phêrô Cao: “Xin cho con chịu đau khổ vì danh Đức Kitô được lãnh nhận ngành lá tử đạo về tới bến thiên đàng.” Amen
Têrêsa Phùng Thơ
Lớp Thần học K5 - Học viện MTG Hưng Hóa
 
                     — ∞  +  ∞ —
                                               TỪ BỎ - CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH                                                                                               
“Máu các Thánh Tử đạo là hạt giống trổ sinh các tín hữu’’ (Tertulianô).  Quả thực, các vị anh hùng tử đạo là những mẫu gương sáng về đức tin để lại cho người kitô hữu. Trải qua suốt chiều dài lịch sử, những tấm gương đó không hề bị phai mờ, nhưng ngày càng trở nên sáng hơn. Bởi lẽ, chính đời sống và đặc biệt là qua cái chết của các ngài đã minh chứng cho một niềm tin son sắt và sự từ bỏ quyết liệt đối với mỗi người kitô hữu. Các ngài đã tự nguyện chọn cái chết thay vì phải phản bội Chúa. Qua đó, các ngài đã thực sự đáp trả tình yêu của Chúa bằng chính cái chết và bằng chính cuộc chiến đấu trung kiên của mình. Hơn nữa, các ngài còn là khuôn mẫu cho thế hệ mai sau và mọi thời, mọi hoàn cảnh vì các ngài đã thực thi đúng thánh ý, đã thực hiện đúng điều kiện và lời mời gọi của Chúa Giêsu khi xưa: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23).
Chúa Giêsu không ép chúng ta theo Ngài, cũng không buộc chúng ta bỏ mình và vác thập giá, nhưng đây lại là một trong những điều kiện của người môn đệ muốn theo Chúa Giêsu. Từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo, tức là chấp nhận đi trên con đường mà chính Đức Giêsu đã đi. Đó là con đường hẹp. Trong đó thấm đẫm sự hy sinh, thiệt thòi, và chất chứa mầu nhiệm của tự hủy. Ngoài ra, đây còn là con đường khiêm tốn và hướng đến sự vâng phục thánh ý Chúa Cha hoàn toàn. Lời của Chúa Giêsu vẫn luôn vang vọng cho đến ngày nay “Ai muốn theo tôi hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” Người không chỉ nói bằng đầu môi chót lưỡi mà Người đã thực hiện bằng chính đời sống khi Người còn ở nơi dương thế và đặc biệt hơn cả đó chính là cuộc khổ nạn của Người. Khi nhìn lại cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu chúng ta thấy cả một mầu nhiệm Tự hủy, Ngài đã chết để cho nhân loại được sống. Ngài đã tự nguyện chấp nhận làm người sống giữa con người, mặc lấy thân phận con người để cuối cùng đón nhận một cái chết nhục hình. Người làm tất cả những công việc này chỉ để đổi lấy sự sống cho con người và đem lại phúc bình an cho nhân loại. Tư tưởng và lập trường của Chúa Giêsu thật rõ ràng và dứt khoát: Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Chúa Giêsu cũng đã đưa ra hai điều kiện và hai kết quả sóng đôi với nhau: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai mất mạng sống mình vì Ta thì sẽ tìm thấy”. Các Thánh Tử Đạo mà chúng ta hôm nay mừng kính, các ngài đã từ bỏ hết tất cả để sống cho Thiên Chúa và tha nhân. Thật vậy, các ngài đã từ bỏ tất cả, cho đi tất cả, ngay cả mạng sống của mình để làm chứng cho đức tin.
Đứng trước thực tại của xã hội ngày hôm nay, hai tiếng “từ bỏ” quả là một điều rất xa lạ đối với con người đương thời. Bởi lẽ, với não trạng thu tích hơn là cho đi đã làm cho lối sống của con người ngày càng vị kỷ hơn. Chính vì vậy, liệu rằng lời mời gọi hay nói đúng hơn là lệnh truyền của Chúa Giêsu khi xưa có còn phù hợp hay không? Và nhất là họ có còn thiết tha để thi hành lệnh truyền đó? Có lẽ, xã hội ngày nay vẫn còn xuất hiện rất nhiều thứ, nhiều đối tượng để ru ngủ, gây mê con người khiến cho con người phải chao đảo trước mỗi sự lựa chọn và kết quả là đưa con người tới cái chết từ từ. Khắp nơi đâu đó lời mời gọi: “Hãy từ bỏ” vẫn còn đang sôi sục trong tâm mỗi người, đây cũng là lời mời gọi lý tưởng nhất để giúp người kitô hữu ý thức về mục đích tối hậu. Hơn nữa, mỗi người đều được mời gọi tập nhìn xa, nghĩa là nhìn nhận Chúa hiện diện ở trong mọi sự. Quả thật, chỉ khi con người thực sự hiểu được giá trị của sự từ bỏ, hy sinh thì chúng ta mới dám sống và chấp nhận những gì đã, đang và sẽ xảy ra trong cuộc sống của mình. Nhờ đó, họ cũng có thể nghiệm được rằng cuộc đời này thật đáng sống. Chúa Giêsu luôn khao khát được con người đáp trả lời mời gọi đó, không chỉ trong tâm mà bằng chính cuộc sống của mỗi người chúng ta. Nhiều người trăn trở và tự hỏi: tôi sẽ thực hiện lời mời gọi này như thế nào khi tôi đang sống trong một thế giới quá chật vật, ồn ào, náo nhiệt và bon chen?
Quả đúng như vậy, làm sao có thể sống từ bỏ ý mình để chọn lấy ý Chúa? Với cuộc sống hiện đại như ngày nay, người ta vẫn ưa chuộng đồng tiền, danh vọng, quyền lực. Và như thế, nó đã trở thành một thách đố cho việc chúng ta lựa chọn. Để nói được hai chữ “từ bỏ” đã khó mà thực hiện điều đó càng là một thách đố đối với mỗi người dù cho mỗi người chúng ta sống trong cương vị nào. Nhiều người thường nghĩ tôi sẽ từ bỏ cách này hay cách khác, thế nhưng lời nói vẫn chỉ là lời nói vì hành động mới là điểm chốt cuối cùng. Một điều đáng lưu ý trong thời đại hôm nay vẫn còn một số bạn trẻ làm cho chúng ta không khỏi thất vọng và lo lắng cho thế hệ tương lai… Các nhà lãnh đạo tôn giáo rất lo ngại trước vấn đề suy đồi đạo đức của giới trẻ. Ngày nay, nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại chọn cho mình những cầu thủ bóng đá, những tài tử điện ảnh làm thần tượng… Người ta thường muốn biết suy nghĩ về quan niệm và lối sống của các bạn, làm thế nào để chúng ta có thể hiểu được ngôn ngữ của người trẻ. Chính vì yếu tố này mà chúng ta thường đắn đo khi mời gọi các bạn trẻ sống đúng Tin Mừng của Chúa. Ngày nay, ngoài thời gian dành cho việc học tập các bạn trẻ lại dành thời gian còn lại cho việc lướt web, chơi game… Như thế, việc mời gọi các bạn sống hy sinh, từ bỏ các bạn sẽ nghĩ như thế nào? Liệu các bạn có thực hiện được như ý Chúa mời gọi? Tuy nhiên, với những tâm hồn sống động, nhiệt huyết các bạn trẻ luôn có những suy nghĩ đúng đắn, nhạy bén trước mọi cơ hội, can đảm để đối đầu và khám phá mọi thử thách, thích ứng với sự phát triển của thời đại công nghệ thông tin 4.0 và biết cách sử dụng các phương tiện truyền thông có đạo đức. Các bạn luôn sẵn sàng dấn thân khi được kêu mời, các bạn là những người sáng tạo đầy lý tưởng để hướng tới một tương lai đầy xán lạn. Hơn nữa, thế hệ trẻ ngày nay không ngại thay đổi lựa chọn của mình, nên đời sống của các bạn trẻ trở nên rất linh động và hòa hợp nhanh chóng với môi trường mới. Đây cũng là một trong những ưu thế cho các bạn khi sống đức tin Công giáo sống giữa lòng đời.
Chúng ta luôn phải nhắc đến trách nhiệm giáo dục là thuộc về gia đình, thuộc về những bậc làm cha làm mẹ chứ không phải trách nhiệm của người ngoài. Sống với Tin Mừng của Chúa đó chính là Ngài mời gọi họ sống từ bỏ cách thiết thực hơn để sống đúng trong cương vị là chồng, làm cha, là vợ và làm mẹ. Nếu cha mẹ thực sự là những người tốt, sống đúng tinh thần Tin Mừng, chịu đựng hy sinh cho nhau, làm gương cho con cái và luôn dành thời gian để quan tâm chăm sóc, vun vén cho tổ ấm của mình thì quả thực đó là một gia đình Thánh Gia đang sống giữa thế trần. Người ta vẫn thường nói cha mẹ không chỉ là bậc sinh thành mà còn là người thầy đầu tiên dạy con cái những điều cần phải có của một đời người. Giả như trong một gia đình thiếu tình thương, sự hòa thuận, những thành viên trong gia đình không ai chịu lắng nghe, không ai chịu đón nhận những ý kiến của nhau, luôn chấp nhau từng lời nói, hành động… thì gia đình đó có thực sự hạnh phúc? Vì thế, để có cuộc sống hạnh phúc thật sự thì mỗi thành viên trong gia đình cần phải ý thức sống chu toàn bổn phận của mình, biết hy sinh, từ bỏ những thứ dư thừa và sống vì nhau. Những bậc cha mẹ phải là những tấm gương chiếu sáng để không trở nên những bóng mờ cho con cái, những người làm con với bổn phận cần phải chu toàn là vâng lời thảo hiếu và yêu thương ông bà, cha mẹ, những người sống xung quanh.
Đối với những người sống từ bỏ mình để bước theo tiếng gọi của Chúa có khi nào lại dễ thực hiện hơn? Đó là câu hỏi của những kitô hữu đạo đức và có cái nhìn tích cực về đời sống này. Trước khi trở thành một linh mục hay một tu sĩ thì người sống đời thánh hiến đã được rèn luyện, đào tạo một cách kỹ lưỡng. Ngay từ khi chập chững bước vào đời tu họ được mời gọi sống dứt khoát với ơn gọi và từ bỏ những quyến luyến, đam mê, tham vọng để đi vào con đường mà Thầy Giêsu muốn họ hướng đến. Nhiều người cứ nghĩ rằng các linh mục, tu sĩ đã trở thành người của Chúa thì họ đã thực sự là thánh và không còn mang trong mình mùi thế tục trần gian. Đời sống của họ thanh thoát, và luôn vui tươi hòa hợp. Điều này đúng nhưng chưa hẳn là thế vì đó chỉ là cái nhìn chủ quan của một số ít người có thiện cảm về ơn gọi tu trì. Nhưng thực tế các linh mục, tu sĩ vẫn là con người, nơi họ vẫn còn nhiều giới hạn, những yếu đuối của bản thân. Biết được phận người mỏng giòn, yếu đuối nên họ luôn ý thức để rèn luyện chính mình, nhờ đó nơi họ luôn thấm nhuần tình yêu của Chúa và sống có trách nhiệm trong mọi lãnh vực. Trước mặt Thiên Chúa, họ luôn cố gắng để chu toàn sứ mạng Ngài trao và sống kết hợp thân tình với Đấng họ đã chọn làm lẽ sống của đời mình. Trước mặt giáo dân, họ phải là người lan tỏa mùi thơm của tình yêu để từ đó Tin Mừng được lan rộng đến mọi miền. Nhưng cũng thật đáng buồn cho một linh mục hay tu sĩ khi không sống trọn vẹn ơn gọi của mình, những người này thường đi tìm cho mình những khoảnh khắc của trần gian, họ lợi dụng sự tự do để làm điều họ thích, họ ngần ngại khi phải thi hành luật dòng, hay luật chung.
Bản thân là một nữ tu sống theo Linh đạo Mến Thánh Giá và chọn Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí. Tôi luôn có cảm nghiệm mình thật hạnh phúc khi được sống dâng hiến đời mình trong linh đạo này. Bởi vì khi tôi thực sự nghiệm thấy mầu nhiệm tình yêu của Chúa dành cho tôi, cho nhân loại thì nơi tôi lại càng yêu Chúa nhiều hơn, muốn đáp lại tình yêu nhưng không của Chúa cách xứng đáng hơn và muốn dấn thân trọn vẹn cho Người hơn. Chính vì thế, mỗi ngày tôi cũng luôn cố gắng để hoàn thiện chính mình, trong việc từ bỏ những tính hư nết xấu, trong việc rèn luyện bản thân, trong việc giúp đỡ các chị em đang gặp khó khăn, trong việc dành thời gian để quan tâm, trò chuyện với các bà hưu, trong việc tìm kiếm thánh ý Chúa qua trung gian là các Bề trên, các chị em sống cùng và sống với. Mỗi việc làm, mỗi ý nghĩ và hành động tôi luôn cố gắng ý thức quy hướng về Chúa, thực hiện với cả tình yêu và sự chân thành.
Lạy Chúa, khi xưa các thánh Tử đạo đã không quản ngại để làm chứng cho đức tin bằng cái chết của mình, thì ngày nay, Chúa vẫn mời gọi chúng con hãy từ bỏ mình mà vác thập giá mình hằng ngày theo Chúa. Lời mời gọi tha thiết đôi khi làm chúng con xao xuyến, chúng con muốn được thực hiện ước nguyện đó bằng chính cuộc sống, bằng chính con người và khả năng của chúng con. Tuy nhiên, nhiều khi chúng con lại chùn bước vì thấy con người còn quá giới hạn, hèn yếu nên chúng con đã vô tình chạy trốn, xa lánh những điều mà Chúa muốn chúng con làm. Tử đạo ngày nay khác tử đạo ngày xưa, chúng con biết rằng thời đại và xã hội con đang sống không còn việc bắt bớ đạo cách dữ dội, bị tra tấn, đánh đập và bắt bỏ đạo như thời các thánh. Thế nhưng, Chúa vẫn muốn chúng con vì Chúa mà tập từ bỏ, hy sinh, quên mình chiến đấu để đáp lại lời mời gọi của Chúa. Chúa chẳng cần chúng con làm những việc gì to lớn, không phải cứ đổ máu là tử đạo, không phải cứ bị chém đầu là tử đạo mà tử đạo ngay trong cuộc sống hằng ngày. Đó là khi chúng con dám bỏ đi điều chúng con thích, bớt đi những đam mê quá khích, dám quên mình để phục vụ cho anh chị em. Đặc biệt trong thời gian này, tất cả nước Việt đang hướng về đồng bào Miền Trung, nơi mưa lũ không ngừng càn quét. Chúng con cũng đều đang tự hỏi chúng con phải làm gì để giúp đỡ họ đây? Khi đã thực sự cảm nghiệm cái khổ của họ thì tự bản chất nơi chúng con đã và đang thực hiện những cử chỉ yêu thương dành cho họ. Dẫu biết rằng chúng con không trực tiếp đến để giúp họ nhưng bằng lời cầu nguyện, bằng sự hy sinh trong công việc để dâng lên Chúa và cầu xin Chúa cho họ sớm qua được những sự khốn khó này. Đó cũng là cách mà chúng con thể hiện tình tương tân tương ái với nhau. Xin cho chúng con cũng luôn biết ý thức sống đúng chức vụ mà Chúa đã dành cho chúng con, để từ nơi chúng con các hạt giống Tin Mừng bắt đầu tiếp tục gieo giống. Xin cho chúng con hiểu được giá trị của sự từ bỏ, hy sinh. Nhờ đó mà chúng con được tháp nhập trong tình yêu của Con Chúa là Đức Giêsu, Đấng đã vì chúng con mà chịu chết trên thập giá. Hơn nữa, qua việc chấp nhận vác thập giá theo Chúa mỗi ngày mà chúng con được thông dự vào chương trình cứu độ của Chúa. Xin cho chúng con biết gọt giũa chính mình, sống quảng đại, yêu thương, tha thứ, luôn vì lợi ích của tha nhân và đem hạnh phúc cho mọi người. Đặc biệt, xin cho chúng con nhận ra Chúa đang hiện diện nơi tất cả anh chị em nghèo khổ để chúng con sống tôn trọng nhau, bác ái với nhau và tạo tinh thần đoàn kết cho nhau trong tình yêu Chúa. Amen.
Têrêsa Trần Thị Dung
Lớp Thần học K5 - Học viện MTG Hưng Hóa
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log