Thứ bảy, 23/11/2024

Suy Niệm Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Cập nhật lúc 18:21 21/05/2021



"Thế giới thành cái chợ mất rồi. Cái yên ả êm đềm bị bài xích, xua đuổi khỏi những chung cư đường phố. Sự bình yên đành rời bỏ chốn đô hội để tìm về nương náu, trú ngụ ở những chốn xa. Và những ham hố, thù hận, u mê, những phụ bạc, thất thoát, phản trắc, những vết thương bị gây ra và tự gây ra cũng luôn băm nát lòng mình, chiếm đoạt mất thư thái trong tâm hồn mình. Bất an là thường hằng, thư thái chỉ là thoáng chốc." (Trích "Tự tình cùng cái đẹp" - Chu Văn Sơn). Thật vậy, chỉ bấy nhiêu thôi cũng  làm cho con người ta không còn đủ mạnh mẽ để tin vào một cuộc sống tốt đẹp. Trải lòng mình theo dòng thời gian, con người ta chưa bao giờ ngừng đấu tranh, vật lộn với cuộc sống để giành giật bình an, hạnh phúc về tay mình. Luôn mải mê,  vất vả ngược xuôi để tìm kiếm nó, vô hình chung, ta quên mất rằng mình còn có một điểm tựa,  một bờ vai để dựa vào. Đó chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn yêu thương con người vô điều kiện, vì thế Người luôn ban tặng cho ta những hồng ân tuyệt nhiệm: tạo dựng con người theo hình ảnh mình, cho con người sự sống, thậm chí khi con người sa ngã phạm tội, Ngài chẳng những không từ bỏ mà lại sai Đức Giêsu - con Một của mình xuống thế làm người để chịu chết thay cho con người. Đức Giêsu - Ngài đã chết nhưng Ngài đã Phục Sinh để rồi năm mươi ngày sau Chúa Thánh Thần hiện xuống mang một nguồn sinh khí mới đến với cuộc đời con người.
Theo tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 20,19-23) đã viết lại: Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn để ở, các cửa đều đóng kín vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đã đến, đứng giữa các ông và trao ban bình an.
Sau cái chết của Đức Giêsu, cuộc sống của các tông đồ có lẽ chỉ toàn một màu đen tang tóc. Tất cả các ông đều sống trong trạng thái hoang mang lo sợ. Các ông hoang mang vì Thầy Giêsu - người Thầy đã từng được dân chúng tôn vinh ca ngợi, người Thầy đã làm nhiều phép lạ cho dân chúng nay không còn nữa. Người Thầy mà các ông ngỡ tưởng sẽ lên làm vua, sẽ thống trị dân Israel - một dân tộc hùng cường, nay đã chết. Hóa ra người Thầy mà mình đã tin, đã theo bấy lâu nay cũng chỉ là một con người bình thường với một cái chết tầm thường. Các ông sợ bị chất vấn, bị bắt bớ, sợ phải chết đau đớn, nhục nhã như Thầy mình đã từng. Giữa cơn khủng hoảng trầm trọng về tâm lý như thế, Đức Giêsu Phục Sinh đã tỏ mình ra để yên ủi cũng như củng cố đức tin cho các môn đệ bằng việc trao ban bình an: "Bình an cho anh em". 
Quả thế, sau khi Đức Giêsu sống lại ân ban đầu tiên Ngài ban tặng cho các tông đồ nói riêng và cho Hội Thánh Công Giáo nói chung là sự bình an. Nhà văn người Nga Nikolai Ostrovky từng khẳng định rằng: "Cái quý giá nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi ân hận xót xa vì những năm tháng đã sống hoài sống phí." Thật thế, sự bình an chính là ân ban căn bản nhất của con người, để đảm bảo cho chúng ta một cuộc sống không vô nghĩa, không hoang phí. Bởi vì hạnh phúc thật sự của con người suy cho cùng cũng chỉ được gói gọn trong hai chữ bình an. Điều đặc biệt, trong đoạn Tin Mừng, Đức Giêsu nói: "Bình an cho anh em" chứ không phải là: "Cầu chúc bình an cho anh em." Vì nếu nói như thế có nghĩa là chúng ta sẽ phải chờ đợi bình an trong tương lai. Nhưng không, chính Đức Giêsu đã khẳng định: Chắc chắn chúng ta đang có bình an. Đó như một lời quả quyết: Ở đâu có Chúa hiện diện, ở đó bình an ngập tràn. 
Đức Giêsu đã đảm bảo cho chúng ta có được sự bình an nhưng trên thực tế, cuộc sống con người vẫn phải đối mặt với biết bao gian nan thử thách. Trong năm 2020 vừa qua, đồng bào miền Trung phải gánh chịu biết bao hậu quả nặng nề do lũ lụt gây ra. Cơn bão lũ ấy chẳng khác nào cơn đại hồng thủy dưới thời ông Nô-ê trong Cựu Ước đã cướp đi biết bao tài sản vật chất cũng như tinh thần của con người. Hay trong thời điểm hiện tại, không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Cơn đại dịch làm cho mạng sống con người vốn mong manh nay lại trở nên bấp bênh và chao đảo hơn. Tuy nhiên ở đoạn khác, Tin Mừng theo thánh Gioan có viết rằng: "Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian." (Ga 14,27). Như vậy, bình an của Đức Giêsu Phục Sinh không giống với bình an mà con người trần thế chúng ta đang hi vọng. Bình an của Đức Giêsu không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không cực nhọc. Bình an của Chúa cũng không phải là thứ bình an không sóng gió như loài người vẫn mong đợi nhưng là thứ bình an sâu thẳm trong tâm hồn mình, là thứ bình an mà ngay cả chính khi đang ở trong phong ba bão táp chúng ta vẫn cảm thấy bình tâm. Vì có lẽ "Một khi lòng người chứa đầy giông bão sẽ chẳng có nơi nào được gọi là bình yên." Và khoảnh khắc bình yên nhất không phải là nghe thấy tiếng chim hót, nghe những bản nhạc du dương hoặc nghe tiếng cười đùa mà đó chính là khoảnh khắc ta lắng nghe được từng nhịp đập của con tim, được cảm nhận tiếng lòng sâu thẳm trong tâm hồn mình. Như vậy, ban bình an cho chúng ta nhưng đồng thời Đức Giêsu đã mời gọi con người hãy trở về trong chính cung lòng của mình, trong sâu thẳm tâm hồn để tìm lại bản thân, tìm lại những khoảnh khắc thuần khiết của trái tim đang ẩn giấu sau những bộn bề náo nhiệt. Bình an vốn nằm trong tâm trí vậy mà con người chúng ta lại luôn khắc khoải tìm kiếm từ bên ngoài. Bình an của Đức Giêsu không loại trừ việc phải đối mặt với kẻ thù, với khổ đau và với cả cái chết. Có lẽ vì thế mà sau khi trao ban bình an, Đức Giêsu đã cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn Người, đó chính là bằng chứng cho một cuộc chiến đấu gian truân mà chúng ta sẽ phải đi tới. Câu hỏi đặt ra đó chính là: làm thế nào để ta tìm thấy và có được bình an của Thiên Chúa? Thật vậy, trong quá khứ, hiện tại, hay thậm chí cả trong tương lai, Đức Giêsu đã, đang và sẽ đến với chúng ta, Ngài đến để nâng đỡ cuộc sống của chúng ta mỗi ngày. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra Người, để người làm chủ cuộc sống của ta hay không. Chính vì thế, chúng ta luôn được mời gọi hãy tin tưởng, phó thác cuộc đời mình vào tay Thiên Chúa, hãy im lặng lắng nghe và để người chèo lái con thuyền cuộc đời mình. Người sẽ như chim mẹ mở rộng đôi cánh để che chở cho những con chim non qua mọi ngày giông bão.
Cũng vậy, tình yêu của Thiên Chúa rất bao la rộng lớn. Ngài luôn tuôn đổ tình yêu của mình cho tất cả mọi người để toàn nhân loại được ơn cứu độ, đều được hưởng bình an hạnh phúc. Đó chính là lý do vì sao mà một lần nữa Đức Giêsu lặp lại lời ban bình an cho các môn đệ: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai, Thầy thì Thầy cũng sai anh em." 
Mọi kitô hữu sau khi lãnh Bí tích Thánh tẩy, đều được Đức Giêsu Phục Sinh "sai" đi vào giữa lòng thế giới để tiếp nối Sứ Mạng của Người. Chúng ta sẽ là những người tiếp nối bước chân truyền giáo của Thầy Giêsu. Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy đến với vùng ngoại biên để lan tỏa tình yêu thương của Người, để đem bình an của Người đến với muôn nơi. Trong công cuộc truyền giáo ấy, Đức Giêsu không bỏ rơi chúng ta giữa miền đất hoang vu trơ trọi, nhưng Người đã để Chúa Thánh Thần đến và hoạt động giữa chúng ta: "Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần". Hành động "thổi hơi" của Đức Giêsu làm cho ta nhớ lại lịch sử Cựu Ước, ngay từ buổi đầu tạo dựng vũ trụ. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã “thổi hơi" truyền ban sinh khí cho con người. Và giờ đây, sau hơn hai ngàn năm, một lần nữa Chúa Thánh Thần vẫn hiện xuống và ban cho nhân loại một sinh khí mới, một diện mạo mới, một sức mạnh mới để đi tới tương lai. Vậy, Chúa Thánh Thần là ai? Chúa Thánh Thần là Ngôi thứ Ba, bởi Chúa Cha và Chúa con mà ra. Người cùng một bản tính và một quyền năng như Ngôi Cha và Ngôi Con. Chúa Thánh Thần còn được gọi bằng những danh xưng khác như: Đấng Ban Sự Sống, Đấng Bảo Trợ, Đấng Bào Chữa, Đấng An Ủi, Thần Chân Lý... Ngài hiện thân dưới những biểu tượng quen thuộc trong đời sống con người: nước, lửa, áng mây, ánh sáng, gió, chim bồ câu.... Người có đủ mạnh mẽ và uy lực để ban cho  con người bảy ơn cần thiết: Ơn khôn ngoan, ơn thông minh, ơn biết lo liệu, ơn sức mạnh, ơn dũng cảm, ơn hiểu biết, ơn đạo đức và ơn biết kính sợ Thiên Chúa. Theo sách Sáng thế: "Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm và Thần Khí Chúa bay lượn trên mặt nước." ( St 1,1-2). Như thế, Chúa Thánh Thần đã có mặt trên vũ trụ này ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Nhưng, trong hành trình trần thế của mình, con người đã phạm tội và sau khi Đức Giêsu chết, tàn dư của tội lỗi vẫn còn đó, vì thế mà Chúa Thánh Thần lại tiếp tục hiện xuống để mở đầu cho một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của hồng ân hạnh phúc và niềm vui loan báo Tin Mừng. Chúa Thánh Thần vẫn luôn hoạt động và là linh hồn của Giáo Hội để cùng với Đức Giêsu, Ngài soi sáng cho các tông đồ cũng như chúng ta để chúng ta nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã truyền dạy. Chúa Thánh Thần sẽ là Người khai mở tâm trí con người, ban ơn cho con người để trở nên nhân chứng của Chúa Giêsu giữa lòng đời. Trong buổi tiếp kiến chung trực tuyến vào thứ 4 ngày 17.03, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về vai trò của Chúa Thánh Thần như sau: "Không có ngọn lửa của Thần Khí, những lời tiên tri sẽ bị dập tắt, nỗi buồn thay cho niềm vui, thói quen thay thế tình yêu, việc phục vụ trở thành nô lệ.". Đức Thánh Cha còn nhấn mạnh: "Chúa Thánh Thần là Đấng viết nên lịch sử Giáo Hội và của thế giới. Chúng ta là những trang giấy mở sẵn, sẵn sàng để Người viết vào. Và trong mỗi người chúng ta, Chúa Thánh Thần sáng tác những tác phẩm nguyên bản, bởi vì không bao giờ có một kitô hữu nào hoàn toàn giống với một kitô hữu khác”. Thật vậy, nhờ Chúa Thánh Thần hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội mà hơn hai ngàn năm qua, biết bao phong ba bão tố của thế giới, Người vẫn làm cho Giáo Hội đứng vững như con thuyền tròng trành giữa đại dương đầy bão tố mà không hề bị đắm chìm bởi có Chúa Giêsu hiện diện và có Chúa Thánh Thần hướng dẫn con thuyền ấy.
Mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta đã kết thúc 50 ngày mùa Phục Sinh. Từ giây phút này trở đi, chúng ta sẽ ra đi, làm chứng cho Nước Trời. Chúng ta hân hoan gọi lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống như ngày: "khai sinh ra Giáo Hội". Có lẽ thái độ mâu thuẫn của các Tông đồ trong suốt hành trình sứ vụ của Đức Giêsu cũng như sự phân tán khi người bị bắt và bị giết chết cho thấy rằng nếu không có sự can thiệp của Chúa Thánh Thần thì đã không có một Giáo Hội ra đi loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu triển nở như ngày hôm nay. Đó chính là vai trò và tầm quan trọng của lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. 
Là kitô hữu, trong đời sống đức tin, chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, hãy luôn tin tưởng để Người hướng dẫn cuộc đời chúng ta, soi sáng những góc khuất trong tâm hồn mình. Người sẽ như kim chỉ nam dẫn ta về đúng lối nhà Cha trên trời. Lạy Chúa, xin sai Thánh Linh Ngài đến trần gian để đổi mới mỗi người chúng con, đổi mới mặt đất này. Amen.
 Cộng Đoàn Mai Sơn
 
— ∞  +  ∞ —
BÌNH AN ĐỂ LÀM CHỨNG NHÂN
Nhìn vào dòng lịch sử của bất cứ một dân tộc, một quốc gia hay một con người nào đó đều cho ta thấy điều mà con người luôn khao khát đó là “bình an”. Từ một em bé chưa biết gì cho tới cụ già đều đi tìm và khao khát cuộc sống của mình có được bình an trong tâm hồn. Vì có được bình an thì con người mới có niềm vui hạnh phúc và có thể kiến tạo niềm vui hạnh phúc cho người khác. Nhưng đứng trước nền văn minh của thời đại 4.0 làm cho con người cảm thấy sợ hãi và bất an trong tâm hồn. Con người cảm thấy không biết bám vào đâu để có được bình an thật. Có lẽ vì thế gian đã trao cho nhau những thứ bình an tạm thời chóng qua. Nhưng con người chỉ có được thứ bình an thật sự khi tin vào Thiên Chúa, và chính Chúa Giêsu đã hiểu thấu niềm khao khát đó của con người, đặc biệt các môn đệ trong lúc này nên khi Chúa Phục Sinh, Ngài đã đến với các ông. Nhưng khi hiện đến bên các tông đồ, Chúa Giêsu đã không ban cho các ông địa vị giàu sang mà Ngài ban cho các ông Bình an của Chúa Phục Sinh. Bình an đó là ơn của Chúa Thánh Thần. Sau khi trao Bình an cho các môn đệ, Ngài đã sai các ông ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân.
Khi Chúa Giêsu còn sống trên trần gian Ngài đã chuẩn bị thiết lập Hội Thánh bằng việc tuyển chọn 12 tông đồ để họ ở với Ngài và chính Ngài cũng đã hứa: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”, và “Thầy đi Thầy không để anh em mồ côi, Thầy sẽ sai Đấng Bảo trợ đến”. Vâng, Đấng Bảo Trợ đó chính là Chúa Thánh Thần. Sau 3 năm chuẩn bị đào tạo, huấn luyện các tông đồ là những người kế vị Ngài ở trần gian, thì Chúa đã thiết lập Hội Thánh trên nền tảng 12 tông đồ, và Hội Thánh đó được chính thức khai sinh vào ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Đức Thánh Cha Benedicto XVI trong lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, ngài nói:  Thánh Thần làm cho chúng ta mừng vui, và chính Ngài là sự mừng vui, ở đâu có Thánh Thần ở đó có hỷ hoan, có vui mừng. Vì khi sứ Thần truyền tin cho Đức Mẹ Sứ Thần nói Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng… Thánh Thần rợp bóng trên Bà… ở đâu có Thần khí của Thiên Chúa ở đó có mừng vui. Và các môn đệ hôm nay vui mừng đón nhận được sức mạnh của Thánh Thần. Vì thế, hoa trái đầu tiên của Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta là sự mừng vui trong Chúa.
Hoa trái thứ hai Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta đó là sự bình an. Bình an ở đây không phải chỉ là thứ bình an mau qua chóng hết nhưng là một sự bình an nội tâm thực sự, một thứ bình an mà thế gian không thể có. Sau khi Chúa chết, các môn đệ luôn sống trong sự sợ hãi, cắn dứt lương tâm vì đã chối Chúa, bỏ Chúa, sợ hãi các nhà lãnh đạo Do thái… nhưng được ơn Chúa Thánh Thần, các ông được ban ơn tha thứ và các ông cảm thấy bình an trong tâm hồn cả ngay khi gặp những khó khăn của cuộc sống.
Hoa trái thứ 3 của Chúa Thánh Thần đó là niềm hy vọng. Chính hy vọng sẽ là động lực giúp chúng ta vượt qua những thử thách, những cám dỗ để sẵn sàng can đảm tuyên xưng đức tin và làm chứng cho Chúa ngay khi phải bước trên gai góc của cuộc đời. Chính nhờ hoa trái đó đã giúp cho các tông đồ và Hội Thánh chu toàn trách nhiệm Chúa trao trước khi Ngài về trời. Chúa Giêsu đã thiết lập Hội Thánh và Ngài trao cho Hội Thánh hai nhiệm vụ:
Một là sai đi loan báo Tin Mừng: “như Cha đã sai Thầy Thầy cũng sai anh em”. Nói thế rồi Ngài thổi hơi vào các Tông đồ và nói: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Chúa Giêsu mạc khải cho các tông đồ biết sứ mạng Chúa trao cho các ông cũng là sứ mạng Ngài lãnh nhận từ Chúa Cha, sứ mạng từ trời cao chứ không phải sứ mạng con người trao cho nhau, và để giúp tông đồ thi hành sứ mạng Chúa đã trao ban Thánh Thần cho các ông. Chúa không để các tông đồ phải bơ vơ vất vả chèo chống trong sứ mạng, nên Ngài đã ban Thánh Thần đến để đồng hành, hướng dẫn các ông chu toàn sứ mạng Chúa trao. Như thế, để loan báo Tin Mừng người kitô hữu phải biết mở lòng ra đón nhận Thánh Thần, để Thánh Thần biến đổi canh tân con người mình, nhờ đó chúng ta có thể trở thành khí cụ bình an của Chúa ở trần gian. Trao ban bình an nghĩa là ban ơn tha tội, vì người có tội sẽ không có được sự bình an trong tâm hồn. Do đó, để có thể loan báo Tin Mừng người kitô hữu chúng ta phải có được sự bình an nội tâm.
Bản chất của Hội Thánh là loan báo Tin Mừng. Ngày nào Giáo hội không loan báo Tin mừng là Giáo hội đánh mất bản chất của mình. Nhưng để thi hành được sứ mạng Chúa trao, người loan báo Tin mừng phải là người tràn đầy Thánh Thần và luôn bình an trong tâm hồn. Vì chỉ khi tâm hồn mình bình an thì chúng ta mới có thể đem niềm vui và bình an cho người khác, như có câu nói: tôi không thể cho người khác cái tôi không có. Quả thực, nếu chúng ta không có bình an thưc sự của Chúa Phục Sinh trong tâm hồn mình thì chúng ta không thể trở thành sứ giả của sự bình an mà là sứ giả của sự bất hòa và chia rẽ. Bất hòa chia rẽ không phải là tác nhân của Thánh Thần mà là tác nhân của thần dữ, của ma quỷ. Đồng thời, người loan báo Tin Mừng phải là người được sai đi chứ không phải người làm theo hứng, làm theo ý thích của mình. Vì người được sai đi thì làm theo ý người sai mình. Người kitô hữu chúng ta được chính Chúa sai đi, vì vậy lời nói và hành động của chúng ta là làm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần chứ không theo ý riêng của mình. Vì thế người loan báo Tin Mừng phải luôn đặt câu hỏi: Ai sai tôi và  sai đi đâu? Bởi tông đồ là kẻ được sai đi. Cũng vậy, người loan báo Tin mừng cũng là sứ giả của sự bình an.
Nhiệm vụ thứ 2 là Hội Thánh thánh hóa bằng việc cử hành các Bí tích. Chúng ta không thể có ơn thánh hóa nếu không lãnh các Bí tích, nhất là Bí tích hòa giải. Có lẽ nhiều khi chúng ta chỉ nghĩ đến việc xưng tội mà không nghĩ phải lãnh nhận Thánh Thần trong Bí tích hòa giải. Vì Chính Chúa Phục Sinh đã thổi hơi vào các Tông đồ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” ( Ga 20,22-23). Điều này chúng tỏ rằng ơn tha tội là của Chúa Thánh Thần, và người được ơn tha tội là người được lãnh nhận Thánh Thần. Nhưng nhìn lại thực tế trong đời sống đức tin của chúng ta, nhiều người kitô hữu chúng ta đã lãnh nhận các Bí tích rất sơ sài, thiếu sự chuẩn bị chu đáo, và hầu như chưa cảm nghiệm sâu xa về ơn của Chúa Thánh Thần, chưa ý thức về tầm quan trọng và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong các Bí tích. Vì thế, để đón nhận được ơn thánh hóa người kitô hữu cần có đức tin mỗi khi lãnh nhận các Bí tích, và luôn mở lòng ra đón nhận ơn biến đổi của Chúa Thánh Thần.  
Lạy Chúa, đứng trước sứ mạng Chúa trao, chúng con thấy bản thân chúng con chưa thi hành được. Có lẽ nhiều khi chúng con chưa nhiệt thành trong sứ mạng loan báo Tin mừng, chúng con còn ngại khó khăn khi gặp thử thách, và chạy theo những hưởng thụ của thời đại 4.0, chạy theo những ảo tưởng làm cho tâm hồn chúng con không được bình an, nên chúng con không đem được bình an của Chúa đến cho những người chúng con gặp gỡ. Giờ đây, chúng con nài xin Chúa ban Thánh Thần cho mỗi người chúng con, để ước gì nhờ ơn Chúa Thánh Thần chúng con được biến đổi đời sống, trở thành khí cụ bình an của Chúa và trở nên chứng nhân giữa lòng đời hôm nay. Amen.
Cộng Đoàn Yên Phú
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log