TRÁI TIM YÊU THƯƠNG
“Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người.
Tức thì máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34)
Nhà thơ Xuân Quỳnh cả đời khắc khoải với đời và với người. Trong lúc đau đớn, chị đã phải thốt lên: “Tình yêu mỏng manh như màu khói”. Tình yêu mỏng manh ấy hình như là điều gì đó mờ mờ, ảo ảo vừa thực vừa hư bên trong chiếc bình pha lê lung linh đẹp đẽ nhưng nhỡ tuột tay là sẽ vỡ tan tành. Tình yêu phải chăng cũng là ảo ảnh phù du bất chợt? Không! Tình yêu luôn có cội, có nguồn và có một địa chỉ chính xác để người ta tìm gặp nơi “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8.16). Nơi Thiên Chúa, Người đã vắt cạn tình yêu trong trái tim để trao ban cho loài người. Trái tim yêu thương đến tận cùng của Chúa Giêsu đã để “máu và nước chảy ra” trên thập giá.
Không ai trên đời có thể định nghĩa được tình yêu và cũng không ai có thể diễn tả tình yêu thành lời một cách trọn vẹn. Con người chỉ có thể hiểu được và khám phá ra sức mạnh kì diệu của tình yêu khi bước vào một cuộc tình đích thực và chấp nhận nhấn chìm trong đó. Khi ấy, khuôn mặt tình yêu sẽ tự khắc in hình trong trái tim để con người được chiêm ngắm. Qua bàiTin Mừng hôm nay, thánh Gioan đã diễn tả khuôn mặt tình yêu nơi trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu khiến máu cùng nước chảy ra. Máu và nước chính là nguồn mạch sự sống. Máu là minh chứng lễ tế Chiên Vượt Qua mới đã thực hiện. Đức Giêsu đã tự nguyện hiến dâng mạng sống để con người được cứu độ; Người chấp nhận mang vào mình những thương tích để con người được chữa lành. Đó là tình yêu đến tận cùng vượt trên sự hiểu biết giới hạn của con người. Tình yêu này ta chỉ có thể hiểu được cảm được phần nào khi cuộc đời mình cũng nên lễ tế như Đức Giêsu... Cùng với máu, trái tim Chúa Giêsu tuôn trào những giọt nước cuối cùng. Đó là nguồn mạch Thần Khí tác sinh được mở ra. Đức Giêsu chết và sống lại là Tảng Đá vọt ra nguồn nước sự sống cho dân mới như cho dân Israel trong sa mạc, là suối nước chảy ra từ Đền Thờ. “Có ba chứng nhân: Thần Khí, nước và máu. Cả ba cùng làm chứng một điều” (1Ga 5,7.8). Điều đó là tình yêu nơi Đức Kitô chiến thắng tất cả, nhờ Tình Yêu con người được bước vào sự sống mới. Tình yêu nơi trái tim Chúa Giêsu biến gánh nặng nên nhẹ nhàng, đau thương thành êm ái, lao nhọc thành niềm vui, cay đắng nên ngọt ngào... Lời Chúa hôm nay mời gọi từng người kitô hữu cùng nhìn vào trái tim bị đâm thâu của Chúa để cảm nghiệm và suy tư. Từ đó, ta cũng biết tập mang vào mình những thương tích như Chúa Giêsu.
Trái tim Chúa Giêsu trải qua hàng nghìn năm vẫn còn đó màu máu yêu thương và nguồn nước trong lành chảy tràn khắp mọi miền. Mỗi lần chiếm ngắm hình ảnh ấy, làm sao ta không nấc lên một tiếng nghẹn ngào khao khát thế giới bình an, hạnh phúc. Máu và nước nơi trái tim Chúa Giêsu vẫn chảy ra từng giây phút vì chúng ta chưa thực sự tin Chúa, yêu Chúa; vì chúng ta còn thiếu bác ái, yêu thương, hi sinh, phục vụ,... Đâu đó vẫn còn những gia đình tan vỡ, bất hòa, đau khổ...; nạn bạo hành, ngoại tình, phá thai... chưa chấm dứt. Lặng mình! Nhịp đập trái tim lại nhanh hơn, mạnh hơn vì chính con người yếu đuối, bất toàn của ta còn để dục vọng lướt thắng. Nhưng ta không thất vọng, không mất niềm tin vì Chúa đã hứa: “Ta sẽ tặng các ngươi một quả tim mới. Sẽ đặt thần khí mới vào lòng, lấy khỏi mình các ngươi quả tim chai đá. Ban tặng một quả tim biết yêu thương”. (Ed 36,26)
Trái tim Chúa Giêsu vẫn mở ra mọi giây phút để mời gọi và đón từng người nép vào trái tim Người. Nơi đó, ngọn lửa tình yêu sẽ bùng cháy và biến đổi tâm hồn. Như Phaolô hung hăng bách đạo lại trở nên tông đồ nhiệt thành, cột trụ của Giáo hội; Augustinô ăn chơi, trác táng trở nên vị Giám mục lẫy lừng, sẵn sàng hi sinh vì đoàn chiên Chúa. Trong cuộc sống hôm nay cũng vậy, vẫn luôn có những tâm hồn ngập tràn tình yêu như thế. Khắp nơi trên thế giới có biết bao Linh mục, tu sĩ đang dấn thân, phục vụ những nơi nghèo khổ, dịch bệnh, đau thương để loan báo về Đấng bị đâm thâu... Có bao người cha, người mẹ chấp nhận hi sinh, thiệt thòi, mất mát, tổn thương để con cái, những người thân yêu được ấm no, bình an, hạnh phúc... Để có được điều đó, ta phải chấp nhận đi vào cuộc tình Giêsu và dám để máu và nước cùng chảy ra nơi con tim yếu mềm.
Lạy Chúa! Mỗi lần chiêm ngắm trái tim bị đâm thâu của Chúa, con cảm nghiệm rõ hơn máu và nước chảy ra mỗi ngày một nhiều hơn. Tất cả vì tội lỗi, yếu đuối của con và nhân loại. Trái tim chúng con còn khô cứng, chai đá, đóng kín trước nỗi đau của tha nhân. Xin uốn trái tim chúng con nên giống trái tim Chúa để chúng con thực sự là môn đệ mang tình yêu của Chúa đến với anh chị em chung quanh. Đặc biệt, xin Chúa luôn ở bên, nâng đỡ, giúp sức, ủi an chúng con để khi trái tim chúng con có những vết thương, chúng con không cảm thấy đau đớn nhưng thấy đó là hạnh phúc vì được chung phần cùng Chúa. Amen.
Yêu đến cùng
Đệ tử Cộng đoàn Sơn Tây
— ∞ + ∞ —
NGUỒN MẠCH TÌNH YÊU
“Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì Máu và Nước chảy ra”. (Ga 19,34)
Với mỗi người kitô hữu, tháng 6 là tháng dành riêng để kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, một trái tim đã phải mang quá nhiều thương tích chỉ vì yêu nhân loại. Trái tim của Ngài đã trở nên biểu tượng của một tình yêu mãnh liệt mà Thiên Chúa đã trao ban cho con người. Trái tim đó còn trở nên như một đối tượng của lòng sùng kính trong Giáo Hội và nhất là trong mỗi tâm hồn của người tín hữu.
Tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta dừng lại để chiêm ngắm cách sâu xa hơn mầu nhiệm tình yêu qua Thánh Tâm rướm máu của Chúa Giêsu. Chúng ta điều biết rằng trái tim là biểu tượng tình yêu, nhưng khi trao ban tình yêu lại phải cần ý thức hơn trong việc “đo lường kiểm định, rà soát” để tình yêu ấy luôn thể hiện rõ sự trong sáng, tinh tuyền và đẹp lòng Thiên Chúa.
Có tình yêu nào cao quý bằng sự hy sinh mạng sống vì người mình yêu và có nỗi đau nào bằng sự phản bội nơi người mình thương yêu nhất. Tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại được thể hiện nơi tình yêu Chúa Giêsu ban tặng mạng sống cho nhân loại, và sự đáp trả của con người ra sao? Nơi Tin Mừng Thánh Gioan cũng đề cập đến rất rõ: “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì Máu và Nước chảy ra.” (Ga 19,34). Khi chấp nhận lấy cái chết nhục nhã và đau đớn nhất trên cây Thập giá, Chúa Giêsu đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Thể xác thì bị bầm dập, máu chảy vì những vết roi đánh, tinh thần thì cũng đau đớn vì bị phản bội, bị chính những người thương sỉ nhục. Quả thật, nếu nhìn dưới khía cạnh con người thì sự đau khổ Chúa Giêsu chịu khiến người ta phải bức xúc và đau đớn thay. Nhưng dưới lăng kính của đức tin thì con người mang tên Giêsu ấy đã hoàn tất vai trò và ý muốn của Thiên Chúa Cha, là người đã sống rất đẹp ý Cha, vì nhân loại, vì người mình yêu thương đã đánh đổi cả mạng sống mà không một lời oán than.
Hơn thế nữa, Người còn tuôn đổ nguồn suối tình yêu khi bị lưỡi đòng quân lính đâm thấu cạnh sườn, dòng máu và nước đó tượng trưng cho tình yêu của một Người mang tên Giêsu, một tình yêu trao ban tất cả. Chính nguồn nước đó thể hiện sự thanh tẩy, muốn gội rửa đi những bụi bẩn nơi tâm hồn của mỗi con người, là những bụi bẩn bởi cái tôi ích kỷ, ghen ghét, đố kỵ, không yêu thương tha nhân. Chính nguồn nước đó sẽ tẩy uế mọi sự để cho những ai đến lãnh nhận được trở nên thanh sạch hơn. Còn nguồn mạch máu hồng ân làm cho con người ta có được sự sống, một sự sống thần linh được kết hiệp với Chúa, như cành nho được gắn liền với cây nho. Mỗi khi chiêm ngắm hình ảnh trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu phải chăng chúng ta cũng thấy sự góp phần của mình, dù ta không phải là những người ném đá Chúa, sỉ nhục Chúa hay dùng lưỡi đòng đâm thấu trái tim Chúa một cách trực tiếp, nhưng ta thực hành cách gián tiếp, khi ta không còn coi sự hiện diện của Chúa và ý Chúa để thực hành trong cuộc sống.
Với tội lỗi của chúng ta, qua những lúc ta không dám tuyên xưng đức tin, ta không thực hành bác ái yêu thương, đôi khi chới với và nghi ngờ tình Chúa khi gặp những khó khăn, hay khi ta tìm kiếm những thú vui ngoài thế gian để thỏa mãn nhu cầu... thì chính những lúc đó là ta đang sỉ nhục Chúa, ta đang đánh mất đi hình ảnh Chúa, đang đưa mũi đòng đâm thấu trái tim Chúa thêm một lần nữa. Chính ta tự đánh mất nguồn ân sủng, tự khép kín cánh cửa của tình yêu để nuôi dưỡng và che lấp những bụi bẩn của trần gian.
Lạy Chúa Giêsu, với thân phận yếu đuối, chúng con chiều theo tội lỗi dễ hơn là chống cự, xin tình yêu Chúa là suối nguồn yêu thương gột rửa vết nhơ nơi tâm hồn chúng con. Nhờ đó chúng con được thanh sạch và sống xứng đáng là hình ảnh của Chúa. Đồng thời, xin trái tim giàu lòng thương xót của Chúa nhìn đến nhân loại chúng con đang bị chìm đắm trong bóng đêm của nạn dịch Covid-19, biết bao người phải thiệt mạng, trẻ em không được đến trường..., dịch bệnh đã khiến nhịp sống nhân loại rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Xin Chúa đừng nhìn đến tội lỗi nhân loại, xin ban lòng yêu thương để nhân loại thoát khỏi nạn dịch. Đặc biệt, xin cho chúng con nhận ra tình yêu và quyền năng của Chúa trong biến cố chấn động toàn cầu này. Amen.
Cộng Đoàn Phố Ràng
— ∞ + ∞ —
THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU - NGUỒN TÌNH YÊU
Tháng 06 được gọi là tháng “Thánh Tâm Chúa Giêsu”, là tháng Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng nhìn và suy gẫm Thánh Tâm Chúa Giêsu cách đặc biệt. Giáo Hội đã minh định việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, và việc tôn thờ này như là một trong những điều nòng cốt của đức tin Kitô giáo. Bởi trong việc sùng kính Thánh Tâm, đức tin Kitô giáo vẫn giữ được tính nguyên tuyền của nó, vì việc sùng kính này dẫn đưa con người tới Chúa Ba Ngôi nhờ sự kết hợp với Trái Tim của Chúa Kitô. Việc tôn thờ này chính yếu hướng đến một Tình Yêu của mọi tình yêu – Tình Yêu chịu đóng đinh và chết cho người mình yêu. Ngoài ra, việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng kêu mời chúng ta bắt chước Người trong sự tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa và quảng đại trao ban tình thương cho hết mọi người.
Vào ngày thứ sáu, sau lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, Giáo Hội cho chúng ta chiêm ngắm và suy niệm Thánh Tâm Chúa Giêsu qua Bài Tin Mừng theo Thánh Gioan. Thánh Gioan đã trung thành kể lại sự kiện một người lính đã lấy giáo đâm thủng cạnh sườn Chúa Giêsu, để hôm nay chúng ta có đường lối đi vào Thánh Tâm Chúa. Từ đó, Thiên Chúa cũng mạc khải cho mỗi chúng ta về tình yêu của Ngài.
- Thiên Chúa yêu thương
Trong Thánh Kinh, chúng ta gặp được nhiều đoạn văn nói về tình yêu thương của Thiên Chúa đối với con người. Trong sách Cựu Ước, ngôn sứ Hôsê cho chúng ta biết Thiên Chúa tự ví mình như một người mẹ âu yếm con cái: Chăm sóc con, bồng con trên tay, ấp ủ trong lòng, tập cho con đi,… đó là những cử chỉ quen thuộc của một người mẹ.
Thiên Chúa là một người cha, nhưng lại có trái tim của một người mẹ. Và trái tim Ngài còn mênh mông hơn trái tim một người mẹ vì: “Dẫu người mẹ có quên con mình thì Ta cũng sẽ chẳng bao giờ quên các con” (Is 49,14-15). Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế đó.
Trong sách Tân Ước, Thánh Phaolô trong thư Êphêsô đã xin Thiên Chúa mở lòng trí ta, giúp ta hiểu được phần nào tình yêu vô tận của Chúa Kitô. Tình yêu đó vượt quá trí hiểu của chúng ta: nó vừa rộng vừa dài, vừa cao vừa sâu. Tin Mừng Gioan hôm nay đã nói đến tình yêu thương đó cụ thể nhất khi thuật lại giờ chết của Chúa Giêsu trên Thập giá. Sau khi chết, trái tim Ngài bị đòng đâm thâu qua. Từ đó, nước và máu đã chảy ra cho tới giọt cuối cùng. Trái tim Chúa Giêsu là biểu hiện Tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Trái tim đó bị đâm nát, điều đó chứng tỏ Thiên Chúa yêu thương chúng ta cách trọn vẹn, Ngài đã cho đi tất cả, hiến dâng tất cả và không giữ lại cho mình cái gì.
Thiên Chúa đã yêu thương ta vô bờ bến, cho dù chúng ta đầy tội lỗi thì chúng ta vẫn có một chỗ an nghỉ trong trái tim của Thiên Chúa, chúng ta vẫn được Thiên Chúa yêu thương vô hạn.
2/ Tình thương không thế hiểu nổi
Quả thật, tình thương của Thiên Chúa là một tình thương khôn dò khôn thấu, vượt quá sự hiểu biết của con người. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một cho trần gian để cho con người được sống. Còn gì quý hơn Con Một Ngài, thế mà Thiên Chúa lại ban cho con người. Và khi ban Con Một nghĩa là Ngài đã ban cho ta tất cả những gì Ngài có thể ban.
Người Con Một ấy đã hiến thân làm lễ vật thay cho chúng ta để thực hiện ý định yêu thương của Chúa Cha. Đó là tình yêu hiến dâng và cứu chuộc. Một tình yêu đến cùng, chấp nhận mọi hậu quả. Trong Kinh cầu Trái tim Chúa Giêsu tuy có vẻ mộc mạc nhưng lại rất sâu sắc: “Trái tim Chúa Giêsu tan nát vì tội lỗi chúng tôi”. Đó chính là cái giá mà Chúa Giêsu phải trả trên Thập giá vì quá yêu thương con người.
Thực ra chỉ có Thiên Chúa mới có thể yêu thương tới mức đó. Còn loài người chúng ta dầu có thề thốt gì với nhau đi chăng nữa thì tất cả đều rất mong manh,b dễ đổi thay. Tình yêu của loài người dầu mãnh liệt đến sông sâu cũng lội, núi cao cũng trèo nhưng nó đều có giới hạn, nhiều kẽ hở, lắm rủi ro và có lúc cũng đầy yếu đuối. Biết bao tình yêu trên đời tưởng chừng thách thức thời gian, nhưng lại bị thời gian làm sói mòn, phai nhạt, rồi đi tới tan vỡ. Như vậy, chỉ có tình yêu Thiên Chúa là một tình yêu đầy tràn một cách viên mãn mà không bao giờ vơi cạn.
3/ Chúa muốn chúng ta thương nhau
Trong bối cảnh dịch bệnh ngày hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta nhìn lên Trái Tim bị đâm thâu, từ đó, mỗi người chúng ta cảm nghiệm được tình yêu thương của Chúa. Trong khi thế giới vật lộn với sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, nhiều người không cảm nghiệm được sự vất vả của các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế và nhất là sự thiếu hụt trầm trọng của dụng cụ y tế, ôxi. Một bộ phận những người không chấp hành những khuyến cáo, thích làm theo những sở thích riêng như: không đeo khẩu trang, vẫn tập trung đông người để chơi bời, ăn uống… Có thể nói, những người đó chưa cảm nghiệm được những nỗi gian nan vất vả, nguy hiểm của căn bệnh này. Họ chưa biết mở lòng để cộng tác với người khác.
Đối với những bệnh nhân bị nhiễm bệnh cũng phải chịu nhiều đau khổ. Trong cuộc sống, không ai muốn mình bị bệnh. Thế nhưng, sau khi khỏi bệnh họ sống cũng không yên. Họ chịu nhiều “viên gạch”, là những lời chỉ trích, trách móc trên những nẻo đường làng ngõ xóm. Không chỉ người nhiễm bệnh bị “Kỳ thị”, mà cả người thân cũng chịu sự kỳ thị đó. Từ đó, họ ra đường trong sự lo âu, hổ thẹn, tự ti… Vì thế, xin cho mỗi người cũng biết yêu thương và cảm thông với những đau khổ về mọi mặt của người khác.
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu hôm nay, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa Giêsu để biết mở trái tim yêu thương những người xung quanh qua những hành động cụ thể như: không nói xấu, không phân biệt, kỳ thị, yêu thương và chia sẻ với nỗi đau của người khác.
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen
Cộng Đoàn Yên Phú