THÁNH GIÁ - TÌNH YÊU CỨU ĐỘ
Đã hơn hai ngàn năm qua đi, có biết bao nhà thần học gia, nhạc sĩ, văn sĩ đã miệt mài tìm cách diễn tả về Thập giá của Đức Kitô. Nhưng dường như càng tìm kiếm con người càng mất hút trong sự Mầu nhiệm của tình yêu nơi Thập giá, càng cố gắng để hiểu con người lại càng chìm sâu trong mầu nhiệm của đức tin mà lý trí không dò thấu được. Thế nhưng, từ nơi sâu thẳm của Mầu nhiệm Thập giá, tiếng gọi của tình yêu luôn vang vọng, lời mời gọi con người hướng nhìn lên Thập giá để chiêm ngắm Đấng đã chết cho tình yêu và vì tình yêu. Thập giá cũng là một lời minh chứng hùng hồn nhất về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Thánh Phaolô đã quả quyết: “Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những kẻ được cứu độ thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa” (1Cr 1,18). Thật vậy, khi con người đang quay cuồng và ngụp lặn tìm kiếm sự khôn ngoan của thế gian bởi đủ các mánh lới và thủ đoạn, thì người kitô hữu lại được mời gọi tìm kiếm Đức Kitô chịu Đóng Đinh trên Thập Giá như thác nguồn tuôn trào ơn cứu độ. Bởi chưng, sau biến cố Khổ nạn và Phục sinh, Thập giá đã trở thành cầu nối giữa Thiên Chúa và con người, là điểm hẹn nối kết Trời và Đất, là sáng kiến của tình yêu cứu độ mà Thiên Chúa đã tặng ban cho nhân loại qua Con Một của Người, để tất cả những ai tin vào con của Người sẽ được sống muôn đời (Ga 3,16).
Trước biến cố Khổ nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu, thập giá thường chỉ được con người nhìn dưới khía cạnh đau khổ, bởi thập giá là kết quả của những toan tính gian ác nhất mà chế độ chính trị Rôma dùng để kết án kẻ phạm tội. Thập giá là điều mà thế gian từ rẫy, khinh miệt, là điều mà bản tính loài người ghê tởm và lý trí con người không thể chấp nhận. Thập giá tự bản chất nó là sự độc ác, thua thiệt đến nghiệt ngã, là thực tại đau buồn nhất do con người tạo ra để tiêu diệt nhau sao cho bạo tàn, rùng rợn nhất. Đau khổ được coi là cảm nhận trực giác nhất từ hình ảnh của thập giá. Tuy nhiên, đó không phải là thông điệp Thiên Chúa muốn gửi đến cho nhân loại, điều mà Người muốn gửi đến là việc trao ban tình yêu của Người cho nhân loại ngang qua Mầu nhiệm Thập giá. Nơi Thập giá, Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Người cho nhân loại như thánh Gioan đã miêu tả: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một Người, để ai tin vào con của người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
“Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc thế nào, Con Người cũng phải được giương cao như vậy” (Ga 3,14). Đó không chỉ là lời chứng về biến cố dân Itrael bất tuân nơi sa mạc bị rắn đồng cắn chết và nhờ nhìn lên con rắn đồng mà được sống. Nhưng qua đó, Đức Giêsu còn mời gọi Nicôđêmô suy gẫm về biến cố Khổ nạn của Người sau này. Đồng thời, đây còn là lời nhắc nhớ mỗi kitô hữu rằng: hãy đặt Con Thiên Chúa vào thập giá và treo Người lên trên thập giá để hiểu được ý nghĩa của Mầu nhiệm Thập giá. Thập giá mặc khải cho con người Mầu nhiệm của tình yêu cứu độ, nhưng đồng thời cũng cho con người thấy rõ hơn bóng tối của đời mình khi từ chối sự hiện hữu của Thiên Chúa “đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá” (Mt 27,23). Từ biến cố Khổ nạn-Phục sinh, thập giá đã được Đức Kitô mặc cho một ý nghĩa mới, một giá trị mới, là biểu tượng của tình yêu cứu độ, là sự giao hòa và gắn kết những gì đã đổ vỡ ngay từ những trang đầu của công trình sáng tạo (St 3). Thập giá Đức Kitô là minh chứng của tình yêu trao ban, tha thứ “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Nơi đó, Đức Giêsu đã không giữ điều gì lại cho riêng mình, Người chấp nhận bị lột trần, chấp nhận cái chết nhục nhã để mặc lại cho con người phẩm giá làm con Thiên Chúa.
Mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá hôm nay, Giáo hội mời gọi con cái mình chiêm ngắm Thánh Giá Chúa Giêsu để cảm nhận và thấu hiểu tình yêu mà Thiên Chúa đã ưu ái dành cho nhân loại. Đồng thời, cũng là dịp để người kitô hữu suy niệm về hình ảnh của Thập giá trong chính đời sống thường ngày và nhất là qua các biến cố trong cuộc sống. Qua mầu nhiệm Thập giá, người Kitô hữu thấy rõ hơn sự mật thiết giữa Thập giá và những gì diễn ra trong đời sống con người. Mầu nhiệm Thập giá giúp con người hiểu rằng cuộc sống không vắng bóng, cũng không tách rời Thập giá, nhưng Thập giá bao trùm toàn bộ cuộc sống con người để qua đó mỗi Kitô hữu có thể xác tín niềm tin của mình rằng: “Tôi biết tôi đã tin vào ai” (1Tm 1,12).
Giữa xã hội hôm nay, một xã hội đề cao chủ nghĩa cá nhân và lối sống thực dụng, con người bị cám dỗ bởi những mãnh lực của tiền bạc, quyền lực mà quên đi những giá trị chính yếu trong đời sống của mình. Ngôn ngữ và hình ảnh về Thập giá trở nên xa lạ và là một điều gì đó xem ra được gán cho những đau khổ và bất công mà Chúa gửi đến. Ai cũng tìm cách né tránh thay vì đón nhận, than phiền thay lời tạ ơn, hay những tiếng thở dài than thân trách phận. Trước biến cố đại dịch Covid đang hoành hành khắp nơi trên thế giới hôm nay, người Kitô hữu càng được mời gọi khẩn thiết hơn nữa để sống niềm cậy trông, tin tưởng vào Thiên Chúa. Nhìn lên Thánh Giá Chúa, người ta không chỉ thấy một sự thinh lặng đến bất tận, nhưng nhìn lên Thánh Giá Chúa sẽ giúp con người ý thức hơn về sự yếu đuối và thân phận phải chết của mình.
Là người kitô hữu và đặc biệt là người Nữ tu Mến Thánh Giá, tôi, bạn, và tất cả chúng ta được mời gọi đón nhận Thập giá trong tin yêu và hy vọng. Đón nhận, chiêm ngắm để khám phá chiều dài, rộng, cao, sâu của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại qua cái chết của Con Một Người trên Thập giá. Niềm tin của chúng ta sẽ chẳng bao giờ trở nên vô định nhưng là một niềm xác tín sâu xa vào Đấng đã chết nhưng nay đã Phục sinh. Bởi chưng chính kinh nghiệm của thánh Phaolô khi được ơn trở lại đã khẳng định rằng: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20), để rồi thánh nhân đã dành hết quãng đời còn lại để rao giảng về một Đức Kitô chịu đóng đinh vào Thập giá và ngày thứ ba đã sống lại.
Ước chi mỗi chúng ta đều trở nên những chứng nhân của Tình yêu, của sự tha thứ và là lời minh chứng vĩ đại nhất của Thiên Chúa giữa lòng thế giới. Xin cho ánh sáng của Thập giá chiếu soi trên mỗi người để ngày càng có nhiều tâm hồn khao khát được chiêm ngắm và chìm sâu trong mầu nhiệm Thập Giá.
Maria Nguyễn Hồng
Lớp Thần học K5 - Học viện MTG Hưng Hóa
— ∞ + ∞ —
VÌ TÌNH YÊU THẬP GIÁ TRỞ NÊN THÁNH GIÁ
“Tình yêu Giêsu! Tình yêu cao quý vô cùng. Vì yêu thương con Chúa chịu trăm ngàn khổ đau” (Chỉ một tình yêu - Giang Ân). Đó là những ca từ hết sức tha thiết, sâu lắng nói lên tình yêu tuyệt đối Thiên Chúa dành cho nhân loại. Vì yêu Chúa chấp nhận ban tặng Con Một yêu dấu làm lễ tế cứu độ gian trần. Cũng vì yêu Chúa Giêsu vâng theo Thánh ý Cha đón nhận khổ đau, thập giá để giải thoát con người khỏi ách tội lỗi. Trong ngày lễ Suy tôn Thánh Giá hôm nay, chúng ta được mời gọi nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh để chiêm ngắm, suy tư, thấu cảm tình yêu đến tận cùng của Người. Hình ảnh Chúa Giêsu chịu đóng đinh không khiến chúng ta khổ đau, thất vọng nhưng giúp chúng ta nhận ra giá trị đích thực của hi vọng, tình yêu và ơn cứu độ. Vì yêu Chúa Giêsu biến thập giá trở nên Thánh Giá vinh quang để ban tặng cho con người hồng ân tha thứ và mọi phúc lành.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nói: “Nếu muốn biết ‘câu chuyện tình’ mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, chúng ta phải ngắm nhìn Thánh Giá, nơi ấy có một vị Thiên Chúa đã hoàn toàn ‘trút bỏ vinh quang’, sẵn sàng bị ‘vấy bẩn’ bởi tội lỗi con người để cứu con người khỏi chết. Vị Thiên Chúa ấy sẽ hủy diệt vĩnh viễn cái tên xấu xa đích thực của sự dữ mà Sách Khải huyền gọi là ‘con rắn xưa’. Tội lỗi là việc làm của Satan. Nhưng Đức Giêsu đã chiến thắng Satan. Ngài đã tự hạ mình xuống, trở thành hiện thân của tội để nâng con người lên“. Mầu nhiệm Thánh Giá diễn tả tình yêu vô bờ bến, tình yêu không thể mô tả được của Thiên Chúa đối với nhân loại. Trên thập giá Chúa nói với người trộm lành: “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”. Chúa Giêsu còn cầu nguyện cho những kẻ đóng đinh, nhạo báng mình trên thập giá “Xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Một tình yêu vượt trên tất cả, tha thứ tất cả. Ta cùng tưởng tượng ta đang trên đồi Gôngôtha chiều thứ sáu hôm ấy. Chúa thoi thóp từng cơn, đau đớn nhục nhã ê chề. Dưới chân thập giá, biết bao người hò la. Có kẻ cao hứng nói: “Hỡi Giêsu, kẻ tự xưng làm con Thiên Chúa, có giỏi thì tự cứu mình đi, xuống khỏi thập giá đi”. Không một tên nào trong đám gian ác tỏ dấu ăn năn, sám hối, ân hận. Thế mà Chúa đã tha thứ cho họ. Khi tha thứ như vậy, Chúa đã công bố một Tin Mừng Tình Yêu “Dầu con có giết chết, có đóng đinh, chà đạp Ta xuống tân bùn đen thì Ta vẫn hết mực yêu thương con”. Tình yêu đã biến thập giá đau khổ nên Thánh Giá vinh quang để khơi nguồn ơn cứu độ.
Suy tôn Thánh Giá là suy tôn tình yêu cao vời của Thiên Chúa. Thánh Giá không phải là kết thúc nhưng là khởi đầu để con người bước sâu hơn vào mối tình giữa ta và Chúa. Thánh Giá không phải là sự yếu đuối nhưng là sức mạnh của tình yêu đến nỗi hiến cả mạng sống cho người mình yêu. Thánh Giá không phải là sự chết nhưng là sự sống mới của con người trong tư cách làm con Thiên Chúa. Thật kì diệu và tuyệt vời vì tình yêu có thể làm được mọi sự: gánh nặng nên nhẹ nhàng; nỗi buồn thành niềm vui, thất bại nên thành công;... và thập giá thành Thánh Giá. Khi ta cảm được sự huyền nhiệm ấy, cuộc sống không bị đè bẹp bởi sức nặng của khổ đau nhưng luôn mang những ý nghĩa cao cả. Tuy nhiên, suy tôn Thánh Giá không chỉ nhận ra tình yêu hải hà của Thiên Chúa trên cuộc đời nhưng mời gọi ta sống tình yêu cách triệt để và cụ thể.
Thập giá là một sự thật của phận người. Thực tế cho thấy đau khổ, sự dữ luôn hiện diện và chúng có mặt trên mọi bình diện của cuộc sống: thể lí, tâm lí, tâm linh. Thân xác yếu hèn của con người làm sao khỏe mãi. Có người đau khổ vì phải mang bệnh suốt đời. Có người vừa sinh ra đã phải chấp nhận mình là người khuyết tật. Đau đớn thay những thai nhi vô tội chưa kịp chào đời đã bị chính cha mẹ loại bỏ, giết chết,... Đó là nỗi đau thân xác, nỗi đau mà các giác quan có thể cảm nhận. Nhưng sâu xa hơn, nỗi khổ của tâm hồn con người khiến trái tim quặn thắt, nhói đau. Những trái ý, hiểu lầm, mâu thuẫn thường ngày làm ta rơi lệ. Những cuộc chia li xa cách khiến người ta đau khổ. Đặc biệt, trong thời đại dịch này, biết bao gia đình không được gặp người thân lần cuối. Có người đau khổ khi vài ngày trước nhìn con từ xa lên xe đến khu cách li mà hôm nay chỉ nhận được hũ trò tàn... Đau đớn hơn là nỗi khổ nơi tâm linh. Khi con người phải chịu những đau khổ về thể lí và tâm lí thì mấy ai nhìn nhận chúng trong tích cực, bình an. Người ta thấy Chúa xa vắng, không hiện diện. Nhưng đau khổ ấy lại là thầy dạy chúng ta bác ái, khiêm nhường; thầy dạy sự siêu thoát. Đau khổ là thước đo niềm tin và đau khổ để vinh danh Chúa. Chính lúc con người cảm thấy đau đớn tột cùng thì Chúa lại hiện diện cách gần gũi, sống động. Chiêm ngắm Thánh Giá thì có nỗi đau nào sánh bằng nỗi đau của Chúa Giêsu? Nếu chỉ nhìn thập giá với ánh mắt nhân loại là khổ đau thì cuộc sống quả là đau khổ. Nhưng giá trị của thập giá đó chính là ân sủng của Thiên Chúa.
Lễ Suy tôn Thánh Giá hôm nay mời gọi tất cả chúng ta cùng nhìn lại chính bản thân mình trong mầu nhiệm thập giá. Tôi đã và đang gánh chịu những thập giá nào trong cuộc sống hằng ngày? Quan trọng hơn, thái độ của tôi trước thánh giá là gì? Tôi có đủ tình yêu để biến thập giá thành Thánh Giá và Thánh Giá nở hoa tỏa hương yêu cho đời? Lặng mình trước Chúa, có lẽ trái tim mỗi người lại rung lên một nhịp rất riêng, rất khác để từ nay đón nhận thập giá cuộc đời bằng đức tin, tình yêu và lòng mến như chính Chúa Giêsu đã đón nhận mà không thở than, trách móc.
Lạy Chúa, Chúa biết phận người mỏng manh, yêu đuối, dễ đổi thay “chiều thề hứa sáng mai lại đổi lòng”. Xin Chúa luôn ở bên, nâng đỡ, đồng hành để chúng con dám đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá, từ bỏ dục vọng, tội lỗi thế gian. Xin Chúa thêm sức mạnh cho chúng con để chúng con đủ sức vác Thánh Giá mỗi ngày và vác với thái độ vui tươi, bình an. Đặc biệt, chúng con đang bước trên con đường Mến Thánh Giá - chặng khó hơn cả trong những nơi Thương khó. Nguyện xin Chúa giữ lửa yêu trong hồn chúng con để ngọn lửa ấy có thể bùng cháy bất cứ nơi đâu chúng con đến. Ước gì cuộc đời chúng con ngày càng giống Chúa và trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con. Amen.
Yêu đến cùng
Tiền Tập Viện