Thứ bảy, 23/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Mẹ Thiên Chúa (Lc 2,16-21)

Cập nhật lúc 10:29 31/12/2021

 
 
ĐỨC MARIA LÀ MẸ THIÊN CHÚA
 
WMTGHH - Đức Maria Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa và cũng là Mẹ của chúng ta. Đây cũng là một lời khẳng định về vị thế đặc biệt của Đức Trinh Nữ Maria trong Giáo hội Công giáo chúng ta. Trải qua hơn 2000 ngàn năm lịch sử, nhân loại luôn cảm nghiệm được niềm hạnh phúc vì cùng với Đức Giêsu, chúng ta được gọi Đức Maria là “mẹ”. Đức Trinh Nữ Maria đã thụ thai Chúa Giêsu một cách kỳ diệu, cưu mang Ngài trong lòng Mẹ, sinh ra Ngài, chăm sóc Ngài, nuôi dưỡng và yêu thương Ngài trong suốt cuộc đời của Mẹ. Mẹ đã đúc kết mọi nhân đức hoàn thiện để yêu Con của Mẹ bằng một tình yêu trọn vẹn. Chúng ta khó có thể tưởng tượng được chiều sâu và vẻ đẹp của tình yêu mà Mẹ dành cho Chúa Giêsu và cũng chính là dành cho mỗi người chúng ta. Một tình yêu mạnh mẽ, không dao động, sâu sắc và đầy dịu dàng. Cứ mỗi năm vào đầu năm Phụng vụ, Giáo Hội mời gọi chúng ta đến để tôn vinh Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ Giáo Hội. Đây là một ân ban và cũng là dịp đặc biệt để mỗi người bày tỏ tâm tình thảo hiếu đối với Đức Maria - người Mẹ đầy ân sủng.
Lần mở những trang Kinh Thánh, chúng ta cùng ngắm nhìn vẻ đẹp ngời sáng về mọi nhân đức của Mẹ, cùng suy nghĩ và cùng cảm nghiệm về tình yêu của Mẹ dành cho Ngôi Hai Thiên Chúa và cho từng người chúng ta. Khởi đi từ tiếng “Xin Vâng”, Mẹ đã gạt đi tất cả những hoạch định riêng tư về cuộc đời mình để đi vào kế hoạch và chương trình của Thiên Chúa. Giây phút quan trọng nhất trong đời Mẹ là giây phút Ngôi Hai Nhập Thể xuống thai sinh trong lòng Đức Trinh Nữ Maria. Quả thế, khi nhập thể làm người để ở cùng nhân loại, Thiên Chúa đã chọn một người phụ nữ để làm mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa nơi trần thế, đó là Đức Maria. Người đã được sinh ra từ cung lòng của một người mẹ nơi trần gian. Trong suốt thời gian sống trên dương gian, từ khi sinh ra cho đến lúc chết trên thập giá, cuộc sống của Chúa Giêsu luôn có Mẹ Maria che chở, đồng hành, hiện diện để chia sẻ, khích lệ, an ủi lúc vui cũng như khi buồn. Lúc mang thai Hài Nhi Giêsu, Đức Maria đã trải qua chặng đường khó khăn vất vả, từ miền Bắc về miền Nam, để khai báo hộ khẩu. Đức Maria sinh con trong hang bò lừa giá lạnh, đang đêm đưa con trốn sang Aicập để bảo vệ con. Sau khi Hêrôđê băng hà, Đức Maria đưa con trở về quê hương sinh sống. Khi Hài Nhi Giêsu lên 12 tuổi, Đức Mẹ vất vả ba ngày đường để tìm con. Mẹ cũng chịu đau khổ khi Chúa Giêsu bị mọi người chống đối. Nhất là vào những ngày cuối đời trên trần thế của Chúa Giêsu, Đức Maria đã chứng kiến những giây phút hãi hùng nhất Chúa Giêsu đã chịu. Đặc biệt, Mẹ đã chứng kiến cái chết đau thương trên thập giá của Chúa. Đức Mẹ đã ở bên Chúa Giêsu, cùng hiệp thông trong đau khổ với Người để cứu độ trần gian. Chúa Giêsu cũng muốn cho mỗi người chúng ta được sống trong tình mẫu tử của Mẹ, Người đã trao ban Đức Mẹ cho chúng ta qua thánh Gioan, khi Người nói với Gioan: “Đây là Mẹ của con”, và Thánh Kinh đã ghi lại: “Kể từ lúc đó, người môn đệ Chúa yêu đã đón Mẹ về nhà của mình”.  Kể từ giây phút đó, Thánh Gioan đã đại diện cho nhân loại để nhận Mẹ làm Mẹ của Giáo Hội, Mẹ của chúng ta, Mẹ của những ai tin vào Con của Mẹ. Đồng thời, Ngài cũng trao phó nhân loại cho trái tim yêu thương của Đức Maria “Đây là con của Mẹ”. Từ đây, Mẹ sẽ tiếp tục nâng đỡ, yêu thương, hiện diện để bầu cử, chăm sóc, che chở và lo lắng cuộc đời cho từng người chúng ta. Chúng ta có thể cảm nghiệm về tình thương yêu của Mẹ Thiên quốc qua hình ảnh người mẹ trần thế. Mẹ trần thế yêu thương con của mình đến nỗi dám đánh mất chính mình cho con được lớn lên thế nào, thì người Mẹ Thiên quốc cũng lo cái lo của con cái dưới thế, cũng đau với nỗi đau của nhân loại, cũng sẵn sàng làm tất cả đế cứu vớt nhân loại lầm than. Chúng ta đã từng nghe bài hát lòng mẹ của Y Vân: “Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào…”,  chúng ta đã ví lòng mẹ trần gian như biển cả mênh mông, bao la phủ kín của đời con. Có lẽ cũng vì đó mà cuộc đời của mỗi người chúng ta luôn có mẹ đồng hành, niềm vui nỗi buồn của chúng ta luôn có mẹ đồng hành, cùng sớt chia. Thật vậy, nếu người mẹ trần gian luôn luôn yêu thương con cái của mình hết sức dù nó có xấu xí, có tội lỗi thế nào đi nữa thì mẹ vẫn yêu chỉ vì một lý do đơn giản, nó là con của bà. Cũng vậy, với Đức Maria, chúng ta tin rằng: với vai trò là Nữ Hoàng Thiên Quốc, Mẹ cũng yêu thương chúng ta như đã yêu thương và chăm sóc Chúa Giêsu.
Trong bối cảnh xã hội hôm nay, biết bao đau khổ đang diễn ra trên thế giới như: chiến tranh, dịch bệnh, tệ nạn xã hội… nhất là vấn đề phá thai. Chúng ta vẫn có Đức Maria luôn bầu cử, che chở và bênh vực mỗi chúng ta. Dù chúng ta gặp muôn vàn khó khăn thử thách, chịu biết bao đau khổ, phạm vô số lầm lỗi trong cuộc đời, chúng ta sẽ vượt qua được những điều đó nếu chúng ta biết chạy đến Mẹ Maria, vì Mẹ luôn thương yêu con cái mình. Mẹ luôn đi bước trước để bầu cử cho mỗi chúng ta, như xưa Mẹ đã bầu cử cùng Chúa Giêsu cho đôi bạn nơi tiệc cưới Cana. Vì thế, Giáo Hội không ngớt tôn vinh và tôn nhận như lời khẩn cầu của Mẹ dưới tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa mà chúng ta đọc hằng ngày: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử ”.  Khi thưa cùng Mẹ điều đó, chúng ta ý thức thân phận yếu đuối, mỏng giòn của mình, là thường hay sa đi ngã lại trong lầm lỗi tội lỗi. Đồng thời, chúng ta cũng nói lên sự phó thác cậy trông nơi Mẹ, là Mẹ của Thiên Chúa và cũng là Mẹ chúng ta.
Ai cũng có mẹ và cũng đã và đang cảm nhận tình mẫu tử, Florian nhận định: “Nơi ẩn náu yên ổn nhất là lòng mẹ”. Người mẹ lạ vô cùng, Tình Mẹ kỳ diệu lắm. Quả thế, khi Thiên Chúa muốn Con Một Giêsu giáng sinh làm người, Ngài biết đường đời nhiều gian nan, và Ngài đã tiền định cho Con trẻ Giêsu một Người Mẹ. Chúng ta thật hạnh phúc vì cũng được tiền định làm con cái của Đức Trinh Nữ Maria – Mẹ Thiên Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta cũng biết đón Mẹ về nhà cuộc đời chúng ta, để chia sẻ những vui buồn trong gia đình chúng ta. Ước gì chúng ta biết trân trọng, gìn giữ Mẹ như bảo ngọc châu báu mà Chúa đã ban cho chúng ta, đừng để mất Mẹ, vì mất Mẹ là mất cả bầu trời. Ước gì mỗi người chúng ta biết tin tưởng phó dâng cuộc sống gia đình của mình cho Mẹ và biết dành một vài giây phút trong ngày để thưa lên cùng Mẹ: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con hôm nay và trong giờ lâm tử. Amen.

Cộng đoàn MTG Camêlô
Têrêsa Mai Thu

— ∞  +  ∞ —
MẸ MARIA GHI NHỚ VÀ SUY NGHĨ
 
Qua trang Tin Mừng hôm nay, thánh Luca cho con biết nét đặc biệt khác của Mẹ Maria - Mẹ Thiên Chúa là: “Người ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19.51).
Sau khi được chọn làm Mẹ Thiên Chúa, cưu mang và hạ sinh Chúa Giêsu, Mẹ Maria chắc chắn chưa hiểu hết được thiên chức ‘Mẹ Thiên Chúa’ và chưa hiểu hết được mầu nhiệm ‘Con Thiên Chúa’ nơi Chúa Giêsu, cũng như chưa hiểu lời Chúa Giêsu mạc khải cho Mẹ biết việc Ngài ở lại Đền thờ vì bổn phận của Nhà Cha: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói” (Lc 2,49-50). Tất cả những điều không hiểu đã được Mẹ luôn đặt vào trong suy tư và cầu nguyện: “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”.
Mẹ Maria đã thinh lặng để suy tư và cầu nguyện không chỉ một lần hay một biến cố, nhưng là trong suốt cuộc đời Mẹ: Hôm nay khi ánh vinh quang Thiên Chúa xuất hiện nơi Chúa Giêsu và được sứ thần loan báo cho các Mục Đồng biết thì các ngài đã không ngớt lời ca ngợi, riêng Mẹ chỉ ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc 2,19).
Sau biến cố lạc mất Chúa tại Đền thờ Giêrusalem rồi trở về Nadaret, Chúa Giêssu tiếp tục sống cuộc sống vâng phục trong gia đình, còn Mẹ thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng (Lc 2,51). Hay tại tiệc cưới ở Cana, Mẹ đã âm thầm nhẹ nhàng báo cho Chúa Giêsu biết bữa tiệc đã hết rượu và bảo gia nhân cứ làm theo lời Chúa Giêsu nói, vì Mẹ tin vào con Mẹ. Còn trong cuộc đời công khai của Chúa, Mẹ vẫn luôn âm thầm theo bước chân của Chúa Giêsu con Mẹ với tâm tình cầu nguyện. Và cuối cùng bên thánh giá, Mẹ đã chứng kiến nỗi đau đớn tột cùng trong những giờ phút cuối cùng của con, nhưng Mẹ không một lời kêu than, oán trách mà trái lại hoàn toàn tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa.
Chính khi Mẹ để cho những kinh nghiệm về Chúa Giêsu từ cuộc mạc khải ở biến cố Truyền Tin cho đến dưới chân thập giá trên đỉnh đồi can vê đi vào nội tâm bằng cách luôn ghi nhớ, suy đi nghĩ lại để suy tư và cầu nguyện. Mẹ đã hiểu, đã xác tín cách thâm sâu chương trình của Thiên Chúa nơi Mẹ, nơi Chúa Giêsu con của Mẹ và Mẹ đã trở nên người môn đệ đầu tiên đi theo Chúa Giêsu trên đường thập giá, nhất là Mẹ càng xứng đáng hơn với Thiên Chức ‘Mẹ Thiên Chúa’.
 Lạy Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ của chúng con, xin Mẹ dạy chúng con biết noi theo gương Mẹ, âm thầm suy đi nghĩ lại Lời của Chúa bằng cầu nguyện, bằng lắng nghe, chiêm ngắm và đón nhận Chúa Giêsu Hài Nhi vào Lòng, vào cuộc đời và vào cộng đoàn chúng con, để chúng con nhận ra sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa trong các biến cố của thế giới, của lịch sử và của cuộc đời chúng con, nhờ đó chúng con sẽ biết đi theo Chúa giống như Mẹ. Amen.
 
Tập viện
Hội dòng MTG Hưng Hoá

— ∞  +  ∞ —
NGƯỜI TRINH NỮ SUY TƯ
 “Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỉ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19).

Hạnh phúc không phải là một điểm đến mà là một hành trình. Trong hành trình đó, mọi thứ về tương lai đều không chắc chắn, nhưng có một điều chắc chắn là Thiên Chúa luôn có mặt trong cuộc sống của chúng ta, hôm qua, hôm nay và ngày mai. Đó là xác tín của Mẹ Maria trong suốt cuộc đời và trong Tin Mừng hôm nay. Nhờ xác tín đó mà Mẹ đã thực thi trọn vẹn lời xin vâng cho đến hết cuộc đời. Tuy là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Maria đã đi, đã sống, đã chiến đấu với một cuộc sống không đơn giản. Đó là một hành trình đức tin trong sự khám phá từng ngày. Từ lúc Mẹ được thiên thần báo tin cho đến khi đứng dưới chân thập giá, từ nơi hang đá máng cỏ (x. Lc 2,7), cho đến ngôi mộ đục sẵn trong núi đá (x. Lc 23,53), Mẹ thường xuyên phải đối diện với đêm tối đức tin và những khó khăn của cuộc sống. Mẹ luôn kiên nhẫn sống lời “Xin vâng” trong tâm tình tín thác và chiêm niệm. Thánh Luca hôm nay đã ghi nhận: “Bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỉ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Đứng trước mọi việc xảy ra cho mình, Mẹ không dùng lý trí để giải thích, để lý luận nhưng Mẹ dùng tất cả con người, tất cả trái tim và niềm tin để suy đi nghĩ lại, để cảm nghiệm, để hiểu ý định mà Thiên Chúa đã, đang và sẽ thực hiện nơi mình. Chính vì thế mà triết gia người Pháp Jean Guitton đã gọi Mẹ là “người trinh nữ suy tư”.
Ngày nay, chúng ta tôn kính Mẹ với đủ mọi tước hiệu và những cuộc rước linh đình, cho nên chúng ta thường chỉ nghĩ đến hào quang, đến những vinh dự của Mẹ Maria. Tuy nhiên, Luca chỉ cho chúng ta thấy Mẹ là người phụ nữ không ồn ào, không vội vã, không phô trương. Mẹ sống với tâm hồn thanh tịnh thuần khiết. Lời Mẹ thưa với sứ thần lúc truyền tin “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”, Mẹ không chỉ thực hiện một lần, nhưng trong suốt cả cuộc đời. Mẹ không kiêu sa, không đòi hỏi, không chất vấn, nhưng Mẹ luôn luôn tin tưởng, ghi nhớ và suy tư. Mẹ vui lòng để Thiên Chúa tự do thực hiện những điều Người muốn nơi Mẹ và nơi Con Mẹ. Mẹ rất ít khi lên tiếng và lúc nào lên tiếng cũng rất nhẹ nhàng và ngắn gọn, bình tâm và tín thác. Có lẽ vì thế mà lòng tin và một lời giải thích của thiên thần lúc truyền tin đã giúp Mẹ thực hiện trọn vẹn lời “Xin vâng” (Lc 1,35-38). Một ánh sáng bừng lên đã giúp Mẹ đi hết chặng đường tăm tối còn lại.
Chúng ta thử đặt mình vào vị trí cô Maria lúc bấy giờ. Một thiếu nữ khoảng 16 - 17 tuổi, sứ thần hiện đến bảo có thai con Đấng Tối Cao. Thật không dễ tin. Khi sinh con lại sinh lúc đang trên đường đi, phải tạm trú trong một chuồng bò nào đấy để sinh con. Mà lại bảo đứa con ấy là Đấng Cứu Độ, là Kitô, là Đức Chúa. Khi nuôi con cũng chẳng thấy con mình có gì khác con người ta. Cũng phải dạy ăn dạy nói, từng li từng tí một. Có tin được đứa trẻ đó là Thiên Chúa làm người không? Khi con mình đi rao giảng có lúc thành công nhưng thất bại cũng không ít. Người ta còn gọi là điên, là mất trí. Thật khó hiểu làm sao một người như thế lại là một Thiên Chúa thật. Cuối cùng dưới chân thập giá, con mình bị người ta treo lên cây gỗ, bị đóng đinh tàn nhẫn, bị bao người chửi bới. Bà mẹ già đứng dưới chân thập giá có tin nổi đây là Thiên Chúa, đây là con Đấng Tối Cao đầy quyền năng không?
Như vậy, đức tin của Mẹ không tự dưng mãnh liệt và bền bỉ nhưng là nhờ đã trải qua một hành trình khám phá. Từng ngày từng ngày, Đức Mẹ ghi nhớ tất cả những biến cố những sự kiện trong cuộc đời mình, và hàng ngày Đức Mẹ suy đi nghĩ lại trong lòng để dần dần khám phá rõ hơn mầu nhiệm Thiên Chúa. Dù có gian lao vất vả vì cuộc sống nghèo nàn, dù nhiều khi phải đối diện với những sự thật nghiệt ngã, với đêm tối trong tâm hồn. Mẹ vẫn luôn ở bên Con Mẹ, Mẹ yêu thương Con Mẹ và gắn bó với Con. Chính lòng tin và sự gắn bó trọn vẹn với Đức Giêsu đã giúp những suy tư tĩnh lặng của Mẹ luôn ở trong đường lối Thiên Chúa và giúp Mẹ vững vàng bước đi cùng Con trong mọi hành trình.
Đó cũng là bài học lớn nhất cho mỗi người chúng ta. Chúng ta cũng phải đi vào hành trình đức tin như vậy và từng ngày khám phá từ từ. Có thể một lúc nào đấy Chúa cho ánh sáng bừng lên trong cuộc đời chúng ta, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Sau giây phút ánh sáng bừng lên thì tăm tối trở lại. Điều quan trọng nhất là bước đi trong tăm tối mà vẫn trung thành với ánh sáng gặp một lần duy nhất trong đời. Cho nên người trinh nữ suy tư, Đức Mẹ đã sống và dạy ta bài học ấy. Mỗi ngày hãy khám phá mầu nhiệm Thiên Chúa trong cuộc đời mình (X. https://www.youtube.com/watch?v=Ygl5uVJxAmI&list=PLBwPo9eKSEL3HkiJUXiSRTrZqm03SHyeD&index=98).
Vậy làm thế nào để chúng ta có thể khám phá mầu nhiệm Thiên Chúa trong cuộc đời mình? Chúng ta không ở với Chúa Giêsu như Mẹ Maria. Chúng ta cũng không thấy Chúa hiện diện hữu hình bằng thân xác nhưng chúng ta có Lời Chúa và Thánh Thể. Như hai môn đệ trên đường Emmau, Chúa đã dùng lời để giải thích, sau đó dùng việc bẻ bánh để các ông nhận ra Chúa đang sống. Ngày nay chúng ta có Lời Chúa trong Kinh Thánh và sự bẻ bánh là dấu chỉ của Thánh Thể. Cả hai dấu chỉ đó chúng ta thực hiện trong Thánh lễ, một cử hành mầu nhiệm Chúa hiện diện và đồng hành với chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế. Tuy nhiên, chúng ta lắng nghe Lời Chúa, chúng ta bẻ bánh và lãnh nhận Thánh Thể. Sau đó, trong cuộc sống có thể chúng ta sẽ phải đối diện với những thử thách, những đau khổ, những bất công. Chúng ta thấy như Chúa lại đi đâu mất, thấy một ngôi mộ trống và thấy khoảng không của lòng tin. Mọi sự như trở về lại con số “O”.
Việc Chúa chết trên thập giá là một sự kiện lịch sử. Nhưng việc Chúa sống lại thì chỉ có một dấu rất nhỏ để minh chứng (Ga 20,1- 9). Cho nên tin không phải là những gì chúng ta đã nắm chắc, nhưng là những gì chúng ta không nắm chắc. Chúng ta đối diện với ngôi mộ trống trong cuộc đời, với khoảng không khi Chúa bẻ bánh xong rồi biến đi (Lc 24,30-31). Nhưng trong ngôi mộ trống ấy có dấu chỉ và trong khoảng không ấy, chúng ta khám phá ra và tin rằng thật sự Chúa vẫn ở đó, trong cuộc đời chúng ta, trong những đau khổ, rủi ro, hoạn nạn chúng ta gặp phải. Giuse bị bán sang Ai Cập. Môsê bị bỏ trong thúng trôi trên sông… Tất cả đều trở nên những khí cụ hữu hiệu và sác bén trong chương trình của Chúa.
Trên hành trình đức tin của mình, không thiếu những ngày chúng ta rất sốt mến, và cũng không thiếu những ngày dài lê thê. Chúng ta hãy luôn tin tưởng như Mẹ Maria, kiên nhẫn và thinh lặng. Trong thinh lặng Thiên Chúa đã nhập thể, đã đến với con người. Trong thinh lặng ơn cứu độ đến với con người. Cho nên, chỉ trong thinh lặng, chúng ta mới khám phá ra ý nghĩa của các sự kiện và biến cố. Trong thinh lặng, chúng ta đi vào cuộc giao tiếp thâm sâu với Thiên Chúa. Chúng ta đi vào chính tâm hồn mình và lắng nghe bằng trái tim. Chúng ta thấy Chúa Giêsu phục sinh đằng sau ngôi mộ trống và thấy sự hiện diện vô hình mà sống động của Chúa trong những biến cố, trong từng người và trong thế giới.
Ngoài Lời Chúa và Thánh Thể, chúng ta còn có Mẹ Hội Thánh hướng dẫn và nâng đỡ. Tin vào Chúa Giêsu phục sinh, chúng ta không chỉ tham dự Thánh lễ Chúa nhật hàng tuần hay tuân giữ Mười Điều Răn là đủ. Chúng ta cần học hiểu Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh để đức tin được nuôi dưỡng và ngày càng sâu sắc hơn. Chúng ta không nóng nảy rời xa Chúa, không vội vàng nghi ngờ sự hiện diện của Chúa trong một biến cố xảy ra, nhưng luôn bình tâm trong hy vọng. Ngày của Thiên Chúa sẽ đến và Thiên Chúa không bao giờ vội vã. Để cứu độ con người, Thiên Chúa đã từng bước làm nên lịch sử cứu độ. Để nhập thể, Chúa Giêsu đã đợi chín tháng mười ngày trong lòng Mẹ Maria. Để thi hành sứ vụ rao giảng, Chúa Giêsu cũng đã đợi 30 năm trong gia đình Nadareth.
Đức Mẹ cũng “hằng ghi nhớ mọi kỉ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Theo gương Mẹ Maria, chúng ta sống và nhìn mọi biến cố trong tâm tình tin tưởng cậy trông và phó thác. Chúng ta dùng đức tin và sự khôn ngoan Thiên Chúa ban cho để thấy Chúa vẫn luôn làm chủ thế giới, làm chủ con người, thấy cuộc sống vẫn có ý nghĩa ngay trong những nghịch cảnh. Chúng ta sẽ được lớn lên trong đức tin và trong tương quan với Thiên Chúa, Đấng vì yêu mà hôm nay đã đến với nhân loại.
Lạy Chúa, Chúa đã chọn Đức Maria làm Mẹ Ngôi Hai xuống thế làm người. Mẹ đã hết lòng gắn bó với Con Mẹ và thực thi trọn vẹn ý Chúa. Mẹ cũng luôn chiêm ngắm dấu ấn của Chúa qua mọi biến cố trong cuộc đời. Nhờ đó, Mẹ trở nên gương mẫu về đời sống đức tin với tâm tình tín thác trọn vẹn. Hôm nay khi mừng kính Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, xin Chúa cho chúng con cũng biết noi gương Mẹ và một lòng gắn bó với Chúa Giêsu để trở nên con yêu dấu của Chúa. Amen.
Anna Huyền Chang
Cộng đoàn MTG Camêlô
 
— ∞  +  ∞ —
ĐỨC MARIA LÀ MẸ THIÊN CHÚA
 
Làm người, ai cũng cần có mẹ, mẹ là người cưu mang, sinh ra, nuôi dưỡng con nên người. Cũng vậy, để cho Người Con duy nhất xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại, Thiên Chúa cũng chuẩn bị một người mẹ trần gian cho Con của Ngài, người mẹ đó chính là Đức Maria, Đức Maria chính thức trở thành Mẹ của vị Thiên Chúa làm người ngay sau khi Mẹ nói lời Xin Vâng.
 Trọn cuộc đời của Đức Maria đều mang dấu ấn của tiếng Xin Vâng, và để sống cuộc đời xin vâng của mình, Mẹ luôn tin tưởng tuyệt đối vào Lời Thiên Chúa nói với Mẹ, đồng thời Mẹ luôn bước theo cuộc đời của con Mẹ, mà cuộc đời của con Mẹ, vị Thiên Chúa làm người, là một cuộc đời đầy sóng gió chông gai, chống đối, hiểu lầm. Hình ảnh đầu tiên của vị Thiên Chúa làm người là hình ảnh một trẻ thơ bọc tã nằm trong máng cỏ, yếu ớt và bị đồng loại của mình bỏ rơi trong xó xỉnh cuộc đời. Là một người mẹ, Mẹ hẳn phải rất khổ đau. Chưa hết, Mẹ tiếp tục cùng với Thánh Giuse kiên nhẫn huấn luyện cho con trẻ Giêsu nên người với biết bao khó khăn của cuộc sống trong suôta ba mươi năm ẩn dật ở Nadaret. Mẹ tiếp tục ba năm đồng hành cùng con vất vả bôn ba trong cuộc đời rao giảng. Ba năm ấy, Mẹ cùng con chia sẻ biết bao chống đối, hiểu lầm, tranh cãi. Rồi đến hình ảnh cuối cùng của con là hình ảnh một tử tội đầy thương tích trên thập giá, yếu ớt, bất lực, mà lại bị đồng loại của mình khai trừ vĩnh viễn như một kẻ tù tội xấu xa nhất.
Trải qua tất cả mọi biến cố cùng con như thế, hẳn Mẹ phải có một đức tin mạnh mẽ đến phi thường thì Mẹ mới có thể đứng một cách vững vàng và tín trung bước theo con mình trên con đường thập giá như thế. Mỗi bước chân của con Mẹ, đều có bước chân Mẹ bước theo. Chính thái độ vâng phục và tin tưởng tuyệt đối của Mẹ vào Lời Thiên Chúa đã khiến cho Mẹ xứng đáng với thiên chức là Mẹ Thiên Chúa.
 Mừng kính lễ Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, chúng ta cầu nguyện cho tất cả các bậc cha mẹ, đặc biệt các bậc cha mẹ công giáo, biết noi gương Mẹ, sống đúng thiên chức, cương vị của mình cách mẫu mực, bằng đời sống tốt lành và luôn biết quan tâm, đồng hành, dưỡng dục con cái nên người tốt cho Giáo Hội và xã hội hôm nay. Amen.

 
Tập viện
Hội dòng MTG Hưng Hoá
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log