GIUSE – NGƯỜI NHẬN RA TIẾNG CHÚA TRONG THINH LẶNG
WMTGHH - Trong Kinh Thánh cũng như trong các nền văn hóa của các dân tộc cổ xưa, giấc mơ được xem là một phương tiện qua đó Thiên Chúa mặc khải chính Người. Giấc mơ cũng tượng trưng cho đời sống thiêng liêng của mỗi người chúng ta, không gian nội tâm mà mỗi chúng ta được mời gọi vun đắp và gìn giữ là nơi Thiên Chúa mặc khải chính Người và thường nói với chúng ta. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cảnh giác rằng “trong nội tâm của mỗi người, chúng ta không chỉ có tiếng nói của Chúa nhưng còn có nhiều tiếng nói khác”. Ví dụ, tiếng nói của nỗi sợ hãi, của kinh nghiệm quá khứ và cũng có tiếng nói của kẻ ác muốn lừa dối và làm cho chúng ta hoang mang. Do đó, điều quan trọng là chúng ta cần phân định để có thể nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa giữa muôn ngàn tiếng nói khác. Thánh Giuse chứng tỏ rằng ngài biết cách trau dồi sự thinh lặng cần thiết và trên hết, và đó cũng là cách thế để đưa ra quyết định đúng đắn trước Lời Chúa phán với ngài trong nội tâm.
Đọc Phúc Âm, chúng ta thấy không hề nghe được một câu nói nào thốt ra từ chính môi miệng của thánh Giuse. Với sự thinh lặng của mình, thánh Giuse xác nhận điều mà thánh Augustinô viết: “Theo thước đo mà Ngôi Lời – Ngôi Lời làm người – lớn lên trong chúng ta thì lời nói giảm đi”. Qua sự thinh lặng của mình, thánh Giuse mời gọi chúng ta hãy dành chỗ cho sự hiện diện của Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm, cho Chúa Giêsu. Đời sống của Thánh Giuse cho chúng ta thấy ngài có tâm hồn mở ra với tiếng gọi của Thiên Chúa trong thinh lặng và trong bất cứ hoàn cảnh nào, và mỗi khi nhận ra thánh ý Thiên Chúa là Thánh Giuse vui lòng lãnh nhận và mau mắn thi hành. Cũng trong sự thầm lặng ấy, Thánh Giuse đã chăm sóc Đức Maria, chứng kiến Mẹ sinh Chúa Giêsu trong hang đá lạnh lẽo, rồi cũng hân hoan vui sướng khi thấy các Thiên Thần mừng hát Chúa giáng sinh. Rồi cũng trong thầm lặng, ngài đã đưa Chúa Giêsu và Đức Maria lánh sang Aicập lúc đêm khuya cô quạnh, trải qua hành trình đầy khó khăn gian khổ...
Chiêm ngắm cuộc đời thánh Giuse, càng thấy rõ ngài là một người hùng trong đời sống thinh lặng, sách Huấn ca có dạy: “Có kẻ thinh lặng vì chẳng biết nói chi. Có kẻ thinh lặng để chờ thời. Có kẻ thinh lặng mà lại biết điều. Có kẻ thinh lặng mà được kể là khôn ngoan”. (Hc 20,6.1.5). Có thể nói sự thinh lặng khôn ngoan nơi thánh Giuse có hoạt động mạnh nhất là: tai nghe và tay làm. Nghe Lời Chúa để thi hành. Ngài là tôi tớ trung thành và khôn ngoan, và có một lòng tin mãnh liệt vào Thiên Chúa. Người hoàn toàn tuân phục, hoàn toàn để cho Chúa hành động và mau mắn làm điều Chúa muốn. Tổ phụ Abraham đã làm như thế, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse cũng đã làm như thế. Ðó là những gương mẫu tuyệt vời về lòng tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa.
Chiêm ngắm cuộc đời thánh Cả Giuse, chúng ta cũng học được giá trị của bài học thinh lặng để nói với Chúa và nói về Chúa. Trong thinh lặng, một mạc khải có thể được tỏ lộ: Thiên Chúa “nói” với con người điều mà Người muốn, một sứ mạng, một chương trình Thiên Chúa dự tính trao cho con người. Thinh lặng để lắng nghe, thinh lặng để thấu hiểu, thinh lặng để thực thi Ý Chúa. Sự thinh lặng của ngài cũng là trường dạy chúng ta về tu đức, mục vụ và truyền giáo. Bởi vì không phải thinh lặng nào cũng tốt cả. Ai cũng biết có vô số thứ thinh lặng tiêu cực. Như thinh lặng vì kiêu căng, thinh lặng vì lập dị, thinh lặng vì dốt nát, thinh lặng vì sợ sệt, thinh lặng vì bất cần, thinh lặng vì dửng dưng. thinh lặng vì hờn giận, và thinh lặng vì ích kỷ… Thế nhưng sự thinh lặng của thánh Giuse là một hoạt động thường xuyên tích cực.
Nhìn lại hành trình đời sống, có lúc chúng ta thấy đôi khi Chúa cũng muốn mỗi người Kitô hữu và những người thuộc về Ngài, phải bắt chước thánh Giuse xưa, có lúc phải vào sa mạc mà tế lễ Chúa. Tế lễ trong sa mạc là tế lễ trong tình trạng rất thiếu thốn: không có nhà thờ, bàn thờ, đồ thờ, không có những trang trọng vật chất để chỉ còn tập trung vào một mình Chúa đầy tình yêu thương xót. Chỉ còn chính bản thân mình là của lễ mà thôi. Thiếu tất cả, nhưng được tất cả. Chỉ còn thinh lặng tôn thờ và vâng phục với lửa thiêng của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mình như tia hy vọng. Sẽ rất nghèo, nhưng cũng rất vui mừng. Vì thấy mình được thông công vào việc Chúa cứu độ.
Thánh Giuse cũng là tấm gương để chúng ta chỉnh đốn lại cách sống đạo. Khi mà nhiều nơi mục vụ xem ra càng ngày càng bớt tập trung vào Đức Kitô để đến nỗi trên thực tế, nơi nhiều người và nhiều cộng đoàn, Chúa Giêsu thực sự trở nên mờ nhạt, cô đơn, giữa những sùng kính phụ thuộc càng ngày càng đua nhau phát triển tưng bừng, chạy theo thành tích, sự khoe khoang, suy nghĩ thiếu sự yêu thương...
Đức Gioan Phaolô II đã cầu nguyện rằng các tín hữu sẽ hướng về Thánh Giuse như một mẫu gương mạnh mẽ của đời sống Kitô hữu, và “luôn thấy được cung cách mà Ngài đã khiêm nhường và khôn ngoan phục vụ và ‘tham dự’ vào nhiệm cục cứu độ” (Custos Redemptoris, 1). Con đường thinh lặng mà tích cực đang mở rộng. Nhìn gương thánh Giuse, Chúa tha thiết mời gọi chúng ta đi vào. Nguyện xin thánh Giuse nâng đỡ để chúng ta biết mộ mến con đường đó. Hy vọng bằng con đường đó, chúng ta chứng minh được chúng ta là những người thực sự khôn ngoan do ân sủng của Chúa, đẹp lòng Chúa và đáng được người ta mến thương, tin cậy.
Lạy thánh Giuse, mẫu gương của đời sống thinh lặng, xin dạy chúng con đừng nói những lời vô ích, để nhờ đó chúng con khám phá lại giá trị của những lời nói xây dựng, khuyến khích, an ủi và nâng đỡ. Xin gần gũi những người phải chịu đựng những lời nói làm tổn thương như vu khống và giả tạo, xin giúp chúng con luôn kết hợp lời nói với việc làm để làm rạng danh Chúa, xây dựng nước Chúa mỗi ngày mỗi tốt đẹp hơn giữa một thế giới với bao biến động và khó khăn. Amen.
Maria Chu Hiên
Lớp Thần Học K5