TIẾP NỐI SỨ MẠNG CỦA CHÚA GIÊSU
Trong một bài báo ‘Le Figaro’ đã đăng trả lời phỏng vấn của tổng thống Nga Putin. Trong đó có câu hỏi như sau:
Hỏi: Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Nga, ông cho biết là đã đến cầu nguyện tại mộ Chúa Giêsu ở Giêrusalem, trong tay cầm Thánh Giá. Nhưng ông lại là cựu sĩ quan của tình báo KGB. Ông nghĩ thế nào về sự trái ngược đó?
Trả lời: Cuộc sống được tạo nên bằng những điều trái ngược. Khi không còn những điều trái ngược thì đó là cái chết. Nước Nga không phải là một quốc gia giả tạo mà nó có một lịch sử lâu đời. Thời kỳ còn là nước Liên Xô, đã có nhiều ý đồ làm thay đổi truyền thống, nhưng vẫn không sao tách nước Nga khỏi những giá trị văn hóa của dân tộc. Nền văn hóa đó, cũng giống như cây cỏ mọc trên các đại lộ của thành phố, xuyên thủng nhựa đường để tồn tại.
Mẹ tôi là một phụ nữ theo đạo, mặc dù đi lễ nhà thờ không phải là không nguy hiểm thời Liên Xô trước đây. Mẹ tôi đã bí mật làm lễ rửa tội cho tôi tại nhà thờ. Vậy tại sao các ông lại có vẻ ngạc nhiên khi tôi cầm thánh giá cầu nguyện tại mộ Chúa Giêsu?
Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao cho các tông đồ sứ mạng cao cả: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân”. Người muốn chúng ta làm chứng nhân cho Người đến tận cùng trái đất, rao giảng danh Người cho đến tận thế.
Qua câu chuyện trên, chúng ta cũng thấy được Tổng thống Nga Putin quả là một chứng nhân. Ông đã công khai tuyên xưng mình có đạo, tin đạo và sống đạo. Ông đã công bố trước báo chí: “Tôi tự hào là một người tín hữu… Niềm tin của tôi cho tôi thêm tinh thần và sự bình an trong tâm hồn”.
Ngày nay, người Kitô hữu cũng phải tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu là loan báo Tin Mừng yêu thương của Chúa cho mọi người và đem niềm hy vọng đến cho nhân loại. Vì chính Chúa Giêsu đã hoàn tất nhiệm vụ Chúa Cha trao phó cho Người khi sống trên trần gian. Nhiệm vụ đó là loan báo cho mọi người biết Chúa là Cha yêu thương mọi người và cũng là làm chứng về tình yêu thương của Chúa Cha đối với mọi người.
Tiếp nối sứ mạng của các Tông đồ xưa, đã có biết bao người đã lên đường, đến những nơi heo hút, khó khăn về mọi mặt, đã có biết bao vị thừa sai bỏ lại mạng sống nơi rừng thiêng nước độc… tất cả những khó khăn đó đều vì muốn Tin mừng được loan báo. Quả thật, việc truyền giáo hay loan báo Tin mừng là bản chất của Giáo hội Công giáo (x. AG số 4;16). Sứ mạng ấy bắt nguồn từ việc Chúa Cha đã trao cho Con của Ngài là Chúa Giêsu, và chính Ngài cũng đã trao phó cho các tông đồ và cho mỗi người chúng ta: “Như Cha đã sai Thầy vào thế gian, Thầy cũng sai anh em vào thế gian” (Ga 17,18; x. 20,21).
Qua bí tích Rửa Tội, chúng ta được tẩy sạch tội nguyên tổ và cùng được tham dự vào Nhiệm Thể của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là đầu và tất cả chúng ta là chi thể. Chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa trong một đoàn chiên theo một Chúa Chiên. Chúa Giêsu cầu nguyện để nhân loại chúng ta được nên một trong Chúa. Chúng ta được nên một trong ý nghĩa phổ quát. Không phải nên một với người này, người kia hay nhóm này, nhóm nọ. Chúng ta nên một với Chúa Giêsu để cùng tôn thờ Thiên Chúa Cha. Chúng ta cùng chia sẻ một niềm cậy trông và một niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu ngày sau. Chúng ta tuyên xưng chỉ có một Chúa, một đức tin và một phép rửa. Chúng ta tin nhận Chúa Giêsu: Là Anpha và Ômêga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng (Kh 22,13). Vì thế, chúng ta cũng phải ra đi để làm chứng cho lời tuyên xưng của ta.
Lời loan báo của chúng ta vào Chúa Giêsu phục sinh là một hành trình dài, nó đòi hỏi chúng ta phải là những người đã cảm nghiệm được về Đấng mà chúng ta loan báo: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,48). Không ai lại đi loan báo về một người mà chúng ta không biết và không tin; hay loan báo vào những thời điểm hay một nhóm người nhất định trong một không gian cụ thể, mà là: “Anh em hãy là nhân chứng cho Thầy đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Trong hành trình loan báo đó, dù gặp phải muôn vàn khó khăn, nhưng chúng ta tin tưởng vào sự bảo trở của Đấng mà Chúa Giêsu đã ban xuống trên các Tông đồ khi xưa: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem và khắp cùng thế giới” (Cv 1,8). Như Đức cố Hồng y Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận trong tác phẩm Đường Hy Vọng của ngài, khi nói về những khó khăn mà người môn đệ của Chúa Giêsu sẽ phải chịu trên con đường loan báo Tin Mừng; đồng thời cũng xác tín mạnh mẽ những ân ban cho những ai trung thành đến cùng trong sứ mạng loan báo Tin Mừng. Ngài nói: “Con run sợ: vấp ngã, khó khăn, hiểu lầm, công kích, sỉ nhục, tử hình… Con quên Phúc Âm sao? Chúa Giêsu đã chịu tất cả. Cứ theo Ngài con sẽ Phục Sinh” (ĐHV số 44). Một khi trung thành tin theo và làm chứng cho Chúa Giêsu phục sinh, chúng ta sẽ được hưởng hạnh phúc Nước Trời, là quê hương thật của mỗi người, được cùng với triều thần thánh ca tụng Thiên Chúa muôn đời.
Lạy Chúa, chúng con đã lãnh nhận hạt giống đức tin qua Bí tích Rửa Tội, xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con biết can đảm sống niềm tin và hăng say làm nhân chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh. Amen.
Cộng đoàn Yên Phú