HIỆP NHẤT TRONG CHÚA THÁNH THẦN
WMTGHH - Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là ngày đánh dấu một dấu son quan trọng trong Hội Thánh Công giáo. Vì biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống là ngày khai sinh ra Giáo Hội, ngày mà cộng đoàn các tín hữu đầu tiên được thành lập. Theo sách Công vụ tông đồ thuật lại, thì ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần hiện xuống, có rất đông người thuộc nhiều dân tộc khác nhau nhưng đều nghe được lời giảng dạy của các tông đồ bằng tiếng mẹ đẻ của mình, nhiều người đã tin theo và chịu phép rửa, sống hiệp nhất, cảm thông với nhau. Như vậy, Chúa Thánh Thần được ví như linh hồn của Giáo Hội.
Trong đời sống của các tín hữu, vai trò của Chúa Thánh Thần rất quan trọng và cần thiết, ví như vai trò của linh hồn đối với thân xác. Thân xác chúng ta có nhiều bộ phận, mà mỗi bộ phận hòa hợp ăn khớp, cảm thông với nhau nhờ có linh hồn bên trong. Giả như mắt ta bị hạt bụi, lợi ta bị mắc xương cá, hay chân ta bị gai đâm vào, thì cả thân thể cảm thấy đau, nhức nhối, khó chịu và chúng ta sẽ tìm mọi cách để lấy những vật đó ra. Để lấy cái gai ra khỏi chân, thì đầu phải cúi xuống, lưng gập lại, mắt nhìn xem gai ở đâu, còn tay thì rút gai ra khỏi chân. Cũng vậy, khi linh hồn lìa khỏi xác thì toàn thân ta bất động, nếu có dùng dao chặt chân, chặt tay thì cũng không thấy đau, trải qua thời gian các tế bào tan rũa, thịt xương trở nên tro bụi. Hay khi linh hồn lìa khỏi xác thì cho cả thân xác vào lò hỏa thiêu thì cũng không có cảm giác gì, xương thịt trở thành tro bụi, tại sao thế? Tại vì không có hồn sống bên trong. Có hồn sống bên trong thì các thân thể mới hợp nhất, thông cảm với nhau, một lòng một ý giúp đỡ nhau. Chúa Thánh Thần cũng có một vai trò cần thiết như vậy. Chúa Thánh Thần được ví như linh hồn của Giáo Hội, Người sống và hoạt động trong lòng các tín hữu, làm cho các tín hữu cảm thông, yêu thương và hiệp nhất với nhau trong thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô. Sách công vụ tông đồ cho thấy vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần hiện xuống, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, sau bài giảng của Thánh Phêrô thì đã có khoảng 3000 người tin theo Chúa và chịu phép rửa. Sau đó “các tín hữu siêng năng cùng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện, các tín hữu hiệp nhất, để mọi của cải làm của chung” (Cv 2,37- 44). Nhìn vào các tín hữu trong Giáo Hội sơ khai ta thấy được vai trò cần thiết của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội, nếu không có Chúa Thánh Thần thì chúng ta không thể hiểu nhau, yêu thương, hiệp nhất với nhau lâu bền được. Tại sao vậy? vì mỗi người đều mang trong mình căn bệnh như tính ích kỉ, lòng tự ái... Tính ích kỉ như là căn bệnh di truyền nằm trong con người từ khi mới sinh ra và nó còn lớn lên theo năm tháng của tuổi đời. Quan sát các em trong một lớp học ta thấy rõ khi chia quà cho các em, nếu ta chia đều thì không sao, nhưng nếu để chung cho các em tự chọn thì bạn nào cũng muốn lấy phần hơn cho mình. Còn trong công việc thì bạn nào cũng muốn làm việc nhẹ nhàng, việc dễ, đấy là lòng ích kỉ. Lòng tự ái được ví như con sâu, con mọt, nó đục khoét sự hiệp nhất trong gia đình, trong cộng đoàn, trong xã hội, trong Giáo Hội. Trong một cộng đoàn, cũng có những người rất nhiệt tình với công việc chung, nhưng họ chỉ nhiệt tình khi được ý họ, bản thân được người khác đề cao, ý kiến của họ được chấp nhận. Còn khi bị người khác phê bình, không đồng ý kiến, hoặc bác bỏ, thì họ dễ bất mãn, không hợp tác, bỏ dở công việc, viện nhiều lý do… đó chính là lòng tự ái. Quả thật, hai căn bệnh ích kỉ và lòng tự ái sẽ phá hoại sự cảm thông và tình đoàn kết trong cộng đoàn. Trong cuộc sống, không thiếu những lần chúng ta đã được chứng kiến trong cùng một câu nói, một từ ngữ nhưng người hiểu thế này người hiểu thế khác, như vậy thì hiệp nhất với nhau thế nào được? Hay trong đời sống gia đình, vợ chồng sống chung với nhau nhưng cũng không tránh được những lúc hiểu lầm nhau, chia rẽ nhau... Như vậy, mỗi người Kitô hữu chúng ta đều đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần khi lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy và Bí Tích Thêm Sức nên tâm hồn chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần, xin Chúa Thánh Thần ở trong tâm hồn ta và hướng dẫn ta. Sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần thì chúng ta sẽ dễ dàng cảm thông và hiệp nhất với nhau.
Lạy Chúa Thánh Thần là sức mạnh của tình yêu và sự hiệp nhất, xin ban ơn hiệp nhất chúng con để chúng con ra đi đem tình thương và ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi người. Amen.
Cộng đoàn Yên Phú