Thứ bảy, 23/11/2024

Suy Niệm Lễ Suy Tôn Thánh Giá (Ga 3,13-17)

Cập nhật lúc 20:29 12/09/2022
 


BIỂU TƯỢNG TÌNH YÊU THIÊN CHÚA 

WMTGHH - Nói đến biểu tượng là nói tới một hình ảnh, ký tự hay bất cứ cái gì đó đại diện cho một ý tưởng, thực thể vật chất hoặc một quá trình. Như vậy, thì biểu tượng tự nó mang tính hoán dụ, ẩn dụ để truyền tải một thông điệp, một ý nghĩa cách nhanh chóng, dễ dàng, ngắn gọn và đơn giản. Và biểu tượng chính là những hình tượng được quy ước rộng rãi, là cái mà ai ai cũng gật đầu chân nhận. Chẳng hạn như chim bồ câu và cành ô-liu là biểu tượng của hòa bình, hoa hồng hay trái tim là biểu tượng cho tình yêu, cỏ ba lá như biểu tượng của sự may mắn... Cũng vậy, mỗi quốc gia cũng có những biểu tượng riêng, độc đáo khác nhau. Như nói đến nước Pháp là mọi người sẽ nói tới gà trống Gaulois, tháp Eiffel; nói đến Australia là hình ảnh Kanguru hoặc chòm sao năm ngôi; nói đến nước Mỹ là tượng Nữ thần tự do và Washington D.C,  Vương quốc Anh là sư tử hoặc đồng hồ Big Ben, Canada là lá cây phong, Trung Quốc là Vạn lý trường thành, Ai Cập là Kim tự tháp, Nhật Bản là núi Phú Sĩ… Và cũng không ngoại lệ, con Thiên Chúa khi đến trần gian đã yêu đến cùng và chọn cho mình một biểu tượng cho tình yêu ấy. Nhưng không phải ai cũng dám đón nhận biểu tượng ấy như một món quà của Đấng vô hạn dành cho chúng ta là những bản thể hữu hạn. Bởi nó gợi lên những gai góc, đớn đau dù cho thực sự không phải như vậy. Đó là biểu tượng cây thập giá. Dẫu cho thập giá Đức Kitô làm cho nhân loại liên tưởng đến đau khổ là điều thật khó tránh, nhưng với ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá hôm nay như một dịp để chúng ta cùng nhau suy tư về biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa với những nghịch lý theo lý trí con người nhưng đó lại là nguồn suy diễn bất tận, và là hình ảnh không bao giờ để cho tâm tư con người được nghỉ yên.
Ở bài đọc 1 trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta thấy được hành trình từ Cađê tới Môáp của dân Israel, khi qua vùng Khoóc- ma và chiếm được vùng đất ấy, họ tiếp tục hành trình về phía Tây nam, theo vịnh A-ca-ba- Biển Sậy, vòng qua lãnh thổ Ê-đôm. Tại đây, dân mất niềm tin và đã kêu trách Chúa: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống…” (Ds 21,5). Đức Chúa cho rắn độc đến hại dân, khiến nhiều người phải chết. Dân tới nói với ông Môsê, ông khẩn cầu với Chúa cho dân. Chúa phán: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó sẽ được cứu” (Ds 21,8). Thực ra, trong thời thượng cổ, rắn được coi như biểu tượng của sự chữa lành, là phương tiện tránh mọi điều bất hạnh và là biểu tượng của ngành y. Còn ở đây, Chúa ra lệnh cho Môsê làm con rắn đồng và treo lên để ai nhìn lên rắn đồng sẽ được cứu. Như vậy, hình ảnh rắn đồng được coi như biểu tượng chữa lành. Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc Đức Chúa là Đấng chữa lành. Tiếp đến, trong bài Tin Mừng của thánh sử Gioan, Thiên Chúa đã thay biểu tượng con rắn đồng xưa bằng chính “người con một” yêu dấu của Người: “Như ông Môsê đã treo cao con rắn trong sa mạc thế nào, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14). Như vậy, ở đây thập giá là biểu tượng cho sự sống đời đời. Lật lại hình ảnh thập giá trong lịch sử nhân loại, ta sẽ thấy, thập giá với người Ba Tư là một sự trừng phạt chính trị và quân sự. Thời đế quốc Roma, khổ hình thập giá được sử dụng cách riêng chống lại các tội phạm nguy hiểm và thành phần xã hội bần cùng, đó là hình phạt ô nhục, đau đớn và mang tính kỳ thị. Còn trên phương diện nhân học, khổ hình thập giá đáp ứng nhu cầu báo thù nguyên thủy và tính bạo tàn ẩn khuất nơi con người… Nhưng điều nghịch lý là, tại sao Thiên Chúa là TÌNH YÊU lại chọn thập giá làm biểu tượng cho sự sống? Còn đối với mọi kitô hữu, thì thập giá là biểu tượng của niềm tin và lẽ sống. Bởi đó, mà trong lịch sử, biết bao người đã sẵn sàng đón nhận cái chết để không xúc phạm tới thập giá. Đó là vì biểu tượng thập giá đã được kitô hóa, khi một con người mang tên Giêsu chịu khổ hình thập giá, biểu tượng thập giá ấy đã trở thành biểu tượng đặc thù của Kitô giáo. Bên cạnh đó, Thập giá còn là biểu tượng của sự giao hòa giữa Thiên Chúa và nhân loại. Thập giá là tác phẩm của tình yêu tuyệt đối, vượt qua mọi giới hạn và thách đố khi Thiên Chúa bất tử được nhận biết trong cái chết của con người hữu hạn. Vì thế, khi nói thập giá là biểu tượng của tình yêu thì khái niệm tình yêu này không được suy từ kinh nghiệm của loài người nhưng phải để cho chính tình yêu thập giá hoán cải tình yêu của ta, để ta có một cái nhìn khác về thập giá. Để ta không chỉ “bật đèn xanh” cho những biểu tượng thập giá bên ngoài như thập giá nơi tháp chuông nhà thờ, nơi những nấm mộ của người đã khuất, nơi những đồ trang sức… nhưng ta còn dám đón đỡ những thập giá trong mỗi bậc sống của ta, nơi những trái ý, bệnh tật vì ý thức rằng “đau khổ là một kinh nghiệm hiện sinh”. Rằng, khi ta suy niệm về biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa qua cây thập giá, thì “tâm trí và tâm linh của ta không ngừng được nâng lên cao, vươn tới sự hiệp thông với Đấng Siêu Việt”. Và ta sẽ thấy một điều, thập giá chính là biểu tượng của một tình yêu cao, sâu, dài, rộng, và là một mầu nhiệm: “Thánh Giá là chữ T, Người nằm giang tay chữ Y, Là tình yêu, yêu đến tận cùng”.
Dòng Mến Thánh Giá nhận ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá là tước hiệu của Dòng, chọn Đức Giêsu Kitô Chịu- Đóng- Đinh là đối tượng duy nhất… không có nghĩa là người nữ tu MTG “bỏ phiếu” cho đau khổ, sự dữ hay bất hạnh như nhiều người vẫn gán như một “thành kiến” khi nhắc tới hai từ thập giá. Người nữ tu Mến Thánh Giá chọn say mê thập giá, để trở nên người môn đệ ĐÍCH THỰC mà Đức Kitô đòi hỏi: “Ai muốn theo Ta phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo” (Lc 9,23). Họ dám chấp nhận đi vào trong “logic” của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu đòi hỏi phải được thử luyện, hy sinh và từ bỏ. Và chính những ê buốt, gai góc của từ bỏ trong chọn lựa, những khó khăn họ gặp phải trong khi sống ba lời khuyên Phúc Âm, trong đời sống sứ vụ lại thanh luyện và minh chứng tấm lòng trung thành của người môn đệ đích thực bước theo sát Đức Kitô. Như lời Thánh vịnh đã nói: “Đau khổ quả là điều hữu ích, để giúp con học biết thánh chỉ Ngài” (Tv 118,71).
Lạy Chúa Giêsu, chiêm ngắm hình ảnh cây thập giá- biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu kiên trung, yêu đến tận cùng đã giúp cho mỗi người chúng con biết ý thức hơn để sống cho tình yêu của Đấng đã thí mạng vì chúng con. Xin giúp chúng con ý thức hơn về những gai góc chạm phải trên cuộc lữ hành về quê trời, để chúng con dám can đảm chấp nhận thập giá đời mình, sống có trách nhiệm với đau khổ và thập giá của tha nhân hơn. Đồng thời, chúng con dám can đảm tuyên tín rằng: “Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con”, để chúng con biết biến đau khổ thành niềm vui, thành đuốc sáng chiếu tỏa trên bước đường sứ vụ và mang lại một GIÁ TRỊ CỨU ĐỘ cho đời. Amen.

 
Teresa Orchid
Lớp Học viện K5
 
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log