Con Đường Cứu Độ
Tin Mừng thứ Tư hôm nay, Giáo Hội nhắc nhở mọi thành phần dân Chúa lời giáo huấn của Chúa Giêsu. Một giáo huấn có sức biến đổi và đưa đến sự sống đời đời, giáo huấn ầy được đo bằng những việc làm và hành động cụ thể: đó là ăn chay-cầu nguyện-làm việc bác ái trong tinh thần quảng đại dấn thân, kiên nhẫn, khiêm nhường, ngõ hầu vị muối-men luôn giữ được bản chất và có sức lan tỏa -thánh hóa, tẩy rửa môi trường đạt tới nguồn chân-thiện-mĩ như lòng Chúa mong ước.
Thứ nhất là làm việc bác ái
Lời mời gọi làm ơn cho người khác thật không đơn giản, vì đó không chỉ là lời nói theo nghĩa từ miệng đến tai. Nhưng đó là lời của tâm hồn chạm đến tâm hồn, việc thiện thì ai cũng muốn làm, nhưng khi bắt tay vào chúng ta tự nhiên gặp nhiều cản trở vô hình. Và kinh nghiệm này cũng được ghi lại ở Rm 7, 8: “Theo như con người bên trong, tôi cũng ưa thích lề luật Thiên Chúa: nhưng tôi thấy trong chi thể tôi có một lề luật khác đối địch với lề luật tâm thần tôi, và giam hãm tôi dưới ách lề luật sự tội trong chi thể tôi”. Hằng ngày xung quanh cuộc sống của ta cũng như trên thế giới, các phương tiện truyền thông ca ngợi rất nhiều gương làm việc thiện, từ cá nhân đến các tổ chức lớn nhỏ khác nhau mang tính quốc gia, khu vực…Đó là hình ảnh sống động con người đã sống theo giáo huấn của Chúa. Vâng, đó là điểm sáng, để chứng tỏ Tin mừng Chúa vẫn luôn soi sáng tâm can con người, dù họ tin hay không tin, cùng tôn giáo hay khác tôn giáo với chúng ta. Nhưng còn nhiều góc khuất và bóng tối ẩn náu dưới danh nghĩa làm việc thiện đã và đang lợi dụng để tìm kiếm lợi nhuận cho bản thân, đánh bóng tên tuổi tổ chức của mình…Lúa và cỏ lùng vẫn cùng tồn tại trên một ruộng lúa là thế giới. Trước những cám dỗ và cạm bẫy giăng đầy. Chúa mời gọi hãy cảnh giác- tỉnh thức và khôn ngoan để làm việc lành theo tinh thần yêu thương bác ái mà Chúa đã nêu gương, xa tránh thói xấu giả hình mà Chúa đã cảnh báo trong Tin Mừng Mt 6,2. Để sau này chúng ta đáng được thừa hưởng Nước trời.
Lạy Chúa, xin thanh lọc tâm hồn con cho sạch, chí con cho sáng; để con biết lọc đi những cám dỗ đang len lỏi, thúc đẩy con lựa chọn và hành động sai với giáo huấn Chúa; để chỉ giữ lại điều Chúa muốn con thực thi trong cuộc sống cá nhân và môi trường xã hội hôm nay. Ngõ hầu Tin Mừng Chúa luôn là ngọn hải đăng dẫn đường, đưa lối để con người ngày càng được nối kết yêu thương theo lời mời gọi sống hiệp thông với nhau.
Thứ hai là cầu nguyện
Cầu nguyện không chỉ là một việc làm, hay một hành động mang tính mùa vụ trong một thời gian nhất định. Nhưng đây là một hành trình xuyên suốt từ nhỏ đến lớn, từ ngày này đến ngày khác cho hết thời gian dương thế để trở về với Chúa. Hai chữ cầu nguyện nói dễ thực hành khó. Khó vì Chúa cần con người sống cầu nguyện chứ không phải là một giảng thuyết về cầu nguyện. Chúa Giêsu hoàn thành sứ mạng xuống thế làm người và cứu độ con người nhờ cầu nguyện. Chúa Giêsu là con người cầu nguyện, là bậc thầy của cầu nguyện. Ngài đã thấy được giá trị viên mãn của cầu nguyện. Bởi vậy, Ngài cũng mong con người hãy sống với tâm hồn cầu nguyện và là con người biết cầu nguyện.
Cầu nguyện đòi hỏi con người cần một thời gian không vướng bận, một không gian tĩnh mịch để tâm hồn và thể xác hòa quyện nên một là hiện diện trước Chúa, Đấng mà họ tôn thờ. Ít nhiều ta đều có kinh nghiệm rằng thinh lặng bên ngoài đã khó, thinh lặng nội tâm càng khó thực hiện hơn. Nhưng để có thể cầu nguyện gặp gỡ Chúa, thinh lặng là yếu tố quyết định. Chúng ta chỉ có thể nghe được tiếng Chúa trong thinh lặng, phân định được điều thiện-ác, đúng-sai nhờ lắng nghe tiếng Chúa nói. Thế nhưng thực tế cho ta thấy, cuộc sống hôm nay không còn một không gian tĩnh mịch nhưng là một không gian huyên náo ồn ào, bởi muôn vàn tiếng động: từ động cơ xe, đến tiếng khu công nghiệp, những chương trình giải trí những phương tiện hiện đại…nhất là con người thích nói nhiều hơn nghe và gần như họ đang chạy theo một quỹ thời gian vận hành không ngừng nghỉ, làm việc, giải trí. Họ thỏa mãn những hưởng thụ của giác quan và nhu cầu của thân xác, để khẳng định đẳng cấp và họ không còn thời gian tĩnh mịch để nghỉ ngơi, và gặp gỡ Chúa trong tâm hồn. Vâng, đó là thách đố không chỉ cho con người hôm nay, đó là vấn đề của thời đại từ xưa đến nay. Cho dù vậy, Chúa Giêsu không nản lòng, không bỏ cuộc nhưng kiên trì với con người, vẫn cái nhìn yêu thương, lời nói hiền hòa, cánh tay ấm áp, và quả tim quảng đại đang chờ chúng ta. Ngài trân quý và tính gấp trăm nghìn lần số thời gian ít ỏi mà con người dành cho Chúa.
Trước tình yêu cao vời không thể sánh ví, chúng ta cần phải đứng dậy, vượt qua những ảo ảnh ngăn cản chúng ta sống và hành động theo ý Chúa, mỗi người cần phải đứng dậy đi ra và đừng tìm cách biện hộ cho hành động của mình, cần sự quyết tâm và từ bỏ để thinh lặng gặp gỡ Chúa và để có sự lựa chọn hợp với ý Chúa đi đúng hướng.
Lạy Chúa, xin hợp nhất lý trí và trái tim con nên một nhờ cầu nguyện. Xin dạy con biết sống cầu nguyện như Chúa không tìm sự khen thưởng của người đời, không thái độ tự mãn với người khác, không tìm cách xoi mói chất đoán người khác, nhưng luôn ý thức sự bất toàn của bản thân và khiêm tốn trở về gặp Chúa trong nội tâm, kín múc năng lượng, sức mạnh của Chúa, giúp ta thi hành mọi việc cách tốt đẹp hợp với hành động và sự sống của Thiên Chúa
Thứ ba là ăn chay
Ăn chay là vấn đề cấp thiết. Chúa muốn con người thực hành ăn chay, để thanh luyện thể xác và tinh thần. Ngõ hầu con người tìm nguồn sung mãn là đói khát Thiên Chúa, và chỉ có Ngài mới làm cho ta mãn nguyện. Nhìn lại thực tại cuộc sống hôm nay, nhiều nhà hàng được mở ra, với nhiều món đặc sản được đặt với nhiều tên gọi vô cùng phong phú hấp dẫn, trông thì đẹp mắt, ăn thì ngon, nó không chỉ đáp ứng nhu cầu ăn uống nhưng còn thể hiện một cách sống biết hưởng thụ, là người giàu có, đẳng cấp sang chảnh hơn người, ở bậc trên, người khác phải ngước nhìn khen ngợi ngưỡng mộ. Dù được thỏa mãn được một chút yếu nhu cầu hưởng thụ ích kỷ ấy, con vẫn phải đối diện với những nỗi sợ rất riêng, như ăn nhiều gây béo phì bệnh tật…và khi rơi vào những vấn nạn ấy, họ bắt đầu ăn chay để giữ eo thon dáng đẹp như chị em phụ nữ hay làm hay để thanh lọc cơ thể và chữa bệnh…Phải chăng ăn chay chỉ để thỏa mãn một chút nhu cầu cho thể xác? Không phải thế! Vì Chúa dẫn chúng ta đi sâu xa hơn nữa. Chúa vén mở cho ta thấy giá trị vô song của việc ăn chay hãm mình. Nó giá trị không chỉ dùng lại là bớt đi một chút thức ăn để đỡ tốn kém về vật chất, hay là giảm năng lượng cho cơ thể để tránh béo phì, bệnh tật. Nhưng nó nói lên một tâm hồn hùng mạnh, dùng lý trí và ý trí làm chủ bản năng của sự đói khát vô độ của giác quan, không thỏa hiệp và làm nô lệ chiều theo những khuynh hướng đó, để chỉ vâng phục thánh ý Chúa, sống lời mời gọi yêu thương: khi chia cơm xẻ áo cho người khác, nâng đỡ những hoàn cảnh gia đình kém may mắn, và nhiều đất nước còn nhiều thiệt thòi…Đúng vậy, bớt đi một chút để sống bác ái, yêu thương, quan tâm và nhìn hướng đến người khác chứ không chỉ sống cho bản thân, tôn thờ chủ nghĩa” mác kê no” hay lối sống đèn nhà ai nhà đó sáng. Chúa hướng việc ăn chay bước lên bậc của nhân đức quảng đại, phải được hiểu đúng và thực hành trong cuộc sống. Lời nói và hành động phải chung một nhịp thở của con tim, không có sự phân chia tách rời giữa lời nói và việc làm. Bởi thế, Chúa lên án mạnh mẽ lối sống giả hình giả bộ, mang tính cách khoe khoang biểu diễn mà tâm hồn thì sáo rỗng và màn đêm. Chính vì vậy, Chúa không ngừng thanh luyện và mời gọi con người trở về với cội nguồn tâm hồn chân thành quảng đại hướng tha. Nhận ra sức mạnh và nguồn ơn cứu độ được thực hiện trong những lựa chọn việc làm và quyết tâm của ta khi sống theo đường Chúa dạy, sống đúng ý nghĩa của lời mời ăn chay để đạt tới sự đói khát sâu xa là con người đói khát hạnh phúc vô biên là Thiên Chúa. Đấng là nguồn sung mãn của con người. Đức thánh cha Phanxico diễn tả trong sứ điệp mùa chay năm 2018: chay tịnh thể hiện sự đói khát thiêng liêng của chúng ta và lòng khao khát cuộc sống trong Chúa. Chay tịnh thức tỉnh chúng ta và làm cho chúng ta chú ý đến Thiên Chúa và láng giềng của mình. Chay tịnh làm sống lại trong ta mong muốn vâng lời Thiên Chúa, là Đấng duy nhất có thể thỏa mãn cơn đói của chúng ta.
Ăn chay-cầu nguyện-làm việc bác ái chính là con đường để về nhà. Một ngôi nhà hạnh phúc tràn đầy niềm vui tiếng cười, vì đã được xây dựng bằng những vật liệu chất lượng cao mà Chúa Giêsu đã lựa chọn khi đặt vào lòng con người. Bởi thế con đường mà Tin Mừng dẫn chúng ta đi là con đường không đo lường bằng định lượng Toán học, hay khoa học nhưng được đo bằng niềm tin-cậy-mến của con người đối với luật Chúa và với chính Chúa khi trải dài trong cuộc sống hằng ngày.
Ăn chay cầu nguyện làm việc bác ái tự thân không đưa lại công hiệu tuyệt đối, nó chỉ mang tính chất tương đối và chóng qua. Nhưng nhờ Chúa mà đem lại lợi ích cho ta về cả thể xác và ơn ích thiêng liêng đạt tới cứu cánh là sự sống đời đời. Khi chúng ta làm các việc ấy trong niềm tin xác tín. Ước chi, không chỉ trong Mùa Chay này nhưng là mọi ngày trong đời dương thế, những người bạn hữu của Chúa sống được tâm tình như Thánh Phaolô cảm nghiệm: “không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Chỉ khi người kitô hữu nên một với Chúa và hòa tan mình với thánh ý Chúa, để Chúa hiện diện và hành động lúc đó Tin Mừng Chúa mới bao phủ toàn thể địa cầu, muôn loài thụ tạo mới đồng thanh chúc tụng và thờ lạy Chúa. Amen
Cộng Đoàn Mến Thánh Gía Vĩnh Lộc
Sám Hối Trở Về Với Chúa
Cuộc đời con người là những chuỗi ngày sám hối vì mang kiếp tro bụi, đồng thời con người sử dụng tự do cách vô kỷ luật không theo ý muốn của Thiên Chúa nên bị nô lệ trong tội. Vì vậy, Thiên Chúa sai con một là Chúa Giêsu đến dạy cho con người con đường về với Chúa Cha là cội nguồn sự sống vĩnh cửu. Như vậy khởi đầu sứ vụ Chúa Giêsu nói: “Thời kỳ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng ( Mc 1,15). Quả thật, mùa Chay là cơ hội thuận tiện để mọi kitô hữu ăn chay, cầu nguyện, bác ái là ba việc làm rất quan trọng để kéo ơn Chúa đến với con người và con người xích lại gần Thiên Chúa. Do đó, sám hối là chúng ta nhìn nhận mình yếu đuối, tội lỗi để canh tân đời sống, sống khiêm nhường tha thứ như Thiên Chúa chết vì yêu thương chúng ta.
Thuở xưa, Thiên Chúa tạo dựng con người sống trong hạnh phúc. Thiên Chúa và con người chiều chiều đều đi dạo hàn huyên với nhau rất hạnh phúc nhưng chỉ vì kiêu ngạo, con người muốn trở nên giống như Thiên Chúa biết điều thiện điều ác nên tội lỗi đi vào thế gian và con người phải chết. Trải qua dòng lịch sử cho thấy Thiên Chúa và con người đã được giao hòa nhờ hy tế thập giá của Đức Kitô. Cũng vậy, Giáo hội dành bốn mươi ngày chay thánh để mọi kitô hữu có thời gian sửa mình: siêng năng làm việc bác ái là chia sẻ của cải vật chất cũng như tinh thần cách đơn sơ cho anh chị em sống xung quanh mình, đồng thời liên lỉ cầu nguyện xin ơn biến đổi bản thân để sống tương quan cá vị với Thiên Chúa và sống vui tươi với nhau. Ăn chay trong tinh thần vui vẻ để thân xác phục tùng tinh thần nhờ cầu nguyện. Chúa Giêsu nhắc dân Do Thái thời xưa cũng như chúng ta hôm nay ăn chay cầu nguyện, bố thí không được phô trương cho thiên hạ thấy nếu cho họ thấy thì đã nhận phần thưởng ngay từ đời này, còn trước mặt Thiên Chúa không có giá trị gì nữa. Như vậy, việc sám hối phải bắt nguồn từ con tim, một lòng ăn năn tội đã phạm như: hận thù, ghen ghét, kiêu ngạo, ngồi lê đôi mách...vv. mà hết lòng trở về với Thiên Chúa để đón nhận ơn thứ tha và bình an nơi tâm hồn. Chúng ta đừng để cho Thiên Chúa đứng chờ hoài ngoài cửa, Ngài gõ chai đôi tay mà chúng ta giả điếc làm ngơ không mở cánh cửa lòng mời Ngài vào căn phòng của tâm hồn. Đừng để trái tim chúng ta ra băng giá như giới lãnh đạo dân Do thái thời xưa đã bị Chúa Giêsu chỉ trích: “Dân này chỉ tôn kính ta bằng môi bằng miệng còn lòng chúng thì xa Ta. Chúng có thờ Ta cũng vô ích vì giáo luật chúng giữ chỉ là giới luật phàm nhân” ( Mc 7,6). Quả thật, chúng ta phải rất thận trọng để không đi vào vết xe cũ của giới lãnh đạo Do Thái chỉ biết chất lên vai kẻ khác gánh nặng mà chính mình dù một ngón tay cũng không động vào. Nhưng ngược lại chúng ta phải hết lòng hết dạ mà trở về với Chúa như người thu thuế lên đền thờ đấm ngực thú tội với Chúa “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” ( x. Lc18, 13b). Sám hối là canh tân đời sống cụ thể về ba phương diện: bác ái, ăn chay, cầu nguyện để tái thiết lập mối tương quan với Thiên Chúa và kéo ơn Chúa xuống với nhân loại đang lầm than tủi nhục. Nhân loại đang trên đà sống phóng túng mặc kệ không quan tâm người bên cạnh mình sống thế nào, chỉ biết hưởng thụ, mạng sống con người bị coi nhẹ, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, chiến tranh diễn ra trên thế giới ngày càng lan rộng. Đời sống đạo đức con người đang trên đà suy thoái trầm trọng, con người co cụm không biết mở lòng ra đón nhận nhau. Như vậy, con người cần trở về với cội nguồn trong tương quan tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng sự sống. Con người cần sống lòng vị tha xoa dịu vết thương lòng cho nhau để Thiên Chúa và con người xích lại gần nhau cảm nếm được hơi ấm tình người luôn hiện diện trong cuộc đời đầy khó khăn thử thách.
Lạy Chúa, con người muốn được hưởng hạnh phúc thật thì điều cốt yếu mỗi người hãy biết chậm lại nhìn nhận mình là người bất toàn. Chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng để bổ túc giúp nhau nên hoàn thiện như Chúa Giêsu kêu gọi: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” ( Mt 5, 48). Sám hối trở về là một hành trình liên lỉ của một kiếp người, chúng ta cố gắng mỗi ngày cùng với ơn Chúa ban để canh tân đời sống bản thân và củng cố tình huynh đệ trong cộng đoàn cùng vươn tới một Giáo hội hiệp nhất, một nền hòa bình trong tình yêu mến Thiên Chúa.
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Vĩnh Quang
Ba Việc Lành Kín Đáo
Mùa Chay là mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng, ta được cùng Chúa Giêsu vào sa mạc nội tâm trong bốn mươi ngày để bước tới cuộc Thương Khó và Phục Sinh vinh hiển của Người. Thứ tư lễ Tro hôm nay - ngày khai mạc mùa hồng phúc, lời Chúa mời gọi mỗi người chúng ta thực hành ba việc lành cụ thể, thiết thực. Nhưng ba việc ấy phải thực hiện cách kín đáo, không phô trương cho thiên hạ thấy vì “Thiên Chúa là Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả lại cho mỗi người chúng ta”.
Trước tiên, Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta làm việc bác ái cách kín đáo. Người đã nhắn nhủ các môn đệ cách kĩ lưỡng “khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy; khi bố thí, đừng khua chiêng, đánh trống như bọn đạo đức giả” (Mt 6,1-2). Chúa muốn các việc làm của ta phát xuất từ con tim trong sạch. Bởi lẽ, người có trái tim quảng đại, không vụ lợi, hình thức luôn làm việc cách âm thầm, kín đáo hầu mong người khác được an vui, hạnh phúc mà không cần người ta trả ơn. Họ làm không vì lời ca tụng, khen ngợi nhưng vì tình yêu chân thành, tha thiết; vì tình bác ái nồng nàn; vì tình liên đới giữa người với người cách sâu sắc. Họ làm không vì muốn người khác mang ơn, mắc nợ nhưng làm vì chính họ mắc nợ Thiên Chúa - mối nợ của tình yêu. Chúa đã yêu họ bằng tình yêu đến tận cùng nên chính họ cũng phải trao ban tình yêu cho người khác bằng các việc bác ái cụ thể. Giống như lời thơ tha thiết của Tố Hữu:
“Nếu là con chim, chiếc lá
Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.”
Quả thực, mỗi người chúng ta đã nhận từ Thiên Chúa biết bao ơn lành trào tràn trên cuộc đời. Những ơn lành đó Chúa tặng ban cho ta cách nhưng không nên chính ta cũng phải chia sẻ cho người khác bằng cả tấm lòng chân thành và xuất phát từ trái tim nhân hậu. Việc làm bác ái cách kín đáo sẽ mang lại niềm vui đích thực cho mỗi người thật lòng muốn bước theo sát dấu chân Đức Kitô.
Thứ hai, Chúa Giêsu mời gọi mỗi người cầu nguyện cách kín đáo. Chúa mượn hình ảnh của bọn đạo đức giả để nhắc nhở ta không giẫm vào vết chân của họ. Chúa kêu mời mỗi người bước vào căn phòng nội tâm của mình, đóng kín cửa của đam mê, danh vọng, lạc thú để cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Cầu nguyện đích thực không tìm lời khen ngợi, ca tụng của người đời nhưng là đi tìm Chúa, chấp nhận để Chúa bước vào cuộc đời ta, để Người chiếm đoạt ta và ta được thuộc trọn về Chúa, Chúa thuộc trọn về ta. Chính Chúa Giêsu luôn tìm nơi kín đáo để trò chuyện, tâm sự, nghỉ ngơi và kết hợp cùng Chúa Cha. Các thánh sử đã thuật lại cụ thể “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1,35); “Người lên núi một mình mà cầu nguyện” (Mt 14,25); “Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6,12). Ngày khai mạc mùa Chay thánh hôm nay, Chúa Giêsu đang tha thiết mời gọi mỗi người trở về căn phòng kín đáo của lòng mình để cầu nguyện, thực lòng thống hối, ăn năn mà tiến dâng cuộc đời cho Thiên Chúa.
Thứ ba, Chúa Giê-su dạy chúng ta ăn chay cách kín đáo. Đừng rầu rĩ như bọn đạo đức giả, đừng làm cho ra vẻ thiểu não để thiên hạ thấy ta ăn chay nhưng Chúa muốn ta ăn chay từ trong lòng. Bài đọc I trích sách Giôen viết rất rõ “Đừng xé áo nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em” (Ge 2,13). Đức Giáo hoàng Phanxicô đã dạy: “Chay tịnh, nghĩa là học cách thay đổi thái độ của chúng ta đối với người khác và tất cả những loài thọ tạo, học cách từ bỏ cám dỗ “nuốt chửng” mọi thứ để thỏa mãn lòng khao khát tham lam của chúng ta và sẵn sàng chịu đựng cho tình yêu, là điều có thể lấp đầy sự trống rỗng trong con tim chúng ta”. Quả thực, ăn chay giúp ta hàn gắn lại tình bạn với Thiên Chúa và lớn lên trong sự thân mật, gần gũi với Ngài. Nhờ ăn chay mà con người được tự do hơn, thong dong hơn để sống theo ý Chúa. Khi ta đói về thân xác, trái tim ta sẽ thấy mình đói khát Thiên Chúa và mong Ngài đến với ta. Ăn chay là một phương thế tốt để hướng ta đến đời sống cầu nguyện thâm sâu. Không những thế, ăn chay còn giúp ta chế ngự tính ích kỉ làm ta co lại. Nhờ đó, ta biết mở lòng ra trước nhu cầu của tha nhân và chia sẻ cho những người chung quanh. Ăn chay lại trở thành phương tiện giúp ta làm việc bác ái. Như vậy, chay tịnh-cầu nguyện-bác ái làm nên một vòng tròn khép kín không thể tách rời của đời sống người Kitô hữu.
Ba việc lành Chúa dạy chúng ta thực hành cách kín đáo không chỉ trong bốn mươi ngày chay thánh nhưng suốt cả cuộc đời. Đó là những điều giúp ích cho cuộc sống mai hậu của mỗi người. Chính Thiên Chúa là Đấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ ban thưởng gấp trăm, gấp bội cho ta. Lời mời gọi của Chúa vừa tha thiết, vừa mãnh liệt hầu mong từng Kitô hữu sống mùa Chay thánh với ý nghĩa đích thực của cuộc trở về, hoán cải và canh tân. Hành động cúi mình nhận tro trên đầu trong thánh lễ hôm nay là biểu hiện cho sự chết đi tội lỗi. Mỗi người ý thức về thân phận con người mỏng manh, dễ vỡ, từ tro bụi sẽ về với bụi tro. Chỉ có cuộc sống trên Thiên quốc mới trường tồn, vĩnh cửu. Bởi đó, đời sống trần thế không phải là đích đến để con người vui hưởng khoái lạc mà là nơi con người lập công phúc trước mặt Thiên Chúa bằng việc lành cụ thể, nhất là ba điều Chúa dạy trong Tin Mừng hôm nay.
Lạy Chúa! Chúa thấu hiểu thân phận yếu hèn của chúng con mong manh như chiếc lá cuối thu. Xin Chúa đồng hành với chúng con để chúng con thực sự bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng với hết cả tâm hồn. Xin cho chúng con luôn ý thức mình đang ở trong sa mạc cùng Chúa để thực hành những điều Chúa dạy cách cụ thể. Ước gì từng ngày sống của chúng con trở thành lời ca tụng Chúa không ngừng và chúng con trở nên hiện thân của Chúa Kitô giữa thế giới hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Amen.
Maria Nhật Lệ (Tập Viện)
Cầu Nguyện-Bác Ái-Hy Sinh Trong Âm Thầm
(Mt 6,1-6.16-18)
“Mùa Chay” - cái tên đã gợi lên đặc tính của mùa phụng vụ này. Thật vậy, Giáo Hội mời gọi mỗi người trở về với cõi lòng của mình để ăn năn sám hối làm hòa với Chúa. Đây là thời gian quan trọng để giúp cho Giáo Hội cũng như mỗi Kitô hữu chuẩn bị tâm hồn đón mừng biến cố Vượt Qua của Chúa Kitô. Khởi đầu mùa Chay thánh, Giáo Hội dành ngày thứ Tư Lễ Tro để mời gọi mỗi Kitô hữu sống tinh thần chay tịnh và ý thức thân phận mỏng giòn của kiếp người. Từ đó, trong suốt mùa Chay mỗi người trở về với Chúa và cải biến cuộc sống của chính mình. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra ba phương thế chi phối toàn bộ cuộc sống con người: bác ái -hy sinh giúp ta gắn kết với tha nhân phát triển tương quan hàng ngang; cầu nguyện đưa ta đến gần Thiên Chúa phát triển tương quan hàng dọc; ăn chay hãm mình từ bỏ những nết xấu và đổi mới bản thân.
Chúa Giêsu mời gọi ta sống chay tịnh trong mùa Chay thánh này từ phương diện thể lý bên ngoài cho đến tận sâu bên trong tâm hồn. Khởi đầu sứ vụ của mình, Chúa Giêsu đã ăn chay ròng rã suốt bốn mươi đêm ngày trong sa mạc, Người chỉ sống nhờ Thần Khí Chúa. Ngay từ những thế kỷ đầu Giáo Hội cũng tổ chức bốn mươi ngày Chay thánh và các tín hữu tiên khởi giữ chay trong suốt bốn mươi ngày. Cho đến ngày nay, Giáo Hội vẫn giữ truyền thống đó nhưng chỉ giữ chay ngặt vào hai ngày: thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh.
Trong Giáo Hội cũng có rất nhiều vị thánh chọn con đường khổ chế, các ngài ăn chay quanh năm chỉ trừ những ngày lễ trọng. Như vậy, ta thấy việc giữ chay bề ngoài rất quan trọng và đặc biệt nó cũng giúp ta hãm mình bề trong triệt để hơn. Chúa Giêsu đã nói: “Khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay.” (Mt 6,17). Thật vậy, chay tịnh không chỉ là ăn uống đạm bạc nhưng còn là từ bỏ, hãm dẹp những khuynh hướng xấu, những ước muốn riêng: sở thích, đam mê, nóng giận, tính kiêu ngạo hay ích kỷ của bản thân… Những gì được thể hiện ra bên ngoài thì người khác sẽ dễ nhận ra nhưng chế ngự những khuynh hướng bên trong thì chẳng mấy người biết đến. Đó mới chính là tinh thần chay tịnh mà Chúa Giêsu muốn nói đến. Tuy nhiên, tất cả những điều đó phải mang đến cho ta một sự đổi mới được thể hiện qua cuộc sống hằng ngày bằng tinh thần bác ái hy sinh.
Yêu thương là giới luật đầu tiên và quan trọng nhất, tất cả mọi điều luật đều quy hướng về đó. Chúa Giêsu không ngừng dạy các môn đệ phải sống yêu thương. Trong mùa Chay thánh này, Ngài cũng tiếp tục mời gọi ta sống bác ái hy sinh, quan tâm nâng đỡ những người xung quanh. Ngọn lửa yêu thương mà Chúa Giêsu ném vào thế gian đã bùng lên và vẫn luôn được nhen nhóm qua từng thời đại. Nhưng dường như ngọn lửa ấy vẫn còn yếu ớt và mong manh. Thật vậy, ngày nay, có một căn bệnh phổ biến và ngày càng lan rộng trong xã hội, đó là bệnh vô cảm. Từ một đứa trẻ được cha mẹ quá nuông chiều, thích gì được nấy, nó chẳng biết đến nỗi vất vả của cha mẹ, cũng chẳng biết thương cha mẹ. Khi lớn lên, nó cũng chẳng biết quan tâm đến những người xung quanh, như một hoang đảo giữa đại dương không có khả năng để nối kết với mọi người. Để xóa dần đi căn bệnh xã hội này, các tổ chức, chương trình thiện nguyện được thành lập nhằm khơi dậy lòng trắc ẩn nơi mỗi người để biết giúp đỡ những người gặp khó khăn. Thế nhưng đâu đó trong những tổ chức ấy vẫn còn những lỗ hổng, sự len lỏi của những người ích kỷ lợi dụng kẽ hở để rút bớt, cắt xén phần nào làm của riêng. Dù cho con người, thế giới này có như thế thì Đức Giêsu vẫn không mệt mỏi cất lên lời bác ái yêu thương. Nhất là trong ngày đầu của mùa Chay thánh lời mời gọi ấy còn tha thiết hơn nữa. Đặc biệt, năm 2023 Giáo Hội thúc đẩy các Kitô hữu củng cố tinh thần hiệp thông trong bối cảnh hướng đến một Giáo Hội hiệp hành theo đề nghị của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới. Như vậy, mỗi người được mời gọi ra khỏi chính mình để bước đến với tha nhân, sống quảng đại, hiệp nhất yêu thương, nâng đỡ chia sẻ với nhau.
Một phương thế cũng rất quan trọng không thể không kể đến trong mùa Chay là cầu nguyện. Cầu nguyện là con đường duy nhất đưa con người đến gần Thiên Chúa. Một người càng ở gần Chúa thì càng chìm sâu trong cầu nguyện, với họ, cầu nguyện cần thiết như hơi thở không thể thiếu cho sự sống. Đức Giêsu đã dạy: “Khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha của anh.” (Mt 6,6). Căn phòng đó là căn phòng của tâm hồn, của trái tim. “Đi vào phòng” là để đối diện với chính mình, tách mình ra khỏi những xáo trộn bên ngoài, dành một không gian riêng chỉ có ta với Chúa. “Đóng cửa lại” để không bị bất cứ điều gì chi phối hay làm phiền, một không gian hoàn toàn tĩnh lặng. Trong sự tĩnh lặng đó, ta được đối diện với Chúa, được lắng nghe tiếng của Người và để Người lắng nghe ta. Tuy nhiên, đây không phải là sự tách biệt với thế giới bên ngoài mà là một cách nào đó để ta “sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian”. Bằng cách đưa những lời cầu nguyện vào trong cuộc sống, thánh hóa những công việc thường ngày và dâng lên Chúa. Cầu nguyện cũng là phương thế duy nhất biến những việc ta làm trở nên có giá trị trước mặt Chúa. Nhờ cầu nguyện, tất cả những công việc nhỏ bé ta làm đều có thể mang lại giá trị lớn lao. Qua cầu nguyện ta có thể biến những điều bình thường trở nên phi thường. Như vậy, việc cầu nguyện phải được thực hiện trong suốt ngày sống, cả lúc lao động hay nghỉ ngơi, trong nhà nguyện cũng như nơi làm việc. Đặc biệt trong những khi ta ăn chay hãm mình, làm việc lành phúc đức trong tinh thần cầu nguyện thì sẽ mang lại giá trị cứu độ cho chính mình và tha nhân.
Chúa Giêsu cũng mời gọi mỗi người dù làm bất cứ điều gì, ăn chay, cầu nguyện hay làm các việc lành phúc đức, đừng chú trọng hình thức bên ngoài nhưng quan tâm đến tâm tình bên trong. Theo tự nhiên, con người thường thích phô trương, muốn khoe những điều tốt đẹp để được khen, như thế họ đã nhận được phần thưởng rồi. Còn Đức Giêsu thì dạy ta hãy làm trong âm thầm “đừng để tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,3). Như thế, ta sẽ được Thiên Chúa trả công vì người hằng biết tất cả những điều đó. Hôm nay, thánh Mátthêu đã nhắc lại đến ba lần Thiên Chúa là “Đấng hiện diện nơi kín đáo” và là “Đấng thấu suốt những gì kín đáo”. Chẳng có điều gì mà Người không biết, cũng chẳng có nơi nào mà Người không đến được. Tác giả thánh vịnh 139 đã cảm nhận sâu sắc điều này khi nói:
“Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài,
Lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?
Con có lên trời, Chúa đang ngự đó,
Nằm dưới âm ty vẫn gặp thấy Ngài.” (Tv 139,7-8)
Thiên Chúa luôn thấu suốt điều bí nhiệm nhất của con người, đối với Người “tư tưởng phàm nhân Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài!” (Tv 94,11). Cho nên bất kể con người có làm gì, nghĩ gì, Người cũng thấu suốt và hằng yêu mến tất cả những hy sinh ta dâng lên Người trong âm thầm dù có nhỏ bé bởi đó là điều dành riêng cho Người.
Lời Chúa trong ngày đầu mùa Chay mời gọi chúng ta canh tân toàn bộ đời sống bằng một nếp sống mới: bớt nói với tạo vật để nói nhiều với Thiên Chúa, bớt đi những đòi hỏi để phó thác nơi Thiên Chúa, không tìm cách vun vén lợi ích cho bản thân nhưng là hãm dẹp ý riêng, không tìm cách giữ lấy mình nhưng tìm cách bỏ mình, chỉ mong ước được trở nên bé nhỏ để Chúa được lớn lên, tìm cách chết đi cho chính mình để sống cho Chúa, làm tất cả để vinh danh Chúa. Khi ấy, tôi mới có thể mong sống trong Chúa và cho mọi người.
Là một Tập sinh, tôi biết rằng Chúa không đòi tôi làm điều gì lớn lao, Ngài chỉ mời gọi tôi những nỗ lực đổi mới trong chính cuộc sống hằng ngày của tôi: bỏ đi sự tự ái để sống yêu thương bác ái; bỏ đi những ích kỉ nhỏ nhen để sống quảng đại thứ tha; bỏ đi những nóng giận để sống hiền hòa; bỏ đi những sở thích ý riêng để xây dựng sự hiệp nhất; loại bỏ những tư tưởng ước muốn không chính đáng để chỉ hướng lòng đến điều Chúa muốn, để vượt thắng những nhát đảm dám sống cho Chúa và cho tha nhân. Cho dù vẫn còn đó trong tôi những yếu đuối, bất toàn, tội lỗi, cái tôi to lớn và biết bao cám dỗ và dù cho với sức lực tôi yếu hèn nhưng tôi tin Chúa không bỏ mặc tôi và như Thánh Phaolô đã xác tín “ơn của Thầy đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9).
Lạy Thiên Chúa là Đấng thấu suất mọi tâm tư, tình cảm trong con. Ngài biết con hèn yếu như thế nào nhưng chẳng bỏ mặc con mà hằng mời gọi và ban ơn giúp con đổi mới. Nhất là trong mùa Chay thánh này, Ngài mời gọi con sống bằng con người mới. Không phải một con người hoàn hảo được mọi người mến mộ nhưng là một con người sống âm thầm bé nhỏ trong Chúa. Xin cho con yêu mến Chúa và làm tất cả chỉ mong được đẹp lòng Chúa, được trở nên người con bé nhỏ trong vòng tay Ngài. Xin cho con luôn đặt Ngài làm Đấng duy nhất của lòng trí con.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là người đẹp lòng Chúa mọi đàng. Mẹ đã chấp nhận từ bỏ những dự định, ý muốn riêng để vâng theo ý Chúa. Mẹ đã chẳng ngại phận nữ nhi yếu đuối, vượt qua mọi khó khăn vất vả đến và giúp đỡ khi người chị họ cần. Mẹ cũng cầu nguyện không ngừng và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng những gì Chúa đã làm trong cuộc đời Mẹ. Xin cho con luôn noi theo gương Mẹ, biết từ bỏ chính mình để vâng theo ý Chúa, biết nhạy bén trước nhu cầu của tha nhân và không ngần ngại giúp đỡ những người gặp khó khăn, sống bác ái yêu thương với hết mọi người. Xin cho con biết liên lỉ cầu nguyện trong hết mọi giây phút của cuộc sống, luôn ý thức sự hiện diện của Chúa, quy hướng mọi sự về Chúa để sống trong Chúa, cùng Chúa, với Chúa, vì Chúa và cho Chúa trong từng ngày sống. Amen.
Maria Thương (Tập Viện)