Thứ bảy, 23/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Suy Tôn Thánh Giá (Ga 3,13-17)

Cập nhật lúc 09:00 12/09/2023
                                       



VINH QUANG ẨN SAU THẬP GIÁ

 
 Lẽ tự nhiên ở đời, ai mà không muốn có một cuộc sống bình yên, hạnh phúc, nhưng thực tế thì không giống vậy. Dù ít dù nhiều ai cũng có cũng trải qua những đau khổ, đau khổ bên ngoài, đau khổ bên trong, mỗi người đều có những khổ đau của riêng mình. Có một điều kì diệu là sau bao cái khổ trải qua ta đều có được những bài học, kinh nghiệm, hay nhận ra một cái gì đó, một chân lý sống hoặc một niềm vui, sự bình an hạnh phúc...Và đó chẳng phải là những vinh quang, những ánh sáng mới được lóe lên từ những khổ đau hay sao?
Thập giá - đó là một cái gì rất nặng nề và ít ai muốn nó đến với mình. Còn Đức Kitô của chúng ta - một con người đã chọn nằm trên thập giá để đem đến cho nhân loại một ánh sáng rạng ngời, đó là ánh sáng của niềm vui ơn cứu độ. Ngài không chọn một tư thế ngồi thiền bình an, thanh thản, buông bỏ tất cả như Đức Phật nhưng lại chọn tư thế quằn quại trần trụi trên thập giá để trút hết, trút đến tận cùng vì tình yêu dành cho nhân loại. Vì yêu nên Ngài không thể ở một tư thế bình yên nhưng lại chấp nhận đớn đau, trần trụi trên thập giá cốt để mang lại cho con người một tư thế bình an hạnh phúc. Người đã buông chính mình, buông địa vị, danh tiếng,...để đi xuống nơi sâu nhất, mạt rệt nhất của kiếp người. Một tình yêu không phải mù quáng nhưng là một tình yêu tuyệt đối và trọn vẹn đến từ Thiên Chúa.
“Thiên Chúa yêu thế gian” Ngài yêu một thế giới gian dối, tội lỗi, bất công...chứ không phải yêu một “thế ngay’’( là thế giới của những người công chính thánh thiện). Ngài đã chọn yêu một Phêrô đơn sơ, mộc mạc, chất phác đã từng chối bỏ Ngài, chọn yêu một Giuđa vô ơn bán đứng, phản bội với ba mươi đồng bạc, chọn yêu một Phaolô bắt bớ, giết người có đạo, hơn thế Người còn chọn yêu những người tội lỗi và đồng bàn với họ...và cuối cùng Ngài đã chọn yêu đến nỗi trao ban tất cả, trút hết, cởi hết chỉ vì một tình yêu nhưng không dành cho con người. Ngày nay, Đức Kitô chịu đóng đinh trên thập giá chọn yêu từng người chúng ta, những con người đầy yếu đuối và bất toàn. Ngài chấp nhận trần trụi, dang tay trên thập giá để mặc vào từng người tình yêu tuyệt đối,trọn vẹn cùng với một sự sống vĩnh cửu. Quả thực, không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người dám hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Từ một khí cụ độc ác đê hèn nhất mà con người nghĩ ra để hành hạ nhau thì Chúa Giêsu đã biến nó thành dấu chứng của tình yêu. Tình yêu vâng phục Chúa Cha và tình yêu hiến thân vì nhân trần. Thật vậy, “Thánh giá Chúa là nơi nương náu cho tình con thắm nở mỗi ngày’’ đó là tâm tình của một nữ tu Mến Thánh Giá đã phần nào cảm được tình yêu của Đức Kitô chịu đóng đinh. Điều này cũng nhắc nhớ từng người rằng nhờ có thập giá mà ta được lớn lên mỗi ngày.
Là những nữ tỳ hèn mọn được Chúa chọn gọi bước đi trong linh đạo của Chúa, linh đạo Mến Thánh Giá, con đường của người tỳ nữ thấp hèn là con đường lên đồi Canvê. Một con đường có thể sẽ thấy nhiều gập ghềnh, gấp khúc, sỏi đá, chông gai hơn là một con đường bằng phẳng, thẳng tắp, rộng thênh thang. Theo Chúa lên đồi, có lẽ sẽ không có chuyện né tránh thập giá, thế nhưng có một người mang tên Satan luôn tìm cách bảo chúng ta tránh xa thập giá, bước ra khỏi con đường nhỏ bé chông gai khó đi ấy. Nó thuyết phục ta rằng thập giá là dấu chỉ của thất bại và sẽ không có vinh quang nào ở đó. Ngược lại, Chúa Giêsu nói với chúng ta: thập giá là dấu chỉ của chiến thắng. Đối diện, đón nhận thập giá là con đường cứu độ của chúng ta. Thập giá là một phần cuộc đời mỗi người và ẩn sau thập giá cuộc đời là cả một bầu trời vinh quang, là ánh sáng huy hoàng, là một Đức Lang Quân đang rạng rỡ chờ đợi chúng ta, dẫn chúng ta vào cánh cửa của sự sống đời đời. Nhờ thập giá mà chúng ta có thể dễ dàng bước qua vực thẳm của tội, giúp chúng ta xích lại gần Chúa hơn. Tuy nhiên có những người chọn đi con đường thập giá nhưng lại chỉ mong được vinh quang mà không muốn đón nhận thập giá.
Bản thân tôi, một người được chọn gọi đi lại con đường của Chúa, lẽ ra tôi phải yêu mến đau khổ, yêu những khác biệt của những chị em đang sống quanh tôi, bình an đón nhận những khó khăn ập đến... nhưng tôi thật sự hãi sợ, lo lắng mỗi khi những điều ấy xảy ra, làm sao có thể bình an khi thử thách bao quanh, làm sao bình an khi tâm hồn đầy thương tổn, đầy bận tâm giằng co... Vì một đức tin còn non yếu nên tôi luôn ý thức và tin rằng khổ đau chỉ là một tên gọi khác của hạnh phúc và nó sẽ không còn mãi bởi tôi biết cuối con đường Giêsu đang chờ tôi. Nếu tôi yêu mến và vui vẻ đón nhận thập giá thì con đường theo Chúa có gập ghềnh chắc chắn tôi cũng sẽ vượt qua. Bước theo Đức Kitô tôi còn lảm nhảm, kêu than thì thánh giá sẽ thật nặng nề và con đường theo Chúa cũng lê lết mỏi mệt. Chúa - chính Người là bảo chứng cho tôi, cả cuộc đời Người là một đời khổ đau, một cuộc đời đi từ nơi cao nhất xuống chỗ thấp nhất, sâu nhất, từ địa vị là Vua các Vua, Chúa các Chúa Ngài đã hạ mình mặc lấy kiếp người, để rồi sau tất cả Ngài đã được Chúa Cha tôn vinh qua biến cố phục sinh. Chúa Giêsu đã trải qua một hành trình gian khổ và ẩn sau khổ giá là ánh sáng vinh quang rạng rỡ. Nơi thập giá tôi tìm được lý do của lựa chọn đi theo Đức Kitô và tìm được sức mạnh để sống lựa chọn này đến cùng.
Vâng, thập giá có nặng thật, có đau khổ thật, có buồn chán, thất vọng và làm cho con người thật sự mệt mỏi đôi khi rơi vào bế tắc tuyệt vọng nhưng đó là lúc chúng ta được thông phần với những đau khổ của Chúa, đó cũng là lúc Chúa đang thử thách người học trò Chúa yêu. Lắm khi Thiên Chúa cũng gửi đến cho tôi những món quà được bao bọc bằng hình thù thập giá. Sự sần sùi và dáng vẻ thê thảm của thập giá làm tôi không thể cảm được tình yêu của Chúa. Tôi biết Người yêu tôi và yêu mọi người, không bao giờ Người muốn điều dữ xảy đến với người yêu của mình. Ngược lại mọi sự xảy đến đều nhằm dẫn đưa tôi đến nguồn hạnh phúc. Song theo Chúa mà không có khổ giá thì cuộc đời chẳng còn ý nghĩa gì, nhất là đối với những nữ tu Mến Thánh Giá: “Ngay lúc bị sửa dạy thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính” (Dt 12,11). Dẫu biết rằng lúc thập giá đến, lúc đau khổ gian nan vây bủa chẳng ai vui thích mà chỉ muốn bỏ cuộc. Nhưng ai kiên tâm, bền chí đón nhận thập giá và kết hiệp với Chúa không ngừng thì sẽ thấy được vinh quang ở phía sau thập giá.
Lạy Chúa, biết về Chúa chỉ cần một chữ “yêu” thôi. Tình yêu của Ngài  lạ lùng chẳng giống ai, đó là “yêu thế gian” yêu đến nỗi hy sinh người Con Một Duy Nhất và người con ấy lại yêu đến nỗi chấp nhận chịu đóng đinh thân mình trên thập giá, trao đi giọt máu cuối cùng chỉ vì yêu. Chúng con những người được yêu, được đón lấy ân ban nhưng không của Chúa, chúng con thật là hạnh phúc. Xin cho mỗi chúng con biết sống hài lòng với những hồng ân Chúa ban, dù đó có là khổ đau hay hạnh phúc. Ước gì người nữ tỳ hèn mọn của Chúa luôn biết trân quý những quà tặng Chúa ban qua từng ngày sống để ngày ngày không ngớt lời vang lên: Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con. Là Đấng con mến yêu, tôn thờ.

Tập Viện
 

             THẬP GIÁ TÌNH YÊU
                                 
Sống trên đời, ai cũng muốn được yêu thương và hạnh phúc, nhưng thực tế cho thấy sẽ chẳng có hạnh phúc thật nếu không trải qua đau khổ. Chính khi trải qua đau khổ ta mới hiểu thế nào là yêu thương, và đau khổ trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống. Nhắc tới đau khổ là chúng ta nghĩ đến thập giá và thập giá trở nên như một biểu tượng của sự đau khổ, thất bại, nhục nhã đối với con người, khiến ai cũng muốn tránh né. Tuy vậy, cây thập giá ấy không còn là đau khổ, nhưng được Đức Giêsu mặc cho một ý nghĩa hoàn toàn mới, từ đây thập giá không còn là đau khổ, nhưng thập giá là niềm tin, là vinh quang, là niềm hy vọng, là sự vâng phục, là ơn cứu độ, hơn hết thập giá chính là tình yêu.
Tình yêu ấy được chính Phúc Âm theo thánh Gioan chương 3 câu13-17, thuật lại một cách ngắn gọn, nhưng bao hàm cả lịch sử dân Chúa từ khởi đầu cho đến lúc hoàn tất công trình cứu độ. Qua đó, thánh Gioan diễn tả cho chúng ta thấy một hình ảnh Thiên Chúa yêu thương “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời ” (Ga 3,16 ). “Yêu đến nỗi đã ban” là cụm từ diễn tả cho thấy một mức độ yêu vô cùng lớn lao, vô cùng cao thượng. Đó cũng chính là tình yêu Thiên Chúa đã dành cho dân Israel và cùng với đó là dành riêng cho mỗi người chúng ta. Vì yêu thương nên Thiên Chúa đã không đành tâm để cho con cái mình phải chịu cảnh nô lệ bên Ai Cập, bởi thế Ngài đã dùng chính bàn tay uy quyền mà đưa dân lên miền đất mới -nơi mà Thiên Chúa đã hứa ban cho tổ phụ Ápraham. Trong hành trình vào đất hứu Thiên Chúa đã yêu thương và ban cho dân tất cả những gì dân cần, thế nhưng dân lại kêu trách Môsê - tôi trung của Chúa  “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập , để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống, chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này ” (Ds 21,5). Vì sự kêu trách ấy Thiên Chúa đã giáng phạt dân bằng cách cho rắn độc đến cắn dân và làm cho nhiều người Israel phải chết, lúc này dân hối hận về những điều đã kêu trách Thiên Chúa và Môsê. Bởi thế, Thiên Chúa đã chạnh lòng thương, khi dân biết hối cải, ăn năn về những việc làm của mình, nên Thiên Chúa đã truyền cho ông Môsê làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột để “Tất cả những ai nhìn lên con rắn đó sẽ được sống ” (Ds 21,8). Sách khôn ngoan còn giải thích sự cố đó một cách sâu xa hơn “vì  bất cứ ai ngước trông lên đều được cứu, không phải do bởi vật họ nhìn, nhưng là do chính Ngài, Đấng cứu độ muôn người hết thảy ” (Kn 16,7). Như vậy thì chính Thiên Chúa chứ không phải con rắn đồng được treo lên cây gỗ đã chấp nhận tấm lòng ăn năn, thống hối của dân và lời cầu xin của ông Môsê mà cứu thoát họ khỏi chết. Khi nói đến biến cố này thì Chúa Giêsu đã áp dụng vào chính Ngài “Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy ” (Ga 3,14), và đó cũng chính là chóp đỉnh tình yêu Đức Giêsu dành cho nhân loại, ngang qua Mầu Nhiệm Thập Giá. Đức Giêsu đã đến và cứu độ chúng ta bằng cái gía của tình yêu là chịu sát tế trên đỉnh đồi Canvê. Ngài đã từ bỏ tất cả để trao ban tất cả cho chúng ta, ngay cả mạng sống của mình, bởi chính Ngài đã quả quyết rằng: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình ” (Ga 15,13); “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,18). Đức Giêsu đã tự nhận lấy thập giá như bảo chứng tình yêu dành cho nhân loại.
Từ xa xưa, thập gía đã được quan niệm là biểu tượng của thất bại, của nỗi đau, của những gì thấp hèn và nhục nhã nhất trong kiếp nhân sinh. Trong thời đế quốc La Mã  thập giá được dùng để xử tử những người phản nghịch, nô lệ, và những người không có quyền công dân của đế quốc Rôma. Đức Giêsu cũng là nạn nhân của hình phạt đó khi phải chết oan trên thập giá. Thế nhưng Đức Giêsu đã thánh hóa cây thập giá từ một dụng cụ độc ác, tàn nhẫn của con người, thành công cụ của tình yêu thương, tha thứ; từ biểu tượng của sự chết và đau khổ đã trở thành đối tượng để chữa lành; từ thập giá ô nhục trở nên thánh giá vinh quang, giải thoát con người khỏi án chết đời đời.
Thánh
giá của hơn hai ngàn năm về trước vẫn rung lên từng nhịp đập yêu thương cho đến ngày hôm nay và mãi tới mai sau. Thiên Chúa đã yêu chúng ta bằng tất cả những gì Ngài là, với một tình yêu sâu nhiệm qua lời Ngài đã phán với ngôn sứ Giêrêmia: “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thưở nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31,3). Hay như lời ngôn sứ Isaia quả quyết “Chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta… chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm…đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53,4-5). Thánh giá Đức Giêsu ngày hôm nay, vẫn đang tiếp tục bị tra tấn, vòng gai trên đầu Đức Giêsu vẫn cắm vào mỗi ngày một sâu hơn, năm dấu thánh vẫn tiếp tục rỉ máu vì tội lỗi chúng ta. Sống trong Linh đạo Mến Thánh Giá tưởng chừng như mỗi ngày chúng ta được trở nên đồng hình, đồng dạng với Đấng Chịu Đóng Đinh, nhưng thực tế Đấng ấy vẫn không ngừng chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu là mối tình sâu nhiệm, Ngài đã ôm trọn lấy mọi tội lỗi, mọi yếu đuối của chúng con, cho dù chúng con có nhơ nhớp tội lỗi, có bất xứng thế nào đi nữa thì Chúa vẫn tiếp tục yêu chúng con và Ngài yêu cho đến cùng. Như lời bài hát “Bước chân tìm về” của nhạc sĩ M.Tigôn đã viết: “Vì Chúa yêu hết những gì là thuộc về con, vì Chúa tha hết cho dù tội đỏ như son…vì Chúa chẳng chấp cho dù đời con lấm lem, vì Chúa quên hết những tội tình con yếu hèn”.
Lạy Chúa đến như bản  thân chúng con, nhiều khi chúng con còn chẳng yêu nổi, thế  mà Ngài lại yêu hết tất cả những gì thuộc về chúng con. Ngài đã chẳng nỡ rời xa chúng con một giây, nên đã ẩn thân trong tấm bánh nhỏ bé nơi Nhà Tạm. Để rồi mỗi sớm mai thức dậy chúng con được tham dự Thánh lễ - là hiện tại hóa hy lễ trên thập giá của Ngài, qua đó Chúa cho chúng con được rước lấy Ngài trong bí tích Thánh Thể. Để chính Thịt và Máu Ngài trở nên lương thực nuôi linh hồn chúng con, thấm nhập vào từng tế bào sống của  chúng con, cho chúng con được kết hợp mật thiết với Ngài. Giờ này đây nhìn lên thập giá Chúa, Đấng chịu chết cho chúng con được sống. Đấng chịu đóng đinh vào thập giá vì tội chúng con, xin cho chúng con cảm nhận được mối tình thâm sâu ấy, mối tình dâng hiến trọn vẹn, vượt qua không gian và thời gian. Xin cho chúng con luôn biết quý trọng linh đạo thập giá là nguồn của linh đạo, đặc biệt qua lý tưởng sống của Đức cha Lambert -Đấng sáng lập dòng Mến Thánh Giá với câu châm ngôn “Đức Giê-su Kitô Chịu Đóng Đinh  phải là đối tượng duy nhất của lòng trí con”. Amen.
 
Tập Viện
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log