Thánh Gioan mở đầu trình thuật phục sinh bằng việc diễn tả sự bồi hồi của Maria Madalena đến thăm mộ Chúa, vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần lúc trời còn tối (Ga 20,1). Bà đã phát hiện tảng đá đã lăn khỏi mộ và bà vội chạy về báo tin cho môn đệ của Đức Giêsu rằng: “người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ và tôi không biết họ để Người ở đâu” (Ga 20,2). Các ông đệ hay tin cũng nhanh chóng chạy ra mộ, họ chạy vào và thấy những băng vải cuốn ngay ngắn và không thấy Đức Giêsu. Gioan còn diễn tả rằng: “Các ông đã thấy và đã tin”
Đức tin cũng là một phạm trù khó diễn tả mà mỗi Kitô hữu được mời gọi nỗ lực tìm kiếm giá trị của đức tin trong Thiên Chúa, nhất là biểu lộ niềm tin của mình vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và cứu độ con người. Nhất là khi đứng trước mầu nhiệm Phục Sinh, mỗi Kitô hữu càng được mời gọi cách tha thiết hơn mà như lời Đức Giêsu đã nói: “Phúc thay ai không thấy mà tin” (Ga 20,29). Dù theo Đức Giêsu nhiều năm nhưng có lẽ, niềm tin vào Thầy vẫn là một niềm tin mông lung, chưa đủ xác tín. Thế nên trong suốt hành trình theo Đức Giêsu, không ít lần Người đã nhắc nhớ các môn đệ về đức tin. Giữa lúc các ông chới với giữa biển khơi Đức Giêsu đã đến với các ông, nhưng con mắt các ông còn bị phủ vây bởi bao nỗi sợ hãi nên không nhận ra sự hiện diện của Người. Thế nên Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh họ:“Sao nhát thế, sao anh em vẫn chưa có lòng tin” (Mc 4,40-41). Rồi khi thấy Đức Giêsu đi trên mặt biển các ông lại tưởng đó là ma mà la lên, chính Đức Giêsu thấy sự yếu đuối của các ông, Người nhẹ nhàng mở lời “người đâu mà kém tin vậy, sao lại hoài nghi?” (Mt 14,31). Tất cả những gì Đức Giêsu đã loan báo những gì sẽ xảy ra đối với Người chỉ làm cho các ông sợ hãi. Bởi thế, khi tất cả sự việc đó xảy ra các ông đã nhớ lại lời Đức Giêsu đã nói và tin vào Người.
Đặc biệt trong trình thuật Phục sinh, thánh sử Gioan kể lại sự việc xảy ra ngay tại ngôi mộ nơi đã an táng Đức Giêsu vào “lúc trời còn tối, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần”. Bà Maria Madalena ra viếng mộ thấy tảng đá lấp cửa mộ đã lăn ra, bà vội vàng chạy về báo tin: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”. Sau đó, Phêrô và Gioan chạy ra mộ. Gioan chạy tới mộ trước nhưng không vào. Phêrô đến sau và vào trong mộ, ông thấy khăn liệm được gấp ngay ngắn không có dấu hiệu bị đánh cắp. Sau đó, Gioan cũng vào trong mộ, ông đã thấy và đã tin. Phêrô và Gioan đã tin và xác tín những điều mà trước đây Thầy đã tiên báo, cho dẫu cái tin ấy vẫn đan xen một chút băn khoăn, do dự, khó hiểu và cả sợ hãi. Chiêm ngắm tâm trạng của các môn đệ trước ngôi mộ trống của Đức Giêsu và suy niệm về sự chuyển động nội tâm của các môn đệ. Mỗi chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại đời sống đức tin của mình trước một xã hội thực dụng hôm nay.
Trước bối cảnh xã hội thời đại hôm nay, đức tin của con người bị đe dọa bởi không ít những lạc thuyết thiếu tích cực. Chủ nghĩa thực dụng và vô thần, làm cho não trạng con người trở nên chai cứng, người ta chỉ tin vào khoa học, tin những gì mắt thấy tai nghe tay sờ, những gì người ta có thể kiểm chứng được, còn những gì không thấy mà tin thì đó lại là những chuyện thật hão huyền, mơ hồ và dường như nó không có cơ sở. Sống giữa xã hội ấy, đức tin của người Công giáo phải đối diện với không ít những khó khăn và thử thách. Hơn nữa, đời sống đức tin của người Kitô hữu, đặc biệt là các Kitô hữu trẻ thiếu nền tảng, chính vì thế mà niềm tin của họ chỉ thuần túy là cha truyền con nối và dễ lung lay khi bị lôi kéo bởi các giáo thuyết khác. Vậy nên, mỗi người Kitô hữu cần không ngừng vun trồng đức tin của mình bằng việc học hỏi Lời Chúa và tham dự các cử hành phụng vụ cách tích cực. Bởi lẽ, nếu không vun trồng đức tin cho mình và cho thế hệ con cháu, thì một ngày nào đó đức tin của chúng ta sẽ trở nên èo uột, đổ vỡ.
Tin vui ngày Phục sinh tạo nên hoang mang cho những kẻ không tin nhận Thiên Chúa, nhưng lại trở thành niềm hân hoan cho các môn đệ và cho tất cả những ai tin vào Người. Noi gương các vị thánh Tông đồ, mỗi chúng ta được mời gọi xây dựng đức tin của mình dựa trên nền tảng Thánh Kinh và Thánh truyền, để nơi đó, chúng ta kín múc được ân sủng của Người. Đồng thời, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, mỗi chúng ta mạnh mẽ xác tín niềm tin của chúng ta vào các mầu nhiệm Kitô giáo mà dám tuyên xưng như Timôthê rằng: “Tôi biết tôi tin vào ai.”
Lạy Chúa Giêsu Phục sinh! sống trong một xã hội thực dụng vô thần, chúng con đã quá quen với những chứng minh của khoa học kĩ thuật, để rồi chúng con không còn nhạy cảm đủ với niềm tin vốn được đặt nền tảng trên những cảm nghiệm như thánh Phaolô đã nói: “Vì quá mải mê với những sự dưới đất mà không còn tha thiết với những sự trên trời”. Xin ban thêm niềm tin cho chúng con, để mỗi ngày chúng con biết tái khám phá lại niềm tin của mình vào Đức Giêsu Phục sinh và biết sống niềm tin ấy trong cuộc sống hằng ngày, để chúng con trở nên những chứng tá của Chúa giữa lòng xã hội hôm nay. Nhất là xin cho mỗi Kitô hữu chúng con ý thức rằng niềm tin vào Đức Giêsu Phục sinh là nền tảng cho đời sống của mỗi người tín hữu chúng con. Amen.
Cộng đoàn Mến Thánh Giá Vĩnh Lộc
CHÚA ĐÃ PHỤC SINH
Trong cuộc sống, có lắm phen chúng ta gặp những đau khổ, mất mát và những thất bại đau đớn khiến chúng ta muốn buông xuôi, muốn bỏ cuộc mặc cho cuộc đời qua đi. Khi đó, tâm hồn chúng ta giống như ngôi mộ đã được chôn cất và niêm phong bằng một tảng đá, chẳng còn gì để hy vọng, chẳng còn gì là niềm vui vào cuộc sống ngoài một niềm tiếc nuối khôn nguôi. Về điều này, các môn đệ là những người có cảm nghiệm sâu sắc hơn ai hết nơi cuộc Thương khó của Đức Giêsu trong những ngày vừa qua. Bởi lẽ, người Thầy mà các ông đặt hy vọng về tương lai đầy hứa hẹn hiện giờ lại kết thúc bằng cái chết tất tưởi trên thập giá, việc này đồng nghĩa những hy vọng của các ông cũng tiêu tan. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không ở trong sự chết mãi mãi nhưng Người đã Phục Sinh nhờ sự vâng phục thánh ý Chúa Cha. Nhờ đó, Đức Giêsu đã mở ra niềm hy vọng cho tất cả những ai đang gặp đau khổ, thất vọng vì tin rằng sẽ được cùng Người chung hưởng hạnh phúc Nước Trời.
Ai trong chúng ta cũng từng kinh nghiệm về đau khổ và thất vọng. Bởi lẽ, chúng ta là thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên từ hư không với giới hạn bất toàn. Quả thật, chúng ta chỉ có được sự sống và hạnh phúc đích thực khi mỗi người chúng ta biết gắn chặt với Đức Giêsu, Người là nguồn mạch thông truyền sự sống từ nơi Chúa Cha. Để được chung phần sự sống Nước Trời, mỗi người trong chúng ta cũng phải đón nhận những thánh giá của cuộc sống như một phần thân phận yếu đuối của mình với nềm tin tưởng vào Đức Giêsu - Đấng đã chiến thắng tử thần để nâng loài người chúng ta lên. Mặc dù vậy, khi phải đối diện với đau khổ, chúng ta vẫn luôn bị cám dỗ thoái lui, khó chấp nhận và muốn bỏ cuộc vì tưởng chừng như quá sức chịu đựng của chúng ta. Về điều này, Kinh Thánh cũng đã nhắc đến trường hợp của ông Gióp. Mặc dù luôn sống ngay chính trước mặt Thiên Chúa và người đời nhưng ông phải chịu thử thách hết tai họa này đến tại họa khác. Ban đầu, Thiên Chúa thử thách sự công chính của ông bằng việc lấy đi những thứ bên ngoài thân xác ông như con cái, của cải nhưng về sau là thử thách trên chính thân xác ông khiến mọi người xa lánh. Tuy nhiên, ông vẫn một lòng tin tưởng vào Thiên Chúa và cuối cùng ông được Thiên Chúa ban gấp đôi những gì ông có trước đó.
Như Đức Giêsu đã chết và được mai táng trong mồ trước khi sống lại thì mỗi người chúng ta cũng phải trải qua thử thách trước khi được chung phần vinh quang là sự sống đời đời. Quả thật, sau những ngày tháng theo Đức Giêsu cùng chứng kiến những phép lạ lẫy lừng của Người, các môn đệ đều nuôi hy vọng về một tương lai đầy vinh quang. Tuy nhiên, cuộc khổ nạn của Thầy Giêsu và đỉnh điểm là cái chết khổ nhục trên thập giá đã làm cho các môn đệ thất vọng, sợ hãi cho thấy sự yếu đuối của thân phận con người. Mặc dù, Đức Giêsu có tiên báo về những khổ hình Người phải chịu trước khi được Chúa Cha cho sống lại từ cõi chết nhưng các ông không hiểu. Quả thật, sống ở đời, chúng ta có những thử thách đau khổ khác nhau không ai giống ai. Tuy nhiên, chúng ta có một niềm hy vọng chắc chắn vào Đức Giêsu đã Phục Sinh sau những khổ hình phải chịu khi hoàn toàn vâng theo thánh ý Chúa Cha. Nếu cuộc khổ nạn của Đức Giêsu chỉ kết thúc bằng cái chết khổ nhục trên thập giá thì mọi đau khổ ở đời này của chúng ta điều vô nghĩa. Nhưng Thiên Chúa cho Người sống lại từ cõi chết đã đem hy vọng cho mỗi người chúng ta khi đau khổ, thất bại vì tin rằng những đau khổ không vô nghĩa khi chúng ta kết hợp với đau khổ của Đức Giêsu sẽ được cùng Người sống lại trong ngày sau hết.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh! xin cho chúng con biết tận dụng mọi đau khổ và thất bại ở đời này để tôi luyện niềm tin của chúng con vào sự sống đời sau trong Nước Chúa. Qua đó, chúng con sẽ bớt đi những phàn nàn, oán trách mỗi khi gặp đau khổ và thất bại nhưng trở nên cứng cáp hơn và phó thác hơn trong sự quan phòng vào Thiên Chúa là sự sống và cùng đích của cuộc đời mỗi chúng con. Amen.
Hương Tiềm - Học Viện K6