Thứ năm, 21/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-Su Năm B

Cập nhật lúc 07:50 07/06/2024
Suy Niệm 1
Tình Yêu Trao Ban
(Ga 19, 31-37)
Khi diễn tả tình yêu, người ta thường dùng hình ảnh trái tim bị lưỡi gươm đâm thâu, qua đó cho thấy: yêu là cho nhiều hơn nhận, và mọi người đều muốn yêu và được yêu. Con tim có những lý lẽ riêng mà lý trí không thể hiểu biết được, như lời thánh Phao-lô viết trong thư gửi tín hữu Rô-ma: “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi. Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8). Vì yêu thương con người, Thiên Chúa đã trao ban tất cả và trao ban cho đến tận cùng, Ngài không chỉ trao ban mạng sống của Con Một Ngài, mà còn trao ban cả đến những giọt máu và nước trong thân thể Đức Ki-tô: “Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người, nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,33-34).
Theo truyền thống các Ráp-bi, nơi thân xác con người có máu và nước; máu và nước là hai yếu tố làm cho con người được sống; hai yếu tố này trào ra khỏi con người, đó là dấu con người đã thực sự chết. Sau khi tắt thở, Chúa Giê-su chỉ còn lại những giọt máu và nước cuối cùng nơi trái tim, thì giờ đây họ đã đâm thủng ngực Chúa làm cho trái tim mở ra và tuôn chảy đến giọt máu, giọt nước cuối cùng trong thân thể Người. Thánh sử Gio-an có một cái nhìn thật sâu xa về hiện tượng này. Như chiên chịu sát tế vào chiều ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su cũng đổ máu mình ra vào chiều ngày áp lễ như vậy. Như thế, Người trở thành Chiên Vượt Qua mới, nghĩa là lễ vật trong hy lễ thập giá nhờ cái chết của Người.
Máu và nước được sử dụng trong Kinh Thánh như dấu chỉ biểu trưng, mang đậm ý nghĩa cứu độ. Máu là biểu tượng của hy tế, là dấu hiệu có mặt trong mọi giao ước. Còn nước là biểu tượng cho sự sống, như dòng nước vọt ra từ tảng đá trong sa mạc (Xh 17,6), suối nước từ bên phải đền thờ chảy ra (Ed 47, 1-12),... Nước trào ra từ cạnh sườn Chúa ám chỉ Đức Giê-su là tảng đá tuôn trào dòng suối đem lại sự sống mới cho nhân loại. Truyền thống của Giáo Hội coi nước và máu tượng trưng cho nguồn ơn của Bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể nhờ đó người tín hữu được sinh ra và nuôi dưỡng trong Hội Thánh. Chúa ban ân sủng của mầu nhiệm vượt qua cho ta qua dấu hiệu của các bí tích. Qua các bí tích, Chúa Giê-su đang hiện diện và hoạt động trong cộng đoàn và trong tâm hồn người tín hữu. Nhờ Bí tích Thánh Tẩy, ta được dìm vào trong dòng suối cứu độ của Chúa Ki-tô; nhờ bBí tích Thánh Thể, ta được thông phần hiến tế với Chúa Ki-tô và được chia sẻ sự sống của Ngài.
Máu và nước từ trái tim Chúa chảy ra phải chăng chỉ là máu và nước? Không, Giáo Hội nhìn thấy nơi đây suối nguồn của tình yêu. Trái tim Chúa bị đâm thâu trở nên cánh cửa mở ra để tình yêu tuôn tràn trên chúng ta. Tình yêu đó Giáo Hội gọi là Thánh Thần. Đó cũng là hồng ân Chúa Giê-su ban tặng cho Giáo Hội khi Ngài ra đi. Một trái tim bị đâm thâu diễn tả một tình yêu được mở ra và trao ban. Tình yêu ấy được thể hiện trong suốt cuộc đời dương thế của Chúa Giê-su. Khi chứng kiến dân chúng nghèo đói cơm bánh và Lời Chúa, Ngài đã chạnh lòng thương dạy dỗ và nuôi sống họ. Khi gặp những người đau khổ, bệnh tật, chết chóc, trái tim Chúa Giê-su đã thổn thức, Ngài đã khóc thương chữa lành và cứu sống họ. Khi bị chống đối trên đường rao giảng, Ngài kiên nhẫn giáo huấn và đón nhận họ. Khi bị bắt, bị đánh đòn và vu khống, Ngài đã lặng thinh và tha thứ. Khi bị sỉ nhục và bị đóng đinh vào thập giá, Ngài đã bào chữa và cầu nguyện để xin Chúa Cha tha cho kẻ giết mình... Chúa Giê-su đã sống như vậy để trao ban và cứu con người khỏi chết bở tội ác con người gây nên. Sau khi đã tắt thở để về với Chúa Cha, Ngài còn tiếp tục chịu đâm thâu trái tim, để giọt nước và máu cuối cùng cũng chảy ra cho nhân loại.
Trái tim của Thiên Chúa rung động vì cảm thương loài người nên Ngài luôn đổ tràn tình thương xuống cho nhân loại. Trái tim ấy không đầu hàng trước sự vô ơn bạc nghĩa, từ chối của con người. Từ trái tim bị đâm thủng vì tội lỗi con người, Chúa đã tuôn trào nguồn ơn cứu độ đời đời cho nhân loại. Trái tim đó không đơn giản chỉ là trái tim bình thường mà là tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Ấy vậy mà con người vẫn vô ơn bạc nghĩa trước sự hy sinh cao cả của Chúa. Một trái tim đã bị đâm thâu, đã mở rộng ra không bao giờ khép lại với bất cứ ai, cho dù người đó là kẻ chống đối, bắt bớ, đánh đập và giết chết Ngài. Ngày hôm nay, trái tim ấy vẫn mở ra để mời gọi, tha thứ và trao ban tình yêu, sự sống cho những kẻ đang âm mưu chống đối và bắt bớ Giáo Hội dưới nhiều hình thức khác nhau. Trái tim Chúa vẫn tiếp tục bị đâm thâu khi các ki-tô hữu bị giết chết, bị bắt bớ…nhất là ở những nơi chưa được tự do tôn giáo. Nếu trái tim Chúa Giê-su bị đâm thâu để mở ra và trao ban cho muôn người, thì chúng ta cũng cần phải chấp nhận để trái tim mình bị đâm thâu và mở ra chứ không phải khép lại để chỉ sống cho riêng mình. Là những người được đón nhận tình yêu trao ban cách nhưng không của Thiên Chúa, thì chúng ta cũng được mời gọi sống trao ban tình yêu ấy đến cho mọi người bằng việc: sống yêu thương tha thứ cho những người làm hại mình, sẵn sàng hy sinh đón nhận mọi khó khăn đau khổ trong cuộc sống, luôn biết quan tâm giúp đỡ người khác...
Trái tim bị đâm thâu là nguồn suối của sự sống mới, là nguồn tình yêu vô tận cho những ai tin vào tình yêu và sống cho tình yêu. Vào những giờ tăm tối nhất, vào những lúc thất vọng nhất, chúng ta hãy nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu. Dù cuộc sống của chúng ta có bi đát đến đâu, chúng ta vẫn còn có một nơi nương tựa vững chắc là trái tim của Chúa Giê-su. Thánh Thần tình yêu sẽ nâng đỡ và không bao giờ thiếu vắng cho những ai biết tin vào trái tim bị đâm thâu vì họ sẽ gặp được nguồn suối ủi an. Thế giới này có qua đi, nhưng tình yêu Thiên Chúa trao ban cho con người vẫn luôn còn mãi.
“Kính lạy Thánh Tâm Chúa Giê-su, Đấng nhân từ và dịu dàng, xin hãy uốn nắn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa, để chúng con trở nên lò lửa hằng bùng lên sự kính mến Chúa. Nhờ đó, chúng con cũng biết sống cho tình yêu, chết cho tình yêu và trao ban tình yêu đó đến cho mọi người. Amen.”
Maria Đỗ Thị Tuyết -  Cộng Đoàn Sơn Tây
.....................................................................
Suy Niệm 2
Trái Tim Yêu
(Ga 19, 31-37)
Hôm nay, cùng với Giáo hội chúng ta mừng lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su. Qua đó, Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta chiêm ngắm trái tim yêu của Thiên Chúa, đặc biệt nơi Đức Giê-su Ki-tô, để rồi chúng ta noi theo và sống tình yêu trong cuộc đời.
Bài đọc I: Ngôn sứ Hôsê (x.Hs11,1.3-4,8-9) trình bày về một Thiên Chúa với trái tim yêu thương, trái tim ấy nhói đau khi thấy con cái là dân Ít-ra-el bị đàn áp và nô lệ bên Ai Cập, nên đã ra tay uy quyền giải thoát. Bên cạnh đó, bằng những hình ảnh rất gần gũi và thân thuộc như: tập đi, đỡ cánh tay, áp má, đút cho ăn…cho chúng ta thấy Thiên Chúa giống người cha chăm sóc, nâng niu con như một đứa trẻ. Hơn thế nữa, Hô-sê còn khắc họa một Thiên Chúa bao dung tha thứ, trái tim luôn thổn thức và bồi hồi. Thổn thức và bồi hồi vì yêu và chờ đợi. Trái tim yêu thương hết lòng hướng về người mình yêu, dù có thể mang nhiều thương đau vì bội bạc, bất trung. Một tình yêu người đời không thể chấp nhận và hiểu thấu “yêu cho đến nỗi” (Ga 3, 16).
Với bài Tin Mừng, thánh sử Gioan cho chúng ta chiêm ngắm trái tim bị đâm thâu của Đức Giê-su trên thánh giá. Đó chính là đỉnh cao của tình yêu, một tình yêu hy sinh, tự hiến, một hy tế đã hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Tình yêu cho đi đến giọt máu cuối cùng. Và quả thật, máu và nước chảy ra đã đem lại cho nguời chứng kiến niềm xác tín về ơn cứu độ nơi Đức Giê-su. Lưỡi giáo vô tri có thể đã kết thúc cuộc đời của biết bao người trong buồn đau thê thảm, nhưng hôm nay với vết thương mà nó gây ra nơi canh sườn Đức Giê-su, trở thành lời mời gọi mọi người khám phá mối tình mãnh liệt đã nung nấu trái tim Người suốt đời. Thật vậy, chúng ta dành chút thời gian để chiêm ngắm tình yêu của Đức Giê-su trên hành trình dương thế. Cả cuộc đời Người là lời chứng của tình yêu. Vì yêu thương mà Người đã hạ mình từ bỏ địa vị của một Thiên Chúa, để nhập thể và nhập thế trong thân phận con người. Giê-su ấy đã âm thầm sống chữ yêu trong mái nhà Na-da-rét với cha Giuse và Mẹ Maria. Thế rồi, trong khoảng 3 năm đi rao giảng Tin Mừng, tình yêu của Đức Giê-su đã khiến đôi chân Ngài không biết mệt mỏi, rảo khắp nơi khắp chốn loan báo tình thương của Thiên Chúa.  Tình yêu ấy cũng khiến đôi tay Ngài đưa ra chữa lành và cứu vớt bao cảnh đời đau khổ (x. Mt 9,32-34; Lc 13,10-17) đem đến cho họ bình an, hạnh phúc, phẩm giá của con người và con Thiên Chúa. Trái tim ấy đã chạnh lòng khi thấy đám đông dân chúng lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt (x. Mc 6, 30-44). Trái tim ấy cũng cảm thông với nỗi đau của bà góa thành Naim có đứa con duy nhất chết nên đã phục hồi cho anh sự sống (x Lc 7,11-17). Trái tim ấy đã thương cảm và cứu vớt cuộc đời của Madalena, cho cô một chân trời tươi sáng. Trái tim ấy, đã bao dung trước sai lỗi của Phê-rô để rồi trao cho ông một ánh mắt trìu mến, nhờ đó ông hoán cải và trở thành con người mới. Hơn nữa, tình yêu ấy còn trao ban chính Mình và máu Ngài làm của ăn của uống cho con người.
Thánh Phaolo vị tông đồ dân ngoại đã nhận được tình yêu của Đấng Phục Sinh, suốt cuộc đời ông đã làm chứng và rao giảng về tình yêu ấy không biết mệt mỏi. Vì thế, hôm nay trong lá thư gửi giáo đoàn Ê-phê-sô, ông đã quỳ gối xin cho anh chị em tín hữu được dồi dào mọi ơn huệ của Thiên Chúa, đặc biệt là “xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái”(Ep 3,17). Đó chính là tấm lòng của một người cha, người thầy, người đứng đầu, người lãnh đạo nguyện xin cho người thân yêu, người anh em của mình, khi thánh nhân ý thức được rằng đức ái hay tình yêu chính là nền tảng của cuộc đời.
Vâng! Có lẽ một chút suy tư trên cũng phần nào cho chúng ta thấy được tình yêu là gì? Hay yêu như thế nào và vai trò cùng sức mạnh của tình yêu. Hãy yêu như Chúa yêu. Yêu thương là biết nghĩ, biết quan tâm chăm sóc và hướng tới người khác nhiều hơn. Yêu thương đủ nhiều sẽ biến con người thành người nhân hậu, cao cả. Khi yêu thương chúng ta sẽ sẵn sàng cho đi nhiều hơn, khi sống với những người xung quanh bằng tình yêu, ta sẽ nhận lại được những tình cảm quý trọng thương yêu, sự thành thật từ những người bên cạnh… Một trái tim yêu là là trái tim sống vị tha, bao dung, biết chia sẻ và làm cho đời sống tốt đẹp.
“Lạy Chúa Giê-su, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa. Trái tim yêu thương ấy, dù có bị đâm thâu, dù có bị đổ hết máu và nước, tình yêu ấy vẫn: “Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm” (Tv 103, 8 ). Giữa một thế giới mà người ta “sống vội”, “sống sơ sài” và giá trị của con người được đo bằng địa vị và tiền bạc, xin cho chúng con biết sống chậm lại và nghĩ khác đi cùng yêu thương nhiều hơn. Xin thanh tẩy trái tim chúng con để biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ, bao dung, đồng cảm với người bên cạnh. Xin cho chúng con ý thức rằng mỗi ngày, mỗi giây phút chúng con sống và hiện diện trên cuộc đời là là quà tặng, là hồng ân và cơ hội để chúng con yêu và được yêu; vì thế, chúng con phải trân trọng và làm cho giá trị những khoảnh khắc ấy.
Lạy Thánh Tâm Chúa Giê-su, là những người tu sĩ, có lẽ chúng con phải tự vấn lương tâm mình nhiều hơn nữa rằng: Chúng con đã sống tình yêu chưa? Chúng con đã, đang và sẽ làm gì để đáp lại trái tim yêu của Đức Giê-su đã hy sinh đến giọt máu cuối cùng để chuộc lấy?  Chúng con cũng xin lỗi Chúa vì đôi khi chúng con sống ích kỷ, nhỏ nhen, thiếu bao dung hay tha thứ, thiếu quan tâm đến người khác, và có lẽ chúng con cũng rất thiếu những lời nguyện cầu tốt đẹp cho người bên cạnh và đặc biệt là lời cầu nguyện cho người chị em cùng lý tưởng với chúng con. Amen.”
                                                                      Cộng đoàn Mến Thánh Giá Tình Lam
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log