Dấn Thân Cho Tin Mừng
Chúng ta tin rằng, sự hiện hữu của chúng ta trên cõi đời này không phải do một sự ngẫu nhiên hay tình cờ, nhưng nó nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa. Và mỗi chúng ta đều mang một sứ mạng cao cả trong thế giới này, như Thánh Phaolô xác tín: “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Kitô, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2,10). Chân phước John Henry Newman khi suy nghĩ về ơn gọi của mình cũng nhận định: “Tôi được tạo dựng để thực hiện một điều đặc biệt, để trở nên một người độc đáo. Thiên Chúa đã dự tính cho tôi một vị trí trong kế hoạch của Người, dù tôi giàu hay nghèo, dù được khen ngợi hay bị khinh bỉ, Thiên Chúa vẫn biết đến và gọi chính tên tôi”. Thật vậy, mỗi sự hiện hữu là một mầu nhiệm trong kế hoạch của Thiên Chúa, nơi đó Thiên Chúa muốn mỗi người cộng tác phần mình vào việc loan báo Tin mừng và làm cho vườn hoa của Giáo Hội thêm rạng rỡ.
Mừng kính hai thánh Tông đồ Phêrô-Phaolô, Giáo Hội mời gọi con cái mình cùng chiêm ngắm hai mẫu gương của sự dấn thân cho Tin Mừng. Đó cũng chính là sứ mạng mà các ngài đã được lãnh nhận từ Đấng Phục Sinh. Nơi ấy, các ngài đã không quản ngại những khó khăn, nhưng can trường hy sinh cho Tin Mừng được đến với muôn người. Là những con người bình thường, thậm chí là tầm thường, nhưng các ngài đã nghe tiếng gọi của Chúa và cất bước theo Người, dẫu hành trình đó bấp bênh như Đức Giêsu đã khẳng định: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Thật vậy, với Thánh Phêrô, cuộc hành trình được bắt đầu với lời mời gọi “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4, 19). Từ một ngư phủ quê mùa ít học, mộc mạc và bình dị, ông đã được Chúa kêu mời làm môn đệ. Ông đã không ngần ngại dấn bước theo Thầy dù không có một bảo đảm nào cho tương lai. Thứ mà ông nhận được không phải là của cải vật chất, nhưng là triều thiên của một vị thánh và tên được ghi trên trời (x.Lc 10,17-24). Những tháng ngày theo Chúa, thánh nhân luôn tỏ ra một người năng động, mạnh mẽ, can trường, xứng bậc anh cả. Tuy nhiên, ẩn sau những mạnh mẽ ấy là cả một con người yếu đuối và nhát đảm. Bởi thế, khi đứng trước cảnh náo loạn khi quân lính bắt Thầy, ông lẩn trốn và chỉ dám theo Người xa xa. Nhất là khi đứng trước những chất vấn của người tớ gái, ông đã thẳng thừng tuyên bố: “tôi thề, tôi không biết người các ông nói đó” (Mc 14,71). Tuy nhiên, khi nghe tiếng gà gáy, ông đã sực nhớ tới lời cảnh báo của Thầy, ông đã nhìn thấy ánh mắt Thầy đang nhìn ông, một ánh mắt thấu cảm yêu thương và đầy lòng thương xót. Chính ánh mắt ấy một lần nữa thôi thúc ông hoán cải và ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa. Để rồi, sau những thăng trầm trong vai trò của một nhà truyền giáo, ngài đã được cùng hưởng vinh phúc trong Nước Thiên Chúa.
Còn đối với thánh Phaolô, ngài không phải là môn đệ đi theo Đức Giêsu ngay từ đầu mà ngài đã nhận rằng mình là một đứa trẻ sinh non (x.1Cr 15,8). Bởi lẽ, thánh nhân đã được Đức Giêsu kêu gọi chính khi ngài đang cao ngạo với sự oai phong của mình. Biến cố Đamas đã gúp thánh nhân nhận ra ơn gọi và sứ mạng của mình, để nhờ đó ngài đã xác tín “Đối với tôi, sống là Đức Ki tô và chết là một mối lợi” (Pl1,21). Thật vậy, trước đây, Phao lô khét tiếng với việc bắt bớ các Kitô hữu. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ Đức Kitô Phục sinh trên đường Đamas đã đánh dấu một bước tiến lớn trong cuộc đời của thánh nhân. Ngài trở nên khí cụ của Thiên Chúa để loan báo Tin Mừng cho dân ngoại như ngài từng thâm tín: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho dân ngoại”. (Gl 1,15-16). Cũng chính trong niềm xác tin ấy mà thánh nhân đã dành trọn phần đời còn lại để cộng tác với các Tông đồ trong sứ mạng loan báo Tin Mừng với xác quyết “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki tô vào thập giá. Tôi sống nhưng không còn phải là tôi mà là Đức Ki tô sống trong tôi” (Gl 3,20) và “Tôi có là gì đều bởi ơn Chúa (1 Cr 15,10).
Mừng kính hai thánh Tông đồ, mỗi Kitô hữu được mời gọi nhìn lại ơn gọi của chúng ta giữa lòng Giáo Hội. Mỗi chúng ta được sinh ra, được nuôi dưỡng trong lòng Mẹ Giáo Hội và sứ mạng của mỗi chúng ta cũng là dấn thân cho Tin Mừng. Thật vậy, ơn gọi của chúng ta không thuần túy là ơn gọi làm người, nhưng chúng ta được trở nên con cái Chúa nhờ phép rửa. Nhờ đó, chúng ta cũng được tham dự vào ba chức vụ: Tư tế, ngôn sứ và vương đế. Bởi thế, chúng ta cũng có sứ mạng cộng tác vào việc làm cho muôn dân nhận biết Chúa. Vậy chúng ta đã sống và thực thi sứ mạng đó như thế nào? Trong đời sống thường ngày, chúng ta có sẵn sàng trở nên ánh sáng và muối để ướp mặn trần gian? Chúng ta có là phản chiếu khuôn mặt của Thiên Chúa ngang qua đời sống của mình hay chúng ta đã và đang làm méo mó khuôn mặt của Thiên Chúa. Là người con của Giáo Hội, mỗi chúng ta được mời gọi noi gương các vị thánh trong việc dấn thân, hy sinh cho Tin Mừng. Chiêm ngắm những hy sinh đó, mỗi chúng ta cũng được thúc đẩy để trở nên những chứng nhân cho Tin Mừng của Đức Kitô. Nhất là trở nên những con người nhiệt thành và nhiệt tâm xây dựng Nước Chúa.
"Lạy Chúa, trong ngày lễ kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, chúng con xin Chúa cho chúng con biết noi gương các ngài mà hăng hái dấn thân, không sợ khó, không ngại khổ, nhưng can trường dấn thân cho Tin Mừng. Amen"
Cộng đoàn MTG Mộc Châu