Thứ ba, 22/10/2024

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

Cập nhật lúc 12:16 14/08/2024
 
Đặc ân Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời được đức giáo hoàng Pio XII đã công bố ngày 1/11/1950. Đây là hồng ân cao cả Thiên Chúa dành tặng cho Đức Maria, và đây cũng là món quà Thiên Chúa muốn cho con cái mình thấy được giá trị của thân xác hay hư nát này. Hơn thế nữa, Đức Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác còn mang lại cho chúng ta niềm hy vọng, cậy trông, và đầy ủi an, như một bảo chứng cho  chúng ta thấy về cuộc sống mai sau.
Thật vậy, con người là thụ tạo được Thiên Chúa tạo dựng nên, nhưng là thụ tạo cao cấp vì có hồn và có xác. Thân xác hay hư nát do tội tổ tông để lại là con người phải chết. Với thân xác của Đức Mẹ cũng là thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên, nhưng Mẹ đã được ban cho đặc ân cao cả đó là thân xác không bị hủy diệt. Vì Mẹ được Thiên Chúa gìn giữ ngay từ trong cung lòng bà thánh Anna, không vướng mắc tội tổ tông. Mẹ được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội. Mẹ sạch tội tổ tông là do quyền năng và tình yêu Thiên Chúa dành cho Mẹ. Quyền năng và tình yêu ấy bao phủ suốt cuộc đời Mẹ, qua từng suy nghĩ cũng như hành động hay mỗi bước chân đi khiến cho Mẹ luôn hướng về Chúa mà tạ ơn và ngợi khen liên lỉ. Tình yêu và quyền năng ấy đong đầy khi Mẹ được cất nhắc cả hồn lẫn xác lên trời. Đây là đặc ân cao cả và triều thiên sáng chói bao phủ lên Mẹ: Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả.
Như thế, chúng ta thấy thân xác có giá trị rất lớn. Ngày xưa, người ta rất coi trọng linh hồn, vì thân xác hay hư nát không tồn tại, còn linh hồn thiêng liêng bất tử không diệt vong. Với xã hội ngày nay, người ta rất đề cao thân xác, người ta chú ý đến ngoại hình vóc dáng, và còn dùng nhiều cách thức khác nhau làm cho thân xác mình trở nên hoàn mỹ nhất, nhưng lại quên mất phần linh hồn. Nói như vậy, thì thân xác bị tách rời khỏi linh hồn. Vậy chúng ta mừng lễ Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác, chứ không chỉ có linh hồn thôi, chúng ta đâu thấy được? Ta thấy thân xác Đức Mẹ trở thành đền thờ và cung lòng thanh khiết đón Đức Giêsu nhập thể. Con Thiên Chúa phải được thụ thai trong thân xác tinh tuyền không tì vết với một tâm hồn yêu mến Thiên Chúa  bằng việc luôn lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Trong Kinh Thánh nói con người không chỉ có xác và hồn nhưng là con người là xác, là hồn. Từ nay Mẹ về trời nắm giữ vai trò quan trọng: là Nữ Vương Đất Trời và trổi vượt hơn mọi loài thụ tạo với địa vị Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta. Đặc biệt, Mẹ luôn được hạnh phúc nhờ lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. Thánh Luca còn nhấn mạnh: Đức Maria hằng ghi nhớ và suy niệm trong lòng. Đức Maria chỉ lo sống cho Chúa, khiêm tốn và tinh tuyền. Chính Mẹ trở thành Lời, và Mẹ đã cưu mang Ngôi lời Thiên Chúa.
Hơn nữa, Mẹ còn là hòm bia Thiên Chúa ngự trị giữa trần gian. Thời Cựu ước Hòm Bia tượng trương cho sự có mặt của Thiên Chúa giữa dân Do Thái, và Mẹ được xem là hòm bia vì Mẹ là nơi cư ngụ của Chúa Giêsu khi xuống trần, từ lúc sứ thần truyền tin. Khi Mẹ đáp tiếng xin vâng thì cung lòng Mẹ trở nên Hòm Bia cho Thiên Chúa ngự. Vì thế, Mẹ đã cưu mang Chúa và đem Chúa vào trần gian. Cho nên, Mẹ chính là hòm bia của Giao ước mới, Mẹ rất xứng với danh xưng đó vì trong cung lòng Mẹ thanh khiết tinh tuyền, sự tinh tuyền của Mẹ không chỉ là bia đá nhưng là Thiên Chúa hiện thân, và chính Mẹ là Đức Nữ vẹn tuyền không tì vết của tội lỗi. Cho nên, sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế Mẹ đã được lên hưởng vinh quang Thiên Quốc cả hồn lần xác. Đây quả là hồng ân trọng đại, và cốt lõi của hồng ân ấy là do sự gắn kết với Chúa Giêsu, cũng là sự tham dự độc nhất vô nhị của Mẹ vào sự phục sinh của con mình và thể hiện trước sự phục sinh của các kitô hữu.
Trong kinh Tín Kính, chúng ta tuyên xưng xác loài người sống lại, vì thế lễ Đức Mẹ lên trời là lời xác quyết và là bảo chứng cho chúng ta về sự sống lại đời sau. Chúng ta hãy tuyên xưng về niềm xác tín ấy, qua việc chúng ta sống thánh giữa đời, qua mỗi chặng đường vui, sáng, thương, mừng trong cuộc sống của chúng ta.

 
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Mộc Châu
                                                                           

                        
  EM THẬT CÓ PHÚC VÌ ĐÃ TIN
 
Người đời vẫn thường dùng từ “phúc” kèm theo những danh từ để khen tặng nhau. Chẳng hạn như: gương mặt phúc hậu, gia đình có phúc, người có phúc… Tuy nhiên, khi lật mở những trang Kinh thánh, ta bắt gặp lời khen“có phúc” của người phụ nữ son sẻ Êlisabet dành cho Đức Maria không giống bất cứ tiêu chuẩn nào đã nghe trước đó: “Em thật có phúc vì đã tin (Lc 1,45). Cái phúc của Mẹ Maria là cái “phúc” mà không ai có thể cầm nắm, hay cân đo đong đếm được. Quả vậy, Mẹ có phúc bởi Mẹ đã tin vào Thiên Chúa với một niềm tin tuyệt đối, không chút gợn sóng. Niềm tin ấy, cái phúc ấy nơi Mẹ vẫn luôn là bài học cho mỗi người kitô hữu trên hành trình lữ hành về quê trời.
Vậy đức tin là gì? Theo GLHTCG số 142-143: “Đức tin được nhìn trong bối cảnh của cuộc đối thoại: là việc Thiên Chúa mạc khải, mời gọi con người và con người đáp lại lời mời gọi đó. Hành vi đáp lại này được diễn tả qua hai thái độ: vâng phục và gắn bó”.
Thật vậy, nhìn vào đời sống đức tin của Mẹ, điều đầu tiên chúng ta nhận thấy nơi Mẹ đó là một thái độ vâng phục thánh ý Thiên Chúa. “Này bà sẽ thụ thai và sinh hạ một người con trai…” (Lc 1,30). Trước thánh ý cao siêu nhiệm mầu vượt quá trí hiểu biết của con người, Mẹ đã không chút nghi nan nhưng tự do đón nhận một cách mau mắn và trọn vẹn. Với niềm tin tưởng tuyệt đối vào Lời Chúa và quyền năng của Ngài. Mẹ chấp nhận tất cả những điều sẽ xảy đến cho mình, dù mang tiếng là ngoại tình, bị Giuse hiểm nhầm, hay phải chết vì bị ném đá theo luật Do Thái. Đồng thời, Mẹ gạt đi mọi dự định cũng như kế hoạch trong tương lại của mình để cho Chúa thực hiện những điều “táo bạo” và “lạ lùng” trong cuộc đời Mẹ: “Thụ Thai bởi phép Chúa Thánh Thần” (Lc 1,35). Nhờ đức tin Đức Maria đã trở nên Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa, là niềm hạnh phúc mà bao phụ nữ Do thái thời đó mong ước đợi trông “Em có phúc hơn mọi người phụ nữ” (Lc 1,42). Niềm vui và hạnh phúc đó Mẹ đã không giữ cho riêng mình, Mẹ đã mau mắn lên đường đến với người chị họ là bà Elisabeth để chia sẻ niềm vui hạnh phúc, đến với ông Dacaria để động viên và củng cố đức tin cho ông. Đặc biệt là sự gặp gỡ giữa hai hài nhi còn trong dạ mẹ (Lc 1,44). Đây chính là giây phút lòng Mẹ tràn ngập niềm hân hoan, niềm vui của Mẹ được nhân lên gấp bội và Mẹ đã cất lên lời kinh tạ ơn Thiên Chúa (Magnificat).
Như tổ phụ Ápraham đã từng bước đi trong đêm tối của niềm tin thế nào thì Mẹ cũng dấn thân trong hành trình phiêu lưu của đời sống đức tin như vậy. Những khoảnh khắc của thử thách và nghịch lý bắt đầu đan xen với những khoảnh khắc tràn đầy ân sủng. Những nghịch lý mà Mẹ phải đối diện chính Mẹ cũng không hiểu: một Hài Nhi được tiên báo là Con Thiên Chúa mà lại sinh ra trong cảnh khó khăn thiếu thốn, không cửa không nhà. Vừa sinh ra đã có kẻ thù tìm giết. Tội tình chi một Hài Nhi đơn sơ bé bỏng. Rồi những lời tiên tri về Hài Nhi của cụ già Simêon (Lc 2,34). Mẹ cũng không khỏi lo lắng khi lạc mất con trong Đền thờ, cũng không khỏi ngỡ ngàng trước đứa con mới có 12 tuổi lại ngồi đối đáp với các thầy dạy trong Đền thờ. Những điều này làm Mẹ không hiểu (Lc 2,50). Tất cả mọi chương trình, suy nghĩ của Mẹ như bị đảo lộn. Không chỉ dừng ở đó, mỗi ngày nghịch lý lại càng gia tăng khi tất cả mọi thăng trầm trong cuộc đời của Con, tất cả những hiểu lầm, những sự ruồng bỏ chống đối ngày càng gia tăng. Tất cả những điều đó tưởng chừng như sẽ làm cho niềm tin của Mẹ bị lung lay và chao đảo. Nhưng không! Những điều đó đều in sâu trong tâm hồn Mẹ và nó được ví như những nắm men để làm dậy thêm niềm hy vọng và tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa nơi Mẹ.
Đức tin nơi Mẹ mỗi ngày cần một sự đòi hỏi khắt khe hơn, đó là giây phút Mẹ chứng kiến cái chết nhục nhã của Con Mẹ trên cây thập giá. Còn gì buồn hơn khi người mẹ mất đi đưa con yêu quý và duy nhất của mình, còn gì đau hơn khi Mẹ chứng kiến tận mắt người ta đánh đập, đóng đinh xỉ nhục nhạo báng con mình, trái tim Mẹ như bị đâm thâu. Thật đúng như lời tiên tri của cụ già Sinêon “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”. Trước những đau đớn cùng cực đó dường như sẽ làm cho Mẹ ngã gục. Nhưng  Mẹ đã không thất vọng và ngục ngã, Mẹ vẫn kiên cường đứng vững hơn bao giờ hết. Hình ảnh Mẹ đứng dưới chân thập giá chính là bằng chứng sống động cho một đức tin kiên cường và đầy nội lực nơi một cô thôn nữ làng quê liễu yếu đào tơ. Lúc này đây, đức tin của Mẹ đạt đến cực độ. Có thể nói, những gì thánh tông đồ Phaolô nói về Ápraham trong thư Rôma chương 4 câu 18 cũng được áp dụng cho Đức Maria nhưng với lý do sâu sắc hơn: “Đức Maria đã tin tưởng, hy vọng, ngay cả khi không còn gì để hy vọng” và do đó “Mẹ đã trở thành Mẹ của mọi dân tộc. Mẹ của chúng ta trong đức tin!” (x.GLHTCG số 2676).
Mẹ đã thể hiện đức tin của mình một cách cụ thể qua lời thưa xin vâng và rồi từ hai tiếng xin vâng đó Mẹ đã hoàn toàn “đồng lao cộng khổ” với kế hoạch của Chúa cho dù gặp nhiều thử thách và đau thương, Mẹ đã gắn bó và trung tín với Chúa đến cùng. Thật đúng khi Công đồng Vaticano II đã nói về Mẹ: “Đức Trinh nữ đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin và trung thành duy trì sự kết hiệp với Con cho đến thập giá”. Như vậy, nhìn lại hành trình đức tin của Mẹ, chúng ta mới thấy và cảm nhận giá trị sâu xa những lời ca tụng ngơi khen của bà Elisabet “Em thật có Phúc vì đã tin”. Hạnh phúc và đức tin luôn song hành cùng nhau. Nhưng để có đức tin hay là niềm hạnh phúc đó là cả một quá trình được nắn đúc từ những đau thương, khó khăn và thử thách. Vì thế, chính đức tin kiên vững nơi Mẹ mà muôn người mọi thế hệ sẽ ngợi khen Mẹ “có phúc” và được Thiên Chúa ban cho những đặc ân cao cả và một trong những đặc ân mà Giáo Hội hôm nay mừng kính đó là đặc ân “Mẹ hồn xác lên trời”, để qua Mẹ Chúa muốn để lại cho chúng ta một mẫu gương về đời sống đức tin.
Quả thực, nhìn vào đời sống đức tin của người kitô hữu hôm nay. Ngày nay, con người đang chịu sự tác động mạnh mẽ bởi trào lưu “duy thực dụng”, không chỉ đối với khoa học tự nhiên nhưng cả Thiên Chúa họ cũng đòi hỏi phải được minh định một cách rõ ràng. Đồng thời, con người cũng đang chìm ngập trong một thế giới đầy biến động và bất ổn, Lời Chúa bị lãng quên, con người thiếu hiểu biết và kinh nghiệm về Chúa. Cho nên, khi đứng trước những thực trạng đó của cuộc sống, con người không chấp nhận được một Thiên Chúa im lặng và ẩn mình, đức tin của họ bị lung lay và chao đảo. Họ dễ dẫn đến tội trạng thách thức Thiên Chúa và rơi vào tình trạng đau khổ tuyệt vọng, loại Chúa ra khỏi cuộc đời của họ. Không chỉ với người kitô hữu mà với cả những người sống đời thánh hiến cũng vậy. Đời sống đức tin của họ cũng rất mong manh khi mà đời sống cầu nguyện trở lên thứ yếu trong cuộc sống, Lời Chúa không còn là điều họ để tâm và suy đi nghĩ lại trong lòng. Do đó, nhiều tu sĩ đã không đứng vững trong đời tu bởi không có sức mạnh để chiến đấu với những thách đố nơi bậc sống tu trì đòi hỏi.
Trong cuộc hành hương tại Annecy, Đức Cha Lamber được ơn soi sáng: “Trong tay Hội Thánh Công Giáo, Linh mục và tu sĩ là hai nguồn mạch tuôn đổ đức tin và đức ái xuống trên một đất nước; linh mục hiện thân của lòng nhiệt thành, liều mạng như một chiến sĩ xông pha nơi trận tuyến đầy nguy hiểm để chinh phục các linh hồn còn nữ tu là biểu tượng cho sự trong trắng và hợp đời sống cầu nguyện với công việc bác ái phục vụ để thoa dịu những nỗi khổ đau của tha nhân”.  Vì thế, trước những bối cảnh của thời cuộc hôm nay, mỗi người kitô hữu chúng ta nhất là những người nữ tu Mến Thánh Giá hơn bao giờ hết, hãy can cảm tuyên xưng đức tin của mình bằng đời sống cầu nguyện, yêu mến Lời Chúa, yêu thương phục vụ tha nhân, luôn mỉm cười và giữ tâm hồn bình an giữa những lúc sóng gió. Đồng thời, sẵn sàng đón lấy những khó khăn, gian khổ như là cơ hội người nữ tu Mến Thánh Giá sống triển nở Linh đạo và Đặc sủng của mình giữa đời để làm chứng cho tình yêu của Chúa trong xã hội hôm nay.
Lạy Chúa! Chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con một người Mẹ tuyệt vời và một mẫu gương rạng ngời về đức tin là Đức Maria. Xin cho chúng con là mỗi kitô hữu biết noi gương Mẹ luôn tin tưởng vào sự yêu thương quan phòng của Chúa giữa những lúc khó khăn thử thách. Xin cho mỗi chúng con là những tu sĩ qua lời thưa “xin vâng” trong ngày tuyên khấn biết giữ vững đức tin, luôn xác tín vào ơn gọi và trung thành theo Chúa đến cùng. Như Thánh Phaolô đã nói: “Có đức tin là nhờ nghe lời Đức Kitô” (Rm10,17), xin cho chúng con cũng biết mỗi ngày cùng Mẹ yêu mến, lắng nghe và suy niệm Lời Chúa để qua đó chúng con nhận ra thánh ý Chúa và sống triển nở trong đức tin. Nhờ đức tin Mẹ đã trở nên người nữ “có phúc”, thành thụ tạo đầu tiên được Thiên Chúa đem về trời thì xin cho chúng con cũng nhờ tin mà được trở nên những người “có phúc” như Mẹ và được hưởng ơn cứu độ Chúa hứa ban như thánh Phaolô đã quả quyết: những ai tin vào Đức Kitô thì cũng sẽ được sống lại vinh quang với Người (x.Rm 1,17). Amen.

 
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Nỗ Lực
 
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log